1. Đức Giáo Hoàng Pius thứ 11 là người đầu tiên sử dụng điện thoại di động vào năm 1932
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, trong số ra ngày 16 tháng 9 đã đưa ra một nhận định đáng kinh ngạc. Họ cho rằng Đức Giáo Hoàng Pius thứ 11 là người đầu tiên sử dụng điện thoại di động; và ngài bắt đầu sử dụng vào một thời điểm rất đáng kinh ngạc là năm 1932.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Kỹ sư người Ý Guglielmo Marconi đã lắp đặt một điện thoại vô tuyến sóng ngắn giữa Thành phố Vatican và Castel Gandolfo.
Guglielmo Marconi, kỹ sư người Ý được trao giải Nobel Vật lý năm 1909, được biết đến rộng rãi với việc phát minh ra radio. Nhưng một số bằng chứng cho thấy ông cũng chịu trách nhiệm cho việc tạo ra điện thoại di động – một chức danh hiện do Phòng thí nghiệm Bell tuyên bố. Và mặc dù thiết bị của ông không thể gửi tin nhắn văn bản và không có khả năng tải xuống và cài đặt các ứng dụng để được thưởng thức trên màn hình cảm ứng mượt mà, nhưng nó chắc chắn đủ tốt để Đức Giáo Hoàng Piô 11 thử nó.
Theo Livio Spinelli, một trong những người tổ chức cuộc triển lãm khai mạc tại Santa Marinella, một khu vực ven biển phía bắc Rôma, nơi Marconi đã tiến hành nhiều thí nghiệm của mình, vào năm 2004, có những bằng chứng được tìm thấy trong Kho lưu trữ Marconi tại Chelmsford bên Anh cho thấy nhà phát minh người Ý đã phát triển một thiết bị bao gồm một ăng-ten di động, một máy phát vi sóng và một máy phát vô tuyến khá giống với các bộ phận được sử dụng trong điện thoại di động hiện đại của chúng ta. Trên thực tế, Spinelli giải thích rằng Marconi hiểu thiết bị của mình là nguyên mẫu của “thiết bị điện thoại di động”, sử dụng “vi sóng ngắn và cực ngắn”, như được mô tả trong một bài báo do Richard Owen viết.
Marconi đã thực hiện các thí nghiệm khác nhau với nhiều máy phát khác nhau. Một trong những thử nghiệm đó là lắp đặt một điện thoại vô tuyến sóng ngắn để giữ một đường dây mở giữa Thành phố Vatican và dinh thự mùa hè của Đức Giáo Hoàng tại Castel Gandolfo, cách nhau khoảng 30 km. Năm đó là năm 1932 – chỉ một năm sau lễ khánh thành Đài phát thanh Vatican, một dự án cũng do Marconi đi tiên phong.
Cả hai sự kiện đều diễn ra, không có gì đáng ngạc nhiên, dưới triều đại giáo hoàng của Đức Piô 11 – một vị giáo hoàng nổi tiếng với nỗ lực hiện đại hóa: ngài thành lập Đài thiên văn Vatican và Học viện Khoa học Giáo hoàng, cải tạo các Thư viện Vatican, và là người đầu tiên sử dụng đài phát thanh cho các mục đích rao giảng Tin Mừng. Marconi và Đức Giáo Hoàng bằng cách nào đó là những người bạn tốt, nhưng chỉ khi nói đến công nghệ. Về mặt chính trị, hai vị này rất mâu thuẫn với nhau. Trong khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhà phát minh ủng hộ các chính sách bài Do Thái của Mussolini, thì Đức Piô 11 là tác giả của ba thông điệp lớn chống lại các hệ thống độc tài của thế kỷ 20.
Source:Aleteia
2. Không tin cũng xảy ra: Bộ trưởng Phần Lan đối mặt với án tù sau khi tweet một câu Kinh thánh
Một tòa án ở Phần Lan đã công bố ngày xét xử để xác định xem một cựu bộ trưởng chính phủ có nên bị bỏ tù sau khi viết một câu Kinh thánh hay không.
Tòa án quận Helsinki cho biết rằng vụ kiện liên quan đến Päivi Räsänen, một bác sĩ và là mẹ của 5 đứa trẻ, sẽ được xét xử vào ngày 24 tháng Giêng năm 2022.
Theo ADF International, một nhóm pháp lý Kitô Giáo đang hỗ trợ cô, Räsänen có thể bị kết án hai năm tù giam hoặc phạt tiền cho dòng tweet này, sau khi Tổng công tố Phần Lan đệ đơn cáo buộc cô tội hình sự vào ngày 29 tháng 4.
Nghị sĩ cũng có thể phải đối mặt với án tù bổ sung nếu bị kết án về hai tội danh khác liên quan đến bình luận của bà trong một cuốn sách nhỏ năm 2004 và trên một chương trình truyền hình năm 2018.
Räsänen cho biết: “Tôi chờ đợi phiên tòa với tâm thế bình tĩnh, tin tưởng rằng Phần Lan sẽ tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tôn giáo được tôn trọng trong các quyền cơ bản và các công ước quốc tế”.
“Tôi sẽ không lùi bước trước sự kết tội của mình dựa trên Kinh thánh và tôi sẵn sàng bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tôn giáo tại tất cả các tòa án cần thiết”.
“Tôi không thể chấp nhận rằng việc nói lên niềm tin tôn giáo có thể đồng nghĩa với việc bị bỏ tù. Tôi sẽ bảo vệ quyền tuyên xưng đức tin của mình, để không ai khác bị tước quyền tự do tôn giáo và ngôn luận”.
Tổng Công tố buộc tội Räsänen, người từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan từ năm 2011 đến 2015, có hành vi kích động chống lại một nhóm thiểu số, cho rằng những tuyên bố của cô “có khả năng gây ra sự không khoan dung, khinh thường và thù hận đối với người đồng tính”.
Phần Lan là quốc gia có dân số 5.5 triệu người, giáp với Na Uy, Nga và Thụy Điển. Khoảng 2/3 dân số thuộc Giáo Hội Tin lành Lutheran của Phần Lan. Giáo Hội Chính thống Phần Lan, và Giáo Hội Tin lành Lutheran được coi là hai Giáo Hội quốc gia của đất nước này.
Nghị sĩ 61 tuổi, từng là chủ tịch đảng Dân chủ Kitô Giáo từ năm 2004 đến năm 2015, là một thành viên tích cực của Giáo hội Tin Lành Luther Phần Lan. Nhưng cô đã đặt vấn đề về việc Giáo Hội của cô tài trợ cho một sự kiện tự hào LGBT vào năm 2019.
Vào ngày 17 tháng 6 năm 2019, cô đã hỏi trong một bài đăng trên Twitter về cách thức tài trợ như thế có tương thích với Kinh thánh hay không. Cô cũng đăng một bức ảnh chụp đoạn Kinh thánh, Rô-ma 1: 24-27, trên Instagram. Cô ấy cũng đăng dòng chữ và hình ảnh này lên Facebook.
“Mục đích của tôi không phải là để xúc phạm những người thiểu số về tình dục. Lời chỉ trích của tôi nhằm vào hàng lãnh đạo của Giáo Hội”, cô nói với tạp chí First Things năm ngoái.
Cảnh sát bắt đầu điều tra Räsänen vào năm 2019. Cô phải đối mặt với nhiều cuộc phỏng vấn của cảnh sát và phải đợi hơn một năm để có quyết định của Tổng công tố.
Juhana Pohjola, giám mục của Giáo phận Truyền giáo Tin lành Lutheran ở Phần Lan, cũng bị buộc tội vì xuất bản cuốn sách nhỏ năm 2004 của Räsänen có nhan đề “Nam và Nữ do Ngài tạo ra”.
Paul Coleman, giám đốc điều hành của ADF International, cho biết: “ Trong một xã hội tự do, mọi người nên được phép chia sẻ niềm tin của họ mà không sợ bị kiểm duyệt. Quyết định của Tổng công tố Phần Lan đưa ra những cáo buộc này chống lại Tiến sĩ Räsänen tạo ra một thứ văn hóa sợ hãi và kiểm duyệt”.
Source:Catholic News Agency
3. Thống đốc New York thề sẽ giúp phụ nữ Texas phá thai ở tiểu bang của bà ta
Thống đốc New York Kathy Hochul hôm thứ Tư nói rằng bà sẽ giúp những phụ nữ Texas đến tiểu bang của bà để phá thai.
Một đạo luật của Texas có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 cấm hầu hết các trường hợp phá thai sau khi phát hiện tim thai, có thể sớm nhất là khi thai được sáu tuần. Nó được thực thi thông qua các vụ kiện dân sự.
Hochul – một người Công Giáo đã trở thành thống đốc vào ngày 24 tháng 8 sau khi Andrew Cuomo từ chức – hôm thứ Năm nói rằng bang của bà ta đang xem xét các lựa chọn để giúp phụ nữ Texas đến New York để phá thai.
“Đối với phụ nữ ở Texas, họ cần biết: chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm đường đến New York và hiện tại chúng tôi đang ráo riết tìm kiếm những nguồn lực mà chúng tôi có thể mang đến để giúp các bạn có phương tiện giao thông an toàn ở đây và cho các bạn biết địa chỉ của những nhà cung cấp sẽ hỗ trợ bạn trong thời điểm bạn cần”, Hochul cho biết trong một cuộc họp báo hôm 15 tháng 9.
“Các bạn không đơn độc”, Hochul nói với các phụ nữ ở Texas. “Những người chị em của các bạn, những người anh em đã khai sáng, có đầu óc mở mang, ở bang New York sẽ giúp các bạn bằng mọi cách mà chúng tôi có thể”.
Người phát ngôn của văn phòng Hochul đã không có bình luận ngay lập tức vào hôm thứ Năm, liên quan đến câu hỏi liệu công quỹ có được sử dụng để vận chuyển phụ nữ từ Texas đến New York phá thai hay không.
Những bình luận của Hochul được đưa ra ngay sau thông báo của bà ta vào ngày 13 tháng 9 theo đó bà ta sẽ đưa ra một chương trình nghị sự tích cực mới để duy trì việc phá thai ở tiểu bang New York.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Bênêđíctô 16: Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là ‘sự xuyên tạc bóp méo’ con người
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô 16 nhận định rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở nhiều quốc gia là “sự bóp méo lương tâm” con người, và ngài cảm thấy âu lo vì điều này cũng đã xâm nhập vào một số giới Công Giáo.
Trong phần giới thiệu tuyển tập các tác phẩm mới của ngài về Âu Châu, Đức Bênêđíctô 16 nói rằng “với việc hợp pháp hóa ‘hôn nhân đồng tính’ ở 16 quốc gia Âu Châu, vấn đề hôn nhân và gia đình đã mang một tầm vóc mới mà chúng ta không thể thờ ơ”.
“Chúng ta đang chứng kiến sự méo mó lương tâm rõ ràng đã thâm nhập sâu vào các thành phần của người Công Giáo”, vị giáo hoàng danh dự viết. “Chúng ta không thể đáp lại điều này chỉ bằng một số tranh biện ngắn gọn về luân lý hoặc thậm chí bằng các chú giải Kinh Thánh. Vấn đề đi sâu hơn và do đó phải được giải quyết tận căn”.
Phần giới thiệu, được đăng trên tờ báo Ý Il Foglio vào ngày 16 tháng 9, được viết cho cuốn sách tiếng Ý “Châu Âu thực sự: Bản sắc và sứ mệnh”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết lời tựa cho cuốn sách, trong đó tập hợp các bản văn của Đức Bênêđictô XVI được viết cả trước và trong triều đại giáo hoàng của ngài, kéo dài từ năm 2005 đến năm 2013.
Trong lời nói đầu, Đức Phanxicô đã viết rằng “ngoài rất nhiều lời nói và những lời tuyên bố nghe có vẻ cao sang, ngày nay ở Âu Châu, ý tưởng tôn trọng chính sự sống của mỗi con người ngày càng bị mất đi, bắt đầu với sự mất ý thức về sự thiêng liêng của nó, nghĩa là bắt đầu chính xác từ sự bối rối của ý thức rằng chúng ta là tạo vật của Chúa”.
“Trong nhiều năm, Đức Bênêđíctô 16 không ngại tố cáo, với lòng can đảm và sự nhìn thấy trước nhiều biểu hiện của việc từ bỏ ý tưởng sáng tạo một cách triệt để này, cho đến những hậu quả cuối cùng, hiện tại, được mô tả một cách hoàn toàn rõ ràng và thuyết phục trong phần giới thiệu” Đức Thánh Cha Phanxicô viết.
Trong phần giới thiệu của mình, Đức Bênêđíctô 16 nói rằng điều quan trọng là phải nhận ra rằng khái niệm “hôn nhân đồng tính” là “mâu thuẫn với tất cả các nền văn hóa của nhân loại đã tiếp nối nhau cho đến nay, và do đó biểu thị một cuộc cách mạng văn hóa chống đối toàn bộ truyền thống của nhân loại cho đến tận ngày nay”.
Ngài chỉ ra rằng chúng ta không nghi ngờ gì khi thấy các nền văn hóa khác nhau có những quan niệm pháp lý và đạo đức khác nhau về hôn nhân và gia đình, chẳng hạn như sự khác biệt sâu sắc giữa chế độ đa thê và một vợ một chồng.
Nhưng ngài nhấn mạnh rằng cộng đồng cơ bản chưa bao giờ đặt câu hỏi về thực tế rằng sự tồn tại của con người dưới dạng nam và nữ là để duy trì nòi giống, “cũng như thực tế là sự kết hợp giữa người nam và người nữ cởi mở với việc lưu truyền sự sống xác định thực chất của cái được gọi là hôn nhân”.
“Xác tín cơ bản là loài người tồn tại với tư cách là những người nam và những người nữ; rằng việc truyền sự sống là một nhiệm vụ được giao cho nhân loại; rằng chính sự kết hợp giữa nam và nữ phục vụ nhiệm vụ này; và rằng trong điều này, vượt lên mọi sự khác biệt, về cơ bản, hôn nhân bao gồm việc lưu truyền sự sống, và đó là một xác tín nguyên thủy đã hiển nhiên đối với nhân loại cho đến nay”, Đức Bênêđíctô viết.
Vị giáo hoàng danh dự đã viết rằng sự biến động cơ bản của ý tưởng này đã được đưa ra với việc phát minh ra thuốc tránh thai, và khả năng tách biệt hôn nhân và tình dục.
“Tách biệt này trên thực tế khiến cho tất cả các hình thức của tình dục là tương đương. Không còn một tiêu chí cơ bản nào có thể tồn tại”.
Theo Đức Bênêđíctô, tình trạng mới này đã biến đổi sâu sắc lương tâm của con người – trước hết là dần dần và bây giờ rõ ràng hơn.
Ngài nhận định tiếp rằng từ sự tách biệt giữa tính dục và khả năng sinh sản, đi đến điều ngược lại: “Khả năng sinh sản, một cách tự nhiên, có thể được nghĩ đến ngay cả khi không có tình dục”.
Đức Bênêđíctô 16 lưu ý rằng dường như ngày nay con người không còn tin tưởng vào việc sinh sản từ quan hệ luyến ái phu phụ “mà là lên kế hoạch và sản sinh ra con người một cách hợp lý”.
Do đó, con người không còn là một ân sủng để đón nhận mà là “một sản phẩm do chúng ta lập kế hoạch”.
Ngài nhấn mạnh rằng logic đó sẽ dẫn dắt đến logic này: nếu chúng ta có thể lập kế hoạch để tạo ra sự sống, thì chúng ta cũng có thể lập kế hoạch để tiêu diệt nó. Ngài lưu ý rằng đang có sự ủng hộ ngày càng tăng đối với việc trợ tử và an tử như “một kết thúc có kế hoạch cho cuộc đời của một người. Đó là một phần không thể thiếu của xu hướng vừa được mô tả”.
Theo Đức Bênêđíctô vấn đề về hôn nhân đồng giới không phải là vấn đề “rộng rãi và cởi mở hơn một chút. Đúng hơn, câu hỏi cơ bản được đặt ra: con người là ai? Và cùng với câu hỏi ấy là câu hỏi liệu có một Đấng Sáng tạo hay không, và phải chăng tất cả chúng ta chỉ là những sản phẩm được sản xuất”.
“Sự thay thế này nảy sinh: hoặc con người là tạo vật của Đức Chúa Trời, anh ta là hình ảnh của Đức Chúa Trời, anh ta là một món quà từ Đức Chúa Trời, hoặc con người là một sản phẩm mà chính anh ta biết cách tạo ra”, Benedict XVI viết.
Ngài nhận xét rằng phong trào sinh thái đã xác lập rằng có những giới hạn đối với tự nhiên mà chúng ta không thể bỏ qua, và theo cách tương tự, một người sở hữu một bản chất đã được ban cho anh ta “và việc vi phạm hoặc phủ nhận nó sẽ dẫn đến sự tự hủy hoại”.
“Đây cũng là trường hợp với sự sáng tạo của con người có nam có nữ, đang bị bỏ qua trong các giả thuyết về ‘hôn nhân đồng tính’”
Source:Catholic News Agency