Kinh Truyền Tin với ĐTC 28.11.2021: Đừng để tâm hồn trở nên lười biếng và đời sống thiêng liêng trở nên nguội lạnh

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28/11/2021 Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu luôn tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức là không để cho lòng mình trở nên lười biếng và đời sống thiêng liêng trở nên nguội lạnh. Cầu nguyện sẽ giúp cho chúng ta tỉnh thức; nó sẽ đốt lên ngọn lửa nhiệt thành khi tâm hồn nguội lạnh

Chúa đến cứu độ chúng ta

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hy vọng, vì Chúa đến cứu độ chúng ta. Đức Thánh Cha nói: Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Chúa Nhật đầu tiên chuẩn bị lễ cho Giáng sinh, nói với chúng ta về việc Chúa sẽ đến vào thời kỳ cuối cùng. Chúa Giê-su loan báo những cảnh tượng hoang tàn và những khốn khổ, nhưng chính lúc này Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ hãi. Vì sao? Có phải vì mọi thứ sẽ ổn không? Không, nhưng vì Chúa sẽ đến. Chúa nói thế này: “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Luôn tỉnh thức và cầu nguyện

 

Thật là vui khi lắng nghe Lời khích lệ này: hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên bởi vì chính trong những lúc mọi sự dường như kết thúc, Chúa đến để cứu chúng ta; hãy vui mừng chờ đón Chúa ngay cả khi ở những giữa những khổ nạn, trong những khủng hoảng của cuộc sống và trong những bi kịch của lịch sử. Nhưng làm sao chúng ta có thể ngẩng đầu lên, không bị những khó khăn, những đau khổ, những thất bại tràn ngập? Chúa Giê-su chỉ đường cho chúng ta bằng một lời nhắc nhở mạnh mẽ: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề […]. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (cc 34.36).

Tỉnh thức

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy dừng lại ở khía cạnh quan trọng này của đời sống Ki-tô giáo. Từ những lời của Đức Ki-tô, chúng ta thấy rằng sự tỉnh thức được liên kết với sự chú ý: hãy đề phòng, đừng để bị phân tâm, nghĩa là hãy tỉnh thức! Tỉnh thức có nghĩa là: không để cho lòng mình trở nên lười biếng và đời sống thiêng liêng trở nên tầm thường. Hãy đề phòng vì chúng ta có thể là một “Ki-tô hữu đang ngủ mê” – và chúng ta biết là có nhiều Kitô hữu ngủ mê, những Kitô hữu bị tê liệt bởi tinh thần thế tục – không có động lực thiêng liêng, không hăng hái cầu nguyện – họ cầu nguyện như những con vẹt – không nhiệt thành với sứ vụ, không say mê Tin Mừng. Và điều này dẫn đến tình trạng “mơ ngủ”: kéo mọi thứ về phía trước theo quán tính, rơi vào trạng thái thờ ơ, dửng dưng với mọi thứ ngoại trừ những gì phù hợp với mình. Đây là một đời sống thật buồn, kéo lê như thế, không có niềm vui ở đó.

Tỉnh thức: Giữ trái tim khỏi sự lãnh đạm

Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần phải tỉnh thức để không kéo lê những ngày sống theo thói quen, để không trở nên nặng nề bởi những rắc rối của cuộc sống (x. c.34). Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tự hỏi: điều gì đè nặng lòng tôi? Điều gì đè nặng tinh thần tôi? Điều gì khiến tôi trở thành một Kitô hữu tìm sự thoải mái trên ghế bành của sự lười biếng? Thật là buồn khi thấy những Kitô hữu tìm sự thoải mái. Đâu là những điều tầm thường làm tôi tê liệt, những thói xấu đè bẹp tôi xuống đất và ngăn cản tôi ngẩng đầu lên? Và tôi đang chú ý hay thờ ơ đối với gánh nặng trên vai của những người anh em? Những câu hỏi này tốt cho chúng ta, bởi vì chúng giúp bảo vệ trái tim khỏi sự lãnh đạm, kẻ thù lớn của đời sống thiêng liêng. Sự lãnh đạm là sự lười biếng tạo ra nỗi buồn, làm mất đi niềm vui sống và ước muốn làm việc. Nó là một tinh thần tiêu cực, một tinh thần xấu, đóng đinh linh hồn trong sự say mê bằng cách đánh cắp niềm vui của nó. Sách Châm ngôn nói: “Hãy giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Cn 4,23). Gìn giữ trái tim: điều này có nghĩa là tỉnh thức!

Cầu nguyện

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng bí quyết để luôn tỉnh thức là cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,36). Chính lời cầu nguyện giữ cho ngọn đèn của trái tim luôn cháy sáng. Đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy lòng nhiệt thành trở nên nguội lạnh, thì lời cầu nguyện lại khơi dậy nó, bởi vì lời cầu nguyện đưa chúng ta trở về với Chúa, trở lại trung tâm của mọi sự. Nó đánh thức linh hồn khỏi sự mơ ngủ và tập trung vào những gì quan trọng, vào mục đích của sự hiện hữu. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất chúng ta đừng quên việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện của trái tim, thường lặp lại những lời khẩn cầu ngắn, có thể giúp đỡ chúng ta. Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy tập quen với việc nói, ví dụ: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Thời gian chuẩn bị lễ Giáng sinh thật đẹp: chúng ta nghĩ đến hang đá, đến lễ Giáng sinh, và chúng ta nói với cả tâm tình: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến”. Chúng ta hãy lặp lại lời cầu nguyện này suốt cả ngày: linh hồn sẽ luôn tỉnh thức!

Và giờ đây chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ: Mẹ là người đã chờ đợi Chúa với tâm hồn tỉnh thức, xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong hành trình Mùa Vọng.

ĐTC cầu nguyện cho những người di dân

Sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28/11/2021, Đức Thánh Cha nhắc lại thảm cảnh của người di dân gặp nguy hiểm đến tính mạng khi muốn tìm một cuộcn sống tốt hơn. Ngài bày tỏ sự gần gũi với họ và cầu nguyện cho họ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhớ đến thảm cảnh của người di dân. Ngài cho biết hôm thứ Bảy, ngài đã gặp các tham dự viên và các nhà tổ chức của Lễ hội Giàvera lần thứ 26, sự kiện cổ võ đối thoại và gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hoá qua nghệ thuật, tranh luận và chứng từ. Tham dự sự kiện có các thành viên của các hiệp hội và các nhóm di dân và những người chia sẻ hành trình với họ.

Nguy hiểm đến mạng sống

Đức Thánh Cha than phiền rằng có biết bao người di dân, ngay cả trong những ngày này, đang gặp nguy hiểm và nhiều người đã mất mạng sống tại các biên giới. Ngài cảm thấy đau lòng vì tin tức về tình cảnh mà rất nhiều người trong số họ gặp phải: nhiều người chết ở Kênh đào Anh, ở biên giới Belarus, ở Địa Trung Hải. Trong số những người bị hồi hương, ở Bắc Phi, nhiều người bị những kẻ buôn người bắt và biến họ thành nô lệ: chúng buôn bán phụ nữ, tra tấn đàn ông… Trong tuần này, có những người vượt Địa Trung Hải để tìm miền đất an sinh nhưng ngược lại, đã tìm thấy mộ phần ở đó.

Cầu nguyện và hành động

Bảo đảm cầu nguyện cho những người di cư đang ở trong những hoàn cảnh khủng hoảng này Đức Thánh Cha nói với họ: “Hãy biết rằng tôi ở gần các bạn”. Ngài kêu gọi cầu nguyện và hành động. Ngài cảm ơn tất cả các tổ chức của Giáo hội Công giáo và của những thể chế khác, đặc biệt là các tổ chức Caritas quốc gia và tất cả những người dấn thân để giảm bớt đau khổ của họ.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi những người có thể đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề này, đặc biệt là các Cơ quan dân sự và quân sự, để sự thông hiểu và đối thoại cuối cùng sẽ vượt thắng mọi hình thức lợi dụng và hướng ý chí và nỗ lực tới các giải pháp tôn trọng nhân phẩm của những người này.

Và Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu nghĩ về những người di cư, về sự đau khổ của họ, và thinh lặng cầu nguyện cho họ.

Hồng Thủy – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *