Đức Hồng Y Bassetti nhận định rằng “ngày càng có nhiều linh mục cô đơn không thể tưởng tượng được”

1. 9 linh mục Brazil tự kết liễu cuộc sống gây lo ngại cho Hội Đồng Giám Mục

Trong một diễn biến quá đỗi đau lòng, ít nhất 9 linh mục ở Brazil đã tự sát từ đầu năm đến nay. Tờ Crux có bài tường thuật nhan đề “Number of priest suicides causing concern in Brazilian Church”, nghĩa là “Số các linh mục tự tử gây lo ngại cho Giáo Hội tại Brazil”.

SÃO PAULO – Ít nhất 9 linh mục ở Brazil đã tự sát vào năm 2021, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe tâm thần của các giáo sĩ ở quốc gia Nam Mỹ này.

Trong số các yếu tố chính có thể dẫn đến tự tử là chứng trầm cảm trong công việc và hội chứng kiệt sức; các linh mục cũng phải đối diện với khối lượng công việc quá mức và một nền văn hóa thể chế mà nhiều khi có thể gây ra sự cô đơn.

Một yếu tố khác dường như được kết nối với phản ứng mạnh mẽ và hấp tấp của Giáo hội trong các trường hợp bị nghi ngờ lạm dụng và quấy rối tình dục. Lo sợ các tai tiếng trên mạng xã hội, một số linh mục – bất kể có tội hay không – xem ra đang gặp khó khăn trong việc đối phó với các giao thức mới của Giáo hội.

Trường hợp gần đây nhất xảy ra vào ngày 7 tháng 11, khi Cha José Alves de Carvalho, 43 tuổi, được tìm thấy đã chết tại nhà xứ ở thành phố Bom Jesus, bang Piauí. Cha De Carvalho gần đây đã bị buộc tội lạm dụng một cô gái 14 tuổi, dẫn đến việc bị tạm đình chỉ ad cautelam, nghĩa là “như một biện pháp phòng ngừa”. Sau khi quyết định tạm đình chỉ này được đưa ra, một ngày sau, ngài tự sát.

Cách thức quản lý của hàng giáo phẩm bị cáo buộc là kém cỏi trong các trường hợp như trường hợp của Cha De Carvalho đã bị chỉ trích gay gắt trong một bài viết bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội sau khi ngài qua đời. Bài viết này được cho là của một linh mục nào đó tên là “Cha Simeão”, trong đó, trọng tâm của thông điệp là các linh mục nên yêu chính bản thân mình hơn là Giáo hội.

Cha Simeão viết: “Thưa anh em, bất kỳ linh mục nào cũng có thể gặp phải tình huống như thế. Một lời tố cáo, ngay cả khi không có bất kỳ bằng chứng nào, khi được gửi đến một giám mục giáo phận đều có thể gây ra án treo tương tự như đối với Cha José”. Bài viết được chia sẻ bởi hàng chục thành viên giáo sĩ và giáo dân.

Bài viết nhận xét tiếp rằng:

“Tôi nghĩ về những người anh em tôi đã gặp, những người đã bị đình chỉ và không thể làm được gì. Những người anh em đã và đang luôn vô tội”.

Tác giả nói rằng cấu trúc của Giáo hội Brazil không có “thời gian cũng như ưu tiên việc chăm sóc các linh mục” và đề cập đến một số khó khăn mà các thành viên trong hàng giáo phẩm phải đối mặt.

Bài báo nhấn mạnh rằng: “Chúng ta là những doanh nhân và những nhân viên trong chiếc áo chùng thâm. Yêu Giáo Hội thôi chưa đủ. Điều đó không đủ để giúp chúng ta sống sót khi đối mặt với rất nhiều thử thách liên quan đến các linh mục mà thời đại hiện nay đang đặt ra cho chúng ta. Điều tốt nhất mà Giáo hội có thể làm là cầu nguyện cho chúng ta. Giáo Hội hiếm khi nâng đỡ chúng ta, hiếm khi lắng nghe chúng ta, không biết cách chăm sóc, không có thời gian để yêu thương”

Cha Lício Vale, một nhà tâm lý học và chuyên gia về tự tử, cho biết một số linh mục dường như đang mắc phải chứng bệnh giống như “chứng hoang tưởng đang bị săn lùng”, vì Giáo hội đưa ra lập trường nghiêm khắc liên quan đến việc trừng phạt những kẻ lạm dụng.

Ông nói với Crux: “Tôi nghĩ rằng Giáo hội đang trải qua một quá trình thích ứng. Từ một nền văn hóa không trừng phạt những kẻ bạo hành, Giáo Hội đang chuyển sang một thể chế hoàn toàn khắc nghiệt. Đó là một quá trình quan trọng, để bảo đảm người phạm tội phải bị trừng phạt. Nhưng các linh mục đã bị buộc tội sai phải được bồi thường – bao gồm cả việc đền bù công khai”.

Vale nói thêm rằng nỗi sợ hãi về việc bị công chúng làm ô nhục dường như đang khiến một số giáo sĩ tuyệt vọng.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm đạt được sự cân bằng. Cho đến lúc đó, điều chúng ta thực sự nên làm là xác định xu hướng lạm dụng trong những năm đào tạo ban đầu. Trong bối cảnh chúng ta thiếu linh mục, những vấn đề như vậy nhiều lần bị bỏ qua. Nhưng sớm muộn gì chúng cũng sẽ xuất hiện.”

Trên thực tế, theo Vale, các yếu tố chính hiện đang dẫn các linh mục đến tình trạng đau khổ về tinh thần phải được giải quyết trong thời gian học ở chủng viện.

“Các linh mục và chủng sinh trẻ là thành quả của một thời đại tập trung vào cái tôi của mình và việc theo đuổi thành công không kiềm chế. Não trạng chạy theo sự nghiệp hiện ở khắp mọi nơi. Các chủng viện và giám mục Brazil phải xem xét lại việc đào tạo các linh mục, và làm nổi bật tình huynh đệ thay vì sự cạnh tranh”

Mô hình giáo dục và sứ vụ linh mục của những người muốn thăng tiến trong sự nghiệp tạo ra những khó khăn trong việc thiết lập cuộc sống hàng ngày dựa trên sự hiệp thông với những người khác, với các linh mục hoặc giáo dân của một giáo xứ.

Vale nói thêm :”Nó cũng cản trở một linh mục tiếp cận với chiều kích tự lực”.

Khi hoàn toàn tập trung vào các nhiệm vụ thường xuyên của mình, linh mục quên chăm sóc tâm linh cho chính mình, cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần, và đời sống cộng đồng của mình.

“Các triệu chứng của hội chứng kiệt sức và chán nản công việc bao gồm buồn bã và mệt mỏi liên tục, trì hoãn, mất ngủ và khó làm việc. Chúng ta có thể dễ dàng xác định những vấn đề như vậy giữa nhiều linh mục”.

Theo ý kiến của nhà tâm lý học Ênio Pinto, người đã làm việc với các linh mục trong nhiều thập kỷ, hầu hết các chủng viện ngày nay đều có các chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhưng đôi khi họ thiếu các thông số khoa học cần thiết để thực sự giúp đỡ các chủng sinh trong quá trình đào tạo của họ.

“Giáo hội phải phát triển một quan điểm phê phán hơn về sức khỏe tâm thần. Nhiều lần, Giáo Hội hiểu một cách ngây thơ về những vấn đề như vậy, bao gồm cả tiêu chí để quyết định cử một linh mục đi tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.”

Đức Cha Joel Portella Amado, Giám Mục Phụ Tá của Rio de Janeiro, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục, đã theo dõi các trường hợp tự tử của các linh mục. Ngài nói rằng Giáo hội cần phải suy nghĩ lại về cách thức sứ vụ linh mục được cảm nhận.

“Nếu hình ảnh của vị linh mục là một Siêu Nhân có thể hữu ích trong quá khứ, thì bây giờ không còn như thế nữa.”

Theo Đức Cha Amado, những vụ tự sát của các linh mục là một phần của cuộc khủng hoảng lớn hơn trong xã hội Brazil, “nơi chúng tôi đang trải qua vô số thất vọng, thiếu các điểm tham chiếu và khả năng hiện thực hóa.”

Ngài nhấn mạnh rằng mỗi linh mục phải là một phần của một “cộng đồng tư tế được đào tạo”.

“Các linh mục cần học cách sống và chia sẻ với cộng đồng của mình. Nhiều người có ý kiến rằng sứ vụ linh mục ngụ ý sự cô đơn, nhưng đó là một sai lầm”.


Source:Crux

2. Ma quỷ tấn công chức linh mục

Đức Hồng Y Bassetti nhận định rằng “ngày càng có nhiều linh mục cô đơn không thể tưởng tượng được”

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #165: Priesthood Under Attack”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 165. Ma quỷ tấn công chức linh mục”.

Một linh mục đến với chúng tôi sau nhiều năm khó khăn khi cử hành Thánh lễ. Mọi sự bắt đầu khi ngài ở trên bàn thờ và chuẩn bị nói những lời truyền phép. Ngài đã trải qua một cảm giác giống như một cơn hoảng loạn. Một ngày, ngài phải ngưng ngang thánh lễ vì không thể tiếp tục. Kể từ đó, ngài cảm thấy việc cử hành Bí tích Thánh Thể quá sức mình giống như một nỗ lực và một gánh nặng. Ngài nói thêm, “Nguồn gốc của nó, cho đến nay, là một bí ẩn hoàn toàn.”

Khi chúng tôi cầu nguyện cho ngài, rõ ràng là ngài đang bị ám ảnh bởi ma quỷ. Chúng tôi đã cầu nguyện những lời cầu nguyện giải thoát trong một cuộc trừ tà nhỏ và ngài cảm thấy có gì đó nâng đỡ. Ngài cảm thấy một cảm giác tự do mới. Cuối lời cầu nguyện, ngài nói, “Tôi cảm thấy tuyệt vời!” Kể từ đó, ngài đã cảm thấy “nhẹ nhõm rất nhiều” khỏi gánh nặng trước đây và “nhiệt tình đổi mới” sứ vụ linh mục và việc cử hành Bí tích Thánh Thể của mình.

Satan luôn nhắm vào các linh mục và bí tích Thánh Thể. Nó đặc biệt thù ghét những người được đồng hình với Chúa Giêsu, những người là công cụ của Hy tế Thánh Thể. Cuộc tấn công tập trung vào chức tư tế và Giáo hội mà chúng ta đang trải qua là chưa từng thấy. Trong năm ngoái thôi, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã báo cáo về 95 vụ tấn công chưa từng có nhắm vào các nhà thờ ở Hoa Kỳ.

Vị linh mục sau đó đã chia sẻ với tôi một câu chuyện sâu sắc. Một người bạn và một giáo dân ngoan đạo đã nói với ngài tầm quan trọng của việc có các linh mục; và họ cầu nguyện cho ngài và tất cả các linh mục hàng ngày. Sau đó, ngài nói: “Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cửa vào Nhà Tạm mở toang và trống không. Đó là cách nó sẽ như thế nào nếu không còn linh mục nữa”.

Trong cuốn Các Linh Mục của Chúa Kitô, Chân phước Conchita tường thuật rằng Chúa của chúng ta nói với cô ấy: “Các chủng sinh nên được cảnh báo mạnh mẽ về những cám dỗ mà họ sẽ phải đối mặt và cuộc chiến không hồi kết mà ma quỷ sẽ gây ra chống lại họ mỗi ngày trong cuộc sống của họ, những cuộc đàn áp, những tai họa, v.v., mà họ sẽ phải chịu”.


Source:Catholic Exorcism

3. Trong phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Ý: Đức Hồng Y Bassetti nhận định rằng “ngày càng có nhiều linh mục cô đơn không thể tưởng tượng được”

“Các linh mục chúng ta ngày nay đang có nhiều vấn đề, nhưng trên hết là một sự cô đơn không thể tưởng tượng nổi”. Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, tổng giám mục của Perugia-Città della Pieve và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, gọi tắt là CEI /si-e-i/, đã mô tả như trên về tình trạng của các linh mục.

“Bất cứ ai đứng đầu một cơ chế đều trải qua sự cô đơn, và ngay cả các giám mục đôi khi cũng thấy nặng nề”, Đức Hồng Y Bassetti nói như trên sau khi ca ngợi “bầu không khí vui vẻ” mà các giám mục Ý đã trải qua trong những ngày này.

“Nhìn thấy hơn 200 giám mục ở cùng nhau trong bốn ngày, chia sẻ mọi thứ, từ thức ăn cho đến các chủ đề, là một kinh nghiệm đầy ân sủng trong tập thể giám mục”. Điều này đã được lặp lại bởi Đức Cha Erio Castellucci, phó chủ tịch CEI, người đã nói về “trải nghiệm liên quan đến tính đồng nghị trong cuộc sống hàng ngày, và về tính đồng nghị trong suy tư”.

“Tính đồng nghị là một chủ đề có vẻ xa vời và không thú vị. Nhưng tình hình sẽ khác nếu trên thực tế, chúng ta không tập trung nhiều vào bản thân nhưng vào xã hội. Nếu chúng ta có kinh nghiệm đối đầu và đối thoại, thì những gì đã xảy ra trong Công đồng Vatican II sẽ xảy ra: chúng ta càng suy tư về Giáo hội, chúng ta càng mở lòng ra với thế giới, bởi vì Giáo hội là vì thế giới, không phải vì chính mình, và chúng ta muốn đóng góp phần của chúng ta cho thế giới ngày nay”.

Tổng kết phiên khoáng đại vừa kết thúc, Đức Cha Giuseppe Baturi, phó chủ tịch CEI, nhấn mạnh về sự tham gia: “Các giám mục thể hiện bằng hành động và bằng lời nói mong muốn tham gia nhiều hơn vào các quyết định được đưa ra với tư cách giám mục, kết quả của sự phân định của cộng đồng và lắng nghe lẫn nhau. Ngày nay chúng ta thấy rõ hơn nhu cầu có thời gian lắng nghe nhau và vun đắp tình huynh đệ”.


Source:SIR

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *