Đức Thánh Cha tham dự buổi đọc Tuyên bố cuối cùng và bế mạc Đại hội

Đức Thánh Cha tham dự buổi đọc Tuyên bố cuối cùng và bế mạc Đại hội

Vào lúc 14 giờ 30 phút giờ địa phương, sau khi chào tạm biệt nhân viên và tình nguyện viên của Toà Sứ thần, Đức Thánh Cha đi xe đến Dinh Độc lập cách đó 4,3 km để tham dự phần đọc Tuyên bố cuối cùng và bế mạc Đại hội lần thứ 7 các lãnh đạo tôn giáo thế giới và truyền thống.

 

Trong bài diễn văn trước các tham dự viên là các lãnh đạo tôn giáo thế giới và truyền thống, trước hết Đức Thánh Cha cám ơn mọi người đã tham gia tích cực những ngày làm việc này. Tất cả đều dấn thân và chia sẻ để phục vụ cho công cuộc đối thoại, nỗ lực hướng tới hòa bình và thống nhất. Ngài cũng cám ơn chính quyền địa phương, ban tổ chức Đại hội, người dân Kazakhstan thân thiện và can đảm, có khả năng tiếp nhận các nền văn hóa khác trong khi vẫn bảo tồn lịch sử cao quý và truyền thống quý báu của mình.

Buổi đọc Tuyên bố cuối cùng và bế mạc Đại hội
Đại hội tái khẳng định bản chất đích thực và bất khả xâm phạm của tôn giáo

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc lại khẩu hiệu của cuộc viếng thăm “Những sứ giả của Hòa bình và Hiệp nhất”, và nói câu này được viết ở số nhiều vì đây là con đường chung. Và Đại hội lần thứ bảy này, trong đó chúng ta được tham gia nhờ ân ban của Đấng Tối Cao đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng. Kể từ khi bắt đầu vào năm 2003, sự kiện này đã được lấy làm mẫu là Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II triệu tập năm 2002 tại Assisi, nhằm tái khẳng định sự đóng góp tích cực của các truyền thống tôn giáo đối với đối thoại và hòa hợp giữa các dân tộc. Sau những gì xảy ra vào ngày 11/9/2001, cần phải phản ứng cùng nhau, trước bầu khí nóng rực mà bạo lực khủng bố muốn kích động và có nguy cơ khiến tôn giáo trở thành một yếu tố xung đột. Trong những ngày này để tái khẳng định bản chất đích thực và bất khả xâm phạm của tôn giáo.

Liên hệ lành mạnh giữa chính trị và sự siêu việt

Đức Thánh Cha lấy hình ảnh lá cờ của Kazakhstan để nhấn mạnh về sự cần thiết duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa chính trị và tôn giáo. Ngài nói rằng nếu đại bàng vàng được hiển thị trên lá cờ, gợi nhớ quyền lực trần thế và các đế chế cổ xưa, thì nền màu xanh lam gợi lên màu sắc của bầu trời, và sự siêu việt. Do đó, có một mối liên hệ lành mạnh giữa chính trị và sự siêu việt, một hình thức chung sống lành mạnh giữ cho các lĩnh vực phân biệt. Con người giống như đại bàng, cần một bầu trời tự do để bay, một không gian tự do và rộng mở đến vô cùng không bị giới hạn bởi sức mạnh trần thế.

Mặt khác, siêu việt không được nhượng bộ trước sự cám dỗ của việc biến mình thành quyền lực, nếu không, trời sẽ sập xuống, bên kia vĩnh cửu sẽ bị giam cầm trong trần thế hiện tại, tình yêu dành cho người lân cận trở thành mồi cho những quyết định đảng phái. Vì vậy, những người muốn bày tỏ niềm tin của họ một cách hợp pháp phải được bảo vệ ở mọi nơi và mọi lúc.

Buổi đọc Tuyên bố cuối cùng và bế mạc Đại hội

Tự do tôn giáo không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là một quyền cụ thể

Đức Thánh Cha khuyến khích tất cả mạnh mẽ kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ các nhóm tôn giáo và cộng đồng dân tộc bị vi phạm nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, cũng như bị bạo lực bởi những kẻ cực đoan và khủng bố, kể cả do hậu quả của chiến tranh và xung đột quân sự (số 6). Trên hết, cần phải dấn thân để tự do tôn giáo không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là một quyền cụ thể. Ngài nói: “Chúng ta hãy bảo vệ quyền tôn giáo, hy vọng, và vẻ đẹp cho tất cả mọi người. Bởi vì không chỉ Kazakhstan, như quốc thiều của họ tuyên bố, là “bầu trời của mặt trời vàng”, và điều này cũng đúng đối với mỗi người. Trong tính độc nhất tuyệt đối, mỗi người khi tiếp xúc với thần linh, có thể tỏa sáng đặc biệt trong thế giới chúng ta.”

Đối thoại liên tôn là một con đường chung cho hòa bình và vì hòa bình

Về điều này, đối với Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha khẳng định rằng Giáo hội, vốn không bao giờ mệt mỏi trong việc loan báo phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,26), cũng tin vào sự hiệp nhất của gia đình nhân loại. Giáo hội Công giáo tin rằng “tất cả các dân tộc tạo thành một cộng đồng duy nhất, có một nguồn gốc duy nhất, vì Thiên Chúa đã tạo ra toàn thể loài người sống trên mặt đất” (Conc. Ecum. Vat. II, Dich. Nostra aetate, 1). Vì lý do này, kể từ khi bắt đầu Đại hội này, Tòa Thánh, đặc biệt qua Bộ Đối thoại Liên tôn, đã tích cực tham gia. Và Toà Thánh muốn tiếp tục như vậy: con đường đối thoại liên tôn là một con đường chung cho hòa bình và vì hòa bình, và như vậy nó là cần thiết và không thể đảo ngược. Đối thoại liên tôn không chỉ là một cơ hội, nhưng là một sự phục vụ khẩn cấp và không thể thay thế đối với nhân loại, đối với sự ngợi khen và vinh quang của Đấng Tạo Hóa của tất cả mọi người.

Con người là con đường của mọi tôn giáo

Tiếp tục đề cập đến Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để nhấn mạnh về điểm hội tụ của các tôn giáo. Đức Thánh Cha nói: “khi nghĩ về hành trình chung này, tôi tự hỏi: điểm hội tụ của chúng ta là gì? Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – người đã đến thăm Kazakhstan 21 năm trước – khẳng định rằng “mọi con đường của Giáo hội đều dẫn đến con người” và con người là “con đường của Giáo hội”. (Lett. enc. Redemptor hominis, 14) Hôm nay tôi muốn nói rằng con người cũng là con đường của mọi tôn giáo. Vâng, con người cụ thể, yếu nhược vì đại dịch, gục ngã bởi chiến tranh, bị tổn thương bởi sự thờ ơ! Con người, một thụ tạo mong manh và tuyệt vời, “biến mất nếu không có Đấng Tạo hóa” (Conc. Ecum. Vat. II, Cost. past. Gaudium et spes, 36) và không có người khác, không tồn tại! Chúng ta hãy nghĩ đến lợi ích của con người hơn là các mục tiêu chiến lược và kinh tế, lợi ích quốc gia, năng lượng và quân sự, trước khi đưa ra các quyết định quan trọng. Để đưa ra những lựa chọn thực sự lớn, hãy nghĩ đến trẻ em, thanh niên và tương lai của họ, người già và sự khôn ngoan của họ, những dân thường và nhu cầu thực sự của họ. Và chúng ta lên tiếng kêu lên rằng con người không bị thu hẹp vào những gì con người sản xuất và kiếm được; nhưng phải được chấp nhận và không bao giờ bị từ chối; gia đình, trong tiếng Kazakhstan là “tổ ấm của tâm hồn và tình yêu”, là thực tế tự nhiên và không thể thay thế, cần được bảo vệ và thúc đẩy để những các thế hệ mai sau lớn lên và trưởng thành.”

Buổi đọc Tuyên bố cuối cùng và bế mạc Đại hội

Di sản tinh thần và đạo đức chung: siêu việt và tình huynh đệ

Về di sản tinh thần và đạo đức chung của các tôn giáo truyền thống, Đức Thánh Cha nhận định rằng, Đối với toàn thể nhân loại, các nhà khôn ngoan và các truyền thống tôn giáo vĩ đại được kêu gọi để làm chứng cho sự tồn tại của một di sản tinh thần và đạo đức chung, vốn được xây dựng trên hai nền tảng: sự siêu việt và tình huynh đệ. Siêu việt, trổi vượt, tôn thờ. Thật đẹp khi mỗi ngày có hàng triệu triệu người, thuộc nhiều lứa tuổi, nền văn hóa và hoàn cảnh xã hội, tụ họp cầu nguyện ở các nơi thờ phượng. Đó là sức mạnh âm thầm giữ cho thế giới tiếp tục. Và sau đó là tình huynh đệ, người khác, sự gần gũi. Vì người ta không thể tuyên xưng trung thành với Đấng Tạo Hóa mà không bày tỏ tình yêu đối với các thụ tạo của Người. Theo Đức Thánh Cha đây là tinh thần xuyên suốt Tuyên bố của Đại hội, vì thế ngài nhấn mạnh ba điều.

Ước mơ hoà bình

Thứ nhất, ước mơ và mục tiêu hành trình của các tôn giáo đó là hòa bình! Đây là cấp thiết bởi vì bất kỳ xung đột quân sự hoặc điểm nóng của căng thẳng và đối đầu ngày nay chỉ có thể gây ra “hiệu ứng domino” xấu làm tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống quan hệ quốc tế (số 4). Nhưng “hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là “công trình của công bằng” (Gaudium et spes, 78). Do đó, hoà bình bắt nguồn từ tình huynh đệ, tiến triển qua cuộc chiến chống bất công và bất bình đẳng, nó được xây dựng bằng cách tiếp cận với những người khác. Những người tin tưởng vào Đấng Tạo Hóa của tất cả, phải đi đầu trong việc truyền bá sự chung sống hòa bình. Chúng ta phải làm chứng, rao giảng, cầu xin cho hoà bình. Do đó, Tuyên bố kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngừng xung đột và đổ máu ở khắp mọi nơi, và từ bỏ những luận điệu hung hăng và phá hoại (số 7).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng tôi xin quý vị, nhân danh Thiên Chúa và vì lợi ích của nhân loại: hãy cam kết vì hòa bình, không vì vũ khí! Chỉ bằng cách phục vụ hòa bình, tên tuổi của quý vị sẽ còn vĩ đại trong lịch sử.”

Bảo vệ phẩm giá của phụ nữ

Đức Thánh Cha nói đến điều thứ hai, phụ nữ. Ngài giải thích: “đó là vì thiếu sự quan tâm, dịu dàng và khả năng trao ban sự sống. Và do đó điều này phải được tìm kiếm bằng cách liên can nhiều hơn đến – điều thứ hai – phụ nữ. Bởi vì phụ nữ trao ban sự quan tâm và sự sống cho thế giới: họ là con đường dẫn đến hòa bình. Do đó, chúng tôi đã ủng hộ sự cần thiết bảo vệ phẩm giá của phụ nữ, và nâng cao địa vị xã hội của họ với tư cách là một thành viên bình đẳng trong gia đình và xã hội (số 24). Phụ nữ cũng phải được giao phó những vai trò và trách nhiệm lớn hơn. Có thể tránh được nhiều quyết định tai hại dẫn đến chết chóc nếu phụ nữ là trung tâm của các quyết định! Chúng ta hãy cam kết để phụ nữ được tôn trọng, công nhận và tham gia nhiều hơn.”.

Buổi đọc Tuyên bố cuối cùng và bế mạc Đại hội

Người trẻ: sứ giả hòa bình và hiệp nhất của ngày hôm nay và mai sau

Đức Thánh Cha đi đến điều thứ ba, cũng là điều cuối cùng, các bạn trẻ. Ngài nhận định rằng các bạn trẻ là những sứ giả của hòa bình và hiệp nhất của ngày hôm nay và mai sau. Hơn những người khác, chính những người trẻ là những người kêu gọi hòa bình và tôn trọng ngôi nhà chung của thụ tạo. Thay vào đó, lý luận của sự thống trị và bóc lột, tích trữ tài nguyên, chủ nghĩa quốc gia, chiến tranh và các khu vực ảnh hưởng phác hoạ một thế giới cũ, một thế giới bị những người trẻ từ chối, một thế giới khép kín với ước mơ và hy vọng của họ. Theo cách tương tự, tôn giáo cứng nhắc và ngột ngạt không thuộc về tương lai, nhưng thuộc về quá khứ. Nghĩ đến các thế hệ mới, tầm quan trọng của giáo dục đã được khẳng định ở đây, điều này tăng cường sự chấp nhận lẫn nhau và sự chung sống tôn trọng giữa các tôn giáo và nền văn hóa (số 11). Ở điểm này, Đức Thánh Cha kêu gọi các lãnh đạo cho người trẻ cơ hội giáo dục chứ không phải vũ khí hủy diệt! Và chúng ta hãy lắng nghe họ, không sợ để mình bị họ chất vấn. Trên tất cả, chúng ta hãy xây dựng một thế giới nghĩ về họ!

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn bằng cách nhắc đến Kazakhstan, là một dân tộc luôn mở lòng đón nhận ngày mai và lưu tâm đến những đau khổ trong quá khứ, với sự phong phú về tôn giáo và văn hóa ngoại thường họ đã cung cấp cho mọi người một tấm gương về tương lai. Ngài nói: “Người dân Kazakhstan mời gọi chúng ta xây dựng nhưng không quên tính siêu việt và tình huynh đệ, tôn thờ Đấng Tối Cao và sự chào đón của người khác. Chúng ta hãy tiếp tục như thế, cùng nhau bước đi trên trái đất với tư cách là những đứa con của Trời cao, những người dệt hy vọng và những nghệ nhân của sự hòa hợp, những sứ giả của hòa bình và hiệp nhất!”

Ngọc Yến – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *