Hai vợ chồng Công Giáo Pakistan thoát chết vào giờ thứ 25

1. Hai vợ chồng Công Giáo Pakistan thoát chết vào giờ thứ 25.

Hai vợ chồng Công Giáo Pakistan đã được trắng án sau khi bị kết tội báng bổ và đang chờ bị tử hình Pakistan sau 7 năm trời bị biệt giam.

Tòa Án Tối Cao Lahore ngày 3 tháng 6 đã tuyên bố trắng án cho Shafqat Emmanuel và vợ anh, Shagufta Kausar. Hai vợ chồng bị cáo buộc gửi tin nhắn bằng tiếng Anh cho một người đàn ông Hồi giáo, với những lời lẽ xúc phạm nhà tiên tri Muhammad và kinh Qur’an. Hai vợ chồng đều không biết chữ và không nói được tiếng Anh.

Vào tháng 7 năm 2013, Muhammad Hussein cho biết anh đang cầu nguyện trong một đền thờ Hồi Giáo ở thành phố Gojra, tỉnh Punjab thì trên điện thoại của anh xuất hiện những tin nhắn với những lời lẽ báng bổ. Cảnh sát cho biết tin nhắn được gửi từ một số điện thoại di động trùng với số của Shagufta Kausar. Theo World Watch Monitor và Christian Today, cô nói với cảnh sát rằng điện thoại của cô đã bị mất hàng tháng trời trước đó, và cô không biết ai có thể đã gửi tin nhắn này. Nhưng cảnh sát đã bắt giữ cặp vợ chồng này cùng với 4 đứa con của họ và gây áp lực buộc họ phải nêu danh tính của người có thể đã gửi tin nhắn. Sau một phiên tòa xét xử thật chóng vánh, hai vợ chồng này đã bị kết án tử hình về tội báng bổ vào tháng 4 năm 2014.

Mục 295-B và 295-C của Bộ luật Hình sự Pakistan lần lượt đề nghị tù chung thân và tử hình cho tội phạm thượng. Đã có vô số lời kêu gọi từ những người ủng hộ trên khắp thế giới hủy bỏ các luật như vậy, ở Pakistan và các nơi khác. Trường hợp của Asia Bibi, người cuối cùng được trắng án vì tội báng bổ và được giải thoát khỏi tử hình, đã làm nổi bật vấn đề này.

Tòa Án Tối Cao ở Lahore đã tuyên bố trắng án cho hai anh chị Emmanuel và Kausar vì họ hoàn toàn mù chữ và không có các chứng cứ thuyết phục một cách khách quan.

Giờ đây, hai vợ chồng đã được tự do, nhưng vẫn có một số lo ngại về sự an toàn của họ, vì đám đông đôi khi tự hành xử công lý theo ý họ trong những trường hợp như thế này.

“Họ đã thoát được nguy hiểm, nhưng cuộc sống bình thường của những nạn nhân này là rất khó khăn, mặc dù Tòa Án Tối Cao đã trả tự do cho họ,” Cha Bonnie Mendes, một linh mục tại thành phố Faisalabad, nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. “Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện rằng họ sẽ tìm được một nơi an toàn để sống.”

Ông Kashif Aslam, Phó giám đốc Ủy ban Quốc gia “Công lý và Hòa bình” của các Giám mục Công Giáo Pakistan, nói với Fides rằng người dân Pakistan đôi khi lạm dụng luật báng bổ “vì những cuộc cãi vã hoặc ganh đua cá nhân”.

“Nhiều người trong số những người bị buộc tội báng bổ bị kết án tử hình, thậm chí có những vụ hành quyết phi pháp luật,” Aslam nói. “Chúng ta nên ngăn chặn và phê duyệt các chuẩn mực và cơ chế để bảo đảm rằng luật pháp không bị lạm dụng hoặc lợi dụng”.

Sandhu, luật sư của cặp vợ chồng, nhận định rằng:

“Công lý đã được thực hiện, nhưng ai sẽ trả lại cho cặp vợ chồng vô tội này tám năm cuộc sống trong lao tù? Ai sẽ trả tiền cho những cáo buộc sai trái? Ai sẽ trả lại tám năm cuộc đời cho những đứa trẻ lớn lên không có cha mẹ và không được đi học thường xuyên? Cần phải xem lại cơ chế pháp luật đã dẫn đến hậu quả như vậy, đã tạo ra quá nhiều đau khổ mà không ai phải chịu trách nhiệm”.


Source:UCANews

2. Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Paris trong thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa

Hôm Chúa Nhật 6 tháng Sáu, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của tổng giáo phận Paris đã cử hành thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa tại nhà thờ Saint-Germain l’Auxerrois.

Giảng trong thánh lễ, Đức Giám Mục nói:

Vào đầu kỷ nguyên Kitô Giáo, ở Rôma, người ta đã cáo buộc các tín hữu Kitô là những kẻ uống máu và ăn thịt người. Để có thể bức hại họ, người ta thậm chí còn buộc cho họ tội thực hành sát tế con người. Thẩm Phán Gaius Plinius Caecilius Secundus là người được Hoàng Đế trao phó cho việc điều tra, đã viết thư cho Hoàng đế Trajan để nói với ông rằng, thật ra bữa ăn của những người theo đạo Thiên Chúa hoàn toàn chẳng có gì. Thực sự là chẳng có gì sao?

Những người tố cáo đã dựa trên câu nói của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe: “Này là Mình Thầy, này là máu Thầy”. Trước đó không lâu, Chúa Giêsu đã gây rắc rối cho các môn đệ khi nói ra những lời đầy sóng gió này: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”. (Ga 6:54-55).

Làm thế nào để hiểu được bí ẩn này? Bánh mì vẫn là bánh mì về mặt hóa học. Rượu vẫn là rượu về mặt hóa học. Nhưng bất chấp vẻ bề ngoài, bánh và rượu đã thực sự trở thành Mình và Máu Chúa.

Lời Chúa luôn luôn ứng nghiệm những gì đã nói. Hôm nay Chúa Giêsu đến để tuyên bố điều đó qua miệng của tư tế của Người. Bề ngoài bánh và rượu không thay đổi, nhưng thực tế sâu xa đã được biến đổi bởi Lời của Chúa Kitô.

Mọi thứ đều được biến đổi và đảo lộn. Bí tích Thánh Thể không phải là một bữa ăn bình thường. Trong một bữa ăn bình thường, thức ăn được cơ thể chúng ta chế biến. Trong bữa ăn Thánh Thể, trong thánh lễ, chính chúng ta được biến đổi nhờ lương thực từ chính Chúa Kitô, chính Thiên Chúa, là Đấng ban cho chúng ta thịt Người.

Trên thập tự giá, Chúa Giêsu đã dâng thân xác loài người cho Cha ngài. Trên bàn thờ, Chúa Giêsu tự hiến thân thể thiêng liêng của Ngài cho cơ thể phàm nhân của chúng ta để chúng ta có thể đạt đến sự bất tử.

Đó là sự sống được truyền đi. Đối với chúng ta, thông tin về sự sống được truyền qua acide ribonucléique messager, hay còn gọi là các nhiễm sắc thể thông tin RNA. Từ thuở ban đầu, có một messager và messager này là một thông điệp sự sống: Đó là Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa, hóa thành nhục thể. Lời này, Logos thần thánh này sống giữa nhân loại chúng ta qua sự hiện diện cụ thể của Chúa Giêsu thành Nazareth. Khi sống giữa chúng ta, Ngài trao ban Thánh Thể của Người.

Điều này có gì lạ không? Anh chị em hãy nhìn vào một đứa trẻ sơ sinh. Sau khi ôm và hôn nó, mẹ nó cho nó bú. Bà trao cho nó chất thể của của chính mình. Người mẹ cho con mình xác thịt của mình.

Các bác sĩ tâm thần trẻ em nói với chúng ta rằng trẻ sơ sinh và các em bé có thể từ chối những dòng sữa mẹ nếu chúng không cảm thấy được yêu thương. Cho con bú là một hành động yêu thương. Đó là hành động yêu thương duy trì sự sống khi được trao đi.

Đây là cách Thiên Chúa qua Chúa Giêsu ban cho chúng ta bản chất thánh thiêng của Ngài, và sự sống của chính Ngài để chúng ta có thể sống mãi mãi. Đó là hành động yêu thương cao cả của Thiên Chúa chúng ta.

Chúa làm cho chúng ta hiểu rằng Bí tích Thánh Thể là chính là dưỡng chất của tình yêu.


Source:L’Eglise Catholique à Paris

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *