1. Đức Tổng Giám Mục San Francisco: Chính quyền không thể đóng cửa nhà thờ, ‘khoa học’ đứng về phía chúng tôi
Các quan chức chính phủ không thể đóng cửa các nhà thờ viện cớ việc thờ phượng là “không thiết yếu” trong đại dịch — đặc biệt là khi họ đang mâu thuẫn với “khoa học” khi làm như vậy, Đức Tổng Giám Mục San Francisco viết hôm thứ Năm.
Người Công Giáo “có bằng chứng khoa học chứng minh một cách tích cực rằng chúng tôi có thể cử hành Thánh lễ an toàn trong nhà”, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã đưa ra lập trường trên trong một bài báo cho Wall Street Journal hôm thứ Năm.
Ngài viết bài báo sau khi Tòa án Tối cao vào ngày 5 tháng 2 ra phán quyết rằng lệnh cấm thờ phượng trong nhà của tiểu bang California là vi hiến.
“Giới tinh hoa chính trị ban hành lệnh y tế mà bản thân họ không tuân theo đang gây phẫn nộ, và hủy hoại vô số sinh kế mà không có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho hành động đó”, Đức Tổng Giám Mục Cordileone lưu ý, khi nhắc đến các quan chức chính phủ không tuân thủ các lệnh y tế công cộng.
Cordileone nói thêm rằng những tình tiết như vậy “đặc biệt” gây phẫn nộ cho người Công Giáo, những người đã có bằng chứng khoa học rằng các Thánh lễ trong nhà có thể được cử hành một cách an toàn.
“Chỉ có thẩm quyền tôn giáo mới có quyền quyết định những nghi lễ tôn giáo là rất cần thiết cho người dân của họ”, ngài viết.
Trận chiến của Tổng giáo phận San Francisco để được cử hành thánh lễ
Tổng giáo phận San Francisco đã đấu tranh với chính quyền trong nhiều tháng về việc hạn chế thờ phượng. Sau khi các nhà thờ bị đóng cửa trong nhiều tháng do đại dịch, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã diễn hành trong các cuộc rước Thánh Thể ngoài trời để phản đối, và nói rằng những hạn chế này đang chế nhạo Chúa Kitô.
Vào giữa tháng 9, thành phố cho phép tổ chức các buổi thờ phượng ngoài trời với sức chứa 50 người cùng một lúc, nhưng vẫn chỉ cho phép một người tại một thời điểm bên trong nhà thờ. Sau khi Bộ Tư pháp thông báo với thành phố các quy tắc của họ có thể vi hiến, San Francisco sau đó đã cho phép thờ phượng trong nhà ở mức 25% công suất.
Sau đó vào tháng 11, tiểu bang xác định rằng các quận San Francisco và San Mateo là một trong những khu vực có nguy cơ lây lan COVID-19 cao nhất. Theo quy định của tiểu bang, các quận không được phép tổ chức các buổi thờ phượng trong nhà — mặc dù các cơ sở kinh doanh khác như tiệm làm tóc và làm móng, tiệm mát-xa và tiệm xăm vẫn có thể mở cửa.
Những người chỉ trích lệnh này lưu ý rằng việc thờ phượng tôn giáo bị đối xử khắc nghiệt hơn là các hoạt động thế tục.
Một tuần trước lễ Giáng sinh, Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đã hướng dẫn các linh mục dâng Thánh lễ trong nhà “nếu thời tiết hoặc sự an toàn” đòi hỏi phải bất tuân lệnh của nhà nước về việc thờ phượng trong nhà.
“Tôi biết người dân của tôi phải có quyền viếng Thánh Thể, dù mưa hay nắng”, ngài nói trong bài viết của mình. Đức Tổng Giám Mục Cordileone lưu ý rằng ngài đã thiết lập các biện pháp an toàn cho các Thánh lễ trong nhà, bao gồm giới hạn số người tham dự ở mức 20% và yêu cầu đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội.
Vào ngày 5 tháng 2, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết với tỉ số 6-3 rằng lệnh cấm thờ phượng trong nhà của California là vi hiến. Tòa án phán quyết rằng tiểu bang có thể giới hạn công suất trong nhà tại các buổi thờ phượng tối đa là 25% công suất, đồng thời cho phép tiểu bang cấm ca hát trong các buổi lễ.
Vào thời điểm ra phán quyết, tiểu bang đã đặt gần như tất cả các quận trong mức giới hạn hàng đầu dành cho những khu vực có khả năng lây lan virus tồi tệ nhất. Vì vậy, nhà nước đã có một lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc thờ phượng trong nhà.
Đức Tổng Giám Mục Cordileone gọi quyết định này là “một bước tiến rất quan trọng đối với các quyền cơ bản”.
Sau khi Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ trong nhà với những hạn chế, các quan chức địa phương đã gửi cảnh báo đến các giáo xứ và sở y tế của thành phố đã đưa ra hai lệnh buộc tội vi phạm.
Sau chiến thắng tại Tòa án Tối cao, ngài nói rằng các Thánh lễ ngoài trời sẽ tiếp tục “khi thời tiết cho phép”. Nhưng quyết định này cho phép chúng tôi thực hiện quyền tự nhiên được bảo vệ theo hiến pháp của mình là thờ phượng Thiên Chúa mà không sợ bị các quan chức chính phủ quấy rối”, ngài viết.
Source:Catholic News Agency
2. Án phong chân phước của vị giám mục được biết đến với ‘tính phi thường trong cuộc sống thường nhật’
Hôm thứ Sáu 12 tháng 2, Giáo phận Rôma đã kết thúc giai đoạn đầu tiên của án phong chân phước cho một giám mục người Ý và là người sáng lập Phong trào Ủng Hộ Việc Nên Thánh.
Tôi tớ Chúa Guglielmo Giaquinta “ không phải là một người đàn ông hay một linh mục bình thường: ngài mang trong mình những điều phi thường được thể hiện qua cuộc sống thường nhật nơi các cử chỉ, lời nói, và sứ vụ của ngài” Marialuisa Pugliese, cáo thỉnh viên án phong Chân Phước của ngài, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA,.
Đức Cha Giaquinta, qua đời năm 1994 ở tuổi 79, đang trong tiến trình phong chân phước. Án phong thánh của ngài đã được mở ra vào năm 2004 với một cuộc điều tra về sự thánh thiện của ngài.
Sinh ra ở Sicily, Cha Giaquinta thi hành chức vụ linh mục của mình ở Rôma cho đến khi được bổ nhiệm làm giám mục Tivoli.
Ngài đã dành cả cuộc đời mình để cổ vũ sự kêu gọi nên thánh toàn cầu. Để thúc đẩy sứ mệnh này, ngài đã thành lập Phong trào Pro Sanctity – Ủng Hộ Việc Nên Thánh, bao gồm một hội dòng dành cho các phụ nữ thế tục và một hội dòng dành cho các linh mục.
Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã chính thức khép lại giai đoạn cấp giáo phận về án phong chân phước cho Đức Cha Giaquinta trong một nghi thức được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô vào ngày 12 tháng 2.
Trong giai đoạn này, Pugliese giải thích, tòa án của giáo phận Rôma có mục tiêu thu thập “các tài liệu và tác phẩm để tìm hiểu về cuộc đời và tư tưởng của vị Tôi tớ Chúa, cũng như tìm kiếm những lời chứng về việc thực hiện các nhân đức và các dấu chỉ có thể có của một danh tiếng về sự thánh thiện”.
Source:Catholic News Agency
3. Giám mục Công Giáo ở điểm nóng Mozambique được chuyển đến một giáo phận ở Brazil
Hôm thứ Năm, trong một diễn biến hiếm thấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm một giám mục Công Giáo đang phục vụ tại một giáo phận bị xung đột ở Mozambique để lãnh đạo một giáo phận ở quê hương Brazil của ngài.
Việc bổ nhiệm này liên quan đến Đức Cha Luiz Fernando Lisboa, Giám mục Giáo phận Pemba từ năm 2013. Ngài được bổ nhiệm coi sóc Giáo phận Cachoeiro de Itapemirim ở Vùng Đông Nam Brazil.
Hôm 11 tháng 2, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong cho vị giám mục 65 tuổi, thuộc Dòng Thương Khó của Chúa Chúa Giêsu Kitô, gọi tắt là Passionists, tước hiệu “Tổng Giám Mục ad personam” – “ad personam” là tiếng Latinh, có nghĩa là trên cơ sở từng trường hợp nhất định, không phải luật chung.
“Tổng Giám Mục ad personam” là cấp bậc mà Đức Giáo Hoàng phong cho một số giám mục nhất định không phải là giám mục của các tổng giáo phận. Vì vậy, chức danh tổng giám mục được trao cho cá nhân ngài chứ không phải vì giáo phận mà ngài cai quản là một tổng giáo phận.
Sau tin tức về việc thuyên chuyển và nâng cấp lên hàng Tổng Giám Mục của Đức Cha Lisboa, các giám mục Công Giáo ở Mozambique đã bày tỏ sự cảm kích đối với sứ vụ của ngài trong cộng đồng dân Chúa ở quốc gia miền nam Phi châu.
Trong một tuyên bố, các thành viên của Hội đồng Giám mục Mozambique cho biết: “ Chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha đã cho chúng tôi, kể từ năm 2013 cho đến rất gần đây, nhà truyền giáo vĩ đại đến từ Brazil này làm giám mục Giáo phận Pemba yêu dấu của chúng tôi”.
“Chúng tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Dom Luís Fernando Lisboa vì công việc mục vụ quên mình đã được thực hiện giữa chúng tôi, trong Hội đồng Giám mục Mozambique và tại quốc gia này, ngay cả trong những thời điểm và hoàn cảnh khó khăn như vậy”.
Với tư cách là Giám mục của Pemba, Đức Cha Lisboa là người thẳng thắn bảo vệ người dân của vùng Cabo Delgado gặp khó khăn ở phía bắc Mozambique, nơi thường xuyên là một mục tiêu bạo lực của các nhóm khủng bố Hồi giáo.
Đức Cha Lisboa sinh năm 1955 tại Barão de Japarana, Brazil. Ngài gia nhập chủng viện năm 1977 và được thụ phong linh mục năm 1983.
Năm 2001, ngài được cử đi truyền giáo đến Giáo phận Pemba, nơi ngài đảm nhiệm chức vụ phó xứ, linh mục quản xứ và giáo sư tại chủng viện Dòng Thương Khó của Chúa Chúa Giêsu Kitô.
Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Pemba vào tháng 6 năm 2013 và được tấn phong giám mục vào tháng 8 năm đó.
Năm 2018, Đức Cha Lisboa là tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Mozambique và điều phối viên của bộ phận xã hội của các giám mục.
Phát biểu với Radio Itapemirim ngay sau khi nhận được bổ nhiệm mới, Đức Cha Lisboa cho biết: “Tôi là một nhà truyền giáo và tôi đã đến Phi Châu và làm việc ở đó gần 20 năm; Tôi sẽ tiếp tục với tư cách là một nhà truyền giáo, bây giờ ở đây trên đất Brazil và trong Giáo phận Cachoeira de Itapemirim thân yêu này”.
“Tôi rất hạnh phúc với sự khởi đầu mới này, vì cuộc sống của chúng tôi chỉ như vậy, luôn là một khởi đầu mới. Và tôi sẵn sàng học hỏi, bởi vì tôi biết tôi sẽ phải học”.
Source:Catholic News Agency
Truyền thuyết kể rằng đêm ngày mùng 4 tháng 8 năm 352, Đức Mẹ hiện ra với Đức Giáo Hoàng Liberio và nhà quyền quý Giovanni, và bảo hai vị Đức Mẹ muốn xây một đền thờ dâng kính Đức Mẹ. Khi Đức Giáo Hoàng hỏi Mẹ muốn xây đền thờ ở đâu, thì Đức Mẹ trả lời: “Ngày mai, con thấy tuyết rơi ở đâu, thì xây đền thờ ở đó”. Sáng hôm sau mùng 5 tháng 8 tuyết rơi trên đồi Esquilino. Tháng 8 là mùa hè trời Roma rất nóng, nhưng tuyết đã rơi trên đồi Esquilino, là một trong 7 quả đồi của Roma. Phép lạ này được gọi là phép lạ Đức Mẹ Xuống Tuyết; và ngôi nhà thờ ấy ngày nay gọi là Đền Thờ Đức Bà Cả.
Trong sáu năm qua, sinh viên tại Đại học Công nghệ Michigan và cộng đồng địa phương đã cùng nhau xây dựng nhà nguyện Đức Mẹ Xuống Tuyết để nhắc nhớ câu chuyện Đức Mẹ xuống tuyết ở Rôma.
Nhà nguyện được làm hoàn toàn bằng tuyết được xây dựng tạm thời cho Lễ hội Mùa đông của thị trấn. Tuy nhiên, năm nay, nhà nguyện dường như cần thiết hơn bao giờ hết, vì nó cho phép các tín hữu tụ họp và tham dự Thánh lễ tuân theo các giới hạn của COVID.
Được bao bọc trong những chiếc áo len mùa đông, các thành viên của cộng đồng giáo xứ Thánh Albertô Cả có thể tham gia một Thánh lễ hơi lạnh với vị linh mục mặc nhiều áo lễ hơn bình thường! Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy nói lên địa điểm phải lạnh đến mức nào. Tuy nhiên, có một ánh sáng tỏa ra xung quanh nhà nguyện. Những ngọn nến, bàn thờ, và tất cả bầu khí của Thánh lễ mang lại một sự ấm áp nhất định cho con tim.
Các Thánh Lễ được truyền trực tiếp cho những ai không thể tham dự, để họ có thể tham gia trong sự ấm cúng dưới mái nhà của họ. Nhưng đối với những người bất chấp điều kiện thời tiết lạnh giá, giáo xứ đã cung cấp ca cao nóng sau buổi lễ.
Source:Aleteia
5. Một số Giám Mục Đức ủng hộ khả năng rước lễ chung giữa Công Giáo và Tin lành
Căng thẳng đã bùng lên giữa Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, với một số thần học gia Tin lành của Đức và cả với một số Giám Mục Đức chung quanh toan tính cho người Tin lành rước lễ trong cách thánh lễ Công Giáo.
Để hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về câu chuyện này, trước hết là tình hình của các Giám Mục Đức.
Trong các trường hợp liên quan đến ly giáo, và lạc giáo, thông thường, Giáo Hội phải đối phó với tình trạng là một số thần học gia đưa ra các lý thuyết sai lầm nghịch lại với đạo lý đã được xác lập và tin tưởng của Giáo Hội. Trong các trường hợp như thế, các Giám Mục, trong tư cách là thầy dạy là những người bảo vệ đạo lý. Tình hình ở Đức hiện nay lại khác. Nhiều Giám Mục lại chính là những người tạo ra vấn đề. Vụ “hiệp thông Thánh Thể” với người Tin lành, hay nói dễ hiểu là toan tính cho người Tin lành rước lễ trong cách thánh lễ Công Giáo, là một ví dụ.
Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, là người cổ vũ mạnh mẽ cho xu thế này, bất kể Bộ Giáo Lý Đức Tin đã nói rõ với ngài rằng đề xuất này không phù hợp với sự hiểu biết của người Công Giáo về Giáo hội, Thánh Thể và bí tích Truyền chức thánh.
Đề xuất của các thần học gia Tin lành và Đức Cha Georg Bätzing
Tại Đức có một nhóm Nghiên cứu Đại kết của các nhà Thần học Tin lành và Công Giáo, được biết đến với tên viết tắt tiếng Đức là ÖAK.
ÖAK được thành lập vào năm 1946 để tăng cường mối quan hệ đại kết. Tổ chức này độc lập với cả Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức lẫn Hiệp hội Tin lành ở Đức, gọi tắt là EKD, một tổ chức đại diện cho 20 nhóm Tin lành. Nhưng ÖAK thông báo cho cả hai cơ quan về những cuộc tranh luận của nó.
Trong một tài liệu được công bố vào năm 2019 do ÖAK soạn thảo có tựa đề “Cùng nhau nơi Bàn tiệc của Chúa”, tổ chức này cho rằng các nghiên cứu của họ cho thấy “thực hành cùng nhau tham dự vào các buổi cử hành Rước Lễ hay Thánh Thể, trong khi tôn trọng các truyền thống phụng vụ của nhau, là có cơ sở về mặt thần học”, và dự kiến một “chia sẻ Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành.
Vào tháng 5 năm 2020, một phiên họp gồm các thành viên của EKD và Hội Đồng Giám Mục Đức đã đi đến việc hình thành một tài liệu “nghiên cứu phát triển một khuôn khổ thần học cho quyết định của lương tâm cá nhân, liên quan đến việc tham gia qua lại trong Thánh Thể / Bữa Tiệc Ly của Chúa”.
ÖAK đã thông qua tài liệu hiệp thương này dưới sự đồng chủ tịch của Giám mục Georg Bätzing, người hiện là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo, và Giám mục Martin Hein đã nghỉ hưu của Tin lành Luther.
Hội Đồng Giám Mục Đức dự kiến sẽ bỏ phiếu về đánh giá của nhóm ÖAK vào cuối tháng 9 nhưng cuộc bỏ phiếu đã bị hoãn lại do sự can thiệp của Bộ Giáo Lý Đức Tin, gọi tắt là CDF.
Can thiệp của Bộ Giáo Lý Đức Tin
Trong một lá thư gửi cho Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, CDF nói rằng đề xuất này không phù hợp với sự hiểu biết của người Công Giáo về Giáo hội, Thánh Thể và bí tích Truyền chức thánh.
CDF nhấn mạnh rằng những khác biệt đáng kể vẫn còn giữa những người Tin lành và Công Giáo về Bí tích Thánh Thể và chức tư tế.
Tài liệu của CDF vạch rõ rằng: “Những khác biệt về tín lý vẫn còn rất quan trọng đến mức những khác biệt này đang loại trừ khả năng tham gia đối ứng trong Bữa Tiệc Ly của Chúa và Thánh Thể”.
CDF gợi ý rằng văn bản ÖAK nên truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận thần học hơn nữa, nhưng cảnh báo trước bất kỳ bước nào hướng tới sự hiệp thông giữa người Công Giáo và các thành viên của Giáo hội Tin lành ở Đức (EKD), một tổ chức đại diện cho 20 nhóm Tin lành.
CDF đã cảnh cáo nghiêm khắc về những hệ lụy tức khắc của sự hiệp thông Thánh thể giữa Công Giáo và Tin lành, và chỉ ra rằng:
“Việc Giáo Hội Công Giáo mở ra mối tương giao bữa tiệc Thánh Thể với các giáo hội Tin lành thành viên của EKD trong tình trạng thảo luận thần học hiện nay nhất thiết sẽ mở ra những rạn nứt mới trong cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Chính thống, không chỉ ở Đức mà thôi”.
Một ghi chú trên trang web của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo nói rằng sự can thiệp của CDF “đã trở nên cần thiết vì nghiên cứu ÖAK hiện đã được đưa ra với tư cách là một ý kiến chuyên gia cho Hội Đồng Giám Mục Đức, trên cơ sở là cá nhân các giám mục Công Giáo có quyền tự quyết định quan điểm giáo lý riêng của mình”.
Đáp lại, ÖAK đã công bố tuyên bố dài 26 trang vào ngày 24 tháng Giêng để đáp lại đánh giá quan trọng của Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, gọi tắt là CDF, về đề xuất của nhóm liên quan đến “lòng hiếu khách có đi có lại trong bí tích Thánh Thể” giữa người Công Giáo và người Tin lành.
Phản ứng của Đức Hồng Y Kurt Koch
Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, đã can thiệp vào vấn đề này. Ngài đã bày tỏ sự “kinh ngạc” trước tuyên bố của ÖAK.
Đức Hồng Y Kurt Koch nói với CNA Deutsch, đối tác tin tức bằng tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng ngài đã ngạc nhiên tột cùng trước giọng điệu và cách lựa chọn từ ngữ trong tuyên bố, cũng như nội dung và thời điểm của nó.
Vị Hồng Y người Thụy Sĩ cũng đặt câu hỏi liệu các tác giả trong bản tuyên bố này có chân thành kêu gọi thảo luận thêm với Rôma hay không.
“Sau hơn 20 trang đã được dành để phản bác rằng, trên thực tế, không có yêu cầu nào của Bộ Giáo lý Đức tin về tài liệu của ÖAK là chính đáng, người ta tự hỏi mức độ nghiêm túc mà các tác giả bản tuyên bố này bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận sâu hơn thực sự có ý nghĩa hay không”, ngài nói.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 3 tháng Hai với katholisch.de, là trang web của Giáo Hội Công Giáo tại Đức, Volker Leppin, một giáo sư lịch sử Giáo hội tại Đại học Tübingen và là giám đốc học thuật của ÖAK than thở rằng Đức Hồng Y đã “sống sượng bác bỏ” một tuyên bố 26 trang do Oak đưa ra vào ngày 24 tháng Giêng.
Trong một bức thư ngỏ đề ngày 8 tháng Hai, dài 6 trang, Đức Hồng Y Kurt Koch đã phản bác thần học gia Leppin.
Trong bức thư ngỏ của mình, Đức Hồng Y Koch phủ nhận cáo buộc của Leppin cho rằng ngài từ chối tham gia vào các lập luận của ÖAK. Ngài cũng nhấn mạnh điều mà ngài gọi là “sự khác biệt nghiêm trọng” giữa tuyên bố của ÖAK và thông lệ phổ biến trong các nhà thờ Tin lành.
Vị Hồng Y người Thụy Sĩ đưa ra ví dụ về Giáo hội Tin lành ở Hesse và Nassau, một trong những giáo hội thành viên của EKD. Ngài lưu ý rằng những giáo hội này mời những người chưa được rửa tội tham gia vào buổi lễ Tiệc Ly của Chúa.
Đức Hồng Y Koch nói rằng thực tế này mâu thuẫn với tuyên bố của Oak rằng có một “sự hiểu biết cơ bản” liên quan đến một sự “công nhận” tương tự về bí tích rửa tội cũng như có một sự “tương ứng trong các hình thức phụng vụ của việc cử hành Bữa Tiệc Ly của Chúa”.
“Phép Rửa Tội và sự công nhận lẫn nhau về tính thành sự của phép Rửa Tội được coi là đại diện cho nền tảng của đại kết. Nhưng nếu một bên đối tác đại kết lại tương đối hóa phép Rửa Tội đến mức nó không còn là điều kiện tiên quyết để tham gia vào Bữa Tiệc Ly của Chúa nữa, thì câu hỏi phải được đặt ra đối với nền tảng của phong trào đại kết”, Đức Hồng Y Koch đã viết trong bức thư ngỏ của ông.
Đức Hồng Y cho biết ngài rất ngạc nhiên “rằng có sự khác biệt như vậy giữa tuyên bố của ÖAK và thực tế trong các nhà thờ Tin lành, là điều không được các thành viên ÖAK ghi nhận hoặc, nếu có, không được trình bày, dù là theo một cách cực kỳ tối thiểu đi chăng nữa”.
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Koch bày tỏ lòng biết ơn rằng nhóm nghiên cứu đại kết đã đầu tư “rất nhiều năng lượng và nhiệt thành” để vượt qua những vấn đề chia rẽ người Công Giáo và người Tin lành. Nhưng ngài nói rằng những bước đi như vậy chỉ có thể thực sự thành công khi đối mặt với “thực tế cụ thể”.
Ngài nói thêm rằng các vấn đề chưa được giải đáp nên được nêu ra một cách cởi mở thì sau đó mới có thể được giải quyết.
Source:Catholic News Agency