Giải đáp phụng vụ: Lễ trọng nào “là cao hơn” lễ Chủ nhật?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Hàng năm, ngày 29-6, Giáo Hội long trọng cử hành lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô Tông đồ, cho dù nếu lễ này rơi vào ngày Chúa Nhật. Nếu tôi không nhầm, lễ Cung Hiến Đền thờ Latêranô ở Rôma cũng nắm giữ vinh dự này – nghĩa là lễ này “là cao hơn” lễ Chúa Nhật Thường niên, nếu nó đúng vào một ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên, một số lễ trọng và lễ kính khác dường như có tầm quan trọng về tín lý và đường thiêng liêng hơn so với các lễ trên đây, đặc biệt là các lễ trọng kính Đức Trinh Nữ Maria, lại được chuyển vào thứ Bảy trước hoặc vào ngày thứ Hai sau, nếu các lễ trọng này rơi vào ngày Chúa Nhật. Do tầm quan trọng của Chúa Nhật trong đức tin của chúng ta, thưa cha, làm thế nào xác định được lễ nào có thể “là cao hơn” lễ Chúa Nhật, và lễ nào là không cao hơn? – A. H., New York, Mỹ.

Đáp: Câu hỏi này chứng tỏ một thực tế là những gì xem ra là hiển nhiên đối với một số người trong chúng ta, những người hàng ngày phải vật lộn với vấn đề phụng vụ, lại không nhất thiết phải là rõ ràng cho các tín hữu. Đây là một câu hỏi rất tốt của một người Công Giáo quan tâm chu đáo, và nhắc nhở chúng ta rằng đôi khi câu hỏi là tốt để giải thích các khái niệm dễ gây nhầm lẫn.

Lịch phụng vụ được phát triển qua nhiều thế kỷ và đã được tổ chức trong nhiều cách khác nhau. Vì nhiều lý do, việc cử hành phụng vụ của một Chúa Nhật, đặc biệt là ngoài các mùa lớn, đã liên tục có nguy cơ bị thay thế bằng việc cử hành lễ các thánh nổi tiếng và việc sùng kính phổ biến. Trong nhiều dịp, Giáo Hội đã phải can thiệp để khôi phục lại việc cử hành Thánh lễ Chúa Nhật, cho vai trò trung tâm mà lễ Chúa Nhật cần có, trong lòng đạo đức của các tín hữu.

Các nỗ lực gần đây nhất là các quy tắc hiện nay, được ban hành sau Công Đồng chung Vatican II. Các qui tắc này thiết lập một hệ thống xếp hạng mới cho các lễ trọng, và một bảng mới của các ngày phụng vụ, vốn nêu ra sự ưu tiên của một lễ này so với một lễ khác. Các sự phân chia này của các cử hành bao gồm: lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ bắt buộc và lễ nhớ tùy chọn.

Cũng đã có một nỗ lực lớn để củng cố việc cử hành lễ Chúa Nhật, vốn chỉ có thể được thay thế bằng lễ kính trọng thể mà thôi.

Các ngày Chúa Nhật của các mùa phụng vụ chính, như Mùa Vọng, Mùa Chay và Phục Sinh là cao hơn lễ trọng trong bảng danh sách, và do đó các lễ trọng nào rơi vào các ngày Chúa Nhật này thường được chuyển qua ngày khác.

Bởi vì lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội rơi vào mùa Vọng, lễ này thường được chuyển qua ngày khác nếu ngày ấy là Chúa Nhật, trừ ở một số quốc gia như Tây Ban Nha và Ý, vì ở các nước này, đây là một ngày lễ nghỉ, và luôn được tổ chức vào ngày 8-12.

Điều tương tự cũng đôi khi xảy ra đối với lễ Thánh Giuse và lễ Truyền Tin, vốn luôn luôn rơi vào mùa Chay hay mùa Phục Sinh. Thực tế, trong năm tới (2016), lễ Truyền Tin sẽ rơi vào Thứ Sáu Tuần Thánh, cho nên lễ này sẽ được chuyển đến sau tuần Bát nhật Phục Sinh, và sẽ mừng vào ngày thứ hai 4-4.

Một số quốc gia nhận được một ngoại lệ đặc biệt so với luật chung từ Tòa Thánh, trên một cơ sở ad hoc (đặc biệt, theo tình thế). Ví dụ, Tòa Thánh đã cho phép các Giám mục Mexico cử hành lể kính Đức Mẹ Guadalupe vào ngày 12-12, thậm chí cả khi lễ rơi vào một Chúa Nhật Mùa Vọng. Sự cho phép này không được mở rộng vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Đối với các Chúa Nhật của Giáng sinh và mùa thường niên, các quy định là ít nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, chỉ có lễ trọng kính Chúa và lễ kính Chúa mới có thể thay thế lễ Chúa Nhật. Tất cả các lễ kính và lễ nhớ khác được bỏ qua, nếu trùng vào ngày Chúa Nhật.

Đó là lý do tại sao lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô Tông đồ thay thế lễ Chúa Nhật; điều này cũng duy trì cho các lễ trọng khác, ngay cả khi nó không thường là một ngày lễ buộc (như lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả ngày 24-6).

Hạng đặc biệt của các lễ kính Chúa cũng thay thế lễ Chúa Nhật. Các lễ này khác với các lễ kính trọng thể vì chúng là lễ kính (nghĩa là, có kinh Vinh Danh, nhưng với chỉ hai bài đọc và không đọc Kinh Tin Kính), trừ khi chúng trùng với một ngày Chúa Nhật hoặc thường được cử hành vào một Chúa Nhật. Các lễ ấy là:

– Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, được cử hành vào Chúa Nhật sau ngày 6-1 (hoặc, nơi nào mà lễ trọng Chúa Hiển Linh được chuyển vào Chúa Nhật 7-1 hay 8-1, thì lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa được dời vào ngày thứ hai sau đó);

– Lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, cử hành vào ngày Chúa Nhật trong tuần bát nhật Giáng Sinh, hoặc, nếu không có Chúa Nhật, vào ngày 30-12;

– Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, được cử hành vào ngày 2-2;

– Lễ Chúa Hiển Dung, được cử hành vào ngày 6-8;

– Lễ Suy Tôn Thánh Giá, được cử hành vào ngày 14-9 (ở một số nước, đặc biệt là ở châu Mỹ Latinh, lễ được cử hành vào ngày 3-5 vì các lý do lịch sử và mục vụ);

– Lễ Cung hiền Đền thờ Latêranô, được cử hành vào ngày 9-11. (Đây là một lễ kính Chúa, bởi vì vương cung thánh đường ban đầu được cung hiến dưới tước hiệu Chúa Cứu Thế Cực Thánh, và đây vẫn là một phần của tước hiệu chính thức của đền thờ: “Vương Cung Thánh Đường Cả của Chúa Cứu Thế Cực Thánh, và thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Sử tại Latêranô”. Các cung hiến cho Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Thánh Sử đã được lần lượt thêm vào trong các thế kỷ 10 và 12).

Không có các lễ kính hoặc lễ nhớ khác thay thế ngày Chúa Nhật. Nhưng vì một lý do nghiêm trọng, một Giám mục có thể ra lệnh hoặc cho phép một Thánh lễ đặc biệt được cử hành vào ngày Chúa Nhật mùa Thường niên, chẳng hạn một Thánh lễ cầu cho hòa bình trong một cuộc khủng hoảng lớn. (Zenit.org 2-6-2015).

Nguyễn Trọng Đa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *