1. Hai chị em ly tán khi còn nhỏ được đoàn tụ do chiến tranh ở Ukraine
Họ đã không gặp nhau trong 20 năm, nhưng khi một người trở thành người tị nạn, cô ấy đã tìm thấy sự chào đón với người chị gái đã mất tích từ lâu của mình.
Tatyana và Angelika là hai chị em người Ukraine đã xa nhau 20 năm. Gần đây họ đã đoàn tụ ở Tây Ban Nha do chiến tranh đang diễn ra. Chiến tranh không bao giờ là điều đáng để “biết ơn”, nhưng điều tốt cũng có thể xuất hiện từ bi kịch và đau khổ.
The Guardian đã đưa tin về câu chuyện cụ thể này với nhan đề “Khoảnh khắc vừa vui vừa buồn”. Angelika Batiai, 24 tuổi, nói với phóng viên Ashifa Kassam. “Ở đây tôi đã gặp lại em gái mình sau 20 năm, nhưng mặt khác, tôi vừa phải rời bỏ gia đình và bạn bè của mình để chạy khỏi một đất nước đang có chiến tranh”.
Kassam báo cáo rằng các vấn đề gia đình đã dẫn đến việc hai chị em phải xa nhau khi họ còn rất trẻ, và các vấn đề tài chính khiến hai người không thể ở bên nhau. Nghịch lý thay, tai họa của cuộc chiến đang diễn ra đã khiến các sự kiện xảy ra theo cách mà họ được đoàn tụ.
Câu chuyện của hai chị em này bắt đầu cách đây hơn 20 năm tại ngôi làng Nikolaev, miền nam Ukraine, trong một gia đình nghèo. Cuộc chia ly đã tạo ra một vết thương khi cha mẹ quyết định giao con gái của mình cho hai người họ hàng khác nhau vì họ không còn đủ điều kiện và phương tiện để nuôi con.
Tatyana Kluge García, 25 tuổi, nói với phóng viên rằng họ cầu xin cha mẹ giữ họ lại với nhau, “Nhưng về mặt kinh tế thì điều đó là không thể; Dì của Angelika không đủ khả năng để nuôi cả hai chúng tôi.”
Sau đó Tatyana về sống với bà ngoại nhưng tình hình không bền vững. Cuối cùng, cô phải sống trong một trại trẻ mồ côi và may mắn thay, năm 8 tuổi, cô được một gia đình Tây Ban Nha ở Girona bên Tây Ban Nha nhận làm con nuôi.
Vào thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời, Tatyana và Angelika cần một mái nhà trên đầu và một ai đó để chăm sóc họ, và trong hoàn cảnh cụ thể của họ, điều này phải trả giá bằng việc họ phải xa nhau. Chúng ta có thể hiểu được sự thật khó khăn này, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu được lời cầu xin được đoàn tụ của họ, bởi vì gắn kết không chỉ là một vấn đề tình cảm.
Hai cô gái – bây giờ là phụ nữ trẻ – vẫn cần ở bên nhau, mặc dù trong thời gian đó họ đã sống cuộc sống riêng biệt và rất xa cách. Họ lớn lên ở các quốc gia khác nhau – Tây Ban Nha và Ukraine. Từ một cuộc sống chung hàng ngày, họ tiếp tục nói những ngôn ngữ khác nhau, một trở ngại gần như không thể vượt qua đối với cuộc gặp gỡ của họ.
“Tôi luôn nói rằng tôi sẽ đến Ukraine và tìm em tôi,” Tatyana nói với The Guardian. Cô tìm kiếm bất kỳ dấu vết nào của em gái mình trên mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả mạng xã hội VK của Nga.
Tất nhiên, Angelika cũng có cùng ý tưởng và cũng đang tìm kiếm Tatyana. Vào năm 2019, cô đã tìm thấy hồ sơ Facebook của chị gái mình. Họ kết nối lại và bắt đầu trò chuyện, lên kế hoạch gặp mặt, nhưng đại dịch đã cản trở. Đây là mặt tốt nhất của mạng xã hội, khi thay vì đưa chúng ta vào một thực tế giả khiến chúng ta xa rời cuộc sống thực, nó cũng có thể giúp chúng ta tạo hoặc khôi phục các kết nối trong thế giới thực.
Khi chiến tranh nổ ra, công nghệ lại là yếu tố then chốt giúp Angelika thoát khỏi Ukraine và tìm đến Tây Ban Nha cùng Tatyana.
Khi Ukraine bị xâm lược và chiến tranh dẫn đến các vụ đánh bom lớn, ý tưởng về việc Angelika chạy trốn sang Tây Ban Nha đã hình thành. Cuộc gặp gỡ thực sự giống như một cuộc sinh nở vội vã gây ra bởi một cuộc xung đột lớn.
Tatyana vẫn giữ liên lạc trong từng khoảnh khắc khi Angelika trốn khỏi vùng chiến sự. Cô đã vượt qua khó khăn về giao tiếp để mua cho em gái mình một vé máy bay từ Warsaw. Việc bảo đảm cô ấy có thể thực hiện chuyến bay rất phức tạp và căng thẳng. “Tôi đã phát điên,” Tatyana nói với The Guardian. “Em tôi chưa bao giờ đi máy bay, không biết làm thủ tục hay kiểm tra hành lý của mình”.
Khoảng cách vật lý giữa hai chị em giờ đã biến mất; họ đã sống cùng nhau ở Girona được vài tháng nay. 20 năm xa cách của họ đã dẫn đến một khoảng cách khác nhau, bao gồm cả ngôn ngữ, thứ mà họ vẫn đang vượt qua. Kassam báo cáo rằng hai chị em giao tiếp với nhau bằng những từ mà họ đã học được bằng ngôn ngữ của người kia, cùng với cử chỉ và Google Translate. Tuy nhiên, họ nói với The Guardian rằng, họ khá thoải mái với nhau và hòa hợp rất tự nhiên.
Giờ đây, họ đã gần chinh phục lại được lãnh thổ xa lạ – ngôn ngữ – một biên giới tồn tại lâu dài dù có quan hệ máu mủ với nhau. Chúng tôi chắc chắn không thể nói rằng cuộc hội ngộ này là “nhờ chiến tranh.” Nhưng điều đáng chú ý là chỉ khi mọi thứ trở thành đối tượng của nỗi sợ hãi mất mát và cái chết, thị giác của chúng ta trở nên rõ ràng hơn và chúng ta nhận thức rõ hơn về những gì chúng ta thực sự muốn cứu hoặc phục hồi.
Source:Aleteia
2. Tòa Thánh lên tiếng Tiến Trình Công Nghị Đức không được tạo ra những phương thức mới đối với tín lý và luân lý’
Theo Cindy Wooden thuộc Catholic News Service, trong bản tin ngày 21 tháng 7 năm 2022, một tuyên bố của Tòa Thánh nói rằng “Xem ra cần phải minh xác rằng ‘Tiến Trình Công Nghị’ ở Đức không có quyền bắt buộc các giám mục và các tín hữu thừa nhận các cách quản trị mới và các phương thức mới đối với tín lý và luân lý.”
Được văn phòng báo chí Tòa Thánh công bố bằng tiếng Đức và tiếng Ý vào ngày 21 tháng 7, tuyên bố trên cho biết Giáo Hội Công Giáo ở Đức không thể “khởi xướng các cơ cấu hoặc tín lý chính thức mới trong các giáo phận trước khi có sự hiểu biết nhất trí ở bình diện giáo hội hoàn vũ.”
Tuyên bố cho rằng làm như vậy, “sẽ gây ra một vết thương cho sự hiệp thông trong giáo hội và một mối đe dọa cho sự hiệp nhất của giáo hội.”
Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Tiến Trình Công Nghị dự kiến sẽ họp vào ngày 8 đến 10 tháng 9 tại Frankfurt với kế hoạch tranh luận về một loạt các bản văn sửa đổi và bỏ phiếu về việc chúng có thể được thông qua như các nghị quyết của Tiến Trình Công Nghị.
Phiên họp toàn thể bao gồm các thành viên của hội đồng giám mục Đức, 69 đại diện của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, và các đại diện khác của các thừa tác vụ tâm linh và các văn phòng giáo hội, những người trẻ và các cá nhân. Tổng cộng, Phiên họp toàn thể sẽ bao gồm 230 người.
Tại cuộc họp vào đầu tháng 2, Phiên họp toàn thể đã thông qua các nghị quyết kêu gọi giáo dân có vai trò và tiếng nói lớn hơn trong việc ra quyết định cho Giáo Hội và sự tham dự của giáo dân trong các đoàn kinh sĩ của nhà thờ chính tòa, là đoàn vốn có tiếng nói trong việc đề xuất tên các ứng cử viên được đệ trình lên Đức Giáo Hoàng để có thể được cử nhiệm làm giám mục.
Phiên họp toàn thể cũng đã thực hiện việc cân nhắc ban đầu các đề nghị nhằm khuyến khích việc nới lỏng luật bắt buộc độc thân đối với hầu hết các linh mục theo nghi lễ Latinh và ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ. Việc chúc phúc cho những cuộc kết hợp đồng tính cũng đã được thảo luận rộng rãi, nhưng chưa được Phiên họp toàn thể chính thức thông qua.
Quyền hành của Phiên họp toàn thể trong việc đưa ra các quyết định cho Giáo Hội Công Giáo ở Đức đã được thảo luận rộng rãi và nhiều lần. Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, trong một lá thư hồi tháng 4 trả lời các giám mục từ các quốc gia khác chỉ trích tiến trình của Đức, nhấn mạnh rằng tất cả các nghị quyết kêu gọi cải cách chỉ có thể được thi hành ở bình diện giáo hội phổ quát sẽ được đệ trình lên Tiến trình thượng hội đồng toàn thế giới do Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi động để chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục năm 2023 về tính đồng nghị.
Trong một bức thư năm 2019 gửi những người Công Giáo Đức – một bức thư cũng được trích dẫn trong tuyên bố mới – Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng tính đồng nghị là một quá trình phải được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần với sự kiên nhẫn chứ không phải “tìm kiếm những kết quả tức thời tạo ra các hậu quả nhanh chóng và tức thì.” Ngài nói: Biến đổi “đòi phải có sự hoán cải mục vụ”.
Đức Giáo Hoàng nói, “Thưa các anh chị em, chúng ta hãy quan tâm đến nhau và lưu ý đến sự cám dỗ của cha đẻ sự dối trá và chia rẽ, bậc thầy phân rẽ, kẻ, bằng cách thúc đẩy chúng ta tìm kiếm một lợi ích biểu kiến hoặc một phản ứng đối với một tình huống nhất định, trên thực tế kết cục ở chỗ phân tán cơ thể dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa”.
Tuyên bố vào tháng 7 của Tòa Thánh nhắc nhở người Công Giáo Đức về những lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với họ vào năm 2019 rằng giáo hội địa phương và giáo hội hoàn vũ sống và triển nở với nhau.
Ngài nói, nếu các giáo hội địa phương tách biệt khỏi toàn thể, “họ sẽ trở nên suy nhược, thối rữa và chết. Do đó, cần phải giữ cho sự hiệp thông với toàn thể cơ thể Giáo hội luôn sống động và hữu hiệu.”
Tuyên bố của Tòa Thánh cho hay, “người ta hy vọng rằng các đề xuất từ Con đường của các giáo hội đặc thù ở Đức sẽ nhập vào Tiến Trình Công Nghị đang được thực hiện bởi giáo hội hoàn vũ để làm phong phú lẫn nhau và làm chứng cho sự hiệp nhất nhờ đó thân thể của Giáo hội bày tỏ lòng trung thành của nó đối với Chúa Kitô. “
Dưới đây là nguyên văn Tuyên bố ngày 21.07.2022 của Tòa Thánh
Để bảo vệ quyền tự do của dân Chúa và thi hành thừa tác vụ giám mục, xem ra cần phải minh xác rằng “Tiến Trình Công Nghị” ở Đức không có quyền bắt buộc các giám mục và tín hữu thừa nhận những cách thức quản trị mới và các phương thức mới đối với tín lý và luân lý.
Trước khi đạt được sự hiểu biết nhất trí ở bình diện Giáo hội hoàn vũ, sẽ không được phép khởi xướng các cơ cấu hoặc tín lý chính thức mới trong các giáo phận, một điều sẽ gây ra vết thương cho sự hiệp thông trong Giáo hội và là mối đe dọa đối với sự hiệp nhất của Giáo hội. Như Đức Thánh Cha đã nhắc lại trong Thư gửi Dân Lữ hành của Thiên Chúa tại Đức: “Giáo hội hoàn vũ sống trong và nhờ các Giáo hội đặc thù, cũng như các Giáo hội đặc thù sống và nở rộ trong và từ Giáo hội hoàn vũ. Nếu bị tách khỏi toàn bộ cơ thể của Giáo hội, chúng sẽ yếu đi, thối rữa và chết. Do đó, cần phải luôn luôn bảo đảm để sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội được sống động và hữu hiệu “[1]. Do đó, người ta hy vọng rằng những đề xuất của Con đường các Giáo hội Đặc thù ở Đức sẽ hội tụ với Tiến Trình Công Nghị đang được Giáo hội hoàn vũ bước theo, để làm phong phú lẫn nhau và làm chứng cho sự hiệp nhất nhờ thế thân thể Giáo hội biểu lộ lòng trung thành của mình với Chúa Kitô.
3. Tìm hiểu Hành trình Hòa giải Lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô với Người bản địa Canada
Trong bài “Understanding Pope Francis’ Historic Voyage of Reconciliation to Canada’s Indigenous People”, nghĩa là “Tìm hiểu Hành trình Hòa giải Lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô với Người bản địa Canada”, Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, đã trình bày những nhận định về chuyến tông du hoàn toàn có một không hai trong gần 50 năm tông du nước ngoài của các vị Giáo hoàng trong bối cảnh những căng thẳng liên quan đến các trường nội trú dành cho người bản địa tại quốc gia này.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Vào ngày Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bắt đầu một chuyến tông du hoàn toàn có một không hai trong gần 50 năm tông du nước ngoài của các vị Giáo hoàng.
Đây sẽ là một cuộc hành hương không phải dành cho toàn bộ Giáo hội ở Canada, mà tập trung chặt chẽ vào các dân tộc bản địa. Nó sẽ có một tính cách “sám hối”, như Đức Thánh Cha đã mô tả nó trong bài huấn dụ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tuần trước. Và trong khi hầu hết các chuyến đi của các vị Giáo hoàng có nhiều chủ đề – lịch sử, gia đình, tuổi trẻ, truyền giáo, công lý, v.v. – thì chủ đề này chỉ nhằm mục đích thúc đẩy “hòa giải” vì thuật ngữ đó đã được hiểu trong chính trị Canada.
Một chút lịch sử để mọi sự được rõ ràng. Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, người dân Canada bắt đầu nghe thấy tiếng nói của người bản địa về “trường nội trú của người da đỏ”, một phần lịch sử của Canada mà phần lớn vẫn bị che giấu.
Trong những thập kỷ gần đây, thuật ngữ “Da đỏ” – được sử dụng trong hầu hết lịch sử Canada – đã được thay thế bằng “thổ dân” và bây giờ là “Bản địa”
Vào cuối thế kỷ 19, chính phủ Canada đã thiết lập chính sách trường nội trú cho trẻ em bản địa. Nền giáo dục sẽ truyền đạt khả năng đọc viết và làm toán cơ bản nhưng cũng có một khía cạnh văn hóa, một phần của dự án đồng hóa được thể hiện một cách khét tiếng nhất là “giết chết người da đỏ trong đứa trẻ”. Trẻ em bản địa thường bị cấm nói tiếng bản địa của họ hoặc mặc trang phục truyền thống của họ.
Lúc đầu, việc đi học là tự nguyện, nhưng vào đầu thế kỷ 20, nó trở thành bắt buộc, đồng nghĩa với việc trẻ em bị buộc phải tách khỏi gia đình. Hầu hết các trường đóng cửa vào những năm 1960, mặc dù một số trường vẫn tồn tại trong những năm 1980. Hiện nó được mọi người – các nhà lãnh đạo Giáo hội, tiểu bang và Người bản xứ – coi như một chương đen tối trong lịch sử Canada.
Trong khi các trường học được thành lập và tài trợ bởi chính phủ Canada, hoạt động của các trường học được giao cho các Giáo Hội. Người Công Giáo điều hành khoảng hai phần ba số trường học; phần ba còn lại do những người theo đạo Tin lành điều hành. Phần lớn các trường Công Giáo do Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm, gọi tắt là OMI, điều hành.
Lời khai của những người ngày nay được công nhận là “những người sống sót” bắt đầu vào năm 1990. Họ kể về bệnh tật và điều kiện vệ sinh không đầy đủ, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cũng như tệ hại hơn, về lạm dụng thể chất và tình dục.
Trong hơn 30 năm, người Canada đã cống hiến sức lực đáng kể cho di sản trường nội trú. Đã có một quyết toán tài chính vào năm 2006 gần 4 tỷ đô la, trong đó cả chính phủ và Giáo Hội đều tham gia.
Có một lời xin lỗi chính thức từ chính phủ Canada tại Hạ viện ở Ottawa vào năm 2008. Đã có một lời xin lỗi từ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tới một phái đoàn của các nhà lãnh đạo bản địa tại Vatican vào năm 2009.
Sau đó Ủy ban Sự thật và Hòa giải, gọi tắt là TRC, mở một cuộc điều tra do chính phủ liên bang thành lập. Ủy ban đã báo cáo vào năm 2015 và đưa ra một danh sách các “lời kêu gọi hành động”. Bất kể đã có lời xin lỗi năm 2009 từ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, TRC yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô phải xuất hiện ở Canada “trong vòng một năm” để xin lỗi một lần nữa.
Giáo Hội ở Canada đã chọn không bảo vệ lời xin lỗi của Đức Bênêđíctô, cũng như hàng chục lời xin lỗi theo đúng nghĩa đen đã được đưa ra bởi các thực thể Công Giáo khác nhau có liên quan, bắt đầu bằng lời xin lỗi toàn diện của OMI vào năm 1991, rất lâu trước khi hầu hết người dân Canada thậm chí còn chưa biết đến lịch sử trường nội trú dành cho người bản địa.
Vào năm 2015, người ta cho rằng vấn đề này sẽ nằm im, và trong khi đó, công việc hợp tác hàng ngày ở cấp địa phương vẫn sẽ tiếp tục.
Việc phát hiện ra những ngôi mộ không được đánh dấu tại các điểm dân cư-trường học cũ vào tháng 5 năm 2021 đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ quốc tế về những gì đôi khi được báo cáo là “mồ chôn tập thể”, ngụ ý một vụ thảm sát trẻ em bản địa. Điều đó không bao giờ xảy ra, nhưng thông tin sai lệch lớn đã tạo ra một cuộc tranh cãi gay gắt khiến cả chính phủ Canada và các giám mục Công Giáo chấn động.
Chính phủ liên bang đã cam kết hàng trăm triệu đô la cho việc thăm dò các ngôi mộ. Cho đến nay, không có cuộc thăm dò nào như vậy đã diễn ra.
Sự tức giận đối với Giáo Hội Công Giáo không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn qua hành động phá hoại tại hàng chục nhà thờ Công Giáo, bao gồm cả vụ hỏa hoạn tại một số nhà thờ ở các khu bảo tồn của Người bản xứ.
Do đó, các giám mục của Canada đã một lần nữa tập hợp các lời xin lỗi cá nhân khác nhau của các ngài thành một tuyên bố thống nhất vào tháng 9 năm ngoái và cam kết quyên góp 30 triệu đô la cho các dự án hòa giải trong 5 năm tới. “Hòa giải” là một thuật ngữ chung để đối phó với di sản của các trường nội trú dành cho người bản địa.
Và, mang tính biểu tượng nhất, các giám mục đã cam kết yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Canada để xin lỗi trên mảnh đất của Người bản địa, như TRC đã yêu cầu vào năm 2015.
Trước khi phát hiện ra những ngôi mộ có thể xảy ra vào năm 2021, các giám mục đã làm việc trong một cuộc họp lần thứ hai của Đức Giáo Hoàng ở Rome, để làm mới lại lời xin lỗi mà Đức Bênêđíctô đưa ra vào năm 2009. Điều đó đã bị trì hoãn bởi đại dịch, nhưng cuối cùng đã được tổ chức vào tháng 3 và tháng 4 năm 2022, khi Đức Thánh Cha dành năm giờ chưa từng có với các nhóm Bản địa trong suốt cả tuần. Sau đó, ngài đã đưa ra một lời xin lỗi sâu sắc và mạnh mẽ và cam kết sẽ đến thăm Canada.
Đức Thánh Cha đã chọn tháng Bảy cho chuyến viếng thăm nhằm kỷ niệm ngày lễ Thánh Anna, 26 tháng Bảy, với những người Công Giáo bản địa, những người có lòng sùng kính đối với bà ngoại của Chúa Giêsu phù hợp với sự tôn trọng mà họ dành cho người lớn tuổi. Cuộc hành hương Công Giáo hàng năm tại Hồ Thánh Anna gần Edmonton là sự kiện tôn giáo hàng năm lớn nhất dành cho người Canada bản địa, đa số là các tín hữu Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự vào thứ Ba.
Đức Giáo Hoàng sẽ dành sáu ngày ở Canada, trong đó ngày đầu tiên dành hoàn toàn để nghỉ ngơi. Ngài sẽ đến Edmonton vào Chúa Nhật và sau đó có bốn sự kiện trong hai ngày, tất cả đều được giới hạn trong một giờ vì sức khỏe giảm sút gần đây của Đức Thánh Cha.
Vào ngày thứ Tư, ngài sẽ đến Thành phố Quebec, giáo phận Công Giáo đầu tiên ở Bắc Mỹ. Với bốn sự kiện khác trong ba ngày ở đó, ngài dự kiến sẽ đề cao lịch sử 200 năm của Công Giáo-Bản địa có trước trường nội trú đầu tiên. Thật vậy, Thánh François de Laval, giám mục đầu tiên của Canada, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh một cách nhanh chóng một phần vì ngài bảo vệ phẩm giá của các dân tộc Bản địa.
Vào ngày cuối cùng của mình ở Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi đến cực bắc để gặp người Inuit ở Iqaluit trước khi trở về Rôma trong đêm.
Lời xin lỗi của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican – một cách chân thành, cẩn thận về mặt thần học và diễn đạt một cách hùng hồn – dường như đã khiến chuyến thăm thực sự trở nên thoái trào khỏi cực điểm. Những gì Đức Thánh Cha sẽ nói thì ngài đã nói rồi – và đã được những người khác nói trong hơn 30 năm. Trong khi chuyến thăm của Giáo hoàng luôn là thời điểm đầy ân sủng, các nhà lãnh đạo Công Giáo nói một cách bán chính thức về chuyến đi như một bước cần thiết mà các ngài mong muốn hoàn thành và vượt qua.
Về phía Người bản xứ, đã có một số người thiếu quan tâm đến các sự kiện của Đức Giáo Hoàng và thiếu sự phối hợp đối với những người muốn tham dự, mặc dù chính phủ liên bang đã cam kết 35 triệu đô la để đưa những người sống sót đến gặp Đức Giáo Hoàng.
Các giám mục Công Giáo sẽ tài trợ chi phí 15 triệu đô la cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, ngoài cam kết trước đó cho các dự án hòa giải. Điều đó sẽ không dễ dàng, vì phần lớn các giáo phận Canada đều bị hạn chế về tài chính.
Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ làm nổi bật hai thực tế đối kháng.
Điều sẽ thu hút sự chú ý nhất là mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo chính trị Bản địa và các giám mục Công Giáo – một mối quan hệ căng thẳng được đánh dấu bởi sự nghi ngờ về động cơ xấu của cả hai bên. Thực tế khác là các mối quan hệ tốt đẹp thực tế ở cấp giáo xứ và giáo phận đã đánh dấu cuộc sống của hầu hết người Công Giáo Bản địa, nơi mà việc hòa giải đã được diễn ra trong ba thập kỷ.
Đây sẽ là chuyến thăm thứ tư của Đức Giáo Hoàng tới Canada. Thánh Gioan Phaolô II đã thực hiện một chuyến đi xuyên quốc gia, 12 ngày – một trong những chuyến đi dài nhất của ngài đến một quốc gia duy nhất – vào năm 1984. Trong chuyến đi đó, thời tiết xấu đã ngăn cản ngài đến thăm những người Canada bản địa ở cực bắc, vì vậy ngài đã trở lại vào năm 1987 cho mục đích đó. Chuyến đi thứ ba của ngài là vào năm 2002 cho Ngày Giới trẻ Thế giới ở Toronto. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã không đến thăm Canada.
Source:National Catholic Register