Hành Trang 14 : Thánh Đa Minh mẫu gương học hành

 

archivist.jpgTrong cuộc đời 51 năm sống ở trần gian của thánh Ða Minh, thời gian dành riêng cho việc học chiếm suýt soát 20 năm : 7 năm học ở nhà ông cậu, 10 năm học ở đại học Palencia, 3 năm ở Kinh sĩ Hội Osma. Ðó là chưa kể trong thời gian ngài mới thu nhận một số anh em, chính ngài cùng với 6 môn sinh tiên khởi của Dòng đã đến học với giáo sư Alexandre Stavenby tai trường học nhà thờ chính tòa Toulouse; và trong suốt những năm hăng hái hoạt động, ngài vẫn học hỏi, học hỏi với Chúa trong khi cầu nguyện, học hỏi trong Sách Thánh, học hỏi trong cuộc đời, học những điều hay của anh em lạc giáo và học biết những đau khổ của con người.

Thực sự thánh Ða Minh đã sống tinh thần học hỏi trong suốt cuộc đời và ngài đã để lại tinh thần đó cho Dòng. Các văn kiện chính thức của Giáo Hội cũng như của Dòng đã làm chứng điều đó một cách rõ ràng; chẳng hạn, thư Ðức Hônôriô III viết cho thánh Ða Minh và anh em : “Thiên Chúa … đã gợi cho chúng con một cảm nghĩ đạo đức là chuyên tâm tìm hiểu chân lý”.

Hiến Pháp thời đầu của Dòng có đoạn viết : “Học hỏi chân lý thánh là một phương pháp chính yếu cho mục đích chuyện biệt của Dòng. Các tu sĩ chúng ta, theo gương sáng và ý muốn của thánh Ða Minh, cũng phải chuyên cần học hành như ngài, đấng đêm ngày, tại tu viện hay khi đi đường, vẫn luôn xem sách hay suy nghĩ về một vấn đề nào, và cố gắng nhớ tất cả những điều có thể nhớ”; hoặc như Chân phước Humberto de Romanis, Bề trên Tổng quyền IV kế vị thánh Ða Minh đã tuyên bố : “Dòng trước tiên đã chọn việc học như mục tiêu trong việc thành lập Dòng ; hay nói cho đúng hơn học hành không phải là mục tiêu của Dòng song nó tuyệt đối cần thiết để thực hiện mục đích của Dòng”.

Thiên Chúa đã muốn sắp xếp cho thánh Ða Minh có một thời gian học hỏi để chuẩn bị cho sứ vụ; và cũng chính vì thánh Ða Minh trung thành với việc học, học hỏi tới nơi tới chốn, mà ngài đã đáp ứng được sứ mạng của Chúa, trở thành một con người sẵn sàng rao truyền chân lý.

Thực sự Thiên Chúa có muôn ngàn cách để kêu gọi con người và chọn lựa các người tông đồ. Thánh Phêrô, chẳng hạn, là một người dân chài, chắc chắn việc học hành chẳng là bao. Tuy thế, Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta gia nhập Dòng Ða Minh, phải chăng Ngài muốn chúng ta sống ơn gọi theo tinh thần Ða Minh, lấy việc học hỏi làm phương pháp cần thiết để chu toàn sứ vụ Thiên Chúa giao phó.

Là một thành viên của gia đình Ða Minh, chúng ta nghe Lời Chúa kêu gọi, cố tâm học hành theo tinh thần Cha Thánh, học hỏi không ngừng, học hỏi trong mọi hoàn cảnh, học trong cầu nguyện, học trong sách vở, học trong cuộc đời. Cũng như thánh Ða Minh, chúng ta xác tín rằng chính nhờ tinh thần học hỏi như vậy, chúng ta có thể nghe được Lời Chúa kêu mời, nghe được sứ vụ Ngài trao phó và chu toàn sứ vụ đó theo đúng Thánh Ý Ngài.