1. Hai em bé trốn trong bồn tắm cùng với cuốn Kinh Thánh được tìm thấy còn sống sau cơn lốc xoáy
Bà ngoại của hai đứa bé may mắn này đã nhanh trí bế chúng đặt vào trong bồn tắm khi cơn lốc đang lù lù hướng đến ngôi nhà sắp bị triệt hạ tan tành của chúng.
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho biết hai trẻ sơ sinh ở Kentucky đã sống sót sau trận lốc xoáy kinh hoàng nhờ sự nhanh trí của bà ngoại.
Khi cơn lốc hướng đến nhà của bà ở Hạt Hopkins, Clara Lutz, đặt hai đứa cháu của bà vào bồn tắm, trùm chăn và gối cho chúng và chèn thêm vào đó một cuốn Kinh thánh để chèn cho chặt.
Nhờ những hành động của bà, bé Kaden, 15 tháng và bé Dallas, 3 tháng, là hai cháu bé được bà chăm sóc, đã sống sót sau khi cơn bão san bằng ngôi nhà của Bà Lutz.
“Tôi cảm thấy tiếng ầm ầm, tôi cảm thấy ngôi nhà rung chuyển. Điều tiếp theo tôi còn nhận biết là cái bồn tắm đã được nâng lên và nó nằm ngoài tầm tay với của tôi. Tôi không thể giữ lại được, tôi chỉ kịp la lên – Lạy Chúa tôi”, Bà Lutz nói với 14 News.
Bà Lutz nói với đài 14 News rằng khi chiếc bồn tắm bị nâng lên khỏi nền nhà, bà cũng bị một cái gì đó đánh bất tỉnh, rồi sau đó khi tỉnh dậy bà không thể tìm thấy các cháu của mình, bà đã cầu nguyện xin Chúa cho bà tìm được chúng.
“Tôi đã tìm kiếm khắp nơi để xem cái bồn tắm rớt xuống chỗ nào. Tôi không có chút manh mối nào về việc những đứa trẻ này đang ở đâu. Tất cả những gì tôi có thể nói là ‘Chúa ơi, xin hãy mang các cháu của con về với con một cách an toàn. Xin Chúa, con cầu xin Chúa’”.
Khi cơn bão đi qua, lực lượng cứu cấp đã phát hiện ra chiếc bồn tắm bị lộn ngược, bên dưới là những đứa trẻ.
“Tôi lên xe của cảnh sát trưởng đậu ở cuối đường lái xe vào nhà tôi, và không lâu sau đó, họ mở cửa và đưa Kaden, đứa cháu 15 tháng tuổi của tôi ra. Và họ mang cho tôi đứa cháu Dallas, ba tháng tuổi. Họ đã đưa nó đến cho tôi. Nó bị một cục u trên đầu”, Bà Lutz nói với 14 News.
Chính cuốn Kinh Thánh đã cứu những đứa trẻ. Khi cái bồn tắm bị úp ngược xuống, cuốn Kinh Thánh rớt ra, cái bồn tắm cấn lên cuốn sách chừa ra một khoảng trống để hai đứa bé có thể thở được. Nếu không, chúng đã chết vì ngạt thở.
Các cơn lốc xoáy quét qua Kentucky, Arkansas, Missouri, Illinois và Tennessee trong hai ngày 10 và 11 tháng 12 đã khiến 89 người thiệt mạng. Riêng ở Kentucky, 76 người đã thiệt mạng.
Source:Aleteia
2. Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Turkson nguyên tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện
Hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Peter Turkson trong cương vị tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.
Ngài đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Michael Czerny, Dòng Tên, người Canada 75 tuổi làm người đứng đầu tạm thời của bộ trong khi chờ bổ nhiệm “lãnh đạo mới”.
Hôm 23/12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết các nhà lãnh đạo của tòa thánh phải nộp đơn từ chức cho Đức Giáo Hoàng sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của các ngài. Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện được thành lập vào năm 2016, và Đức Hồng Y Turkson đã làm tổng trưởng từ đó đến nay.
“Trong khi chân thành cảm ơn Đức Hồng Y Peter Appiah Turkson và những người cộng tác của ngài vì sự phục vụ của họ và trong khi chờ đợi sự bổ nhiệm của ban lãnh đạo mới, Đức Thánh Cha đã giao phó việc quản lý thông thường của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện cho Đức Hồng Y Michael Czerny kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, với tư cách là tổng trưởng và Sơ Alessandra Smerilli, FMA, là thư ký”.
Đức Hồng Y Turkson từng là tổng giám mục của Cape Coast, Ghana, trước khi ngài được gọi đến Rôma vào năm 2009 để làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.
Vị Hồng Y 73 tuổi, người nói được sáu thứ tiếng, đã trở thành chủ tịch đầu tiên của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện vào năm 2016 sau khi hội đồng giáo hoàng của ngài được sáp nhập vào cơ quan mới cùng với ba cơ quan khác.
Tin đồn về việc ngài từ chức xuất hiện vài tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh kiểm tra bộ này do Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago dẫn đầu, sau đó là những thay đổi về nhân sự.
Đức Hồng Y Turkson nói với các nhà báo hôm thứ Ba rằng Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định tương lai của mình sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm.
“Nếu Đức Thánh Cha quyết định để tôi tiếp tục, thì tôi sẽ tiếp tục. Nếu ngài quyết định chỉ định tôi vào công việc khác, tôi cũng sẽ tuân theo.”
“Tất cả chúng tôi đến đây để phục vụ và hỗ trợ Đức Thánh Cha trong sứ vụ của ngài, và chính là như vậy… Chúng tôi chỉ chờ Đức Thánh Cha xem ngài muốn chúng tôi làm gì”.
Đức Hồng Y Czerny, người sinh ra ở Brno, Tiệp Khắc, vào năm 1946, là Thứ trưởng phụ trách Bộ phận Người di cư và Tị nạn của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện kể từ năm 2017. Ngài nhận được chiếc mũ đỏ Hồng Y vào tháng 10 năm 2019.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Smerilli, một nhà kinh tế học người Ý và là thành viên của dòng các nữ tu Salêdiêng Don Bosco, làm thư ký lâm thời của bộ vào tháng Tám.
Sau khi Đức Hồng Y người Guinea Robert Sarah thôi giữ chức Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích vào tháng 2, Đức Hồng Y Turkson là người Phi Châu duy nhất lãnh đạo một bộ của Vatican.
Đây được cho là lần đầu tiên kể từ năm 1977, Vatican không có nhà lãnh đạo Phi Châu nào trong số những người đứng đầu tại giáo triều. Đức Hồng Y Bernardin Gantin, từ Benin, được bổ nhiệm vào năm 1977 để lãnh đạo Ủy ban Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, trở thành người Phi Châu đầu tiên lãnh đạo một cơ quan trung ương của Vatican.
Source:Catholic News Agency
3. Các biện pháp chống Covid mới khi vào các văn phòng Vatican và Giáo triều Rôma
Kể từ Thứ Năm ngày 23 tháng 12, chỉ những người có giấy chứng nhận đã được tiêm phòng hoặc phục hồi sau SARS-Cov-2 mới được phép vào các văn phòng của Giáo triều Rôma.
Một sắc lệnh tổng quát mới, do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, đưa ra các quy định mới “xét vì tình trạng khẩn cấp y tế hiện tại vẫn tiếp tục tiếp diễn và thậm chí còn tồi tệ hơn và sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp thích hợp để chống lại nó và bảo đảm việc tiến hành an toàn các hoạt động”.
Sắc lệnh mới – theo sau sắc lệnh về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được công bố vào ngày 16 tháng 12 (số CDLXI) bởi Đức Tổng Giám Mục Fernando Vérgez Alzaga, là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về quốc gia Thành Vatican, áp dụng cho nhân sự của tất cả các bộ, Hội đồng và các văn phòng của Giáo triều Rôma, cũng như các bộ phận liên quan đến Tòa thánh. Các quy tắc cũng được mở rộng cho các cộng tác viên bên ngoài, nhân viên của các công ty bên ngoài, khách truy cập và người dùng các dịch vụ.
Theo nghị định, nhân viên không có “thẻ xanh” hợp lệ chứng minh tình trạng tiêm chủng hoặc phục hồi sau vi rút, sẽ không thể tiếp cận nơi làm việc và sẽ bị coi là vắng mặt không có lý do, do đó sẽ bị đình chỉ thanh toán cho thời gian vắng mặt. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến an sinh xã hội và các khoản khấu trừ phúc lợi, cũng như giảm trừ gia cảnh. Việc tiếp tục vắng mặt không có lý do sẽ phải gánh chịu những hậu quả được quy định trong Quy định chung của Giáo triều Rôma.
Tất cả những người tiếp xúc với công chúng, kể từ ngày 31 tháng Giêng năm 2022, sẽ có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chính thức chứng minh họ đã nhận được đầy đủ vắc-xin chống Covid bao gồm cả liều tăng cường thứ ba.
Ngoài các quyền kiểm soát được giao cho Hiến binh Vatican, sắc lệnh quy định rằng mỗi cơ quan được yêu cầu xác minh sự tuân thủ các yêu cầu, với một loạt các thủ tục để tổ chức các cuộc kiểm tra này và xác định những người chịu trách nhiệm xác minh và tranh chấp các vi phạm nghĩa vụ. Liên quan đến các Bộ liên quan, các phụ tá tổng thư ký chịu trách nhiệm bảo đảm sự tuân thủ.
Bất kỳ đánh giá nào về các yếu tố dẫn đến việc có thể được miễn trừ các nghĩa vụ của sắc lệnh thuộc trách nhiệm của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và tùy thuộc vào ý kiến của Tổng cục Y tế và Vệ sinh.
Sắc lệnh cũng nêu rõ rằng các cơ quan y tế có thẩm quyền của Vatican có thể thấy cần thiết phải đưa ra những hạn chế hơn nữa đối với những người đến từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao.
Source:Vatican News
Ít nhất 20 linh mục đã chết vì covid-19 ở El Salvador. Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas của San Salvador, xác nhận rằng 20 linh mục đã chết vì covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch ở nước này. Riêng trong tổng giáo phận của ngài đã có đến 10 linh mục thiệt mạng.
Các linh mục của chúng tôi cũng mắc bệnh với số lượng khá nhiều, đại đa số đã vượt qua được bệnh tật nhưng một số đã chết, cụ thể ở quốc gia này có ít nhất 20 linh mục đã chết vì covid. Chúng tôi hy vọng rằng chiều hướng này có thể dừng lại.
Đức Tổng Giám Mục cho biết đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến Giáo Hội Công Giáo. Ngài cho biết tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận đã phải trải qua “tình huống đau đớn” khi nhìn thấy nhiều giáo dân chết.
Tổng giáo phận San Salvador có 10 linh mục chết vì coronavirus, là con số cao nhất trên toàn quốc. Ngài cho biết trong một trường hợp đau lòng ba linh mục đã chết trong một tuần.
“Tổng giáo phận của chúng tôi là nơi bị virus tấn công nhiều nhất, điều đó dễ hiểu vì thủ đô đông dân hơn bất kỳ thành phố nào khác. Chúng tôi đã đồng hành cùng mọi người, và rồi 10 linh mục đã chết ở đây”.
Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, Bộ Y tế đã không tiết lộ phân loại các trường hợp tử vong do lây nhiễm do covid-19 hay do các trường hợp khác. Thành ra, Giáo Hội tại El Salvador không có dữ liệu chính thức về số lượng linh mục đã chết hoặc bị nhiễm virus.
Đức Tổng Giám Mục Escobar Alas cho biết thêm một nhóm bảy linh mục đã đến bệnh viện El Salvador cầu nguyện với các bệnh nhân và ban các bí tích cho họ.
“Các nhân viên bệnh viện ngay từ đầu đã cung cấp cho các ngài các bộ đồ bảo hộ hoàn chỉnh. Đến nay, tạ ơn Chúa, không linh mục nào trong số 7 vị này bị nhiễm bệnh”
Source:Diaro
5. Sự phẫn nộ và đau buồn vì hai bức tượng Đức Mẹ đồng trinh bị phá hủy
Trong bản tin đánh đi hôm 17 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết: Mùa Vọng trình bày Đức Trinh Nữ Maria như một người phụ nữ chờ đợi, với tình yêu khôn tả, để thực hiện lời hứa cứu rỗi, vì lý do này “nó gây ra sự phẫn nộ và buồn bã vô cùng, trong thời điểm vui mừng hy vọng này. Những kẻ xúc phạm đã xô các bức tượng của Đức Trinh Nữ khỏi bệ và phá hủy hoàn toàn các bức tượng này”.
Trong một tuyên bố hôm 16 tháng 12, Đức Cha Farly Yovany Gil Betancur, Giám mục giáo phận Montelíbano, Colombia, tuyên bố, lên án những hành vi phá hoại xảy ra đối với các bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria trong khu phố La Lucha và ở lối vào khu đô thị Montelíbano, một vùng phụ cận của Alto San Jorge Cordobés. Trong tuyên bố của mình, Đức Giám Mục phàn nàn rằng “những hành động bất khoan dung tôn giáo, đe dọa quyền tự do thờ phượng, đã xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần. Những hành động này đã làm tổn thương sâu sắc đến đức tin của các tín hữu Kitô thuộc cộng đồng Montelibanese”.
Hơn nữa, ngài nhấn mạnh rằng “tự do tôn giáo tìm kiếm lợi ích của tất cả mọi người, khi tôn trọng sự khác biệt và khi các biểu hiện khác nhau của đức tin được chấp nhận. Tất cả chúng ta đều có quyền đối với tín ngưỡng của riêng mình và thể hiện chúng theo truyền thống và phong tục của riêng mình”. Giáo phận đã đệ đơn khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu điều tra về những sự kiện này “thể hiện một thái độ bất khoan dung tôn giáo trắng trợn”. Cuối cùng, Đức Giám Mục cầu nguyện với Thiên Chúa cho “sự hoán cải của những người đã thực hiện hành vi phạm tội này” và kêu gọi các tín hữu trong giáo phận “hiệp lời cầu nguyện cho những kẻ gây ra những hành vi cuồng tín tôn giáo bạo lực, để họ thay đổi tâm hồn và để những hành vi đó không được lặp lại, làm tổn thương đến tình cảm tôn giáo của một dân tộc bắt nguồn từ đức tin”
Source:Fides
6. Nữ tu Shanhaz nhận được tin nhắn tuyệt vọng từ ‘những người bị bỏ lại ở Kabul’
“Tôi rất tiếc khi có mặt ở đây hôm nay chứ không phải ở Kabul vì trái tim tôi vẫn ở đó. Mỗi ngày tôi nhận được nhiều tin nhắn và tôi khóc, vì tôi không thể làm gì được”, nữ tu Shanhaz Bhatti nói.
Trong nhiều năm, nữ tu sĩ gốc Pakistan thuộc Dòng các Nữ tu Thánh Joan Antida đã làm việc với những người bị thiệt thòi ở Afghanistan thông qua hiệp hội Pro Bambini di Kabul, một tổ chức bác ái có trụ sở tại Ý.
Cô đến Ý vào tháng 8 năm ngoái cùng với các nữ tu của Mẹ Teresa và một nhóm trẻ em khuyết tật trong những ngày tang thương khi thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban.
Tối 20 tháng 12 cô ấy đã nói về kinh nghiệm của mình tại Milan trong một buổi tối do Centro PIME quảng bá, dưới sự bảo trợ của Tổng giáo phận Milan và AsiaNews.
Mục đích của sự kiện là bảo đảm rằng thảm kịch của người dân Afghanistan không bị lãng quên, trong khi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng vẫn diễn ra bất chấp chiến tranh đã kết thúc.
Cuộc họp được tổ chức tại Vương cung thánh đường Basilica di Sant’Ambrogio của Milan, đó là vương cung thánh đường của các vị tử đạo, với các bài đọc về những đau khổ của đất nước này qua con mắt đức tin.
Sơ Shanhaz mô tả tình trạng của mình khi làm việc với đất nước mà người Công Giáo bị áp bức gần như công khai. Sơ giải thích: “Chúng tôi không thể mặc các biểu tượng tôn giáo. “Chúng tôi thậm chí không thể phát âm tên của Chúa Giêsu vì điều đó có thể được hiểu là theo đạo. Chúng tôi chỉ có thể truyền bá Tin Mừng qua những nụ cười.”
Trong những ngày bi thảm của tháng 8, các thành viên của Giáo hội nhỏ tại Afghanistan đã quyết định ra đi với những đứa trẻ mồ côi khuyết tật được họ chăm sóc.
Nữ tu Shanhaz, người vẫn mặc bộ quần áo cũ khi ở Afghanistan, đã mô tả ba giờ đi xe buýt đến sân bay định mệnh. “Ngay cả hôm nay tôi vẫn giật mình thức giấc vào ban đêm và những gì chúng tôi đã thấy trong đêm khủng khiếp đó vẫn khiến tôi toát mồ hôi hột.”
Giải thích công việc của mình hiện nay trên đất Ý, Sơ Shanhaz nói:
“Tôi cố gắng đồng hành với mọi người vì những đau khổ mà họ đã trải qua. Nó không dễ dàng cho họ”. Tuy nhiên, suy nghĩ của sơ ấy là với những người còn lại ở Kabul.
“Tôi giữ thẻ điện thoại Afghanistan trong điện thoại di động để liên lạc mặc dù điều này có thể hơi nguy hiểm cho họ. Nhưng tôi đã nhìn thấy sự đau khổ của họ và tôi không thể bỏ rơi họ”
“Họ gửi cho tôi những đoạn video, những tin nhắn thoại: ‘Chị ơi, chị có thể làm gì cho chúng em được không? Ít nhất chị có thể đưa chúng em đến Pakistan không?’ Tôi cầu nguyện. Chúng tôi cố gắng kiếm cho họ ít nhất một số tiền, ít nhất để sưởi ấm nhà của họ, mua một ít củi, nến. Và các loại thuốc vì rất nhiều người bị bệnh. Không khí ở Kabul rất ô nhiễm và bạn cảm thấy khó thở”.
Sứ vụ truyền giáo tại Afghanistan của hiệp hội Pro Bambini di Kabul vẫn chưa bị đóng cửa mà chỉ bị tạm dừng.
Sơ Shanhaz nói: “Tôi sẽ là người đầu tiên quay lại nếu có cách nào đó, nếu nó an toàn, không chỉ cho tôi mà còn những người khác.”
Mirwais Azimi, một người Afghanistan từ Herat, đã nói về tình hình nhân đạo ở Afghanistan. Cho đến khi bỏ trốn, ông dạy quan hệ quốc tế tại một trường đại học.
“Mỗi buổi tối chúng tôi đều nghĩ về Afghanistan. Chúng tôi có thể an toàn ở đây, trên đất Ý, nhưng về mặt tinh thần thì chúng tôi bồn chồn. Chúng tôi đau khổ nhiều như họ, những người còn lại ở Afghanistan đang phải chịu đựng tất cả sự nghèo đói”.
“Đồng đô la đã tăng gấp đôi. Một đô la trị giá 75 Afghanistan, nhưng vài ngày trước nó đã chạm mức 120. Giá có lẽ đã tăng 200%. Đói nghèo đang hủy hoại con người chúng tôi. Tôi luôn nghĩ về việc khi nào tôi sẽ có thể trở lại”.
Đau khổ không chỉ ở bên trong biên giới Afghanistan, Najma Yawari, 23 tuổi, người đã chạy trốn khỏi Kabul cách đây 3 năm nhưng bị giam hai năm trong trại tị nạn ở Lesbos, Hy Lạp, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm gần đây.
Cô đến Ý nhờ các hành lang nhân đạo do Cộng đồng Sant’Egidio tài trợ.
Tối qua tại Milan, cô nói: “Vẫn còn nhiều người Afghanistan ở Lesbos; họ không thể ra ngoài, không thể học tập, không thể làm việc. Đây không phải là cuộc sống. Tôi hy vọng rằng sẽ đến ngày không còn chiến tranh nữa và mọi người có thể sống mà không cần lo lắng về tương lai của mình”.
Source:Asia News