Khi đi truyền đạo, những người lạc giáo Cathares thường mang theo một bao da đựng Thánh Kinh. Thánh Ða Minh cũng vậy, ngài luôn mang theo Tin Mừng Matthêu và các thư thánh Phaolô.
Yếu tố này, cũng như một vài yếu tố khác có vẻ giống lạc giáo nơi thánh Ða Minh (như đi chân đất, sẵn sàng chịu khổ hình, du thuyết, giảng trong nghèo khó …) thường được coi như là một sáng kiến để lôi cuốn người tín hữu, cũng như để chinh phục người lạc giáo, tương tự như một phương pháp đắc nhân tâm để lôi kéo người ta về với Giáo Hội. Hiểu như vậy là làm giảm nhẹ quá nhiều cảm nhận của thánh Ða Minh. Cảm nhận căn bản của Ða Minh không chỉ là cảm nhận về phương pháp mà chính yếu là cảm nhận về giá trị. Các yếu tố “nghèo khó, “du thuyết” … có giá trị đích thực của nó, nhất là việc đọc, cầu nguyện với Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng.
Có lẽ vì phải trình bày vấn đề với các đặc sứ Tòa Thánh, nên giám mục Diego và Ða Minh đã diễn tả vấn đề có vẻ như là một phương pháp. Nhưng nếu đó chỉ là phương pháp để chinh phục người lạc giáo thì chúng chỉ có giá trị khi phải đối đầu với lạc giáo, và khi lạc giáo hết thì nó cũng hết theo. Ðằng này, chúng ta thấy, Thánh Kinh luôn luôn là hành trang thiết yếu trong suốt cuộc đời Ða Minh. Thánh Ða Minh đã theo học Thánh Kinh ở trường của nhà thờ Chính tòa Palencia. Tại đây, lịch sử kể lại, ngài đã miệt mài với Lời Chúa đến độ “nhiều đêm hầu như không ngủ để học hỏi Thánh Kinh”. Kết quả của những năm tháng học tập ấy là tập ghi chép, chú giải Thánh Kinh quí báu; và “kết quả tinh thần” lại chính là hành vi bán sách đi để lấy tiền giúp đỡ người nghèo.
Về sau, trên đường truyền giáo, mỗi tối, ngài thường rủ anh em đồng hành đến một nơi thanh vắng để cùng nhau đọc một đoạn Thánh Kinh và chia sẻ cho nhau những gì mình suy niệm. Lịch sử không để lại nhiều chi tiết về vấn đề này, nhưng chúng ta có thể theo phương pháp của Chúa “xem quả thì biết cây”, để thấy tầm quan trọng của Thánh Kinh trong cuộc đời và sứ vụ của Ða Minh.
Trong sắc chỉ ngày 18.01.1221, Ðức Honorio III đã viết như sau : “Ðấng luôn làm cho Giáo Hội thêm nhiều con cái, muốn cho thời hiện đại phù hợp với thời tiên khởi và muốn truyền bá Ðức Tin Công giáo, đã gợi cho chúng con cảm nghĩ đạo đức là chuyên tìm hiểu Lời Chúa …” (Hiến Pháp nền tảng, I).
Lời này được nhắc lại trong số I của Hiến Pháp nền tảng và, qua gần tám trăm năm, vẫn là chỉ dẫn để Dòng luôn trung thành với sứ vụ Lời Chúa, đó là : học hỏi và cầu nguyện với Lời Chúa, để rồi ra đi rao giảng Tin Mừng.