Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tại sân vận động quốc gia Singapore

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ tại sân vận động quốc gia Singapore

Lúc 5 giờ chiều ngày 12/9, ngày thứ hai trong chuyến tông du tại Singapore, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh Lễ tại sân vận động quốc gia Singapore với gần 50 ngàn tín hữu, trong có các các tín hữu đến từ các quốc gia lân cận như Việt Nam, Malaysia, Brunei…

Vatican News

Đức Thánh Cha đã có khoảng nửa tiếng trước thánh lễ chào thăm các tín hữu tại sân vận động, đặc biệt ngài hôn và trao chuỗi hạt các các em nhỏ đến chào ngài.

Bài giảng Thánh Lễ

“Sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng” (1Cor 8,2). Thánh Phaolô đã dạy những lời ấy cho các tín hữu tại Cô-rin-tô, một cộng đồng rất dồi dào các đặc sủng (x. 1Cor 2,4-11). Với giáo đoàn ấy, vị Tông Đồ thường khuyến cáo họ, hãy nuôi dưỡng sự hiệp thông bằng tình bác ái.

Ở đây cũng vậy, chúng ta hãy lắng nghe những lời ấy và đồng thời chung lời tạ ơn Thiên Chúa vì Giáo Hội Singapore cũng rất phong phú các đặc sủng, rất sôi động cả trong quá trình tăng trưởng và trong cuộc đối thoại đầy tính xây dựng cùng với các tôn giáo khác, mà cùng với họ, Giáo Hội đang chung chia vùng đất tuyệt vời này.

Chính vì điều ấy, khi lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của thành phố này, rồi từ nét kiến trúc kỳ công lẫn táo bạo của nó, vốn là những điều khiến nó trở nên hấp dẫn và nổi tiếng đến vậy, nhân vì sự ấy, tôi muốn nói lên những lời tương tự, khởi đi từ cái Sân vận động Quốc gia này (National Stadium), nơi mà chúng ta đang tụ họp. Phải nói đây là khu phức hợp rất ấn tượng. Tôi muốn bình luận về nó và muốn nhắc mọi người rằng, nguồn gốc của những công trình hùng vĩ này, cũng như nguồn gốc của mọi công trình để lại dấu ấn tích cực trên thế giới, trước tiên không phải là tiền, cũng không phải là công nghệ, thậm chí cũng không phải là kỹ nghệ như nhiều người thường nghĩ, nhưng trước tiên phải là tình yêu! Đúng vậy, “tình yêu mới khởi công được”.

Có lẽ một số người cho rằng, nói vậy nghe sao quá ngây ngô. Nhưng nếu chúng ta ngẫm nghĩ kỹ hơn, thì lời ấy không ngây ngô chút nào. Thử hỏi rằng trên đời này, có công trình hùng vĩ và đẹp đẽ nào được gầy dựng nên mà đằng sau đó lại không có những con người tài năng, mạnh mẽ, giàu có, sáng tạo, nhưng dù là nam hay nữ, họ vẫn là những con người mong manh như chúng ta. Đối với họ, khi thiếu vắng tình yêu, thì cũng không có sức sống, chẳng có đà tiến lên, chẳng có động lực để làm gì cả, và rốt cuộc là chẳng có sức lực để kiến tạo.

Anh chị em thân mến!

Thật vậy, nếu trên đời này ta vẫn còn thấy đây đó những điều đẹp đẽ và thiện hảo, thì [anh chị em hãy biết rằng] đó chỉ là vì, trong muôn vàn những hoàn cảnh, chính tình yêu đã chiến thắng hận thù, tình liên đới đã khuất phục được thói thờ ơ, và lòng quảng đại vượt trên tính ích kỷ. Nếu thiếu đi những điều ấy, thì tại nơi này thậm chí chẳng có ai có thể làm cho một đô thị lớn như thế được mọc lên, [vì lẽ] các kiến trúc sư đã không lập dự án, rồi công nhân cũng không thi công, và vì thế mà chẳng có gì được dựng nên cả.

Thế thì, những gì mà chúng ta đang thấy là một dấu chỉ, và đằng sau mỗi công trình trước mặt chúng ta lại chất chứa rất rất nhiều những câu chuyện tình cần được khám phá: chuyện tình về những con người, cả nam lẫn nữ, đã hợp nhất với nhau thành một cộng đồng; chuyện tình về những cư dân đã hy sinh cho quê hương đất nước của mình; câu chuyện tình yêu về những người mẹ, những người cha đã chăm sóc cho gia đình; câu chuyện tình yêu về các chuyên gia và những người lao công đủ mọi hạng loại, họ đã dấn thân nhiệt huyết trong các vai trò và các phận vụ khác nhau, v.vv… Phải nói rằng rất hữu ích cho chúng ta nếu như chúng ta biết khám phá ra những câu chuyện ấy, vốn được viết trên mặt tiền nhà và trên các trục lộ giao thông, để rồi khi chúng ta chuyển tải những câu chuyện ấy thành ký ức, chúng sẽ nhắc nhở chúng ta rằng nếu như không có tình yêu thương, thì chẳng có thứ gì bền vững lại được sinh ra và lớn lên cả!

Đôi khi sự vĩ đại và hoành tráng của các dự án mà ta thực hiện có lẽ khiến chúng ta cố tình quên đi [điều ấy – tình yêu], rồi ảo tưởng sức mạnh của riêng mình và cho rằng, tự thân chúng ta chính là tác giả của chính chúng ta, rồi là tác giả của sự giàu có và thịnh vượng mà chúng ta có được, và cũng là tác giả của nguồn hạnh phúc. Nhưng cuộc sống này rốt cuộc đưa chúng ta về lại với một thực tế duy nhất: thiếu vắng tình yêu thì chúng ta không là gì cả!

Vì vậy, chẳng phải Đức tin đã xác nhận cho chúng ta điều ấy sao, và lại còn soi tỏ cho chúng ta hơn nữa về tính chắc chắn của nó. Bởi lẽ đức tin mách bảo cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa chính là nguồn cội của năng lực yêu thương đang có nơi chúng ta, và chúng ta hằng được Thiên Chúa yêu mến. Với tấm lòng của người Cha, Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta và đã mang chúng ta vào đời bằng cách thức hoàn toàn nhưng không / vô vị lợi (x. 1Cor 8,6), để rồi nhờ cái chết và sự phục sinh của Người Con yêu dấu, Thiên Chúa đã cứu chuộc và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và khỏi sự chết vẫn theo cách nhưng không / vô vị lợi như vậy. Chính nơi Chúa, chúng ta tìm thấy nguồn cội và sự viên mãn của tất cả những gì mà chúng ta đang  và sẽ trở thành.

Như vậy trong tình yêu của chúng ta, chúng ta lại thấy một phản ảnh về tình yêu của Thiên Chúa, ví tựa như lời thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy nhân dịp ngài viếng thăm vùng đất này[1] và ngài đã thêm vào một cụm từ quan trọng, đó là “vì điều này, tình yêu được đặc trưng bởi sự tôn trọng sâu xa dành cho tất cả mọi người, bất kể chủng tộc, tín ngưỡng của họ hoặc bất cứ điều gì khiến cho họ khác biệt với chúng ta” (ibid.)

Cụm từ ấy quan trọng đối với chúng ta bởi vì, ngoài sự kinh ngạc mà chúng ta cảm được đối với các tác phẩm do con người tạo ra, nó lại nhắc nhở chúng ta rằng, có một thứ kỳ diệu hơn: đó chính là con người, những người anh chị em mà chúng ta gặp hàng ngày trên dòng đời. Họ cần được đón nhận bằng tất cả lòng quý trọng và sự ngưỡng mộ thậm chí phải lớn hơn rất nhiều. Việc đón nhận nhau mà không có sự thiên vị, không có sự phân biệt, giống như cách mà xã hội và Giáo Hội Singapore đã và đang nêu chứng tá, là vừa có sự đa dạng về sắc tộc đến vậy, mà đồng thời lại rất hiệp nhất và đoàn kết với nhau!

Tòa nhà đẹp nhất, kho tàng quý báu nhất, phần đầu tư sinh lợi nhất trong mắt Thiên Chúa chính là mỗi người chúng ta đây, là những người con dấu yêu cùng một Cha (x. Lc 6,36), lần lượt được mời gọi để loan truyền tình yêu thương. Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay nói với chúng ta bằng nhiều cách nói khác nhau, nhưng chúng lại diễn tả cùng một thực tại, đó là đức bác ái. Đức bác ái vốn rất tế nhị để biết tôn trọng tính dễ bị tổn thương nơi những người yếu đuối (x. 1Cor 8,13), biết chu đáo quan tâm đến những người bấp bênh để đồng hành với họ trong suốt hành trình cuộc sống (x. Tv 138), biết độ lượng và hào hiệp để thứ tha là điều vượt trên mọi tính toán và đo lường (x. Lc 6,27-38).

Tình yêu mà Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta, và tình yêu Ngài mời gọi chúng ta lần lượt thực hành, là như thế này: “Ngài thỏa đáp nhu cầu của người nghèo cách rộng lượng, […] Ngài tỏ lòng thương xót những người đau khổ […] sẵn sàng bày tỏ lòng hiếu khách […] tín trung trong những lúc nguy nan […] luôn sẵn lòng tha thứ, hy vọng”, đến mức “đáp trả lời báng bổ bằng lời chúc phúc […] Đấy chính là điểm tựa của Tin Mừng”[2].

Chúng ta có thể thấy những điều ấy nơi chân dung các vị thánh: những con người, cả nam lẫn nữ, được Thiên Chúa giàu lòng xót thương chinh phục, đến mức họ trở thành hình ảnh phản chiếu sống động của Người. Và cuối cùng tôi muốn đề cập đến hai mẫu gương.

Đầu tiên là Đức Mẹ Maria, Đấng mà chúng ta cử hành Lễ mừng Thánh Danh hôm nay. Có biết bao lớp người đặt niềm cậy trông vào sự cầu bầu của Mẹ, có biết bao môi miệng đã và đang xướng danh Mẹ ngay trong những phút giây vui sướng cũng như những lúc đau buồn! Và đó là vì nơi Mẹ Maria, chúng ta thấy tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ ra theo một trong những cách thức đẹp đẽ và trọn vẹn nhất: đó là sự dịu dàng của một người mẹ. Người mẹ vốn thấu hiểu và tha thứ tất cả, và là người chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đấy là lý do tại sao chúng ta phải hướng lòng về Mẹ!

Người thứ hai là một vị thánh kính yêu của vùng đất này, ngài đã nhiều lần bắt gặp được ở đây lòng hiếu khách, trong các chuyến hành trình truyền giáo của mình. Tôi đang nói về Thánh Phanxicô Xavier, người đã nhiều lần được chào đón đến với Singapore, và lần cuối cùng ngài đến đây là vào ngày 21 tháng 7 năm 1552.

Thánh Phanxicô Xavier để lại cho chúng ta một bức thư tuyệt vời, bức thư mà ngài đã gửi cho Thánh I-nha-xiô, một người bạn chí thân cùng thuộc Dòng Tên với mình. Trong bức thư đó, Thánh Phanxicô Xavier bày tỏ lòng khao khát là muốn đi đến tất cả các trường đại học vào thời ấy, “để hét to lên như một kẻ điên hết chỗ này đến chỗ nọ, để lay động những ai mê khoa học hơn là đức bác ái”, để khiến họ cảm thấy được thúc giục, rồi trở nên những nhà truyền giáo mang tình yêu Chúa đến cho anh em đồng loại, rồi vì đó mà họ cũng có thể thốt lên tận đáy lòng rằng, “Lạy Chúa, con đây! Ngài muốn con làm gì?”[3]

Tôi thiết nghĩ mỗi người chúng ta đây cũng có thể học lấy những lời này để làm thành của riêng mình, noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria: “Lạy Chúa, con đây; Ngài muốn con làm gì?”. Nguyện xin Chúa với Mẹ luôn đồng hành với chúng ta, không chỉ trong những ngày này, mà là mãi mãi, đúng như một cam kết liên lỉ, là muốn lắng nghe và muốn đáp lại cách mau mắn những lời mời gọi sống yêu thương và sống công bình. Đấy là những điều mà hôm nay đây vẫn hằng lôi kéo chúng ta hướng về phía lòng từ ái vô biên của Thiên Chúa.

Cuối Thánh Lễ, Đức Thánh Cha chào một số nhóm tín hữu trước khi trở về trung tâm tĩnh tâm thánh Phanxicô Xaviê để dùng bữa tối và nghỉ đêm. Kết thúc ngày thứ hai chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Singapore.

[1] X. ĐTC Gioan Phaolô II, Bài giảng trong  Thánh Lễ tại Sân vận động Quốc gia ở Singapore, ngày 20.11.1986.

[2] X. ĐTC Gioan Phaolô II, Bài giảng trong  Thánh Lễ tại Sân vận động Quốc gia ở Singapore, ngày 20.11.1986.

[3] X. Francesco Saverio, Thư gởi thánh I-nha-xi ô, ngày 20.10.1544.

ĐTC Phanxicô thăm hữu nghị tổng thống và thủ tướng Singapore

Sáng thứ Năm ngày 12/9, ngày thứ hai chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Singapore. Vào lúc 8 giờ 35’ giờ địa phương, từ Trung tâm tĩnh tâm “Thánh Phanxicô Xaviê”, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Toà nhà Quốc hội, cách đó khoảng 20,5 km, để gặp tổng thống và thủ tướng Singapore.

Vatican News

Toà nhà Quốc hội
Toà nhà Quốc hội

Toà nhà Quốc hội

Toà nhà Quốc hội của Singapore còn được gọi là Toà nhà Quốc hội mới, nằm ở trung tâm thành phố, gần sông Singapore và gần các toà nhà chính phủ khác. Ra đời để giải quyết những vấn đề về không gian của vị trí cũ, cấu trúc toà nhà bao gồm ba khối mới.

Toà nhà này không chỉ là nơi diễn ra các cuộc tranh luận của quốc hội, nhưng còn là trung tâm nghiên cứu và gặp gỡ của các thành viên quốc hội, đồng thời là nơi được các sinh viên và công chúng quan tâm.

Lối vào chính có hàng cọ dọc hai bên cùng với đài phun nước. Khu phức hợp mới còn bao gồm khán phòng 170 chỗ ngồi, một thư viện, một dãy các phòng họp, và các loại phòng khác. Bãi đậu xe dưới lòng đất để lại không gian phía trên với cảnh tươi đẹp và khu vườn rộng 2.770 m2.

ĐTC tại Toà nhà Quốc hội
ĐTC tại Toà nhà Quốc hội

Nghi thức đón tiếp Đức Thánh Cha

Vào lúc 9 giờ, Thánh Cha đến Toà nhà Quốc hội và được Tổng thống Cộng hoà chào đón để dự lễ nghi đón tiếp chính thức, với tất cả các nghi thức ngoại giao.

Nghi thức đón tiếp được bắt đầu bằng tiếng kèn chào mừng của đoàn quân nhạc. Sau đó, đoàn quân nhạc lần lượt trỗi quốc thiều của Vatican và Singapore.

Hiện diện trong nghi thức tiếp đón này có các đại diện của chính phủ Singapore và phái đoàn của Tòa Thánh cũng như các lãnh đạo Giáo hội tại Singapore.

Sau nghi thức chào cờ, Tổng thống giới thiệu phái đoàn chính phủ Singapore. Tiếp đó là phái đoàn của Vatican.

Sau lễ nghi đón tiếp chính thức, Đức Thánh Cha dùng thang máy lên Phòng Temasek để hội kiến riêng với Tổng thống, và sau đó với Thủ tướng Singapore .

Tổng thống Singapore

Đức Thánh Cha và Tổng thống
Đức Thánh Cha và Tổng thống

Tổng thống Cộng hoà Singapore là ông Tharman Shanmugaratnam, sinh năm 1957. Ông đã hoàn thành các chương trình học chuyên ngành về kinh tế, quản trị  công. Ông trở thành thành viên của Đảng Hành động Nhân dân vào năm 2001. Trước khi được bầu làm Tổng thống Singapore với vòng đầu tiên với hơn 70% phiếu thuận, ông Shanmugaratnam đã từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng và sau đó là Thủ tướng.

Thủ tướng Sinpapore

Thủ tướng Singapore là ông Wong Shyun Tsai, sinh năm 1972 tại Singapore. Ông đã tốt nghiệp ngành kinh tế và quản trị công. Trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào ngày 15/5 vừa qua, ông Wong đã giữ một số các chức vụ như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore.

Sau khi hội kiến riêng với Tổng thống và Thủ tướng, vào lúc 10 giờ 15’, Đức Thánh Cha đến Nhà hát của Trung tâm Văn hoá Đại học của “Đại học Quốc gia Singapore” cách đó khoảng 10 km để gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Đức Thánh Cha gặp cựu Thủ tướng Singapore

ĐTC Phanxicô và cựu Thủ tướng
ĐTC Phanxicô và cựu Thủ tướng

Sau khi gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha trở lại Trung tâm tĩnh tâm “Thánh Phanxicô Xaviê”. Tại đây vào lúc 12 giờ, ngài gặp riêng cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) và gia đình.

Cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long, con trai Thủ tướng đầu tiên của đất nước, Lý Quang Diệu, sinh năm 1952 tại Singapore. Ông đã tốt nghiệp chuyên ngành toán học và hành chính công. Trước khi tham gia chính trường, ông phục vụ trong lực lượng vũ trang của đất nước, đạt cấp bậc thiếu tướng. Ông trở thành thành viên của Đảng Hành động Nhân dân năm 1984. Ông Lý Hiển Long làm Thủ tướng Singapore trong ba nhiệm kỳ, 2010, 2015 và 2020.

Ông Lý Hiển Long được biết đến là người đã lãnh đạo Singapore chuyển mình thành cường quốc tài chính quốc tế và điểm du lịch hàng đầu. Xuất thân trong gia đình làm chính trị và xây dựng được hình ảnh thân thiện, uyên bác, ông Lý được nhiều người dân Singapore yêu mến. Ông đứng đầu trong bảng xếp hạng khảo sát chính trị gia được ủng hộ nhiều nhất và khu vực bầu cử của ông luôn nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong các cuộc bỏ phiếu.

Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long được ghi nhận giúp lèo lái đất nước vượt qua một số cuộc suy thoái, khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19. Với tầm nhìn của người đứng đầu đất nước, ông Lý Hiển Long đã giúp đảo quốc sư tử khẳng định được vị thế của mình khi là nơi đặt trụ sở châu Á của các tập đoàn đa quốc gia, thu hút vốn đầu tư khổng lồ từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Diễn văn của ĐTC Phanxicô trong buổi gặp gỡ các cấp chính quyền, ngoại giao đoàn tại Singapore

2024.09.12 Viaggio Apostolico a Singapore - Incontro con le Autorita'

Trong bài nói chuyện trước chính quyền dân sự và tôn giáo, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giáo đoàn ở Singapore, Đức Thánh Cha ca ngợi sự tăng trưởng, khả năng phục hồi và sự dấn thân của Singapore đối với công lý xã hội, đồng thời cảnh giác trong việc sử dụng công nghệ một cách có đạo đức “để không tự cô lập mình một cách nguy hiểm trong một thực tế hư cấu và không thể nắm bắt được”. Ngài kêu gọi họ tiếp tục nỗ lực hướng tới sự bao gồm, tính bền vững của môi trường và lợi ích chung.

DIỄN VĂN CỦA ĐTC PHANXICÔ
Gặp gỡ Chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Singapore
Nhà hát của Trung tâm Văn hoá Đại học của “Đại học Quốc gia Singapore”
12/09/2024

Kính thưa ngài tổng thống,
Kính thưa ngài thủ tướng,
các cấp Chính quyền,
các đại diện xã hội dân sự
các Thành viên Ngoại giao đoàn

Tôi cảm ơn ngài Tổng thống vì những lời chào đón nồng hậu mà ngài đã vui lòng dành cho tôi và những lời này nhắc lại lòng biết ơn của tôi về chuyến viếng thăm Vatican gần đây của ngài. Tôi biết ơn tất cả Chính quyền vì sự chào đón thân tình tại thành phố này của quý vị, một ngã tư thương mại có tầm quan trọng hàng đầu và là nơi gặp gỡ giữa các dân tộc khác nhau.

Bất cứ ai đến đây lần đầu tiên đều không thể không bị ấn tượng bởi một rừng những tòa nhà chọc trời cực kỳ hiện đại dường như mọc lên từ biển. Chúng là minh chứng rõ ràng cho tài năng của con người, sự năng động của xã hội Singapore và sự nhạy bén của tinh thần kinh doanh, những điều đã tìm thấy ở đây một mảnh đất màu mỡ để thể hiện.

Câu chuyện của Singapore là câu chuyện về sự tăng trưởng và khả năng phục hồi. Từ xuất phát khiêm tốn, dân tộc này đã đạt đến trình độ phát triển cao, chứng tỏ đó là kết quả của những quyết định hợp lý chứ không phải ngẫu nhiên: đó là kết quả của sự dấn thân không ngừng để hoàn thành các dự án, của các sáng kiến ​​được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với các nét đặc thù của nơi này. Những ngày này đánh dấu kỷ niệm 101 năm ngày sinh của Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Singapore, người giữ chức vụ này từ năm 1959 đến năm 1990 và đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và chuyển đổi nhanh chóng của đất nước.

Điều quan trọng nữa là Singapore không chỉ thịnh vượng về kinh tế mà còn nỗ lực xây dựng một xã hội trong đó công bằng xã hội và lợi ích chung được coi trọng. Tôi đặc biệt nghĩ đến sự cống hiến của quý vị trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân thông qua các chính sách nhà ở công cộng, giáo dục chất lượng cao và hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả. Tôi hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ tiếp tục có sự tham gia đầy đủ của tất cả người dân Singapore.

Về vấn đề này, tôi muốn chỉ ra nguy cơ của một chủ nghĩa thực dụng và một sự đề cao công trạng, tức là hậu quả không lường trước được của việc hợp pháp hóa sự loại trừ những người ở bên lề những lợi ích của sự tiến bộ.

Về mặt này, tôi ghi nhận và khen ngợi nhiều chính sách và sáng kiến ​​khác nhau được đưa ra để hỗ trợ những người yếu thế nhất, và tôi hy vọng rằng sự quan tâm đặc biệt sẽ được dành cho người nghèo, người già – những người lao động đã đặt nền móng cho Singapore mà chúng ta biết ngày nay – và bảo vệ phẩm giá của những người lao động nhập cư, những người đóng góp to lớn vào việc xây dựng xã hội và những người phải được đảm bảo mức lương công bằng.

Các công nghệ phức tạp của thời đại kỹ thuật số và sự phát triển nhanh chóng trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo không thể làm cho chúng ta quên rằng điều thiết yếu là phải vun trồng những mối quan hệ thực sự và cụ thể giữa con người với nhau; và rằng những công nghệ này có thể được khai thác một cách chính xác để đưa chúng ta đến gần nhau hơn, thúc đẩy sự hiểu biết và liên đới, chứ không phải để cô lập chúng ta một cách nguy hiểm trong một thực tế hư cấu và không thể nắm bắt được.

Singapore là một bức tranh khảm của các sắc tộc, văn hóa và tôn giáo cùng chung sống hài hòa. Việc đạt được và duy trì sự bao gồm tích cực này được hỗ trợ bởi tính công bằng của các tổ chức công, dấn thân vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng với mọi người, giúp mọi người có thể đóng góp công sức riêng cho lợi ích chung và không cho phép chủ nghĩa cực đoan và sự bất bao dung có được sức mạnh và gây nguy hiểm cho hòa bình xã hội. Sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, đối thoại và quyền tự do bày tỏ niềm tin của mình vào sự trung thành với luật chung là những điều kiện quyết định cho sự thành công và ổn định mà Singapore đạt được, những yêu cầu cho sự phát triển không xung đột và hỗn loạn, nhưng cân bằng và bền vững.

Giáo hội Công giáo ở Singapore, kể từ khi bắt đầu hiện diện, đã cống hiến sự đóng góp độc đáo cho hành trình của quốc gia này, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế, tận dụng tinh thần hy sinh và cống hiến của các nhà truyền giáo và tín hữu Công giáo. Luôn được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô hướng dẫn, cộng đồng Công giáo cũng đi đầu trong các công việc bác ái, đóng góp đáng kể vào các nỗ lực nhân đạo và quản lý một số cơ sở y tế và nhiều tổ chức nhân đạo, bao gồm cả Caritas vì mục đích này.

Hơn nữa, Giáo hội – theo những chỉ dẫn của Tuyên bố Nostra aetate của Công đồng Vatican II về quan hệ với các tôn giáo ngoài Kitô giáo – đã không ngừng thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên tôn giữa các cộng đồng đức tin khác nhau, với tinh thần cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng và hòa bình.

Cuộc viếng thăm này của tôi, với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, diễn ra 43 năm sau khi quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Tòa thánh và Singapore. Nó nhằm mục đích củng cố đức tin của người Công giáo và khuyến khích họ tiếp tục cộng tác với tất cả những người nam nữ có thiện chí bằng niềm vui và sự cống hiến, nhằm xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh và gắn kết, vì lợi ích chung và vì một chứng tá sáng ngời như pha lê về đức tin của chính họ.

Singapore cũng có một vai trò cụ thể trong trật tự quốc tế đang bị đe dọa bởi các cuộc xung đột và chiến tranh đẫm máu, và tôi vui lòng vì nước này đã thúc đẩy một cách xứng đáng chủ nghĩa đa phương và một trật tự dựa trên các quy tắc được tất cả các bên chia sẻ. Tôi khuyến khích quý vị tiếp tục làm việc vì sự liên đới và tình huynh đệ của nhân loại, vì lợi ích chung của mọi dân tộc, mọi quốc gia, với sự hiểu biết không loại trừ hoặc hạn hẹp về lợi ích quốc gia.

Xin cho phép tôi nhắc đến vai trò của gia đình, nơi đầu tiên mà mọi người học cách liên hệ với người khác, để được yêu thương và yêu thương. Trong điều kiện xã hội hiện nay, nền tảng mà gia đình dựa vào đang bị đặt dấu hỏi và có nguy cơ bị suy yếu. Các gia đình phải được đặt vào vị trí để truyền tải những giá trị mang lại ý nghĩa và định hình cho cuộc sống cũng như dạy người trẻ hình thành những mối quan hệ vững chắc và lành mạnh. Do đó, những nỗ lực nhằm cổ vũ, bảo vệ và hỗ trợ sự hiệp nhất của gia đình thông qua hoạt động của nhiều tổ chức khác nhau cần được khen ngợi.

Chúng ta đang sống trong thời đại khủng hoảng môi trường và chúng ta không được đánh giá thấp tác động mà một quốc gia nhỏ như Singapore có thể gây ra đối với nó. Vị trí độc đáo của quý vị cho phép quý vị tiếp cận vốn, công nghệ và tài năng, những nguồn lực có thể thúc đẩy sự đổi mới để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Sự dấn thân của quý vị cho sự phát triển bền vững và bảo vệ thiên nhiên là một tấm gương để noi theo và việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức môi trường có thể khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự. Singapore là một tấm gương sáng về những gì nhân loại có thể đạt được bằng cách hợp tác hài hòa, có tinh thần trách nhiệm và tinh thần liên đới và tình huynh đệ. Tôi khuyến khích quý vị tiếp tục con đường này, tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa và vào tình phụ tử của Người dành cho tất cả mọi người.

Thưa ngài Tổng thống, thưa quý vị, xin Thiên Chúa giúp quý vị đáp ứng những nhu cầu và mong đợi của dân tộc quý vị, đồng thời giúp quý vị cảm nghiệm rằng, với những người luôn khiêm tốn và biết ơn, Người có thể hoàn thành những điều vĩ đại vì lợi ích của tất cả mọi người.

Xin Chúa chúc lành cho Singapore!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *