1. Mẹ của Đức Gioan Phaolô II biết một ngày nào đó ngài sẽ trở thành một “người vĩ đại”
Bà Emilia Wojtyla có linh tính của một người mẹ rằng con trai mình sẽ làm điều gì đó sâu sắc trong cuộc đời mình.
Đức Gioan Phaolô II đã được lớn lên trong một ngôi nhà thánh thiện, được dẫn dắt bởi hai bậc cha mẹ nhân đức, những người mong muốn điều tốt nhất cho con cái của họ. Mẹ của ngài, Emilia Wojtyla, là một phụ nữ trẻ đảm đang, điều hành một gia đình nền nếp, đạo đức và tự hào về hai con trai của mình, Karol và Edmund.
Bà đặc biệt yêu thích đứa con út của mình, Karol, người mà bà gọi một cách trìu mến là “Lolek”. Theo người viết tiểu sử George Weigel, “Emilia đưa vị Giáo Hoàng tương lai bằng xe đẩy qua Wadowice và nói với những người hàng xóm của cô ấy, ‘Các bạn sẽ thấy, một ngày nào đó Lolek của tôi sẽ là một người đàn ông tuyệt vời.’“
Dù Emilia chỉ sống để nhìn thấy Lolek bé bỏng của bà gần 9 tuổi, Đức Gioan Phaolô II tin rằng bà đã để lại một tác động lâu dài cho ngài.
Những ký ức của Đức Gioan Phaolô II về mẹ của mình rất ít, nhưng sau này khi trưởng thành, ngài tuyên bố rằng sự đóng góp của bà trong việc nuôi dưỡng lòng nhiệt thành tôn giáo của ngài “hẳn là rất lớn”.
Trực giác làm mẹ của Emilia hóa ra còn đúng hơn cả sự thật – xét cho cùng, nhiều người kể từ khi Đức Gioan Phaolô II được phong thánh đã gán cho ngài là “Đức Gioan Phaolô II Cả”.
Lòng sùng kính sâu sắc của bà đối với Thiên Chúa và Đức Mẹ đã được truyền lại thành công cho con trai bà, cung cấp một mảnh đất màu mỡ cho gốc rễ Tin Mừng mà một ngày nào đó sẽ phát triển thành một cây đức tin to lớn.
Án tuyên thánh cho Emilia gần đây đã được mở ra ở Ba Lan.
Source:Aleteia
2. Giám mục Tây Ban Nha đưa ra tuyên bố về các cuộc hiện ra được tường trình tại Garabandal
Đức Cha Manuel Sánchez Monge, Giám mục của Santander, đã ra tuyên bố về những sự kiện bất thường tại Garabandal rằng “lập trường của tôi, giống như những người tiền nhiệm của tôi, là đánh giá của Rôma vẫn còn giá trị: nghĩa là không có dấu hiệu của một hiện tượng siêu nhiên.”
Ngoài ra, ngài cũng thừa nhận rằng ngài đã liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu Đại học San Pablo, gọi tắt là CEU, để bày tỏ sự không hài lòng vì họ đã không hỏi ý kiến ngài trước khi tổ chức một sự kiện dành cho các tín hữu ủng hộ quan điểm đã có các cuộc hiện ra tại Garabandal.
Các sự kiện bất thường được cho là đã diễn ra tại ngôi làng nhỏ San Sebastián de Garabandal từ năm 1961 đến năm 1965. Tại đó, bốn cô gái – Conchita, Jacinta, Mari Loli và Maricruz – tuyên bố đã chứng kiến sự hiện ra của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cùng với Đức Trinh nữ Maria.
Những sự kiện đó đã thu hút đám đông, những người tuyên bố đã chứng kiến các cô gái khoảng 11 tuổi trong trạng thái ngây ngất, bay lên và các hiện tượng khác. Nhiều người đã khẳng định chính mắt thấy các cô gái này bay lên nhiều lần.
Trong cuộc họp của Trung tâm Nghiên cứu Đại học San Pablo, Jorge Fernández Díez, cựu Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha cho rằng trong 61 năm qua sự thật về những gì đã xảy ra chưa được điều tra nghiêm ngặt.”
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi có quyền kiến nghị, yêu cầu và cầu nguyện cho một cuộc điều tra nghiêm túc được thực hiện vì sự tôn trọng đối với các tín hữu và sự tôn trọng đối với Đức Trinh Nữ.”
Cha Álvaro de Cárdenas, một linh mục của Giáo phận Getafe, có mặt tại sự kiện, cũng cho rằng “Giáo hội có trách nhiệm quan trọng là phải nghiên cứu các sự kiện của Garabandal”.
Theo vị linh mục trước những biến cố như thế này, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate”– tính chất không siêu nhiên được chứng thực, nói nôm na là do người ta nghĩ ra, không phải là thật.
Theo ý kiến của ngài, “nếu giáo phận Santander phớt lờ nghĩa vụ nghiêm túc của mình, thì Rôma nên tiến hành cuộc điều tra” để “xác định nguồn gốc của các sự kiện” và đưa ra phản ứng cụ thể cho dân Chúa.
Hơn 2,000 người đã ký một bản kiến nghị kêu gọi Đức Cha Santander mở “một cuộc nghiên cứu nghiêm túc dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần về mọi điều đã xảy ra ở San Sebastián de Garabandal.”
Tuyên bố của giám mục Santander rằng ở Garabandal tính chất không siêu nhiên được chứng thực, là thông điệp rõ ràng nhất được đưa ra từ Tòa giám mục Tây Ban Nha trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do nhiều người đã khẳng định chính mắt thấy các cô gái này bay lên nhiều lần nên vấn đề xem ra vẫn còn rất rắc rối.
Source:Catholic News Agency
3. Nghiên cứu lý do các tín hữu không lãnh nhận Bí tích Hòa giải
Hàng năm, trong hơn ba thập kỷ qua, tòa án Vatican giải quyết các vấn đề lương tâm đã cung cấp một khóa học để giúp các linh mục trong “sứ vụ của lòng thương xót” với tư cách là cha giải tội.
Số lượng các vị tham dự rất lớn, từ 500 đến 800 người bao gồm các vị đã được thụ phong và các vị sắp được thụ phong, tham dự khóa học do Tòa Ân Giải Tối Cao đảm trách hàng năm chứng tỏ tầm quan trọng và nhu cầu được đào tạo đầy đủ liên quan đến bí tích hòa giải, đặc biệt là khi việc xưng tội, cũng như “ý thức về tội lỗi” đang gặp khủng hoảng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với những tham dự viên vào năm 2019.
Đó là một cuộc khủng hoảng trên cả hai mặt của màn giải tội.
Các linh mục cần được đào tạo tốt hơn để những người tìm kiếm sự tha thứ của Thiên Chúa thực sự trải nghiệm “một cuộc gặp gỡ thực sự với ơn cứu rỗi, trong đó vòng tay của Chúa có thể được cảm nhận trong tất cả sức mạnh của nó, có khả năng thay đổi, hoán cải, chữa lành và tha thứ,” Đức Giáo Hoàng đã nói.
Và giáo dân cần hiểu rõ hơn tầm quan trọng và niềm vui của việc xưng tội. Tòa Ân Giải Tối Cao đã quyết định đáp ứng điều này bằng cách tổ chức một buổi hội thảo đặc biệt dành riêng cho giáo dân. Hội thảo đã được tổ chức tại Rôma và trực tuyến từ ngày 13 đến 14 tháng 10.
Trong số hơn nửa tá bài nói chuyện về các khía cạnh Kinh thánh, thần học và tâm linh của Bí tích Hòa giải, bài thuyết trình thiết thực nhất do Đức Tổng Giám Mục Krzysztof Nykiel, nhiếp chính của Tòa Ân Giải Tối Cao.
Ngài đã đưa ra danh sách 10 lý do phổ biến nhất mà mọi người thường đưa ra để không đi xưng tội, tiếp theo là phản hồi dựa trên đức tin đối với mỗi phản đối như thế.
Source:Crux