Ðức Giêsu Kitô trong tin mừng Luca

I. ÐỨC KITÔ VÀ HỘI THÁNH.

A. HƯỚNG VỀ GIÊRUSALEM.

  1. Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu và thánh Marcô, việc quy hướng về Giêrusalem nơi Ðức Giêsu thực hiện sứ mạng cứu độ, chỉ tỏ hiện khoảng giữa thời gian hoạt động công khai của Ðức Giêsu.
    Ðối với thánh Luca, con đường tiến về Giêrusalem đã được vẽ ra ngay từ đầu, khi Ðức Giêsu xuất hiện công khai.
    Một số dẫn chứng sau đây làm nổi bật ý tưởng đó.
    1. Trình thuật về việc Ðức Giêsu chịu thử thách (Lc 4,1-13).
    Thoạt đọc qua, chúng ta sẽ không thấy ngay điều khác biệt giữa câu chuyện của thánh Luca với câu chuyện của thánh Matthêu.

    MATTHÊU
    4, 1-4 :
    Và tên cám dỗ tiến lại nói với Ngài :
    “Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho các viên đá này biến thành bánh”.·  Ðã viết : Người ta sống không chỉ nhờ bánh, nhưng là nhờ vào mọi lời xuất từ miệng Thiên Chúa.
    LUCA
    4,1-4 :
    “Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho viên đá này biến thành bánh”.·  Ðã viết rằng : người ta sống không chỉ nhờ bánh.
    4,5-7 :
    Bấy giờ ma quỷ đem Ngài theo nó đến Ðền Thánh và đặt Ngài trên thượng đỉnh Ðền Thờ. : 

    Ðức Giêsu nói với nó : “Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống dưới, vì đã viết rằng : Vì Ngươi, Người sẽ ra lệnh cho các thiên thần, và họ sẽ nâng Ngươi trên bàn tay họ, kẻo Ngươi lỡ vấp chân phải đá”.

    4, 5-8 :
    “Tôi biếu cho Ngài uy quyền đó hết thảy và vinh quang của các nước ấy, vì nó đã được phó thác cho tôi, và tôi muốn hiến cho ai, tuỳ ý tôi ; vậy, nếu Ngài bái xuống lạy tôi, thì nó sẽ là của Ngài tất cả”.·  Ðã viết : “ngươi phải bái lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi và chỉ thờ phượng một mình Người”
    4,8-10 :
    Ma quỷ lại đem Ngài theo nó lên một ngọn núi cao chót vót và chỉ cho Ngài thấy hết các nước thiên hạ cùng vinh quang của chúng, mà nói với Ngài :
    “Tôi hiến cho Ngài hết mọi điều đó, nếu Ngài phục mình bái lạy tôi”.·  Bấy giờ Chúa Giêsu phán bảo nó : “Xéo đi ! Satan ! vì đã viết : ngươi phải bái lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi và chỉ thờ phượng một mình Người”.
    4, 8-10 :
    Ðoạn nó đem Ngài tới Giêrusalem và đặt Ngài trên thượng đỉnh Ðền Thờ mà nói với Ngài:
    “Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy từ đây, gieo mình xuống dưới, vì đã viết rằng : vì Ngươi, Người sẽ ra lệnh cho các Thiên thần gìn giữ Ngươi ; và rằng : Họ sẽ nâng Ngươi trên bàn tay họ, kẻo Ngươi lỡ vấp chân phải đá”.·  Và đáp lại Ðức Giêsu bảo nó: “Ðã có nói rằng : ngươi chớ có thử thách Chúa, Thiên Chúa của ngươi”.
    4,11 :
    Bấy giờ ma quỷ bỏ Ngài. Và này, các thiên thần tiến lại hầu hạ Ngài.
    4,13 :
    Và ma quỷ đã xong mọi chước cám dỗ, thì nó lìa bỏ Ngài mà đợi dịp.
    ( Lc 4,13 // Lc 22,3.53)

    Như vậy, trong ba cuộc thử thách này, rõ ràng Luca có chủ ý thay đổi trật tự đem cuộc thử thách thứ hai trong Matthêu thành cuộc thử thách thứ ba trong tác phẩm của mình. Tại sao ? – Vì, đối với Luca, cuộc thử thách cuối cùng sẽ diễn ra và kết thúc tại Giêrusalem, nơi đó, ma quỷ tấn công lần cuối cùng và Ðức Giêsu sẽ chiến thắng.

    1. Biến cố sau bài “diễn văn – chương trình” tại Nazareth.(Lc 4, 28-30).

    Sau bài “diễn văn – chương trình” của Ðức Giêsu tại hội đường Nazareth (Lc 4,18-20), thì phản ứng của dân làng ở đây là phẫn nộ :

    “Họ đứng dậy, đuổi Ngài ra ngoài thành và điệu Ngài lên tận triền núi, nơi thành họ đã được xây cất, có ý xô Ngài xuống,- nhưng Ngài đã ngang qua giữa họ mà đi” (Lc 4,28-30).

    Thánh Luca đã ghi lại biến cố này một cách thật mơ hồ, khó hiểu ! Phải chăng đây là một phép lạ ? Hay Luca có dụng tâm gì khác, khi đề cập đến cuộc hành trình bí ẩn của Ðức Giêsu ?

    Ðọc Luca 4,30 so sánh với Luca 13,33, có lẽ chúng ta sẽ khám phá ra ý hướng thần học của Luca.

    Ðức Giêsu đã ngang qua giữa họ mà đi ; ý nói : Ðức Giêsu vẫn tiếp tục con đường của mình, bởi lẽ, con đường của Ðức Giêsu chỉ kết thúc tại Giêrusalem mà thôi. “. Ta phải ra đi, vì không lẽ một tiên tri lại phải chết ngoài Giêrusalem”.

    Cuộc hành trình đó sẽ được thuật lại rõ ràng và tường tận trong phần hành trình tiến về Giêrusalem (Lc
    9,51 – 19,28).

    Luca 9,51 : “Thời gian đã mãn, đến buổi Ngài siêu thăng – Ngài quả cảm đi lên Giêrusalem.”.

    Luca 13,22 : “Ngài rảo khắp các thành, các làngmà giảng dạy và tiếp tục hành trình đi Giêrusalem”.

    Luca 17,11 : “Xảy ra là trên đường đi lên Giêrusalem”.

    Luca 19,28 : “Nói thế rồi, Ngài cầm đầu đi trước lên Giêrusalem”.

    1. Bỏ qua việc tường thuật về các cuộc hiện ra của Ðức Kitô Phục Sinh ở Galilê.

    Khác với Matthêu và Marcô, hai vị này đã tường thuật tỉ mỉ các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra tại Galilê ; ở đây, Luca cố tình bỏ qua câu chuyện đó, vì Luca muốn làm nổi bật ý hướng thần học của mình, là mầu nhiệm Phục Sinh được diễn ra và hoàn thành tại Giêrusalem. Và cũng chính từ Giêrusalem mà Hội Thánh của Chúa Kitô Phục Sinh đã được khai sinh, để ra đi đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn dân.
    x. Luca 24,6 : “. Các ngươi hãy nhớ lại Ngài đã nói làm sao với các ngươi, khi còn ở Galilê, rằng .”.

    1. Tin Mừng về Ðức Kitô đạt tới cao điểm ở Giêrusalem trong Ðền Thờ.

    “Và, thờ lạy Ngài rồi, họ đã trở lại Giêrusalem. Vui mừng khôn xiết và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24, 52-53).

    Lưu ý: Luca đã mở đầu tác phẩm Tin Mừng bằng câu chuyện truyền tin cho Zacaria ở Ðền Thờ, tại Giêrusalem, và kết thúc tác phẩm với việc các Tông Ðồ hiện diện tại Giêrusalem, chúc tụng Thiên Chúa trong Ðền Thờ.

    Qua những dẫn chứng trên đây, chúng ta thấy rõ chủ ý của Luca trong sách Tin Mừng là đặt một hướng đi tới Giêrusalem. Nhưng tại sao phải gò ép như thế ?

    – Là vì Giêrusalem chính là trung tâm, nơi diễn ra các biến cố quan trọng của ơn cứu độ : tại Giêrusalem, Ðức Giêsu Kitô đã chết, đã sống lại, đã siêu thăng ; cũng tại Giêrusalem mà Chúa Thánh Thần đã hiện xuống khai sinh Hội Thánh, xuất phát những chứng nhân của Tin Mừng cứu độ đến tận cùng trái đất.

B. BUỔI SIÊU THĂNG (ASCENSION).

    1. Buổi siêu thăng, cao điểm sứ vụ của Ðức Kitô .

    Ðối với Luca, cao điểm sứ vụ của Ðức Kitô không phải là lúc người bị đóng đinh trên thập giá, nhưng chính là lúc Người được siêu thăng.

    Các bản văn Tin Mừng theo thánh Luca đều làm nổi bật ý hướng đó.

    Lc 4, 30 : “Ngài đã ngang qua giữa họ mà đi”.
    Ngài vẫn đi, vẫn tiếp tục cuộc hành trình của Ngài.

    Hướng đi, con đường là đề tài Luca sử dụng thường xuyên.

Cv 1,11 : “Các ông, người Galilê, tại sao các ông cứ đứng đó nhìn trời ? Ðức Giêsu đây, Ðấng vừa siêu thăng xa cách các ông, Ngài sẽ đến cũng một thể như các ông đã thấy Ngài đi về trời”.

  1. Lc 9,31 : “Hai vị nói đến việc ra đi (exodos autou) Ngài sắp hoàn tất tại Giêrusalem”.Nhiều tác giả hiểu “việc ra đi” là cái chết của Ðức Giêsu ; nhưng ở đây, lời nói xảy ra trong câu chuyện biến hình, trong đó có hai yếu tố chúng ta cần chú ý : đó là vinh quang (doxa) và sự hiện diện của hai người (Môsê và Êlya).”Vinh quang” và “sự hiện diện của hai người” là hai yếu tố chúng ta sẽ gặp lại trong câu chuyện tường thuật việc phục sinh của Ðức Giêsu (Lc 24,4).

    “Ðang khi họ phân vân về điều ấy, thì này : có hai người bỗng hiện ra cho họ, áo chói lòa”.
    Và trong bài trình thuật về việc Ðức Kitô siêu thăng (Cv 1,10) : “Và đang lúc họ đăm đăm nhìn Ngài lên trời, thì này : có hai người, y phục trắng ngời đã đứng bên họ”.

    Lưu ý : việc ra đi của Ðức Giêsu lên Giêrusalem có phải là hành động vào Ðất Hứa của dân Dothái thuở xưa hay không ? (x. Từ ngữ Exodos).

    Lc 9,51 : “Thời gian đã mãn, đến buổi Ngài siêu thăng”

    Từ ngữ “siêu thăng” (Analêmpsis) là kiểu nói trong văn chương Hylạp để diễn tả “cái chết”, tương tự như chúng ta nói “khuất bóng”, “quy tiên”. Nhưng theo truyền thống Dothái và theo các văn kiện Cựu Ước, thì Môsê, Êlya và Hênoch đã được siêu thăng.

    Khi đặt Môsê và Êlya đứng bên Ðức Giêsu trong cuộc biến hình, và khi hai vị nói đến việc “ra đi” của Ðức Giêsu, chắc hẳn Luca muốn đề cập đến việc siêu thăng của Người. Siêu thăng vừa là một cuộc hành trình, đồng thời cũng là một biến cố, một dữ kiện.

    Lc 24, 51-53 : “Và xảy ra là đang khi Ngài chúc lành cho họ, thì Ngài đã từ biệt họ và được nhắc lên trời. Và thờ lạy Ngài rồi, họ đã trở lại Giêrusalem, vui mừng khôn xiết, và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”.

    Buổi siêu thăng của Ðức Giêsu được trình bày như buổi từ biệt của Người đối với các môn đệ. Người kết thúc cuộc sống trần thế ; còn các môn đệ, thì họ trở về Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

    Trong khi đó, bản văn của sách Công Vụ Các Tông Ðồ đề cập đến Buổi Siêu Thăng của Ðức Giêsu – không mang dáng dấp của buổi từ biệt – nhưng lại mở ra một khung trời mới cho Hội Thánh.

    Cv 1, 1-11 : Buổi Siêu Thăng của Ðức Giêsu chính là khởi điểm của Hội Thánh, loan báo ngày Chúa quang lâm. Các môn đệ trở về nhà tiệc ly, bổ sung Mathia cho đủ số 12 và đón nhận Chúa Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ của mình.

    1. Tư tưởng thần học Luca từ cái nhìn về việc Ðức Kitô siêu thăng.

    Vì Luca quan niệm việc Ðức Giêsu siêu thăng như cao điểm của sứ vụ cứu thế của Người, nên có một số điểm liên quan đến tư tưởng thần học của Luca trong sách Tin Mừng mà chúng ta cần lưu ý.

a. Quan niệm của Luca về thập giá và Phục Sinh của Ðức Giêsu.
Trong tư tưởng thần học của Matthêu và của Marcô, cái chết của Ðức Giêsu trên thập giá có ý nghĩa rất quan trọng trong sứ vụ cứu thế của Người.

  1. Mt 20,28 // Mc 10,45 : “Con Người không đến để được hầu hạ nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Ðức Giêsu giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết bằng cách đổ máu mình ra).Luca đã sử dụng lời đó, nhưng chủ ý bỏ câu : “thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người”.Lc 22, 25-27 : “. Kẻ làm đầu thì ở như người hầu hạ. còn Ta, Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu bàn”.

    Trong Luca 22,20 có đề cập đến “Giao Ước Mới trong Máu của Người”. Ðiều này để chỉ Thánh Thể Ðức Giêsu .

    Còn trong Công Vụ 20,28 : “. để anh em chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Người đã mua chuộc lấy bằng chính Máu Con của Người”. Ở đoạn văn này, Máu của Ðức Giêsu lại mở sang Hội Thánh.

    Trong khi Matthêu và Marcô đã xem cái chết của Ðức Giêsu như là lúc thực hiện ơn cứu độ ; thì Luca đã xem cái chết của Ðức Giêsu như là đoạn đường ngang qua, từ cái chết đến vinh quang, con đường dẫn đến vinh quang.

    Lc 24,26 : “Thế thì Ðức Kitô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao ?”.

b. Quan niệm của Luca về lịch sử cứu độ.

  1. Vì xem việc Ðức Giêsu siêu thăng là cao điểm, nên nếu phân lịch sử cứu độ làm ba thời kỳ như H. Conzelman :
    – Thời kỳ Israel
    – Thời kỳ Ðức Giêsu
    – Thời kỳ của Hội ThánhCó lẽ sẽ quá máy móc và không đúng hoàn toàn với cái nhìn thần học của thánh Luca, trên quan điểm lịch sử cứu độ, thánh Luca xem ba thời kỳ đó không phải như ba giai đoạn nối tiếp nhau, nhưng là ba trạng thái của một thời gian ; bởi lẽ, Luca quan niệm rằng từ lúc có lời hứa về Ðấng Cứu Ðộ đến khi Ðức Giêsu xuất hiện, rồi đến biến cố Ngài siêu thăng và việc Ngài sẽ trở lại trong vinh quang chỉ là một thời gian mà thôi ; đó là thời gian cứu độ. Ðiều này sẽ giúp chúng ta dễ hiểu khái niệm về thời cánh chung.

C. ÐỨC KITÔ VÀ ÐỜI SỐNG CỦA HỘI THÁNH.

  1. Giữa sách Tin Mừng và sách Công Vụ các Tông Ðồ, có một mối liên hệ rất chặt chẽ. Các đặc điểm nổi bật và cơ bản của Chúa Giêsu Kitô trong sách Tin Mừng thì chúng ta cũng gặp thấy ở ngay trên khuôn mặt và đời sống của Hội Thánh ở sách Công Vụ các Tông Ðồ.
    1. Ðức Kitô và Hội Thánh.

    Khi ghi lại những điểm song song này, chắc hẳn thánh Luca có chủ tâm muốn giới thiệu ơn cứu độ thực hiện trong Ðức Kitô và trong Hội Thánh.

    TIN MỪNG – ÐỨC KITÔ CÔNG VỤ – HỘI THÁNH
    Lc 3,21-22 : Ðức Kitô chịu thanh tẩy. Cv 2,1-11 : Hội Thánh chịu thanh tẩy : Chúa Thánh Thần hiện xuống.
    Lc 4, 16-19 : Ðức Kitô công bố bài giảng – chương trình tại hội đường Nazareth, ở Galilê.

    ·  trích tiên tri Ysaia : “Thần Khí Chúa ở trên tôi .”.

    Cv 2,14-20 : Hội Thánh (Phêrô thay mặt nhóm 12) công bố bài Kerygma tại Giêrusalem.

    ·  trích tiên tri Gioel : “Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên mọi xác phàm.”.

    Lc 4,29 : Họ đuổi Ngài ra ngoài thành. Cv 7,58 : Và họ lôi ông (Stêphanô) ra ngoài thành mà ném đá.
    Lc 4,14 : Ðức Kitô trở về Galilê trong quyền năng của Thần Khí và tiếng tăm Ngài lan ra khắp cả vùng xung quanh Ngài giảng dạy. Cv 4,8 : “Bấy giờ, được đầy Thánh Thần, Phêrô nói cùng họ. Cv 8,29 : Thánh Thần sai Philip Cv 4,33 : Với quyền năng lớn lao, các tông đồ đoan chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu và ân sủng dồi dào xuống trên họ hết thảy.
    Lc 4,40-41 : Ðức Kitô chữa lành nhiều người thuộc đủ chứng bệnh. Cv 2,43 ; 5,16 : nhiều người bệnh đã được Phêrô chữa lành.
    Lc 9,28-36 : cuộc Biến hình của Ðức Kitô, dấu chỉ tiên báo việc Người siêu thăng. Cv 1,9-11 : buổi siêu thăng của Ðức Kitô.
    Lc 23,12 : Vua Hêrôđê và quan Philatô làm thân với nhau. Cv 4,27 : Hêrôđê và Philatô vây cánh liên minh với nhau.
    Lc 22,69 : Con Người sẽ ngự bên hữu quyền năng Thiên Chúa. Cv 7,56 : Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa.
    Lc 23,46 : Lạy Cha, Con ký thác hồn Con trong tay Cha. Cv 7,59 : lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.
    Lc 23,34 : Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm. Cv 7,60 : Lạy Chúa, xin đừng chấp tội này cùng họ.
    1. Tước hiệu “Chúa” (Kyrios) trong Tin Mừng Luca.

    Thánh Luca đã sử dụng tất cả 16 lần tước hiệu Kyrios (“Chúa”) để chỉ Ðức Giêsu trong sách Tin Mừng. Về đặc điểm này, chúng ta không gặp thấy nơi thánh Matthêu cũng như Marcô ; trong khi đó, thì tác giả Tin Mừng thứ tư lại dành tước hiệu này để nói về Ðức Giêsu sau khi Người sống lại hoặc gắn liền với biến cố sống lại của Ðức Giêsu .

    Lc 7,13 : Thấy bà ấy, Chúa chạnh lòng thương…

    Lc 7,19 : Gioan phái họ đến với Chúa mà rằng…

    Lc 10,1 : Sau đó, Chúa cử thêm 72 người khác…

    Lc 10,39 : Bà Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Ngài.

    Lc 10,41 : Ðáp lại, Chúa nói với bà ấy…

    Lc 11,39 : Nhưng Chúa nói cùng người ấy…

    Lc 12,42 : và Chúa nói : vậy ai là người quản lý trung trực, khôn ngoan…

    Lc 13,15 : Chúa đáp lại và nói : “quân giả hình ! …”

    Lc 16,8 : Và Chúa khen người quản lý…

    Lc 17,5 : các Tông Ðồ thưa với Chúa :

    Lc 17,6 : Chúa phán : …

    Lc 19,8 : đứng lại, Zakhê thưa cùng Chúa :

    Lc 22,33 : Thưa Chúa, làm một với Ngài, dẫu phải đi đến tù ngục và tử hình…

    Lc 22,61 : và Chúa quay lại nhìn Phêrô

    Lc 22,61 : và Phêrô nhớ lại Lời Chúa…

    Lc 24,34 : “thực thế, Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho Simon”.

    Gioan trong Tin Mừng thứ tư, khi sử dụng tước hiệu Kyrios gắn liền với Ðức Kitô, thì hoặc liên quan đến việc Chúa sống lại hoặc để nói về Ngài sau biến cố Phục Sinh.

    Ga 6,23 ; 11,2 (gắn liền việc Chúa sống lại).

    Ga 20,2-18 ; 21,7.12.15.16.17 (gắn liền với chính Ðức Kitô Phục Sinh).

II. KHUÔN MẶT CỦA ÐỨC KITÔ, VỊ TIÊN TRI, ÐẤNG CỨU THẾ.

  1. Thánh Luca trong tác phẩm Tin Mừng của mình, đã đặc biệt chiêm ngắm và trình bày khuôn mặt của Ðức Kitô dưới hai chiều kích căn bản : Vị tiên tri và Ðấng Cứu Thế

A. ÐỨC KITÔ TIÊN TRI.

  1. Mỗi tác giả Tin Mừng đều có cách diễn tả riêng biệt để nói lên niềm tin của mình cũng như của cộng đoàn tín hữu về Ðức Giêsu Nazareth.Thánh Matthêu nhìn Ðức Giêsu như một Môsê mới, Ðấng công bố và thực hiện Giao Ước mới cho Dân Chúa ; Thánh Gioan chiêm ngắm Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa ; Còn thánh Luca, Ngài muốn trình bày Ðức Giêsu là Vị Tiên Tri.
    1. Tước hiệu Tiên Tri.

    Trước hết, tước hiệu Tiên Tri được sử dụng cho Ðức Giêsu .

    Lc 4,24 : “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không có tiên tri nào được sủng mộ nơi quê quán mình”.

    Lc 7,16 : “Mọi người phát kinh hãi và tôn vinh Thiên Chúa rằng : “Một tiên tri cao cả đã chỗi dậy giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Người”.

    Lc 7,39 : “Thấy vậy, người Biệt Phái đã mời Ngài, tự nói với mình : ông nầy, nếu quả thật là tiên tri.“.

    Lc 9,19 : “. là một tiên tri nào thời xưa đã sống lại”.

    Lc 13,33 : “Ta phải ra đi, vì không lẽ một tiên tri lại phải chết ngoài Giêrusalem”.

    Lc 24,19 : “. Người đã xuất hiện như một vị tiên tri quyền năng trong việc làm và lời nói.”

    Phân tích cách Luca sử dụng tước hiệu “tiên tri” gắn liền với Ðức Giêsu, chúng ta nhận ra : hoặc do chính dư luận của Dân Chúa nghĩ về Ðức Giêsu ; hoặc do chính Ðức Giêsu tự giới thiệu về mình. Trong khi đó, trong bài trình thuật, mỗi khi thánh Luca nói về Ðức Giêsu, thì Ngài vẫn sử dụng tước hiệu “Chúa”.

    Vậy, tìm hiểu nội dung tước hiệu “tiên tri” mà Chúa Giêsu đã sử dụng để tự giới thiệu mình, chúng ta thấy : Tiên tri chính là Ðấng được sai đến.

    Lc 4,18 : “Thần Khí Chúa ở trên tôi bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan ; loan báo năm hồng ân của Chúa”. (x. Isaia 61,1).

    Kiểu nói “Thánh Thần Chúa ở trên tôi” theo truyền thống Dothái là để chỉ Thánh Thần Tiên Tri tác động lên người được sai đi rao giảng Tin Mừng.

    Lc 4,43 : “Ta còn phải đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta được sai đến”.

    1. Ðức Kitô được trình bày như một Êlya mới.

    Thánh Luca đã sử dụng phép đối mẫu (typologie) quen thuộc trong Thánh Kinh để trình bày Ðức Giêsu – Tiên Tri trong khuôn mặt và sứ vụ của Êlya.

a. Có người bảo, trong phép đối mẫu, có lẽ nên hiểu Ðức Giêsu là một Môsê mới thì hợp lý hơn, tương tự như quan điểm của thánh Matthêu.

  1. Lc 24,19 : “Việc ông Giêsu Nazareth, người đã xuất hiện như một vị Tiên tri quyền năng trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”. Câu này rõ ràng ám chỉ Ðức Giêsu là Môsê mới.Ðúng vậy ! Trong đoạn này, Ðức Giêsu quả thật là Môsê mới, nhưng trong tư cách là Ðấng Cứu Thế, Ðấng thực hiện ơn cứu độ dối với toàn dân, chứ không phải là tiên tri rao giảng Lời Chúa, theo kiểu các tiên tri trong Cựu Ước.

b. Theo quan điểm của Luca, phải hiểu rằng ngài chủ ý trình bày Ðức Giêsu là Êlya mới. Thật vậy, thánh Luca đã không bao giờ chủ ý xem thánh Gioan Tẩy Giả dưới dung mạo của Êlya như các tác giả khác.

  1. So sánh Mt 3,4 ; 11,12-14 ; 17,10-13 với Mc 9,13, chúng ta nhận ra chủ ý của Luca bỏ qua những đoạn này, vì Luca chỉ muốn đối mẫu Êlya với Ðức Giêsu, chứ không phải với Gioan Tẩy Giả.Lc 7,11-17 : khi tường thuật câu chuyện Ðức Giêsu cho người con trai bà góa thành Naim sống lại, chúng ta ghi nhận cách trình bày hoàn toàn theo phương pháp đối mẫu với tiên tri Êlya : về tư tưởng cũng như về hình thức.
    Luca 7,11-17 1 Vua 17,8-24
    ·  Câu 11.12 : sau đó, Ngài đến một thành gọi là Naim. Có môn đồ và dân chúng đông đảo cùng đi với Ngài. Khi Ngài đến gần cửa thành, thì này người ta đang khiêng đi chôn một người chết, đứa con một của mẹ nó và bà là một bà góa. ·  Câu 10 : Ông đã chỗi dậy đi Sarepta
    ông đến cửa thành
    thì này có một bà góa.
    ·  Câu 15 : và người chết ngồi chồm dậy và lên tiếng nói. Và người ta trao lại cho mẹ nó. ·  Câu 23 : Êlya bồng đứa trẻ xuống lầu vào nhà và trao cho mẹ nó và Êlya nói : “Coi ! con bà sống đây !”.
    ·  Câu 16 : “Một tiên tri cao cả đã trỗi dậy và Thiên Chúa đã viếng thăm dân của Người”. ·  Câu 24 : “Bây giờ tôi biết Ngài là người của Thiên Chúa. Quả thật có lời của Giavê nơi miệng Ngài”.

    Ngoài ra, trong hai chương 4 và 9 của sách Tin Mừng, trong phần diễn văn khai mạc sứ vụ (Lc 4) và phần hành trình tiến về Giêrusalem (Lc 9), chúng ta lại càng thấy chủ ý rõ ràng của Luca, khi trình bày Ðức Giêsu trong phép đối mẫu với Êlya.

    Lc 4,25-26 : “Và Ta bảo thật các ngươi : có nhiều bà góatại Israel vào thời Êlya, khi trời khóa lại ba năm sáu tháng, và xảy ra đói lớn trong toàn xứ ; song Êlya không được sai đến với một bà nào trong họ, mà là đến với bà góa tại Sarepta, thuộc hạt Siđôn”.

    Lc 9, 8-19 : Dân chúng gọi Người là Êlya (Bản văn chung trong truyền thống Nhất Lãm).

    Lc 9,30-33 : Môsê và Êlya hiện diện với Ðức Giêsu trong lúc Người biến hình.

    Người ta đặt vấn nạn : vì sao là hai nhân vật này ? Có người giải thích : đó là hai nhân vật tiêu biểu cho Lề Luật và Tiên Tri. Nhưng, theo như chúng ta có dịp tìm hiểu, trong cái nhìn Luca, việc biến hình là dấu chỉ báo trước việc Ðức Kitô sẽ siêu thăng sau khi sống lại. Trong Thánh Kinh, tiên tri Êlya (2 V 2,11 ; 1 Mcb 2,53) được trình bày như đã siêu thăng ; còn Môsê lại được truyền thống Dothái ca ngợi là được siêu thăng (Assumption).

    Lc 9,51 : “Thời gian đã mãn, đến buổi Ngài siêu thăng”.

    Hướng tới của Ðức Giêsu là siêu thăng, như trong trường hợp của tiên tri Êlya.

    Lc 9,62 : “Kẻ vừa tra tay cầm cày, vừa ngó lui sau, là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa”. (So sánh với ơn gọi của tiên tri Êlisa 1 V 19,19-21)

    1. Thánh Thần Tiên Tri trong sứ vụ của Ðức Giêsu.

a. Ngay trong Tin Mừng về thời niên thiếu, theo nhãn quan lịch sử cứu độ, thánh Luca đã ghi nhận sự hiện diện và tác động không ngừng của Thánh Thần Tiên Tri.

  1. Lc 1,15 : Gioan được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ.Lc 1,80 : còn hài nhi thì lớn dần, thêm sức mạnh về Thần Khí.Lc 1,67 : Zacarya, thân phụ em, được đầy Thánh Thần…

    Lc 1,41 : Và Elizabeth thì được đầy Thánh Thần …

b. Trong đời sống công khai của Ðức Giêsu

  1. Lc 3,22 : Khi Ðức Giêsu chịu thanh tẩy “Thánh Thần lấy hình dáng thể xác như chim câu, đáp xuống trên Ngài”.Thánh Thần đã đáp xuống trên Ngài, đã xức dầu quyền năng tiên tri cho Ngài, để Ngài ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ.Lc 4,14 : Sau khi Ðức Giêsu chịu thử thách, Ngài “trở về Galilê trong quyền năng của Thần Khí”. Ðây là lúc Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

    Lc 4,18 : Ðọc lời tiên tri Isaia và tự áp dụng cho mình, rõ ràng Ðức Giêsu đã tự công bố Ngài là Ðấng đang có “Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi ; Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho người đui mù được thấy, cho kẻ áp bức được giải oan ; loan báo năm hồng ân của Chúa”.

    Ngoài ra, chính Ðức Giêsu cũng hứa ban Thánh Thần Tiên Tri cho các môn đệ của Người.

    Lc 11,13 : “.Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người”.
    // so sánh với :

    Mt 7,7-11 : “. Người sẽ ban của lành cho những ai xin Người”.

    Lc 12,12 : “. vì Thánh Thần sẽ dạy các ngươi (didaxei) ngay giờ đó những điều phải nói”
    . // so sánh với :

    Mt 10,17-20 : “. mà là Thánh Thần của Cha các ngươi sẽ nói (lalein) trong các ngươi”.

    Lc 24,49 : “Và này, Ta sắp sai đến trên các ngươi, điều Cha Ta đã hứa ! Về phần các ngươi, hãy ngụ lại trong thành cho đến bao giờ các ngươi được mặc lấy mãnh lực Trên ban”.

    Qua các dẫn chứng trên đây, chúng ta có thể kết luận rằng vai trò của Thánh Thần trong Tin Mừng Luca không được xem như Ðấng có sức mạnh thánh hóa cho bằng như Ðấng tác động trên con người loan báo Tin Mừng theo kiểu các tiên tri. Quan niệm này, thánh Luca sẽ triển khai trong sách Công Vụ các Tông Ðồ :

    Cv 1,8 : “Các ngươi sẽ chịu lấy quyền lực Thánh Thần đến trên các ngươi. Và các ngươi sẽ là chứng tá của Ta ở Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđê và Samari và cho đến tận cùng cõi đất”.

    Với quyền lực của Thánh Thần Tiên Tri mà các Tông Ðồ của Ðức Giêsu sẽ thực là nhân chứng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân. (Ðây là chủ đề chính của sách Công Vụ các Tông Ðồ) (x. Cv 16,6-9).

    1. Mối liên hệ giữa Thánh Thần Tiên Tri và sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

    Hoạt động rao giảng Tin Mừng, tức là rao giảng Lời Chúa, đối với Luca, tự nó, đã là một hoạt động có ý nghĩa tiên tri ; bởi vì Thánh Thần Tiên Tri hiện diện và tác động trong chính Lời Chúa. Luca đã sử dụng một số từ ngữ chuyên môn sau đây để làm nổi bật mối dây liên kết giữa việc rao giảng Tin Mừng với tác động của Thánh Thần Tiên Tri.

a. Ðộng từ “Ðem Tin Mừng”(Evangelisasthai).

  1. Ðây là động từ chuyên môn mà Luca thường sử dụng : Luca : 10 lần ; Matthêu : 1 lần (Mt 11,5) ; Marcô : 0 lần.Từ ngữ này gắn liền với lời rao giảng của Ðức Giêsu trong sứ vụ công khai – không thấy trong phần Tin Mừng thời niên thiếu.Lc 4,18 đem Tin Mừng

    Lc 16,16 loan báo

b. Ðộng từ “Nói”(lalein).

  1. Trong Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan sử dụng động từ này (lalein – nói, phán) để chỉ việc mạc khải của Ðức Giêsu ; còn ở Luca, động từ này thường được sử dụng để trình bày một tư tưởng, một sứ điệp theo kiểu các tiên tri.Lc 1,55 : “. như Người đã phán với tổ tiên chúng ta. hứa cho Abraham và dòng dõi cho đến muôn đời”.Lc 1, 70 : “. như Người đã phán nhờ miệng chư thánh, các tiên tri từ muôn thuở”.

    Lc 2,38 : “. vào giờ ấy, bà đã đến bên tán tạ Thiên Chúa và bà đã nói về Ngài cho mọi kẻ ngóng đợi phúc cứu chuộc của Giêrusalem.

    Lc 24,32 : và họ nói cùng nhau : “Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng, lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh Thánh cho ta đó sao ?”

c. Từ ngữ “Lời Thiên Chúa”(logos tou thêou).

  1. Thánh Luca lưu ý đến từ ngữ này một cách đặc biệt hơn các Tin Mừng Nhất Lãm khác :Lc 5,1 : Dân chúng cố chen sát vào Ngài để nghe Lời Thiên Chúa…Trong bài dụ ngôn về người gieo giống, chỉ có thánh Luca là lưu ý đến chi tiết “Hạt giống chính là Lời Chúa”.

    Lc 8,11-15 gọi thẳng hạt giống là Lời Thiên Chúa trong khi Mt 13,18-23 và Mc 4,14-20 thì chỉ gọi là Lời.

d. Kiểu nói “Miệng Ðức Giêsu”(Stoma Yêsu).

  1. Kiểu nói “Miệng …” được Luca sử dụng vừa cho các tiên tri, vừa cho Ðức Giêsu .Lc 4,22 : “. Mọi người làm chứng cho Ngài và họ thán phục các lời về ân sủng xuất bởi miệng Ngài”.Lc 11,54 : “. bọn ký lục và biệt phái mưu mô sao săn cho được điều gì Ngài lỡ miệng nói ra”.

    Lc 22,71 : “Họ rằng : nào ta còn cần gì đến việc làm chứng nữa ? Vì chính ta đã nghe tự miệng hắn rồi”.

    Tóm lại, qua các yếu tố vừa phân tích,

    – Tước hiệu “Vị Tiên Tri” ;

    – Ðức Kitô được trình bày như một Êlya mới ;

    – Thánh Thần Tiên Tri trong sứ vụ của Ðức Kitô ;

    – Mối liên hệ giữa Thánh Thần Tiên Tri và sứ vụ rao giảng Tin Mừng ;

    Chúng ta thấy rõ là thánh Luca muốn giới thiệu khuôn mặt đầu tiên của Ðức Giêsu, là khuôn mặt tiên tri và là tiên tri theo kiểu Êlya. Vậy, lý do thần học nào thúc đẩy Luca nhấn mạnh đến khuôn mặt tiên tri và là tiên tri Êlya ?

    – Vì theo truyền thống Cựu ước, việc Thánh Thần Tiên Tri đổ xuống, việc ban thánh Thần Tiên tri luôn gắn liền với Ðấng Messia (Ðấng Kitô) và thời đại Messia.

    Ys. 42,1 : “Này đây tôi tớ Ta, kẻ Ta nâng đỡ ; Người, kẻ Ta đã chọn và hồn Ta sủng mộ. Ta đã ban Thần Khí Ta trên Người”.

    Ðoạn văn này thường được gọi là bài ca thứ I của Người Tôi Tớ Giavê trong đệ nhị Isaia, đã được Luca trích lại trong bối cảnh Ðức Giêsu chịu phép rửa.

    Lc 3,22 : Và Thánh Thần lấy hình dáng thể xác như chim câu, đáp xuống trên Ngài, và tự trời một tiếng phát ra : Con là Con chí ái Ta, kẻ Ta đã sủng mộ”.

    Hoặc Gioel 3,1-5 // Công Vụ 2,17t.

    Việc Thánh Thần Tiên Tri đổ xuống là dấu hiệu chứng minh Ðức Giêsu quả là Ðấng Messia. (Trong khi đó, thánh Matthêu, trong sách Tin Mừng đầu tiên, lại sử dụng Thánh Kinh để chứng minh Ðức Giêsu là Ðấng Messia).

    Nhờ cách trình bày này mà chúng ta sẽ thấy : Hội Thánh tiếp nối vai trò cứu độ của Ðức Giêsu, bởi vì đời sống của Hội Thánh cũng như đời sống của Ðức Giêsu luôn luôn được hướng dẫn bởi Thánh Thần Tiên Tri.

    Ngoài ra, thánh Luca đã chọn và cố tình trình bày sứ vụ của Ðức Giêsu trong nét tương đồng với sứ vụ của Êlya, vì đó là sứ vụ tiên tri, sứ vụ có tính phổ quát ; việc siêu thăng của Êlya là hình ảnh việc Ðức Giêsu được siêu thăng ; việc Êlya kế thừa Êlisa làm tiên tri (2 V 2,9-15) cũng tương tự như việc Ðức Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ của Người (Lc 24,49), để họ có thể tiếp nối sứ vụ tiên tri loan báo Tin Mừng cứu độ của chính Người.

A. ÐỨC KITÔ CỨU THẾ.

  1. Ðây là chủ đề căn bản, là trọng tâm của Tin Mừng thứ ba.Thật vậy, sau khi nghiên cứu về Tin Mừng Luca, cha Lagrange đã kết luận một cách rất chính xác : “Sách Tin Mừng thứ ba có thể tóm lại một cách chính xác trong dòng chữ này : Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Ðộ loài người” (Jésus-Christ est le Sauveur des hommes).Nhưng nếu bảo đặc điểm của sách Tin Mừng thứ ba là trình bày Ðức Giêsu Kitô trong sứ mạng Ðấng Cứu thế, thì có gì khác biệt với các Sách Tin Mừng khác ; vì cả 4 sách Tin Mừng đều ghi lại khuôn mặt và đời sống của Ðức Giêsu Kitô trong tư cách là Ðấng Cứu Thế.

    Tất cả các tác phẩm Tân Ước, nhất là các sách Tin Mừng quả đều nhằm mục đích trình bày Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Thế, thực hiện ơn cứu độ đối với con người.

    Tuy nhiên, nếu đem so sánh các tác giả Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra những nét độc đáo của mỗi tác giả, trong đó, có cái nhìn thật sâu sắc của thánh Luca, tác giả Tin Mừng thứ ba, về khuôn mặt và sứ vụ Cứu Thế của Ðức Giêsu Kitô ; ngoài ra, thánh Luca cũng để lộ quan điểm thần học của Ngài về ơn cứu độ – có lẽ một cách chính xác hơn các tác giả khác.

    Chúng ta sẽ tuần tự tìm hiểu 3 điểm sau đây :

    – Tước hiệu “Ðấng Cứu Thế”.

    – Chủ đề “Ơn cứu độ” trong sứ vụ của Ðức Kitô .

    – Thần học Luca về ơn cứu độ.

    1. Tước hiệu “Ðấng Cứu thế” (Ho Sôter).

    Trong Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có Luca sử dụng tước hiệu này cho Ðức Giêsu.

    Lc 1,47 : “Và Thần Khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa, Cứu Chúa của tôi”.

    Lc 2,11 : “. là hôm nay đã sinh ra cho các ngươi Vì Cứu Chúa, tức là Ðức Kitô Chúa, trong thành của Ðavít” (Sôter hos estin Christos Kyrios).

    Trong khi đó, chúng ta cũng thấy thánh Gioan sử dụng tước hiệu này một lần trong bối cảnh Ðức Giêsu đàm đạo với người phụ nữ Samari.

    Ga 4,42 : “.thật Ngài là Ðấng Cứu Thế”.

    Trong sách Công Vụ các Tông Ðồ, Luca cũng sử dụng hai lần tước hiệu này cho Ðức Giêsu :

    Cv 5,31 : “Người ấy, như Vị Khơi Nguồn, như Ðấng CứuTinh, Thiên Chúa đã nhắc lên bên hữu Người, để ban cho Israel ơn hối cải và tha tội”.

    Ở đây “Ðấng Cứu Tinh” được trình bày trong tương quan với “Vị Khơi Nguồn”. Tại Cv 3,15, “Vị Khơi Nguồn” được hiểu là “khơi nguồn sự sống”. (Thánh Phêrô : “Còn Vị Khơi Nguồn sự sống, các ông đã giết đi, Ðấng mà Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết : về điều ấy, chúng tôi là nhân chứng”).

    Như vậy, Ðức Giêsu được gọi là Ðấng Cứu Thế trong tư cách người cầm đầu dẫn đến sự sống. Tư tưởng này quan trọng để giúp chúng ta hiểu thêm quan điểm thần học của Luca về hành động cứu thế của Ðức Giêsu, hệ tại việc Người siêu thăng, chứ không nhấn mạnh đến việc Người chết trên thập giá.

    Thư Dothái 2,10 cũng có quan điểm tương tự : “Quả là thích hợp, việc Ðấng có vạn vật vì Người và do bởi Người, tra tay hướng dẫn số đông con cái về phúc vinh quang, thì đã dùng thống khổ luyện cho thành toàn Ðấng khơi nguồn cứu rỗi”.

    1. Chủ đề “Ơn cứu độ” trong sứ vụ của Ðức Kitô.

    Ngay trong hai chương đầu của sách Tin Mừng đề cập đến thời niên thiếu của Ðức Giêsu, chúng ta đã thấy “ơn cứu độ” chính là chủ đề trọng tâm của tác giả. Và không chỉ trong hai chương đầu, chủ đề đó còn chi phối toàn bộ tác phẩm của Luca. (x. René Laurentin, Structure et Théologie de Luc 1-2. p.124 -127).

    Luca có chủ tâm khiến đôc giả phải xác tín rằng Ðức Giêsu chính là Ðấng Cứu thế ngay từ hai chương đầu, khi ngài có ý nhấn mạnh mối liên hệ giữa “Ơn cứu độ” với danh thánh Ðức Giêsu (Sôter, sôtêria, sôtêrion – Lc 1,32 ; 2,21). Danh thánh Ðức Giêsu, tiếng Dothái là Yêshua, từ ngữ viết tắt chữ Yơhôshua, có nghĩa là “Giavê cứu độ” hay là “Chúa cứu độ”.

    Ngoài việc liên kết chủ đề “Ơn cứu độ” với danh thánh Ðức Giêsu, trong hai chương đầu của sách Tin Mừng, thánh Luca còn khiến độc giả tiếp xúc ngay với chủ đề cứu độ nhờ việc sử dụng các từ ngữ liên quan đến chủ đề.

    “Ðấng Cứu Thế” (ho Sôter) Lc 1,47 ; 2,11. Tước hiệu này được sử dụng 5 lần trong bốn sách Tin Mừng và Công Vụ (Luca : 2 lần, Công Vụ : 2 lần ; Gioan : 1 lần).

    “Ơn cứu độ” (Sôtêrion) Lc 2,30. Trong sách Tin Mừng có hai chỗ : Lc 2,30 và 3,6 ; thêm một lần nữa ở sách Công Vụ 28,28. Từ ngữ này không thấy trong các sách Tin Mừng khác.

    “Uy cứu độ” (Sôtêria) Lc 1,69 ; 1,71 ; 1,77. Trong Tin Mừng Luca, ngoài ba chỗ trên, còn thêm chỗ thứ tư ở Lc 19,9.

    Gioan sử dụng 1 lần Ga 4,22 và Công Vụ sử dụng 6 lần.

    Trên đây là những phân tích về chủ đề “Ơn cứu độ” trong Tin Mừng thời niên thiếu ; còn trong hoạt động công khai của Ðức Giêsu, chúng ta thấy : thánh Luca không những giới thiệu chủ đề “Ơn cứu độ” mà còn xác định rõ ràng chủ đề ấy hơn nữa.

    Ðể quán triệt vấn đề này, chúng ta thử nghiên cứu cách sử dụng chủ đề “Ơn cứu độ”, dựa trên phương pháp so sánh các bản văn tương đồng giữa Luca và Matthêu – Marcô.

    Lc 8,22-25 // Mt 8,18.23-27 và Mc 4,35-41 thuật lại việc sóng gió yên lặng.

    Mt 8,25 : “Lạy Ngài, xin mau cứu, chúng tôi chết mất”.

    Mc 4,38 : “Thưa Thầy, Thầy chẳng lo chúng tôi chết mất”.

    Lc 8,24 : “Lạy Thầy, Lạy Thầy, chúng tôi chết mất”.
    Luca bỏ qua chữ “Chúa” và chữ “cứu” vì đây chỉ là sự trợ giúp vật chất, thể lý.

    Lc 8,40-56 // Mt 9,18-26 và Mc 5,21-43 thuật lại câu chuyện người phụ nữ băng huyết và người con gái của ông Giairô.

    Mc 5,23 : “Con bé nhà tôi đã gần lâm chung, xin Ngài đến đặt tay cho nó, cứu nó cho nó sống”.
    Luca không nói gì đến lời xin này.

    Mc 5,28 : “Dẫu tôi chỉ rờ được áo choàng của Ngài, tôi cũng được cứu chữa“.

    Luca cũng không nói gì đến lời xin này. Nhưng ở Mc 5,34 ; Mt 9,22 và Lc 8,48 thì chúng ta thấy cả ba tác giả đều nói :

    “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”.

    Từ đó, chúng ta có thể nhận định :

    Trong Marcô và Matthêu, lòng tin như có vẻ gắn liền với phép lạ chữa lành bệnh tật hoặc làm cho sống lại ; còn ở Luca, lòng tin luôn gắn liền với động từ “cứu độ” mà thôi.

    Luca : Ơn cứu độ đức tin.

    Lc 21,12-19 // Mt 10,17-22 và Mc 13,9-13 nói về cơn bách hại thời cánh chung.

    Trong khi Matthêu và Marcô viết :

    Mt : “Những ai bền vững đến cùng, người ấy sẽ được cứu“.

    Mc : “Nhưng kẻ nào kiên nhẫn đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu“.

    Thì Luca lại ghi :

    Lc 21,19 : “Chính bởi kiên nhẫn, mà các ngươi giữ được mạng sống các ngươi”.

    Qua các so sánh này, chúng ta nhận thấy Luca cố tình không sử dụng động từ “cứu độ” nơi một số bản văn tương đương ở Matthêu và Marcô ; vì theo Luca, động từ “cứu độ” chỉ được đề cập đến trong những trường hợp liên quan đến đức tin chứ không phải trong những trường hợp liên quan đến việc chữa bệnh hoặc trợ giúp về phương diện vật chất.

    Lc 7,3 : việc chữa lành người đày tớ viên bách quản :

    “. xin Ngài đến cứu chữa tên đày tớ của ông”.

    TOB dịch là “sauver”

    OSTY dịch là “sauver”

    Trong khi đó, ở nguyên bản Hylạp, chúng ta có động từ “dia-sôzô” có nghĩa là “giúp cho thoát cơn nguy hiểm”, nên có lẽ dịch là : “Xin Ngài đến chữa lành tên đày tớ của ông”.

    Do đó, đối với Luca, đức tin chính là điều kiện căn bản để lãnh nhận ơn cứu độ.

    Lc 8,48 : “Này lòng tin của con đã cứu chữa con”.

    (// Mt 9,22 và Mc 5,34).

    Lc 18,42 : “Người hãy được thấy, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

    (// Mc 10,52 (chữa người mù ở Giêricô).

    Ngoài hai bản văn trên, trong đó Luca giống Matthêu và Marcô, chúng ta còn ghi nhận hai bản văn quan trọng khác thuộc phần tài liệu riêng của Luca.

    Lc 7,50 : “Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi, hãy đi bình an” (người phụ nữ thống hối và biết ơn).

    Hành động cứu độ ở đây rõ ràng gắn liền với việc tha tội. Ðó là một ơn thiêng liêng : “Tội lỗi của ngươi đã được tha !”. (Lc 7,48).

    Lc 17,19 : “Hãy chỗi dậy mà đi về, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi” (mười người tật phong).

    Câu nói này liên quan đến việc một trong 10 người tật phong được chữa lành quay lại “mà kêu lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”.

    Như vậy, tựa vào mạch văn, chúng ta phải xác nhận là cả 10 người mắc bệnh phong đều được lành sạch (Lc 17,14) ; nhưng câu nói ở Lc 17,19 : “lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi” chỉ áp dụng cho người trở lại “tôn vinh Thiên Chúa” mà thôi.

    Ðối với Luca, hành động tôn vinh, tạ ơn Thiên Chúa là biểu hiện thật sự của con người đã lãnh nhận ơn cứu độ – như trường hợp của các Tông Ðồ sau này, khi Ðức Giêsu đã siêu thăng (Lc 24,53).

    1. Thần học Luca về ơn cứu độ.

    Sau khi đã tìm hiểu về tước hiệu “Ðấng Cứu Thế” cũng như những từ ngữ liên quan đến chủ đề “Ơn cứu độ” mà Luca đã sử dụng, cũng như sau khi đã phân tích chủ đề “ơn cứu độ” trong sứ vụ của Ðức Kitô, giờ đây chúng ta thử làm một tổng hợp liên quan đến hướng thần học của Luca về ơn cứu độ.

a. Trong Tin Mừng Luca, ơn cứu độ làmột ơn thiêng liêng, cần phải được phân biệt với các sự chữa lành bệnh tật, những trợ giúp về vật chất ; vì Luca luôn gắn liền đức tin của con người với ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ơn cứu độ chỉ được ban cho những kẻ tin mà thôi. Trong chiều hướng đó, ơn cứu độ mới thật sự là một Tin Mừng của Thiên Chúa. Nhờ đó, vai trò cứu thế của Ðức Giêsu mới không bị hiểu lầm. Ðó là yếu tố căn bản làm lộ rõ khuôn mặt cứu thế của Ðức Giêsu và duy chỉ có một mình Ðức Giêsu mới thật sự là Ðấng Cứu Thế (ho Sôter). Cv 4,9-12 : “Và hẳn không có ơn cứu độ nơi một người nào khác nữa. Vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại, để phải nhờ vào đó, mà chúng ta trông được cứu thoát”.

b. Ơn cứu độ chính là việc giải thoát khỏi sự chết. Và sự chết ở đây liên quan đến thần học cứu độ, chứ không phải dừng lại ở cái chết về phương diện thể xác.

  1. Lc 6,9 : “Tôi xin hỏi các ông : ngày hưu lễ, có được phép làm lành hay làm ác, cứu sống hay hủy diệt ? (sôsai kai apolesai) (câu chuyện chữa một người bại tay).Trong khi ở Mc 3,4 : “Ngày hưu lễ, được phép làm lành hay làm ác, cứu sống hay giết người ? (sôsai kai apokteinai).Lc 8,50 : “Ðừng sợ ! Hãy tin mà thôi và nó sẽ được cứu”.

    Mc 5,36 : “Ðừng sợ, hãy tin mà thôi”. (câu chuyện cứu sống người con gái ông Giairô).

c. Ơn cứu độ là sự giải thoát khỏi ách nô lệ ma quỷ.

  1. Lc 8,36 : “Những kẻ đã chứng kiến thì kể lại cho họ nghe người quỷ ám đã được cứu làm sao !”.Sau câu chuyện giải thoát người bị quỷ ám ở xứ Ghêrasa, thánh Luca đã dùng từ ngữ “được cứu” để chỉ việc Ðức Giêsu giải thoát người đó khỏi ách nô lệ ma quỷ. Thánh Luca đã ghi lại một hành động rất đặc biệt của người này, đó là người ta “gặp người đã được trừ quỷ, đã mặc áo xống, trí tỉnh táo, bên chân Ðức Giêsu”.Trong Lc 10,39, chúng ta cũng thấy thánh Luca ghi lại việc bà Maria, em của Martha, ngồi bên chân Ðức Giêsu .

    Có người giải thích hành động “ngồi bên chân Chúa” là hành động của người biết ơn ; có người khác lại giải thích, đó là hành động của người tự nhận mình vào hàng ngũ của người môn đệ. Nhưng cũng có người giải thích thái độ “ngồi bên chân Chúa” là hành động dấn thân của con người vâng phục, biết lắng nghe.

    Ơn cứu độ giải thoát con người khỏi ách nô lệ ma quỷ, để người đó có khả năng lắng nghe, ngoan ngoãn vâng phục Thiên Chúa.

d. Ơn cứu độ là sự giải thoát khỏi tội lỗi.

  1. Hai bản văn tiêu biểu sau đây sẽ cho chúng ta thấy rõ điều đó.Lc 7,48-50 : Ðức Giêsu cứu người phụ nữ tội lỗi bằng cách tha tội cho bà ấy :
    “Tội lỗi của ngươi đã được tha”.
    “Lòng tin của người đã cứu chữa ngươi”.Lc 19,9-10 : Ðức Giêsu cứu Zakhê, vì ông này biết sám hối, nhận lỗi của mình :
    “Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến cho nhà này”.
    “Vì Con Người đã đến để tìm cứu sự đã hư đi”.

e. Ơn cứu độ thời cánh chung.

  1. Về điểm này, Luca cũng có quan niệm tương tự như các tác giả Tin Mừng khác. Ðối với Luca, ơn cứu độ hoàn hảo chính là việc đi qua cái chết để tiến vào sự sống.Lc 9,24 : “Kẻ nào mất sự sống mình vì Ta, thì kẻ ấy sẽ cứu nó !”.Ðó cũng chính là lúc người được cứu độ tiến vào Nước Thiên Chúa.

    Lc 18,26 : “Thế thì ai có thể được cứu ?”.

    Lc 13,23 : “Thưa Ngài, ít người được cứu thôi, phải không ?”.(x. Lc 23,35-43).

    Tóm lại, khi trình bày Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế, Ðấng ban ơn cứu độ, thánh Luca có một quan niệm và một xác tín rất cụ thể về hành động cứu độ của Ðức Giêsu. Có thể nói là khuôn mặt Tiên Tri trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Ðức Giêsu cốt là để chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận và thấu triệt khuôn mặt Cứu Thế của Ðức Giêsu. Ðức Giêsu đến trần gian là để đem cho con người ơn cứu độ.

    Ðó là một ơn thiêng liêng, nhằm giải thoát con người khỏi quyền lực của ma quỷ, khỏi tội lỗi, khỏi sự chết, hủy diệt đời đời. Ngõ hầu, bất cứ ai tin vào sứ điệp Tin Mừng cứu độ, thì cũng sẽ được siêu thăng (vượt qua cái chết tiến vào sự sống) để vào Nước Thiên Chúa.

    Cv 5,31 : Vị khơi nguồn, Ðấng cứu tinh.

    Dt 2,10 : Ðấng khơi nguồn cứu rỗi.

    Cv 3,15 : Vị khơi nguồn sự sống. Nguồn cứu rỗi, chính là sự sống. Ơn cứu độ, chính là lãnh nhận sự sống thời cánh chung.

 

Lm. Giuse Võ Ðức Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *