Hạnh phúc từ khổ đau

Huynh đoàn tôi là một trong hàng chục hội đoàn của giáo xứ, thường nguyệt hội vào thứ năm đầu tháng. Mỗi lần nguyệt hội, sau khi cùng nhau nguyện kinh Thần vụ, bao giờ Huynh đoàn cũng mời Cha Linh hướng hoặc Thầy Phó tế đến đồng hành và chia sẻ Lời Chúa với Huynh đoàn. Sau đó anh Trưởng đọc lá thư của Cha Đặc trách Tỉnh, cuối cùng Ban Phục vụ nhìn lại những việc đã và chưa làm được rồi lên phương hướng cho tháng tới.

Huynh đoàn cũng là một điểm sáng, tích cực tham gia vào các việc tông đồ bác ái của giáo xứ. Hàng ngày, hai buổi sớm tối, dù nhiều anh chị em còn vắng mặt vì cuộc sống mưu sinh, còn lại đều vẫn cố gắng đến nhà thờ, để cùng bà con trong giáo xứ nguyện kinh Thần vụ. Còn nhớ năm nào, khi Huynh đoàn mới tổ chức nguyện kinh Thần vụ chung ở nhà thờ, một số giáo dân nghe rồi bình luận: Huynh đoàn Đa Minh đọc… “kinh của họ”, cứ như đang ngâm thơ, nghe kỳ kỳ thế nào ấy.

Nhưng rồi dần dần những lời Thánh vịnh, thánh thi… “ngấm vào máu”, lại được biết đó không phải là kinh riêng của Huynh đoàn, mà là lời kinh chính thức của Giáo Hội, nên mọi người trong giáo xứ cùng hiệp ý nguyện kinh thật sốt sắng.

Từ những lời kinh, việc làm cụ thể, Huynh đoàn đã là địa chỉ cho nhiều anh chị em đến… “nộp hồ sơ”. Tôi còn nhớ câu chuyện về một chị, khi chưa gia nhập Huynh đoàn, tối ngày chị lao vào công việc, khi ruộng vườn, lúc mò cua bắt ốc. Ai đoàn nọ hội kia chị làm ngơ, ai sớm lễ chiều kinh chị chẳng màng.

Tiền nhiều,  nhưng vợ chồng chị suốt ngày lục đục đánh chửi nhau, ngay cả khi dâu rể, các cháu nội ngoại đủ đầy. Lúc nào gặp chị, tôi cũng thấy một dáng vẻ tất bật, quần ống thấp ống cao, đầu tóc rối bù, ăn nói cục cằn, bất cần đời khi thường gọi chồng là… “thằng quỷ”. Chồng chị cũng… “nổi tiếng” về tính cục súc và hẹp hòi, nên chiến tranh lạnh cứ diễn ra dài dài. Cho đến khi nhiệt giảm xuống âm, “rét” quá chịu không nổi, họ phát hỏa, trong cơn điên cuồng, chồng chị thượng cẳng chân, hạ  cẳng tay.

Còn chị, bao nhiêu “lời hay ý đẹp, mọi thứ thơm tho” hàng ngày được bọc kín, giờ phun ra trát vào mặt chồng, chẳng để lại cho mình một chút cỏn con. Sau mỗi lần như vậy, khuôn mặt chị trông có vẻ… “đầy đặn” hơn, mắt chị được chồng “trang điểm” bằng một quầng đen quá khổ, gò má cũng nổi bật lên với lớp phấn màu… “chàm”.

Sau những cơn hỏa hoạn, lại chiến tranh lạnh, lại ly thân, niêu cơm ai, người ấy nấu, việc ai người ấy làm, ra vào chung một nhà mà cứ như không nhìn thấy nhau.

Nhưng rồi đời chị đã bước sang một trang mới, sau khi chị gia nhập Huynh đoàn. Chị tâm sự với tôi: mình vất vả cả một đời, chỉ biết làm và làm, nhưng đồng tiền cũng không mang lại hạnh phúc đích thực cho mình. Từ khi là một thành viên của Huynh đoàn, làm gì thì làm, cứ đến giờ lễ, giờ kinh, cũng như ngày nguyệt hội, là chị gác lại tất cả, rồi quần áo tươm tất, đầu tóc gọn gàng, đến nhà thờ để cùng với mọi người cất lên lời kinh ca tụng Chúa.

Chị cũng chia sẻ với các chị em về suy nghĩ của mình và lắng nghe những ý kiến đóng góp của mọi người, chị thấy lòng mình sao thanh thản nhẹ nhàng. Cũng từ khi thấy chị gọn gàng, sạch sẽ, đi về vui vẻ, hòa nhã. Chồng chị cũng thay tính đổi nết, bớt xét nét, gắt gỏng, anh biết kiềm chế bản thân, mỗi khi thấy chị làm hoặc nói điều gì, mà anh cho là chướng tai gai mắt. Sự thay đổi còn tuyệt vời hơn, khi anh sánh vai chị bước vào ngôi nhà Huynh đoàn Đa Minh.

Chị tâm sự tiếp: Dù đôi lúc vẫn còn những cơn giông tố bất ngờ nổi lên, cuốn theo bụi bặm vào ngôi nhà mà hai vợ chồng mình cùng gắng công hàn gắn, sau một thời gian dài rạn nứt. Những lúc như vậy, mình thường cầu nguyện, phó thác cho Chúa, để Ngài hóa giải những giông tố ấy thành làn gió thoảng nhẹ, làm thi vị hơn cho cuộc sống gia đình.

…Chung dây tơ hồng là trăm năm chung tấm lòng, dẫu mấy biển đông, mấy dòng sông ngăn bước vợ chồng. Dù đi trong cơn mưa, có Chúa dìu đưa đi hết đoạn đường, gia đình luôn an bình, tươi như hoa mới, thắm như bình minh. Trung trinh giữ vẹn câu thề, đường đi về luôn ấm tình vui.

Xin ban hồng ân, tình yêu năm tháng dịu êm, xin dẫn đưa qua những ngày gió lộng mưa sa. Xin cho niềm tin xanh ngắt hoa đầu xuân, xin lấy hy sinh để chung câu hát ân tình.

                                                       Mờ-inh