Đức Thánh cha gặp gỡ khối G7

Trưa ngày 14 tháng Sáu năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã bay tới “Borgo Egnazia”, một làng nhỏ thuộc miền Puglia, nam Ý, là nơi nghỉ mát nổi tiếng và sang trọng, cách Roma 500 cây số về hướng đông nam, để gặp gỡ một số vị quốc trưởng, đang tham dự Hội nghị của các vị lãnh đạo khối bảy cường quốc, G7, theo lời mời của bà Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, trong tư cách là Chủ tịch theo lượt của khối này.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hội nghị đã bắt đầu từ thứ Năm, ngày 13 tháng Sáu vừa qua và kéo dài đến ngày 15 tháng Sáu. Bà Meloni cho biết khi mời Đức Thánh cha, bà xác tín rằng sự hiện diện và phát biểu của ngài có thể góp phần quan trọng trong việc tìm ra một khuôn khổ luân lý đạo đức và văn hóa cho việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đối với võ khí.

Đức Thánh cha rời Vatican lúc 11 giờ, và sau hơn một tiếng rưỡi bay, trực thăng của không quân Ý chở ngài đã đáp xuống sân thể thao ở Borgo Egnazia. Đức Thánh cha được bà Thủ tướng Meloni đón tiếp, rồi Đức Thánh cha dùng xe thể thao về nơi ở dành riêng.

Tại đây, trong một tiếng rưỡi đồng hồ, Đức Thánh cha lần lượt gặp gỡ và trao đổi song phương với bà Kristalina Georgieva, người Bulgaria, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổng thống Ucraina, ông Volodymyr Zelensky, rồi Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp, Thủ tướng Justin Trudeau của Canada.

Tiếp đến, lúc quá 14 giờ đã có lễ nghi bà Giorgia Meloni, chính thức đón tiếp Đức Thánh cha tại sân của Borgo Egnazia và chụp hình, trước khi Đức Thánh cha được hướng dẫn đến phòng Arena để tham dự phiên họp chung. Lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm của G7, một vị Giáo hoàng tham dự và phát biểu tại một buổi họp của nhóm các cường quốc này.

Phát biểu của Đức Thánh cha

Phiên họp bắt đầu lúc 14 giờ 15. Và trong bài phát biểu, Đức Thánh cha nói đến những cơ may, những nguy hiểm và hậu quả của trí tuệ nhân tạo: ngài nhấn mạnh rằng nhân loại sẽ có một tương lai vô vọng, nếu người ta tước bỏ của con người khả năng quyết định về bản thân cũng như về đời sống của mình, kết án con người phải lệ thuộc những chọn lựa của máy móc.

Rất tiếc là nguy cơ ấy là điều có thực hơn bao giờ hết: trí tuệ nhân tạo là một dụng cụ có sức thu hút, nhưng đồng thời nó cũng là một dụng cụ kinh khủng, nhất là nó có thể mang lại bao nhiêu lợi ích, nhưng cũng có thể tạo nên những thiệt hại, như bao nhiêu vật dụng khác do con người tạo nên. Đề tài trí tuệ nhân tạo đã được Đức Thánh cha nói đến trong sứ điệp nhân ngày Thế giới Truyền thông Xã hội Lần thứ 58, cử hành ngày 12 tháng Năm vừa qua.

Nay trước những nhân vật nam nữ đang nắm giữ những trách nhiệm to lớn trên thế giới, Đức Thánh cha nêu rõ hơn những cơ may và rủi ro của trí tuệ nhân tạo đối với tương lai của nhân loại, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tranh “từng mảnh” ngày càng bị ráp lại với nhau.

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Trong một thảm trạng như các cuộc xung đột võ trang, điều cấp thiết là xét lại sự phát triển và sử dụng các dụng cụ gọi là “võ khí tự động giết người” để nghiêm cấm sử dụng chúng, bắt đầu từ quyết tâm thực sự và cụ thể ngày càng du nhập sự kiểm soát chặt chẽ của con người.

Đừng bao giờ để những chiếc máy giết người đã tạo nên chúng. Đức Thánh cha khai triển ý tưởng này. Đây không phải là một thành kiến đối với những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, nhưng đúng hơn là sự trôi dạt, không thể thể kiểm soát nổi các dụng cụ ấy. Đức Thánh cha nói: Khoa học và kỹ thuật là những sản phẩm đặc biệt do tiềm năng sáng tạo của con người, và chính từ việc sử dụng tiềm năng sáng tạo mà Thiên Chúa ban cho chúng ta mà trí tuệ nhân tạo được chào đời. Đó là một phương tiện hết sức mạnh mẽ, được sử dụng trong rất nhiều lãnh vực hoạt động của con người, như: y khoa, lao động, văn hóa, truyền thông, giáo dục và chính trị. Người ta được phép cho rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng ảnh hưởng đến lối sống, tương quan xã hội và trong tương lai, nó sẽ ảnh hưởng tới cả quan niệm của chúng ta về căn tính con người”.

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Vì những lý do đó, đứng trước những kỳ công của máy móc dường như biết chọn lựa một cách độc lập, chúng ta phải ý thức rõ rằng quyết định phải luôn luôn thuộc về con người”. Và Đức Thánh cha cảnh giác rằng: “Chúng ta sẽ kết án nhân loại phải chịu một tương lai không có hy vọng, nếu chúng ta tước đoạt khỏi con người khả năng quyết định về chính mình, bó buộc nó phải lệ thuộc những chọn lựa của máy móc. Chúng ta phải bảo vệ và đảm bảo một không gian kiểm soát quan trọng của con người đối với tiến trình chọn lựa các chương trình của trí tuệ nhân tạo. Điều này liên hệ tới chính phẩm giá con người”.

Sau bài phát biểu của Đức Thánh cha, nhiều tham dự viên khác cũng lên tiếng về vấn đề này. Tiếp đến, từ lúc 17 giờ 30, Đức Thánh cha còn có những cuộc gặp gỡ song phương với các vị Tổng thống của Kenya bên Phi châu, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ, Tổng thống Joe Biden của Mỹ, Tổng thống Brazil, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, sau cùng là Tổng thống nước Algeria, ông Abdelmadjid Tebboune.

Lúc gần 20 giờ, Đức Thánh cha mới đáp trực thăng bay trở về Vatican.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *