Gửi các anh chị em “ta ru”

1. SUY TƯ VỀ “TU XUẤT”

2. VÀI SUY TƯ NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT “HỘI CHỨNG TU XUẤT” CỦA TÁC GIẢ DIỆU TÂM, BC

3. CẦU CHO NGƯỜI TU XUẤT

4. TÂM SỰ NGƯỜI TU XUẤT GIÀ

5. TU XUẤT ?

 

***

1. Suy tư về “TU XUẤT” 

Tu xuất tự nó không phải là một bậc sống, nhưng là một thành phần quan trọng trong nhịp sống Giáo hội. Có lẽ, cuộc đời chúng ta không ai hiểu hết được chữ “ngờ”, và vì thế, xuất tu cũng hàm chứa những lý do khó nói lên lời. Đôi dòng tản mạn và những cảm nghiệm riêng tư của tác giả về những người tu xuất có lẽ sẽ là tâm tư của bất kỳ ai đó muốn đồng cảm, muốn yêu thương, muốn sẻ chia với những con người đặc biệt này.

Nói về người tu xuất có thật lắm khía cạnh để người ta phải suy nghĩ, bàn luận. Trước hết, có lẽ chúng ta nên khởi đi từ hai tiếng “Ơn gọi”. Ban đầu, nhiều bạn trẻ lắng nghe được tiếng Chúa gọi, họ hăng hái dấn thân vào đời tu với tất cả nhiệt huyết của một con tim căng đầy sức sống. Nhưng rồi, cuộc đời có trăm ngàn lối đi khiến họ không còn giữ được nét trinh trong và nhiệt huyết thuở ban đầu. Giã từ chốn Viện tu, họ nghe theo một tiếng gọi khác và đi tìm cho mình một niềm vui giữa đời thường. Có những người tìm về chốn hồng trần để mong tìm một mái ấm, một niềm hạnh phúc dẫu mong manh nhưng thật đơn thành; có những người can đảm tiếp tục rong ruổi dấn thân trên hành trình dâng hiến đầy cát bụi… Trong số đó, có những người đã nhận ra chân lý sống và họ đã làm trổ sinh hoa trái giữa cuộc đời; nhưng rồi lại cũng không thiếu những người chìm ngập trong cô đơn, thất vọng và bị dòng đời vùi lấp, cuốn trôi.

Tại sao cuộc đời người tu xuất lại rơi vào bất hạnh? Nhiều người cho rằng: vì anh đó, chị đó đã ăn cơm nhà Chúa Trời, nay quay gót về với thế gian thì đương nhiên phải chuốc lấy hậu quả. Nghe thoáng qua thật quá phũ phàng, chẳng lẽ Thiên Chúa lại là kẻ dữ dằn và khát máu trả thù đến vậy ư? Chắc chắn không phải thế. Sở dĩ người tu xuất khi trở về đời thường, cuộc sống của họ không mấy hạnh phúc có lẽ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi họ còn sống trong Ơn gọi, họ làm mọi việc đều có chương trình, kế hoạch, mọi sự xem ra an nhàn, thư thái, nay trở về thế gian, họ phải bươn trải với cuộc sống cơm áo gạo tiền, đó là một thử thách lớn lao đối với họ. Hơn nữa, suốt thời gian sống trong Dòng tu hay Chủng viện, người tu chỉ lo trau dồi tri thức để chuẩn bị lãnh chức thánh hay khấn dòng, họ đâu biết mùi thế nhân đoạn trường ra sao? Nay trở về đời thường trăm ngàn sóng gió, bể dâu, sức đề kháng của những con người này sẽ vô cùng mong manh, yếu ớt. Vì thế, họ ít tìm được những cơ hội trong cuộc sống, trong khi cuộc đời lại quá khắt khe đối với họ. Thành ra, người xuất tu khó có thể tìm được cho mình một cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Ngày nay, người ta nhiều khi có ác cảm và thành kiến nặng nề với người tu ra. Họ cho rằng: việc ông Thầy, bà Sơ giũ áo Dòng ra về lấy vợ, lấy chồng là chuyện chẳng nên. Ngoài việc bị kết án là ham muốn thế gian, xác thịt, lại còn bị gán cho cái tội tày đình là bội ơn nhà Đức Chúa Trời. Bao nhiêu tiền bạc, cơm gạo nuôi ăn giờ đây trở về con số không tròn trĩnh. Họ căm tức người tu ra vì cho rằng: cô, cậu đã bôi gio, chát trấu vào mặt cha mẹ, tiên tổ, ông bà. Thanh danh đang lên như “diều gặp gió” nay chẳng khác chi “lá chuối gặp bão” xác xơ bên đường. Cha mẹ thì khăng khăng dán chặt con mình trên bàn thánh, chôn chân con mình trong chốn Viện tu bằng bất cứ giá nào, nhưng cũng chẳng hay chẳng biết rằng: con mình không có khả năng sống đời Ơn gọi. Họ chỉ biết một điều: việc trở về gia đình sau hành trình tu trì dang dở là chuyện không thể chấp nhận được. Họ cũng đâu biết rằng: việc quyết định ngả sang một Ơn gọi khác không phải là chuyện dễ dàng như người ta vẫn lầm tưởng. Trước khi về đời, người xuất tu đã phải đón nhận sức ép thật khủng khiếp từ phía dư luận, bà con lối xóm. Thật là đáng sợ!

Hơn thế nữa, nhiều người xuất tu mang theo suốt cuộc đời mình mặc cảm tội lỗi vì biết mình đã làm hỏng ơn Chúa. Bao nhiêu chữ “giá mà” thế này, “phải chi” thế thế kia cứ đeo bám và ám ảnh trong trí não. Bao nhiêu nước mắt đã lặng lẽ buông xuống dòng đời; bao nhiêu tiếng thở dài não nề trôi theo giọt nắng, giọt mưa; bao nhiêu thất vọng, bao nhiêu chán ngán cuộc đời, bao nhiêu mỏi mòn, tăm tối giăng ngập lối về… Thật xót xa, thật phũ phàng! Mọi sự giờ đây đã quá muộn cho một lời xin lỗi, chỉ còn lại đây những giọt lệ buồn của cay đắng, xót xa. Nỗi đau khiến họ ăn không ngon, ngủ không yên, và vì thế họ cảm thấy bất hạnh và đau khổ. Mọi cánh cửa hy vọng dường như đã đóng chặt khiến họ không còn lối thoát. Cuộc đời thật quá khắt khe với họ.

Nói về người tu xuất với biết bao cảm xúc và nghĩ suy, nhưng chúng ta không thể nào không thừa nhận vị trí và vai trò của họ trong Giáo hội và ngoài xã hội. Nhiều người tu xuất đã trở thành cánh tay đắc lực của Cha xứ và của xóm đạo. Các hội đạo đức, các công việc bác ái, các hoạt động từ thiện có thăng tiến được cũng là nhờ phần nhiều vào những con người nhiệt thành này. Họ là những người trí thức, được đào luyện bài bản trong Chủng viện, nơi Dòng tu nên cũng đã trang bị cho mình một sự trưởng thành vừa đủ trước khi đối mặt với cuộc đời. Họ làm việc có cái tâm và trở nên những con người đáng tin cậy trong Cộng đoàn. Vì thế, chúng ta cần đặc biệt tôn trọng, cảm phục và cầu nguyện cho họ, để giúp hăng say và nhiệt thành chu toàn bổn phận làm người Kitô hữu của mình.

Đôi dòng suy tư về giới tu xuất không phải là bao che, dung dưỡng, nhưng là tấm lòng trân trọng, cảm thông và tri ân. Thiên Chúa đã dùng họ cách âm thầm để làm việc trong vườn nho của Ngài. Không ít thì nhiều, những việc làm và những hy sinh lớn lao của họ cũng làm cho vườn nho Chúa được trổ sinh hoa trái. Viết về người tu xuất giúp chúng ta có cái bao dung hơn, yêu thương hơn, đồng cảm hơn, vì mọi người dù là ai, dù trong hoàn cảnh nào cũng đều là những con người bất xứng trước mặt Thiên Chúa và ai trong chúng ta cũng cần đến lòng thương xót và ân sủng của Ngài. Đây cũng là một lần giúp chúng ta hâm nóng lại tình yêu với Chúa, hun đúc khát khao dâng hiến của mình. Ước mong sao dù cho bao khó khăn, thử thách, chúng ta cũng hãy luôn trung thành với Chúa đến cùng.

                                                                                                    Diệu Tâm, BC 

2. VÀI SUY TƯ NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT “HỘI CHỨNG TU XUẤT” CỦA TÁC GIẢ DIỆU TÂM, BC 

Sau khi đọc bài viết “Hội chứng tu xuất” của tác giả Diệu Tâm, BC được đăng trên trang mạng Giáo phận Bùi Chu vào lúc 3:37 thứ ba: 15/12/2015, người viết có những tâm tình vui buồn lẫn lộn muốn chia sẻ cùng bạn đọc, những người quan tâm đến đối tượng tu xuất.

Nhìn chung, bài viết đã đưa ra một nhãn quan toàn diện (tiêu cực và tích cực) về những người tu xuất. Điều này cho thấy sự quan tâm rất đặc biệt của tác giả về đối tượng này. Nhưng thiết tưởng, chúng ta cũng cần đặt lại những vấn đề mà tác giả đưa ra để tìm một giải pháp thỏa đáng cho “hội chứng tu xuất” này.

Trước tiên, người viết cảm thấy “choáng ngợp” bởi hạn từ hội chứng. Nó như một tập họp của nhiều triệu chứng cùng xuất hiện nơi bệnh mà ở đây “con bệnh” là những người tu xuất. Phải chăng nơi đối tượng này có những triệu chứng khiến hủy hoại bản thân và có nguy cơ lây lan đến người khác mà tác giả dùng hạn từ “hội chứng” ? Xét cho cùng, đây chỉ là một vài dấu hiệu tiêu cực mà tác giả đã mục kích nơi vài đối tượng cụ thể nào đó. Công bằng mà xét, đó cũng chỉ là một trong những cái nhìn đánh giá chủ quan của một số người thiển cận về đối tượng này. Do giới hạn của bài viết và khả năng tiếp cận thực tế đối tượng này, người viết chỉ đề cập đến hai luận đề mà tác giả nêu lên:

-Người xuất tu khó có thể tìm được cho mình một cuộc sống bình an và hạnh phúc.

-Nhiều người xuất tu mang theo suốt cuộc đời mình mặc cảm tội lỗi vì biết mình đã làm hỏng ơn Chúa.

Tác giả Diệu tâm đã khẳng định: “người xuất tu khó có thể tìm được cho mình một cuộc sống bình an và hạnh phúc”, với lý do đơn giản là vì họ ít tìm được những cơ hội trong cuộc sống, trong khi cuộc đời quá khắt khe với họ. Phải chăng do ít tìm được những cơ hội trong cuộc sống vốn khắt khe với họ mà họ không thể sống bình an và hạnh phúc ? Liệu có mấy người nhờ nắm bắt những cơ hội nào đó trong đời mà có thể thực sự sống bình an và hạnh phúc. Như thế, bình an và hạnh phúc chỉ dành cho những người biết nhạy bén nắm bắt mọi cơ hội trong đời. Thực tế cuộc sống khác hẳn ! Có những siêu sao, minh tinh màn bạc… đã đạt đến đỉnh cao danh vọng mà bao người mơ ước không được, tại sao họ tìm đến cái chết ? Cơ hội giúp ta thăng tiến nhưng không đồng nghĩa với việc nó mang lại cho ta hạnh phúc và bình an. Nói cách khác, hạnh phúc và bình an không tùy thuộc việc chúng ta có nhiều cơ hội thăng tiến trong đời. Đó là xét về mặt xã hội, còn trong Giáo hội thì sao ?

Xin đơn cử một câu chuyện về ơn gọi do tác giả Carlos G. Valles dòng Tên, trong tác phẩm Chúng tôi đã gặp thấy Chúa. Ngài kể: Tôi có một người anh em trong dòng rất gương mẫu và tận tụy trong việc bổn phận và đời sống tu trì, đến nỗi các bề trên đã giao phó cho anh ấy nhiệm vụ tinh tế nhất là hướng dẫn và đào tạo các tu sĩ trẻ của dòng mà vai trò này đòi buộc đương sự phải khôn ngoan và thánh thiện. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách chu đáo và kính cẩn, nhờ đó, anh làm hài lòng các vị bề trên và những người dưới quyền của anh. Có thể nói, với những gì vị tập sư này đạt được, người đời có thể cho rằng ngài sống bình an và hạnh phúc trong ơn gọi vì đã đạt được những quyết tâm bản thân và những nguyện vọng của cộng đoàn đề ra. Thế mà, một hôm anh đã chia sẻ với tác giả: “Tôi chưa bao giờ có, kể cả lúc này, ơn gọi làm tu sĩ dòng Tên. Người có ơn gọi này chính là mẹ của tôi”. Từ đó, chúng ta thấy rằng con người không thể thực sự bình an và hạnh phúc khi sống đời sống mình vì dựa vào kỳ vọng của người khác, cho dù là khát vọng tốt lành của người mẹ đi nữa ! Sự bình an và hạnh phúc không hệ tại ở việc sống tốt một ơn gọi mà là sống đúng ơn gọi, chức phận Chúa dành cho mỗi người.

Như thế, những người xuất tu vì không có ơn gọi tu trì lại không có quyền được sống bình an và hạnh phúc trong một đời sống khác sao ? Chúng ta biết rằng để xác định một ơn gọi phải trải qua một quá trình huấn luyện và phân định lâu dài, và trong thời gian này họ được hoàn toàn tự do chọn cho mình ơn gọi nào đem lại cho họ bình an và hạnh phúc. Nếu lương tâm họ cảm thấy không bình an và hạnh phúc với ơn gọi tu trì, họ cứ việc rút lui. Như thế, việc họ xuất tu lại là một bất hạnh sao ? Có thể, trong khoảnh khắc nào đó, họ trải qua một cơn khủng hoảng về ơn gọi, nhưng một khi  Chúa đóng cánh cửa này, Người sẽ lại mở cánh cửa khác. Đó là cách thông thường Chúa tỏ lộ ý muốn của mình cho con người. Và như thế, sự bình an và hạnh phúc vẫn đang chào đón họ trong một ơn gọi mới, một môi trường mới.

Chúng ta bàn đến luận chứng thứ hai của tác giả, ngài viết: “Nhiều người xuất tu mang theo suốt đời mình mặc cảm tội lỗi vì biết mình đã làm hỏng ơn Chúa”. Khẳng định này đã được tác giả làm sáng tỏ từ những lời hối tiếc: “giá mà”, “phải chi”…cộng thêm những tiếng thở dài…của những người tu xuất mà tác giả có thể quan sát được. Những biểu hiện này đủ để qui kết là đương sự mang theo suốt đời mặc cảm tội lỗi ? Có thể nói, đây là một khẳng định thiếu cơ sở, dễ gây ra những hiểu lầm tai hại. Theo mạch văn trình bày, cách mặc nhiên, tác giả muốn khẳng định rằng xuất tu là nguyên nhân dẫn đến mặc cảm tội lỗi nơi những người này. Cho đến nay, chúng ta chưa thấy có một nghiên cứu và thống kê nào cho biết những người tu xuất có tỉ lệ bị mắc chứng mặc cảm tội lỗi hơn những đối tượng khác. Vì thế, những trường hợp mà tác giả mục kích là cá biệt nên không thể lấy đó làm tiêu chuẩn để đánh giá vấn đề tế nhị này.

Tưởng cũng cần nhắc lại, ơn Thiên Triệu là một huyền nhiệm. Nó là sự tương tác và kết hợp giữa lời mời gọi của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người. Tuy nhiên, gọi thì nhiều nhưng chọn lại ít. Có thể nói, việc chọn lựa của Thiên Chúa là nhưng không, nghĩa là không tùy thuộc bất cứ một công trạng nào từ phía con người. Vì thế, việc những người không được Chúa chọn, trở về đời, không thể bị chúng ta coi đấy là sự chúc dữ của Thiên Chúa hay ai có quyền đối xử tiêu cực với họ. Nhưng trong thực tế, có nhiều vùng do ảnh hưởng mạnh “nền văn hóa”: Một người làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ vạ lây. Khi cung phụng một Cha hai Thầy, không được “chính danh” ấy thì lại bị mọi người tẩy chay. Từ đó, những người này không dám về lại quê nhà và ngay đến gia đình cũng ruồng rẫy họ. Áp lực này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm lý của những người này. Vô hình trung họ trở thành nạn nhân của một nền văn hóa chưa được “rửa tội”. Thái độ sống thiếu đức tin hay đạo đức bình dân kiểu này có thể là một vấn nạn lớn cần đặt lại trong thực tế Giáo hội Việt Nam hôm nay.

Vài dòng suy tư không ngoài mục đích muốn tìm thế quân bình trong việc đánh giá về cách sống của những người tu xuất. Chúng ta cần trả lại sự công bằng cho những người này, họ thực sự đáng được tôn trọng không những vì tầm ảnh hưởng của họ trong Giáo hội và xã hội mà chúng ta cần ghi nhận những thiện chí của họ và đồng hành với họ trên con đường tìm Chúa. Thay vì trước kia họ tìm Chúa trong một cộng đoàn dòng tu, một xứ đạo thì ngày nay, họ nhận ra ơn gọi Chúa muốn là tìm Người ở giữa đời. Chính khi sống đúng ơn gọi Chúa muốn, tâm hồn họ được bình an và hạnh phúc. Chính khi ý thức thân phận tội lỗi của mình, họ phó thác cho lòng thương xót Chúa. Và nơi đâu có tình yêu và lòng thương xót Chúa ngự trị, ở đó có hạnh phúc và bình an.

Cầu chúc Năm Thánh này sẽ là cơ hội giúp chúng ta mở lòng đón nhận mọi người như Chúa đã đón nhận ta và mọi người trong lòng thương xót Chúa.

 

An Mai Đỗ, O.Cist.

3. CẦU CHO NGƯỜI TU XUẤT 

Trong ngày Ơn Thiên Triệu tôi nghĩ tới các anh chị em “tu xuất” và tôi cũng cầu nguyện cho họ cách riêng. Ồ, tôi không ngụ ý rằng họ làm thành một “bậc sống” trong Giáo Hội hay tu xuất cũng là một ơn gọi cần phải khuyến khích. Nhưng trong thực tế của Giáo Hội Việt Nam, chắc ai cũng có thể thấy rằng nói chung họ là một thành phần khá năng động và hữu ích, được đánh giá cao. Mặc dù vậy, vẫn dai dẳng tồn tại một vài ý nghĩ sai lầm, ít nhất là thiếu công bằng về “giới” tu xuất.

Nhất quỉ nhì ma thứ ba tu xuất?

Bà con ta thường có câu: nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò. Trong các cộng đồng người công giáo, câu nói đó có khi được áp dụng cho giới tu xuất: nhất quỉ nhì ma thứ ba “nhà thầy” xuất. Xét cho kỹ thì từ học trò chuyển qua tu xuất, mức độ “xấu” có tăng lên. Về anh học trò, người ta thường chỉ muốn nói anh ta nghịch ngợm, phá phách thôi,–những trò nghịch phá không có gì trầm trọng, đôi khi còn rất dễ thương nữa là khác! Tuổi học trò mà thiếu những thứ đó có lẽ sẽ mất đi một phần thú vị! Còn về anh tu xuất, dĩ nhiên cũng lắm người nghịch ngợm “đáo để”, nhưng nhiều người công giáo vẫn nghĩ xa hơn: “Có sao mới ‘bị xuất’ chứ?”. “Có sao”, nghĩa là phải tệ lắm hoặc thậm chí “chắc là có ‘phốt’ gì nặng lắm đây!”! Có khi họ “thật thà” qui chụp: “phá ơn Chúa!” Bậc cha mẹ có con đi tu không thành đôi khi cũng có ý nghĩ không tốt, không đúng về con. Số đông bà con vẫn nghĩ rằng đã bước vào nhà tu, “nhà Đức Chúa Trời” rồi là đã được Chúa kêu gọi, vậy nếu “đường tu” dang dở thì nhất thiết do lỗi gì đó của đương sự. Tất nhiên cũng có trường hợp như thế, nhưng thông thường nên hiểu đơn giản là người ấy “không được Chúa kêu gọi”, bậc sống ấy không thích hợp với họ. Việc nhận ra mình có ơn gọi hay không là việc không dễ dàng, phải qua một quá trình dài trong cầu nguyện, suy nghĩ, thực nghiệm, trao đổi bàn bạc với những người có trách nhiệm. Nếu sau khi đã làm những việc trên cách kỹ càng mà cảm thấy rằng mình không được Chúa kêu gọi ở bậc sống này, hoặc được “bề trên” kết luận như thế, thì can đảm ra về một cách vui vẻ, không sợ sệt, không mặc cảm, không oán trách ai … lại là điều rất đáng khen.

Thật ra chúng ta còn gặp một suy nghĩ khác nơi bậc cha mẹ. Nhiều người không nghĩ là đã “đi tu” là đương nhiên phải có ơn gọi rồi, nhưng họ suy tính: cứ cho con đi, nếu không làm cha, làm thầy, làm “sơ” được thì cũng được học hành, được dạy dỗ nên người hơn. Đây phải coi là một cám dỗ “thiết thực” trong bối cảnh Việt Nam. Nói họ “lợi dụng” dòng tu hay chủng viện có thể là quá nặng vì trong thâm tâm họ vẫn đánh giá đời sống linh mục, tu sĩ rất cao và thực tình muốn cho con cái đi trọn con đường ấy, nhưng cho con đi tu khi không thấy dấu hiệu rõ ràng gì về ơn gọi nơi con cái, thậm chí làm áp lực tâm lý trên chúng, là một điều cần phải tránh. Về phần những người có trách nhiệm trong các chủng viện và dòng tu, họ biết rằng xưa nay số người xuất tu chiếm một tỉ lệ khá cao so với số người nhập tu (nhất là trong các nhà dòng), họ coi đó là chuyện bình thường, và còn tự an ủi rằng dù sao mình cũng góp phần đào tạo những người giáo dân tốt, sẽ giúp ích cho Giáo Hội cách riêng.

Nhìn nhận công lao của giới “tu xuất”

Tôi dùng thuật ngữ “giới tu xuất” như một kiểu nói quen thuộc, không hàm ý phê phán tiêu cực. Trái lại, ngay từ đầu tôi đã ngụ ý rằng họ là những người thường có đóng góp đặc biệt trong thực tế đời sống Giáo Hội Việt Nam ta. Nói chung, cho đến nay, họ vẫn là những người giáo dân có học thức cao hơn mức chung, nhất là ở thôn quê, về mặt văn hoá và đặc biệt về mặt giáo lý và việc đạo. Số đông đã biết dùng lợi thế này để phục vụ đắc lực cho các giáo xứ, giáo họ. Gần như có thể nói họ làm thành một “giới” riêng, không phải theo nghĩa họ sống tách biệt, nhưng theo nghĩa họ được minh nhiên hay mặc nhiên coi như “thành phần lãnh đạo”, một thứ gạch nối giữa cha xứ và giáo dân, thường là cánh tay phải của các linh mục. Hẳn là độc giả nào cũng có thể biết một vài người “cựu nhà tu” như thế. Họ dạy giáo lý, tập hát, tổ chức hội đoàn, hướng dẫn phụng vụ, và nếu là nữ thì còn thêm cả những việc âm thầm như trang trí và quét dọn nhà thờ, giặt đồ thờ phượng… Tôi biết ở Hoa Kỳ, một số trong họ được chọn làm phó tế vĩnh viện. Giáo Hội Việt Nam nên trân trọng những đóng góp như thế và tỏ lòng biết ơn họ. Thiết tưởng cũng phải công bằng với họ, đừng suy nghĩ trong lòng rằng họ chịu ơn của nhà Đức Chúa Trời rồi nay phải trả công, đó là “lẽ đương nhiên” thôi.

Có khen thì cũng phải có chê. Chúng ta cũng biết một thiểu số “cựu nhà tu” vì bất mãn hay vì lý do nào khác, thường hay đứng ngoài phê bình chỉ trích hàng giáo sĩ và cả công việc giáo xứ, giáo họ. Có người vẫn thích “làm thầy”; họ dễ dàng tự coi là không được đánh giá và sử dụng đúng tài năng; có vẻ như họ muốn cái gì hơn là “làm giáo dân thường dân”!… Nhưng xin nhắc lại, đây chỉ là thiểu số, không làm mất thanh danh của “giới tu xuất” chúng ta.

Vượt ra ngoài ranh giới của tổ chức Giáo Hội, chúng ta cũng cần nhìn nhận và đề cao vai trò của giáo dân trong đời sống xã hội trần thế. Ở đây chúng ta cũng thấy khá nhiều thành công đáng biểu dương của giới cựu nhà tu trong nhiều lãnh vực văn hoá, giáo dục, xã hội, kinh tế và đôi khi cả chính trị nữa. Nhưng cần đi xa hơn những đóng góp thuần túy “tự nhiên”. Những đóng góp đó chỉ có giá trị tôn giáo thực sự khi được thực hiện trong tinh thần Phúc Âm, là cố gắng “đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần tư tưởng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng nơi họ sống”, một “bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân mà không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ” (Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, số 13). Ít nhất thì họ phải biết làm chứng cho niềm tin của mình trong thầm lặng bằng một đời sống hoà hợp với đức tin, nêu gương sáng về tính lương thiện, trung thực và bác ái.

CN Chúa Chiên Lành, 17. 4. 05 – Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

4. TÂM SỰ NGƯỜI TU XUẤT GIÀ 

Trời đã khuya, đường xá vắng tênh, cơn mưa bảo đang xối xả tràn ngập khắp các nẻo đường, hai cánh quạt nước phía trước khung kiếng của chiếc  taxi đã mở hết tốc lực vẫn không đủ để gạt những dòng nước đang trút xuống như thác lũ, bác tài xế vói tay vặn chiếc radio trên xe, tiếng cô xướng ngôn viên của đài phát thanh phát ra nghe tiếng mất tiếng còn, báo tin cây bão cấp 8 đang thổi vào miền trung Đà Nẵng, Quãng Nam, Quãng Ngãi. Nhìn qua khung kiếng, chỉ toàn một màn trắng xóa, bác tài xế cố gắng ôm ghì lấy chiếc “Volant” không nói một lời, xe chạy rất chậm, kim đồng hồ lúc bấy giờ lên xuống khoảng mươi, mười lăm cây số giờ.

Lần đầu tiên lão về thăm quê hương, những tưởng phi cơ không đáp xuống được sau hai vòng lượn quanh trên bầu trời đầy nước, nhưng cuối cùng chuyến bay đã hạ cánh an toàn, lão lại được chào đón bằng một cơn mưa bão, không lẽ cuộc đời của lão đi đến đâu là đem giông bão theo đến đó hay sao?

 Phải mất gần hai tiếng đồng hồ từ phi trường về đến nơi mà lão muốn về, đó chính là nơi cuối cùng lão sống trước khi lão quyết định ra đi, … Ra khỏi xe lão chạy vội vào dưới mái hiên của một ngôi nhà cũ kỹ, vẫn một màu sơn vàng vọt cũ rít, dưới ánh đèn mờ nhạt bao phủ bởi những hạt mưa rơi nặng trĩu, lão vẫn còn nhận ra ngôi nhà mà lão đã sống, nơi đây đã từng chứng kiến rất nhiều biến cố xảy ra cho gia đình, lão đã được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này, những kỷ niệm từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành…

Lần ấy cũng là lần cuối cùng, người mẹ dấu yêu của lão, nước mắt lưng tròng, đứng nhìn đứa con lần cuối, trong khi lão cố gắng ghi lại hình ảnh của người mẹ còm cõi cả một đời chỉ sống cho con và hy sinh vất vả vì con,… có lẽ lần đi này là vĩnh viễn sẽ không bao giờ lão còn được gặp lại người mẹ dấu yêu này nữa.

 Nằm lắng nghe tiếng gió rít, tiếng mưa rơi, tiếng nước chảy cuồn cuộn ngoài song cửa, lão cuộn mình trong chiếc mền bông mà đã mấy chục năm qua, hằng đêm được đấp quanh tấm thân gầy còm của mẹ lão. Nhớ lúc ra đi, cũng vào một đêm mưa gió bão bùng, ở một vùng lầy lội muỗi mòng của khu rừng chà là, thuộc Hải Sơn, Vũng Tàu, Bà Rịa, lão cố gắng bám và leo lên mạn chiếc thuyền cây nhỏ bé dùng để đi cào, người lão ướt đẫm như chuột lột, chân lão bị gai chà là đâm chi chít, thế mà lão vẫn không cảm thấy một chút gì đau đớn, lão phải đi, một người thanh niên đầy nhiệt quyết, chấp nhận ra đi dù phải đánh đổi tất cả.

Bao kỷ niệm, bao dĩ vãng, những hình ảnh xa xưa lần lượt hiện về trong đầu lão như mới vừa xảy ra ngày nào, ấy thế mà đã hơn ba chục năm rồi, ánh mắt trìu mến của người mẹ nhìn lão năm xưa, nay vẫn còn hiện rõ trong đầu lão, nhưng bóng hình bằng xương, bằng thịt của người mẹ sống khổ cực, hy sinh cả một quãng đời cho chồng con, nay còn đâu nữa.

Với tay mở chiếc MP3, một bản nhạc mà lão đã nghe đi, nghe lại hằng vạn lần vẫn không biết chán, “Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu” của Nhật Ngân, tiếng hát Quang Lê đã như nói thay cho nỗi lòng của biết bao chàng trai đất Việt xa quê hương…

 Xuân này con về… mẹ ở đâu?

Quê nghèo xuân về mưa hắt hiu

Vườn xưa xơ xác hoa rơi rụng

Xuân về không mẹ nụ hoa kém tươi

                    Xuân này con về… mẹ ở đâu?

                    Bao mùa xuân hẹn con vẫn đi

                    Đời trai như cánh chim phơi bạt

                    Bao lần xuân về, để mẹ hoài ngóng trông…

****

Mẹ ơi! Trong thời chinh chiến

Bao mùa xuân con chẳng về nhà

Thanh bình chưa kịp vui cùng mẹ

Lại đành xa cách quê hương

                     Mẹ ơi! Bao mùa xuân đến

                     Bao lần con mong mỏi ngày về

                     Xuân này con về quê tìm mẹ

                     Thì mẹ giờ đã ra đi…

 Giơ tay quẹt vội hai hàng nước mắt đang chảy như hòa lẫn với những giọt mưa bên ngoài, lão còn nhớ hình ảnh của một ngày, một cậu học sinh bé bỏng vừa đậu xong bằng tiểu học, đã đến gặp và xin với cha sở nơi xứ đạo: “Thưa cha, con muốn đi tu.” Cha sở ngạc nhiên không trả lời, ngài đưa mắt nhìn cậu bé hồi lâu, rồi ngài mĩm cười hỏi lại: “Tại sao con muốn đi tu, con có biết đi tu là như thế nào không?” Cậu bé trả lời không chút suy nghĩ: “Thưa cha, con muốn đi tu để mai mốt con sẽ trở thành “Ống Cố” giống như cha…còn đi tu tức là đi vào “Nhà Trường” để học cách làm lễ và cách giảng cho bổn đạo trong nhà thờ.”

Câu trả lời thật thà của cậu bé đã làm cho cha sở không thể nín cười được, ngài đã phát lên tiếng cười làm vang dội cả căn phòng, lúc ấy cha phó đang ở phòng kế bên nghe thấy tiếng cười bất chợt của cha sở nên chạy sang nhìn, thấy cha phó bước vào, cha sở giơ tay vẫy lại gần nói: “Cha vào đây, họ đạo chúng ta sắp có một Ông Cố, một cha giảng cấm phòng tương lai đây.” Nói xong, cha sở thuật lại những lời của cậu bé, cha phó cũng không thể nín cười được, quay nhìn cậu bé: “Hay! Hay! Biết đâu đây cũng là Thánh ý Chúa, không chừng sau này sẽ trở thành sự thật như lời cha sở vừa nói.” Nói đoạn cha phó nhìn cậu bé hỏi: “Con có chắc chắn là con muốn đi tu không, đi vô Nhà Trường học cực và khó lắm đó, không như ở nhà đâu, lại còn không được gần cha mẹ, anh chị em, bạn bè như bây giờ, con có biết điều này không?” Cậu bé gật đầu, ngầm trả lời rằng: “Thưa cha, con hiểu.”

 Cầm trên tay tờ giấy Nhà Trường báo cho cha sở với những chữ đậm nét, “Danh sách các em trúng tuyển vào Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn” Mẹ cậu bé hết sức thẫn thờ, không ngờ con bà mới chừng ấy tuổi mà có những suy nghĩ táo bạo theo lời cha sở thuật lại, bà vừa mừng lại vừa lo, mừng vì con mình muốn tận hiến cuộc đời cho Chúa, lo vì hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ thật hết sức khó khăn vất vả, không biết gia đình có lo nỗi cho đứa con của mình đi hết chặng đường bước đến bàn thờ Chúa hay không, nhưng rồi tất cả mọi việc đều được bàn tay Thiên Chúa quan phòng sắp xếp, cậu học sinh bé bỏng đã giã từ cha mẹ, anh chị em bạn bè, bước  sang một ngả rẽ, một con đường quan trọng của cuộc đời, “Đi tu để trở thành Linh Mục”.

 Hôm sau lão dậy thật sớm, sốt ruột nhìn đồng hồ, bên ngoài trời vẫn còn mưa, tin tức thông báo cơn bão thổi vào từ biển đông đêm qua, đã làm điêu đứng hàng vạn gia đình ở miền Trung, nhà cửa bị ngập lụt, trâu bò, heo gà vịt chết trôi lềnh khênh. Lão ngồi bật dậy hé mở cánh cửa bước nhẹ ra ngoài mái hiên, những giọt mưa văng bắn cả lên người lão, cây cối xung quanh vẫn còn vặn vẹo nghiêng ngã mặc dù cơn mưa đã dịu dần, chợt có tiếng đứa cháu gái:

– Trời ơi! Mưa bão mà sao cậu ra đứng đó, mưa tạt ướt hết rủi bị bịnh làm sao cậu?

Lão không quay đầu nhìn lại mà thản nhiên trả lời đứa cháu gái, con đầu lòng của em gái thứ bảy:

– Mấy khi mà cậu được thưởng thức cảnh mưa rơi như thế này. Cậu thích lắm, nhớ hồi xưa lúc mẹ con còn nhỏ, mẹ con thích tắm mưa nhưng bà ngoại không cho vì sợ trúng mưa cảm lạnh, nên mỗi khi có cậu ở nhà, mẹ con năn nỉ cậu xin bà ngoại cho mẹ con ra tắm mưa.

Nói xong lão bước thẳng ra ngoài mái hiên, mặc cho những giọt mưa rơi tới tấp trên má, trên môi, trên khắp da mặt, nước mưa làm cho lão cảm thấy dể chịu và khoan khoái vô cùng, cơn mưa cũng đã bắt đầu nhỏ hột, chỉ còn lấm tấm như hạt sương mai, lão lần bước theo con dốc ra ngả ba đầu đường, hai bên  nước vẫn tuông chảy cuồn cuộn. Lão thả bộ dưới những tàng cây, ngắm nhìn những ngôi biệt thự rộng lớn tọa lạc trong một khu riêng biệt, có rào chắn xung quanh, mặt trước là hai cánh cổng sắt rộng lớn có thể mở cho cả xe hơi bốn bánh ra vào, nhìn lối kiến trúc đủ kiểu đủ màu, kiểu Âu châu, Mỹ châu, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bổn và có cái lại được cất theo dạng nhà của đồng bào sắc tộc thiểu số, chỉ khác là được xây dựng bằng xi-măng gạch đá, thật là muôn màu muôn vẻ, có lẽ đây là khu tập trung những nhà giàu có, những đại gia, quan chức trong xã hội ngày nay, ngôi biệt thự nào cũng đều có vườn trước, vườn sau trồng đủ loại hoa, kể cả cây cảnh, cây ăn trái, một số đã bị vùi dập tơi tả vì cơn bão tối qua.

 Những giọt mưa lất phất vẫn tiếp tục bay, hai tay lão xoa tròn lại với nhau, không phải vì lạnh mà vì lão đang nhớ, một nỗi nhớ da diết về một dĩ vãng xa xưa nào đó, đôi mắt lão đăm chiêu tới một phương trời vô định, bộ phim dĩ vãng từ trong ký ức rè rè trong đầu lão, bốn mươi lăm năm trời cách biệt ngôi trường Mẹ thân yêu nơi mà lão đã có những năm tháng miệt mài trong tu luyện.  Lớp của lão bấy giờ là những cậu học sinh tuy còn rất bé, nhưng đã biết chấp nhận xa gia đình cha mẹ, anh em, bạn bè để dõi theo chân Thầy Giêsu quí mến, những chú bé vừa mới lên mười, mười hai, nét mặt còn rất ngây thơ tựa như những thiên thần, đến từ khắp tỉnh thành của miền Nam lúc bấy giờ.

Ngày đầu tiên bước qua dưới chiếc cổng đề tên Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, tất cả đã được cha giám đốc Phêrô Nguyễn Thành Thông cùng với hai thầy giám thị, Phêrô Nguyễn Công Danh và Gioan Bta Nguyễn Văn Dư chào đón, sau khi làm thủ tục nhập học tất cả được hướng dẫn đưa lên tận trên nhà ngủ. Những đêm đầu không đêm nào mà không nghe những tiếng khóc thút thít của các chú bé lần đầu tiên phải xa gia đình, xa cha mẹ, anh chị em.

Nhưng tất cả rồi cũng đi dần vào sinh hoạt ổn định trong nề nếp tu trì, dần dần các chú bé cũng nguôi ngoai và bắt đầu đi vào cuộc sống bình thường theo thời khóa biểu hằng ngày, sáng dậy có giờ tập thể dục, giờ xem lễ Misa, giờ học bài, giờ ăn điểm tâm, giờ lên lớp nghe cha giáo giảng, giờ làm bài, giờ ăn trưa, giờ ngủ trưa, chiều lại cũng có giờ học bài, giờ đi lớp nghe giảng bài, giờ ăn “gouter” chiều, giờ chơi và tắm giặt, giờ làm bài, ăn tối, đọc kinh tối… Sân chơi thì có đủ mọi môn thể thao, đá banh nỉ (banh tennis), bóng rỗ, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh, nhảy cao, nhảy sào, có chú thì học nhạc, học đờn.

Nói tóm lại đây là những sinh hoạt chính hằng ngày từ thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ sáu, thứ bảy, riêng ngày thứ năm và Chủ nhật được nghĩ không phải lên lớp nghe cha giáo sư giảng và chiều thì được ra ngoài dạo phố, như đi vườn Tao Đàn, vườn Bách Thảo (Sở Thú), Nhà thờ Chợ Đũi, Nhà thờ Tân Định, riêng những lần đi dạo Nhà thờ Gia Định, các chú có dịp vào tiệm chụp hình Nam Phương bên hông chợ Bà Chiểu, chụp những tấm hình để làm kỷ niệm và để tặng nhau vào dịp cuối năm bãi trường hè, hoặc dán vào quyển “Lưu Bút” cho bạn bè hoặc các lớp đàn anh sắp qua “Trường Lớn” tức đại chủng viện.

Những lần đi xa nhất là Bình Quới, Thanh Đa Thị Nghè, nơi có những cánh đồng lúa bao la bát ngát, lúa trổ đồng đồng, thú vị ơi là thú vị khi hái những trái bần chua lén đem về ăn với muối ớt. Những lần có dịp đi dạo về ngang nhà thờ Đức Bà, thế nào cũng có chú đi tụt lại phía sau lén chạy vào “Kios” Hương Lan hoặc Nguyễn Ngãi phía trước mặt Bưu Điện Sài Gòn, mua những ổ bánh mì pa-tê gà, pa-tê thịt nguội, ôi tuyệt cú mèo. Cuộc sống tu, học lúc bấy giờ rất nghiêm ngặt, mỗi tháng ngoài việc rao thứ hạng về điểm học văn hóa còn đính kèm thêm điểm hạnh kiểm. Nếu điểm hạnh kiểm cả năm thấp kém thì đồng nghĩa với việc cuối năm về “nghỉ hè với gia đình” và đầu năm tựu trường lại sẽ không còn dịp gặp lại anh em nữa.

Sự việc này mãi cho đến bây giờ, lão vẫn còn suy nghĩ về những phán đoán của thầy giám thị, của cha tổng giám thị hay của cha bề trên đôi lúc quá khắc khe và độc đoán, nếu không nói là quá cứng ngắc, thiếu tìm hiểu nguyên nhân, uyển chuyển tùy trường hợp hay tình huống, tuổi trẻ ngây thơ, khi đến tuổi dậy thì có những cái ngông, cái quậy, việc làm thiếu suy nghỉ, do đó vấn đề vi phạm kỹ luật hầu như là vô tình, hoặc vã có những chú có những điểm nổi bật đặc biệt, nên được thầy giám thị, cha bề trên tận tình chiếu cố, hở một chút là bị đưa ra “Conseil de discipline” vì thế ít nhiều đã làm mất đi một số ơn kêu gọi, nhất là thời gian sau dịp lễ mừng “Đệ nhất bách chu niên” ngày thành lập chủng viện, 30/12/1963.

Thời bấy giờ quan niệm chu chu chấm chấm như thời các Cố Tây là quá khắc khe đối với các chú, những chú chơi thể thao, văn nghệ, ăn nói lịch thiệp trôi chảy thao thao bất tuyệt, thậm chí đẹp trai, thường bị chú ý và rất dể có cơ hội bị trả về với gia đình, vì các ngài cho rằng những chú này làm linh mục ra xứ đạo dể bị sa ngã, ham chơi bỏ xứ đạo, bỏ con chiên. Riêng các chú lầm lì, ít ăn, ít nói, viếng Chúa thường xuyên, trên cổ đeo chuỗi tràng hạt, thì có nhiều hy vọng được chọn bước lên bàn thánh.

Nhưng có biết đâu rằng các chú nhút nhát, sợ sệt cố gắng giữ luật vì sợ bị đuổi về gia đình sẽ làm mất mặt gia đình, bị mang tai tiếng đủ điều, trong số này chỉ đếm được trên đầu ngón tay là thật sự sống thánh thiện, đạo đức quyết tâm tu trì. Chính vì thế kết quả truyền giáo sau này nơi các đấng ấy như thế nào, có đạt được kết quả cao như Giáo hội mong muốn hay không? Đôi khi, lúc cần phải đấu tranh, bênh vực cho quyền lợi của Giáo hội, các đấng ấy có đủ bản lảnh để làm công việc vì Chúa và làm sáng danh Chúa hay không? Trên bục giảng, những bài giảng được soạn có đầy đủ súc tích, đến nơi đến chốn ngõ hầu làm sống lại đức tin của người Kitô hữu trong xứ đạo hay không, thậm chí có bao giờ các đấng ấy dành một phút giây trăn trở suy nghĩ làm cách nào để lôi kéo, mang trở về nhà Cha những con chiên thất lạc trong những bụi rậm, trong những hố sâu hay không? Hay chỉ giảng qua loa như trả bài cho lấy có, giảng vì bắt buộc phải giảng, một bài giảng nhạt nhẽo không có đề tài, không có bài học thiết thực để mọi người suy gẫm lại bản thân, bài giảng lạt như nước miếng, người nghe thì buồn ngủ chẳng muốn nghe, nhiều khi giảng lòng vòng không biết làm sao kết thúc, vì thế mà một số không ít những thanh niên, thiếu nữ, những người trung niên, tới lúc cha giảng là kéo ra ngoài sân nhà thờ đứng tâm sự, hút thuốc.

Khi giải quyết công việc nơi xứ đạo thì độc đoán, luôn luôn độc tài bắt mọi người phải nghe theo, không lắng nghe ý kiến của giáo dân vì sợ lòi cái đuôi lạc hậu thua kém của mình đối với giáo dân, tệ hơn nữa là thích nịnh hót, đây là một điều hết sức tai hại, chính những kẻ nịnh hót lần lần sẽ làm mưa làm gió trong xứ đạo, bè phái gây chia rẽ, sau cùng đưa đến tình trạng cha xứ chỉ là con rối hay là một kẻ bù nhìn, khi biết thì đã quá muộn.

 Một hiện tượng khá phổ biến khác, các linh mục ngày nay ra đường thường không mặc áo dòng, lại không dám mang một dấu hiệu gì, một miếng “collar” trắng trên cổ hay một cây Thánh Giá trên ngực để mọi người biết mình là linh mục, vì đây chính là những vật cản giúp cho những cơn cám dỗ phải dừng lại, các đấng có việc ra ngoài mặc quần “Jean” áo thun “Polo” tóc dài “hippy” đi du lịch thật xa với các thiếu nữ trong ca đoàn, trong họ đạo, giống như những đôi tình nhân ngoài đời, khó ai biết mà phân biệt được đâu là ông linh mục, đâu là thanh niên, ngoài đời…có khi người ta nhìn thấy giống như những anh chàng lãng tử, bụi đời.

Khi có tiệc tùng thì nhậu nhẹt thả giàn, say sưa be bét, quên đi bản thân mình là ai, lúc đó hiện nguyên hình con người phàm tục của mình, từ trong lời nói có khi đến cả hành động, không phải là một con người được Chúa chọn, là một mục tử chăn chiên lành, dể bị mua chuộc trở thành công cụ cho kẻ xấu lợi dụng, kìm kẹp, lũng đoạn hội thánh, gieo tiếng xấu cho giáo hội địa phương, khi có những người chân thành khuyên bảo thì viện lý do là cần phải giao tế xã giao để được việc cho xứ đạo, cho giáo phận.

Một vấn đề khác liên quan đến tiền xin lễ, thường phải được vô sổ sách rỏ ràng và mỗi lễ Misa chỉ làm một lễ như lễ cầu hồn, lễ tạ ơn, lễ ngân khánh, kim khánh kỷ niệm ngày thành hôn…Ngày nay do sự cho phép rộng rãi của giáo hội, một lễ Misa được gom lại bằng nhiều lễ vô một lễ, lễ chết, lễ sống, lễ cầu cho trẻ, lễ cầu cho già, lễ mừng, lễ tạ ơn…đều nhập chung vô một lễ, thậm chí khi có người gặp linh mục xin lễ, chỉ đưa tiền và nói miệng không giấy tờ ghi chép, sau đó không biết ai xin và xin lễ gì, bởi thế cho nên có những linh mục thì quá giàu có, phung phí thừa thải, sang trọng tiện nghi đầy đủ, làm mất đi đức tính khó nghèo, dễ sa vào chước cám dỗ, trong khi một số anh em linh mục khác quá nghèo khó, ốm đau không tiền uống thuốc, bệnh hoạn không dám tới bệnh viện, đến khi phát bệnh nặng vào giai đoạn cuối thì đã muộn rồi, vậy mà chẳng thấy ai trong anh em mình chia sẻ cho mỗi tháng năm ba lễ để có tiền thuốc thang trị bịnh, các cha già về hưu, thiếu thốn đủ điều, không thấy một đứa con linh mục nào về thăm hoặc chia cho vài thước vải may đồ mặc, áo dòng cũ rách tã tơi, cả một đời hy sinh, cuối đời nằm nhà hưu dưỡng còn thua kẻ ăn mày ngoài đời; vì kẻ ăn mày ngoài đời, ngày nào vô mánh thì cũng có được một ngày huy hoàng.

Như vậy, giáo dân giữ đạo ngày nay có lẻ phải có một đức tin thật vững chắc, giữ đạo là vì Chúa chứ không vì mấy ông cha, vì mấy ông linh mục thì mới tiếp tục theo Chúa cho đến mãn đời, bằng ngược thì người ta sẽ bỏ đạo, như vậy việc truyền bá đức tin, rao giảng tin mừng nơi các đấng có còn ai tin và theo đạo nữa hay không? Cuộc sống bây giờ có lẽ vì quá khó khăn, mọi người không biết cậy vào ai, tìm ai để mà tâm sự kêu van, nên mỗi khi nghe ở đâu có làm phép lạ thì tuôn đến để cầu, để xin, họ chỉ biết tìm đến thần, đến thánh mà xin với cầu, chứ không phải đến với mục đích thờ phượng, đến để vinh danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến như xưa.

 Nỗi nhớ da diết về quá khứ, thể hiện từng hồi qua khuôn mặt lão, hai tay lão cứ xoa tròn, những kỷ niệm buồn làm cho lão đâm chiêu ủ rũ, cũng có lúc tâm tư lão bị ngắt quãng, hai bàn tay chợt ngừng xoa, bấu chặt vào nhau, vung lên trời như muốn đập vỡ,  hay phá tan một cái gì trong cơn tức tối. Lão, người tu xuất già vẫn không quên được cái hào khí của một thời thanh niên kiên cường đầy hy vọng, hy vọng trở thành một gã đi rao giảng tin mừng mở mang nước Chúa, hy vọng sẽ trở thành một kẻ sẵn sàng đứng lên bênh vực kẻ khốn cùng, kẻ thế cô yếm thế hay trở thành một đứa con dám đứng lên đánh đuổi những kẻ  xúc phạm tới Cha trên trời…Tất cả giờ chỉ còn là dĩ vãng.

……

 Lão dừng bước giơ tay ngoắc một chiếc taxi vừa trờ tới, ngồi ở băng sau lão nói: “bác tài xế lái về số 6 Cường Để Sài Gòn”, bác tài xế ngạc nhiên hỏi lại:

– Ủa! Bác là người nước ngoài mới về hả?

– Dzà! Tôi ở nước ngoài mới về.

– Bộ từ trước đến giờ bác chưa về lần nào sao?

– Đã mấy chục năm rồi, đây là lần đầu tiên tôi trở về, ủa mà sao cậu lại hỏi tôi như vậy?

– Dạ, tại bác kêu cháu đưa bác về số 6 Cường Để Sài Gòn, con đường này đổi tên từ lâu rồi, hồi lúc con mới sanh lận, bây giờ họ đổi lại là đường Tôn Đức Thắng.

– Sao? Cậu mới sanh sau này làm sao cậu biết trước kia nó là con đường Cường Để?

– Dạ! Tại vì con nghe ba con kể lại, lúc còn nhỏ ba con đi tu ở đây, sau này con lớn lên, có vài lần con theo ba con vào đó dự Lễ Ngày Truyền Thống, được tổ chức hằng năm vào ngày một tây tháng năm.

– Trời đất! Vậy ba cậu tên gì, cậu biết ba cậu đi tu năm nào, lớp nào không? Cậu cứ gọi tôi là Kiệt.

–  Dạ thưa ba Thiệt con vào tu lớp 59.

–  Ô! Thì ra, nếu vậy thì bác cũng học cùng lớp với ba con, sao ba con khỏe không? Con có gia đình chưa? Con chạy xe như vầy có đủ sống không?

–  Dạ! thưa bác ba con cũng rề rề khi khỏe, khi không, cuộc sống bây giờ khó khăn lắm bác ơi, trước đây con nghe ba con nhắc về bác nhiều lần, ba con nói không biết bây giờ bác ở đâu? Con tên Toàn, con đang học năm cuối về quản trị kinh doanh, giờ rảnh con tranh thủ chạy kiếm thêm tiền để đi học, ba con biết bác về chắc ba con mừng lắm đó…

– Đúng là quả đất tròn, mấy chục năm không ngờ vẫn có ngày gặp lại, hôm nay con có rảnh không, con đưa bác đi một vòng rồi chở bác về thăm ba mẹ con, đã mấy chục năm rồi bác và ba con chưa một lần gặp nhau.

– Dạ! Như vậy để con đưa bác tới Chủng viện, trong khi bác vào thăm trong đó, con đem xe đi trả rồi con lấy xe Honda gắn máy quay lại đón bác, ba con nghe tin bác về chắc ba con mừng lắm.

– Con tính vậy cũng được, nhưng con khoan báo tin cho ba con biết nha! Để tạo bất ngờ cho ba con.

 Lão bước xuống xe, đứng ngắm nhìn hai cánh cổng, nơi mà lần sau cùng lão bước ra và đến bây giờ chưa một lần bước trở lại, vì lần ấy cha Bề Trên đã nói với lão: “Cổng Chủng Viện lúc nào cũng mở, bước ra thì dể, nhưng bước vô thì khó, cậu về thì đừng trở vô mà cám dỗ các anh em khác!” Kể từ đó, chưa lần nào lão trở lại bước qua dưới cánh cổng này nữa, lý do lão ra đi vỏn vẹn có một câu: “Chúa không chọn cậu ở đấng bậc tu trì, cậu chỉ phù hợp ở ngoài đời mà thôi, cậu về ráng sống sao cho xứng đáng là người con của Chúa.”

Tại sao và tại sao? Thế là lão ra đi biền biệt, đôi lúc nhớ bạn bè, nhớ những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, muốn quay về tìm lại, nhưng mỗi lần lão dừng xe trước đôi cánh cổng, câu nói của cha Bề Trên lại vang lên trong đầu, thế là lão lại tiếp tục đi, mãi cho đến hôm nay vừa tròn bốn mươi lăm năm, một khoảng thời gian gần nữa thế kỷ, bao giông tố phủ phàng vùi dập cuộc đời lão. Lúc mới về lại với gia đình, lão phải chạy trốn mọi người vì hai chữ “Tu Xuất”, hằng trăm câu chuyện được thêu dệt như những câu chuyện thần thoại liêu trai chí dị, chỉ với một lý do, tại sao lão xuất, lão hứng chịu trong căm lặng, gia đình lão ngoài người cha quý yêu của lão là người duy nhất hiểu và thông cảm với lão, còn lại không ai thông cảm, xem lão như là một đứa con, đứa cháu bất hiếu không hơn không kém, mẹ lão ra đường luôn luôn cúi gầm mặt không dám ngước nhìn một ai, lúc ấy lão mất hết niềm tin, tin vào tương lai, tin vào số phận.

Lúc nhỏ ở nhà những khi rảnh rỗi,  lão cùng với anh bạn thường hay chơi trò chơi làm lễ thầy năm, thầy sáu với những chiếc bánh lễ mà lão xin được từ ông “Từ” nhà thờ mỗi lúc phụ ông ta đếm bánh lễ bỏ vào chén thánh, bây giờ anh ấy là cha sở của một xứ đạo rộng lớn ở Trà Vinh, Mặc Bắc, đó là cha Louis Nguyễn Văn Kỉnh, lớp lão cũng có nhiều anh em chịu chức linh mục, như cha Ẩn, cha Hiệp, Cha Pháp, Cha Mai, cha Hồng, cha Triêm, cha Triều, cha Chất, cha Liêm, cha Xuân, đặc biệt nhất và vinh hạnh nhất cho lớp của lão là có được một vị Tổng Giám mục, hiện là Tổng Giám Mục  Phêrô Nguyễn Văn Tốt, khâm sứ Tòa Thánh, người đã được đi làm đại diện cho Tòa Thánh Vatican khắp năm châu bốn bể, từ Phi Châu, Âu Châu, Nam Mỹ và sắp tới đây Á Châu có lẽ sẽ là điểm dừng cuối cùng của cuộc đời đi làm sứ thần Tòa Thánh khắp thế giới trong suốt gần 40 năm làm linh mục.

 Bao năm tháng gian truân khổ sở, sau chiến tranh lão đã trở về, nhưng rồi lại ra đi một lần nữa, tha phương cầu thực nơi xứ lạ quê người, lão miệt mài trong công việc, mong quên đi những kỷ niệm, quên đi những ký ức u buồn thuở  ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, nhưng có một điều lão không thể nào quên đi được, những hột cơm của Chúa vẫn còn nằm trong kẽ răng của lão, những hương vị thịt kho củ cải, mắm thun, mắn thái, cá bạc má hấp và nhất là những ly cối sửa bột của Mỹ viện trợ vào mỗi buổi ăn sáng, lão biết cầm dao, muỗng, nĩa để ăn cơm cũng nhờ vào những năm tháng sống trong bốn bức tường Chủng viện, những thứ đó không làm sao lão quên được. Lão phải làm gì để bù đắp lại, để trả lại nợ ân tình cho Thầy Chí Thánh và cho Giáo Hội, cho đến giờ phút này, tóc lão đã đổi màu mà lão vẫn chưa trả được chút nào nợ ân tình to lớn đó.

Chân  bước đi nhưng hai bàn tay lão vẫn xoa tròn với nhau,  ngắm nhìn núi Đức Mẹ nơi mà xưa kia mỗi tối thứ bảy tất cả các chú chủng sinh đều tựu tập để đọc và hát kinh dâng lời ngợi khen Mẹ, đối diện là ngôi nhà 150 năm, tuy bên trong phòng ốc đã thay đổi rất nhiều, nhưng bên ngoài vẫn còn giữ được nguyên vẹn ngôi nhà đầu tiên, dấu tích còn sót lại của công cuộc truyền giáo mà các cha thừa sai đã dựng lên ở địa phận Đàng Trong trên xứ Việt, tiếp đến là ngôi Nhà Nguyện, ngôi mộ của cha Wibaux, vị Bề Trên đầu tiên cũng là người đã gom hết gia tài của cha mẹ để lại, góp phần vào những viên gạch xây nên ngôi nhà Chủng viện đầu tiên tại Sài Gòn năm 1863, còn tất cả đã bị phá hủy đi, để xây dựng cái mới có lẻ vì nhu cầu đào tạo chủng sinh ngày nay không còn thích hợp như ngày xưa nữa.

Khi xưa một chú chủng sinh phải vào sống trong Chủng viện từ khi lên mười, mười hai tuổi, để có thời gian tu luyện, mà cũng là thời gian để gạn lọc ra những con người thực sự có chân tu, còn ngày nay theo đà tiến hóa văn minh của xã hội, không cần thời gian quá dài như vậy cho một linh mục, mất từ mười lăm đến mười bảy năm tu luyện, có thể khi học xong bốn năm đại học vào tu vẫn được, đôi khi đã nhiễm mùi đời và sau khi chán chê mùi đời thì xin đi tu, (thất tình nên mới đi tu) cho nên có kẻ lợi dụng xem việc đi tu làm linh mục là một cái nghề dễ hái ra tiền, vì thế có nhiều gia đình khuyên con cháu khi lớn lên nên đi tu làm linh mục, vào học cử nhân, tiến sĩ khỏi tốn tiền lại còn biết đâu có cơ hội đi du học bên Tây, bên Mỹ, sau khi chịu chức ra xứ đạo một thời gian, kiếm tiền về sửa sang lại ngôi nhà cho dòng họ, may mắn có dịp đi nước ngoài vận động xin được tiền về xây cất nhà thờ, xây cất tu viện, mót mót cũng xây được một căn biệt thự cho ông bà cố để được rỡ mày, rỡ mặt cho gia đình, hoặc dùng tiền đóng góp của bổn đạo kinh doanh riêng tư cho mình cho gia đình, ngoài việc ấy ra, còn có những kẻ xấu lợi dụng sự dễ dãi của Giáo hội, đưa người vào để sau này làm lũng đoạn Giáo hội, lôi kéo bè phái, dùng quyền lực của mình đối xữ bất công với những ai không theo về với phe mình… trách nhiệm này không biết sẽ thuộc về ai?

 Nhìn vào hai giếng mắt sâu thẫm của lão, bất chợt đôi dòng lệ rưng rưng chảy, trường Mẹ đã là cái nôi dạy lão làm người, đã cho lão những bài học quí giá trong suốt cuộc đời, đã cho lão một đức tin, một niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa, niềm trìu mến thiết tha vào Đức Trinh Nữ Maria, tất cả lão luôn trân quý và đặt trọn vào trong trái tim của lão. Cuộc sống lão có được ngày hôm nay là chính nhờ những năm tháng trui rèn nơi ngôi trường 150 năm này, ngôi trường được mang tên là Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn được thành lập vừa đúng một thế kỷ rưỡi, lễ mừng Đệ Nhất Bách Ngũ Thập Chu Niên sắp tới đây, các anh em đồng môn, đồng sàng của lão chắc chắn ít nhiều cũng sẽ trở về, ngày ấy thật không có gì sung sướng cho bằng, nhất là đối với lão và các bạn của lão, vì chỉ có một số ít được sinh ra vào lứa tuổi của lão mới có được hân hạnh tham dự hai cuộc lễ vĩ đại của ngôi trường Mẹ, đó là cuộc lễ kỷ niệm “Đệ Nhất Bách Chu Niên” năm 1963 và giờ đây là lễ mừng“ Đệ Nhất Bách Ngũ Thập Chu Niên” năm 2013, chắc chắn một điều, bọn lão sẽ không còn cơ hội tham dự ngày đại lễ mừng Đệ Nhị Bách Chu Niên của ngôi trường Mẹ này nữa, lão trở về rồi lão lại ra đi trong nỗi nghẹn ngào.

Ngày mai lão còn có dịp nào để trở về và còn được nhìn thấy ngôi trường thân yêu vẫn hùng dũng sừng sững như bây giờ hay không? Ngôi trường duy nhất đã đào tạo từ bao đời những chiến sĩ xuất sắc của Chúa Kitô, những đứa con cưng của Đức Trinh Nữ Maria, nhờ vào sự chở che của Cha Thánh Giuse trở thành những môn đệ xông nơi chiến trường lữa đỏ thế gian, quyết bảo vệ giang san Giáo Hội, tất cả cho Giáo Phận Đàng Trong lúc mới sơ khai, cho Giáo Phận Sài Gòn lúc Giáo hội Việt Nam trưởng thành và ngày nay những danh xưng, những địa danh đó không còn nữa theo sự đổi đời, như vậy liệu nó có còn tồn tại theo năm tháng, thời gian sắp tới nữa hay không?

Lão đang đứng giữa một khoảng sân mênh mông trống vắng, vắng đi một số cây xoài mút xung quanh núi Đức Mẹ, những hàng me cội già cỗ thụ khi xưa dọc phía trước nhà nguyện, những dãy nhà cầu nối liền các khu nhà với nhau, kia là gốc cây bàng bên cạnh nhà chơi, gốc cây điệp, cây phượng bên hông nhà tắm, những sào dây phơi đồ, sân bóng rỗ, sân bóng chuyền, sân điền kinh trên đường ra mộ cha Wibaux, những cây mít ướt sau lưng nhà nguyện mà có lần một anh bạn cùng lớp trợn trắng xuýt chết vì đang ăn vụn mà nghe báo động thầy giám thị sắp ra tới.

Tất cả giờ chỉ còn lại trong ký ức, những kỷ niệm nếu còn nhớ là nhờ những khuôn mặt đã gần thất thập còn sót lại…Nhớ! Nhớ! Và nhớ quá, những bóng hình, những cậu bé ngây thơ vừa xa rời sữa mẹ lên đường tầm tu học đạo, trong số đó giờ có đứa đã ra đi vĩnh viễn như Mai, Pháp, Thu, Trình, Trực…những đứa khác như Đông, Đức, Hồ, Hiệu, Song và lão đang lưu lạc trên đất Mỹ, Hiệp thì làm Tuyên Úy cho Liên đoàn Công Giáo tại Úc, Ẩn cha sở một xứ đạo ở Bĩ, riêng Đức Tổng Giám Mục Tốt, hiện là Sứ Thần Tòa Thánh tại Costa Rica, những anh em khác đang làm linh mục tại quê nhà như Hồng,Triêm, Liêm, Chất, làm chánh xứ các xứ đạo ở miền tây, Xuân thư ký tòa Hồng y Sài Gòn, Triều đang nghĩ bịnh, các anh em khác khoát áo chiến y bụi đời như Dũng, Linh, Lộc, Khởi, Thiệt, Sa, Từ, Thơm đang tiếp tục chiến đấu với những ngày còn lại của tuổi xế chiều. Còn Kim, Tấn, Hiếu, Thảo hiện lưu lạc nơi đâu?

 Riêng với lão, chỉ khi nào bất chợt trong một phút giây ngắn ngủi nào đó, lão không còn được hít thở nữa, lúc đó lão sẽ mãi mãi không còn nhớ về nhau và về ngôi trường Mẹ thân yêu này nữa….

                                                                                       Viết cho kỷ yếu 150 năm

                                                                                              Thu vàng 2012

                                                                                          Đứa con lạc loài 59

                                                                                              Hải Âu Phi Xứ

 

5. TU XUẤT ?

Tu xuất, vốn dân “thơ thẩn”  TỰ ĐIỂN ĐỜI THƯỜNG.. văn chương thường ví von là “ta ru”. Trong đó, vừa có cái gì như buồn buồn cho một hành trình đã qua… lại vừa mang mác có một chút gì đó tiếc nuối.. nhưng cũng bàng bạc một chút hãnh diện ít nhiều khi mà người “ta ru” đã được hưởng một nền tảng giáo dục huấn luyện chuẩn mực nhất định nào đấy… có thể đang làm nên chính con người mình….và khi đã.. yên bề gia thất họ cũng cảm thấy vuikhi.. được “mừng thằng bạn mình” được làm cha.. hay thậm chí làm… Đức Cha, hoặc “ con nhỏ rất thân cùng lớp với mình” làm bề trên nhà, hay bề trên tổng quyền…! Theo thói thường, dân “ta ru” dễ bị lên án chung là phản bội lại ơn Chúa…hay thế này thế nọ. Tuy nhiên, công minh mà xét, thì mỗi người có một hoàn cảnh… đáng thương khác nhau.. và sức đón nhận ơn Chúa cách khác nhau…mà chỉ có …Chúa biết rõ và ..người huấn luyện có thể biết một phần ..và chính đương sự có thể khi …về ..già sẽ hiểu rõ mình hơn ! Dưới đây là tâm tư -có lẽ là- của một người “ ta ru”, rất chân tình và tha thiết đang trải lòng mình ra trước vấn đề tế nhị…dễ làm mủi lòng và mặc cảm này ! Hy vọng mỗi người chúng ta có cái nhìn rộng mở và lạc quan hơn về vấn đề này.

Có lẽ từ thời các Thầy giảng xa xưa, cụm từ “Tu xuất”, “Thầy xuất”, “Nhà thầy” đã được bà con giáo dân cũng như hàng giáo sĩ dành cho những người đã có một thời gian tu học trong các chủng viện, nhà dòng với ít nhiều mỉa mai, châm biếm. Ngày nay, cuộc sống đã khác, giáo dân không còn quanh quẩn bên giáo xứ nhưng “vẫn dai dẳng tồn tại một vài ý nghĩ sai lầm, ít nhất là thiếu công bằng về “giới tu xuất. Người chủng sinh trở về gia đình, không tu học nữa là y như rằng sẽ bị gán cho là “ham mê sự thế gian”! Hơn bốn mươi năm trước khi vào Tiểu Chủng viện, chúng tôi mới là những cậu bé 10, 11 tuổi và một năm, thời gian ở trong nhà trường nhiều gấp ba lần ở thế gian nên có biết mặt mũi “sự thế gian” như thế nào đâu mà ham mê! Có nhiều chú về lúc 14-15 tuổi, chắc chắn chưa có dịp thấy nhãn tiền “sự thế gian”, ấy vậy mà cứ phải mang danh “thầy xuất ham mê sự thế gian” cho tới già với tất cả hàm ý chẳng hay ho gì.
Lại có người nghĩ rằng những ai đã “ăn cơm nhà Đức Chúa Trời” mà bỏ về thế gian thì thế nào cũng phải “trả lẽ trước mặt Chúa” và nếu như trong giáo xứ có gia đình anh chị em cựu tu nào đó sống không hạnh phúc hoặc nghèo khổ thì rất dễ bị chụp mũ là “Chúa phạt”! Thời chúng tôi vào Chủng viện đều có đóng tu phí. Nhiều hay ít cũng là đóng góp. Và nếu như cơm nhà Chúa có “chất lượng hơn hẳn” cơm thế gian đi nữa thì chắc chắn cũng không vì thế mà Chúa bắt những ai đã có thời gian ăn cơm nhà Ngài phải trả món nợ kia một cách nặng nề và dai dẳng như lối suy nghĩ của một số người. Trong thực tế, nhìn chung, anh em cựu tu đều có cuộc sống gia đình êm ấm, ổn định. Nhiều người đã rất thành đạt, có địa vị cao trong xã hội. Tùy theo môi trường làm việc, anh em ấy vẫn âm thầm sống đạo, truyền giáo với những phương cách riêng rất hiệu quả. Tất cả đều giữ gìn những kỷ niệm khó quên của những năm tháng sống trong Chủng viện, nhà dòng với tâm tình yêu mến, biết ơn. Ở một góc nhìn nào đó, đi theo Chúa cũng như tham dự một cuộc chạy đua đường dài, bao giờ cũng chỉ một số ít về đến đích mặc dù ở điểm xuất phát đã có rất đông người. Ngày xưa, các chú nhỏ vừa học xong cấp một xin vào Chủng viện đi tu thường do gợi ý của các cha, các dì phước ở xóm đạo, đôi khi các em đi tu vì những lý do rất ngộ nghĩnh: thích đá banh, thích mặc đồng phục trắng.
Có mấy chú đi tu chỉ vì thích sợi chuỗi dài kêu sột soạt của các cha Đa minh, Chúa cứu thế đeo bên hông! Có mấy ai biết rằng mình đang bắt đầu một cuộc chạy đua mà chỉ với ý thích thôi, chưa đủ. Đến năm 17-18 tuổi, người chủng sinh – qua sách vở tu đức, qua trao đổi với cha linh hướng – bắt đầu nhận ra con đường mình đang đi thì cũng chính là lúc họ nhìn lại mình, suy nghĩ, lựa chọn… Trong một tờ nội san viết về tâm tư của một đệ tử trước quyết định lên nhà tập tôi đọc được mấy câu thơ: “Con gục đầu bâng khuâng suy nghĩ Đây, lạy Chúa, những tháng ngày khủng hoảng của đời con…” Câu thơ hồn nhiên tuổi học trò đã phần nào cho thấy những suy tư, ray rứt của người thanh niên trước lúc quyết định mặc áo dòng lên Đại Chủng viện, Nhà tập, hoặc rẽ qua con đường khác. Có người quyết định thật nhẹ nhàng; nhưng với nhiều bạn đây không phải là một quyết định dễ dàng.
Phần đông anh em rất ngại khi đã mặc áo dòng rồi lại cởi ra trở về đời. Thế nhưng nhiều anh em đã rất thật với lòng mình, can đảm chọn con đường khác. Cũng có nhiều trường hợp không dứt khoát, phân vân trong quyết định, nhà trường sẵn sàng để anh em về gia đình, học lên đại học một thời gian gọi là “đi thử” để tiếp tục tìm hiểu. Trước những ngã đường, người chủng sinh vừa lắng nghe tiếng Chúa mời gọi vừa nhìn lại con đường đã qua cùng những suy tính cho cuộc hành trình dài trước mặt chắc chắn không trải toàn hoa hồng, thảm đỏ… Như thế việc hồi tục của người chủng sinh là kết quả của những chuỗi ngày suy nghĩ, cầu nguyện, bàn bạc chứ đâu chỉ là những quyết định bồng bột, nông cạn của tuổi trẻ vì những ham mê, quyến rũ nhất thời nào đó. Với những bạn này, không phải họ không tin vào sự nâng đỡ, dìu dắt của Chúa nhưng hơn ai hết, họ hiểu rõ chính mình và con đường mình đang đi.
Chúng ta thông cảm và – có thể là hơi cường điệu – nể phục những con người ấy. Đã không thiếu những cá nhân do chưa đủ chín chắn trong suy nghĩ, vững vàng trong quyết định để rồi khi trở thành linh mục, giáo sĩ đã không đủ bản lĩnh vượt qua những thử thách, gây bao tiếng xấu cho giáo hội. Bên cạnh đó nhiều anh em thôi việc tu học vì những lý do hoàn toàn khách quan như thiếu sức khỏe, không theo kịp việc học hành… Đặc biệt biến cố 1975 đã khiến một số đông anh em bỏ dở con đường mình đã chọn mà tôi biết trong số ấy có nhiều anh em nếu được tiếp tục đào tạo sẽ trở thành những linh mục, giáo sĩ tốt, rất tốt cho giáo hội. Bằng chứng có những anh em khi bước chân ra đời đã phục vụ Giáo hội một cách tích cực và say mê.Người thì tham gia vào ban hành giáo trong giáo xứ, hoặc phụ trách ca đoàn… Kẻ thì trở thành nhạc sĩ, văn sĩ để tiếp tục lý tưởng mang Chúa đến cho mọi người.
Ngay trong mái trường chủng viện ngày xưa mà tôi tu học cũng đã có những anh em bây giờ trở thành những nhạc sĩ tên tuổi làm cho nền thánh ca của giáo hội ngày càng phong phú để chuyển biến nhạc thành lời ca, tâm tình cầu nguyện. Những sáng tác của họ đã nâng nhiều tâm hồn lên cùng Chúa, và giúp Kitô hữu tham dự Phụng vụ cách tích cực hơn, đồng thời cảm nghiệm sâu xa được tình yêu vô vị lợi của Ngài. Những đóng góp đó thực tế không nhỏ. Việc người tu sinh bỏ dở con đường mình đi không có nghĩa là họ đã bỏ cuộc.
Vì cuộc sống của người giáo dân vẫn là một cuộc chạy đua để thắng cái xấu, cái “con người cũ”. “Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít”, (câu nói quen thuộc trong nhà đạo khi nói về ơn Thiên triệu); nhưng chúng ta lại không quen nhìn khía cạnh tích cực của câu nói ấy. Anh em xuất tu trở về xứ đạo, cứ để họ hòa nhập vào cộng đồng dân Chúa, đừng nhìn họ như một “giới”, một “thành phần” nào khác và chắc cũng không cần phải cầu nguyện cách riêng cho họ. Muối, men trong họ có thể mặn, nhạt hơn người khác cũng là chuyện bình thường, không sao cả. Và như thế chắc là sẽ có ý nghĩa hơn việc hàng năm chúng ta góp vào quỹ Thánh Phêrô vài ba chục ngàn đồng để rồi cứ giữ mãi cách nhìn thiếu thân thiện, lối suy nghĩ cũ kỹ, đôi lúc rất hàm hồ đối với những người anh em mà đáng lẽ, thay vì mặc cảm, họ luôn “vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi… là dân tu xuất”.
Tác giả: Văn Quyền.Vianney-source:svhaiha.org
https://www.youtube.com/watch?v=LKCCaawQfAo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *