“Con chào Đức Mẹ ạ” là câu nói bập bẹ của một em bé chừng khoảng hơn một tuổi, đang được bố dắt đi chơi trong khuôn viên nhà thờ. Khi đi qua tượng đài Đức Mẹ Lavang, bắt gặp bé khoanh tay ngay ngắn, cúi đầu và bặp bẹ nói: Con chào Đức Mẹ ạ! Tôi không khỏi ngạc nhiên và mừng thầm trong lòng: Bé giỏi quá! và tôi đặt ra câu hỏi: Làm sao em có thể làm được như vậy? Ắt phải có ai đó đã dạy cho bé biết, hay bé đã bắt chước ai đó? Khi hỏi bố của bé, tôi được biết mỗi khi đi ngủ, anh chị đều dạy cháu như thế.
Tôi cảm thấy vui vì những giá trị đạo đức bình dân vẫn đang tỏa sáng nơi nhiều gia đình Công giáo, tuy đã mai một phần nào do môi trường sống cũng như những biến chuyển của thời đại. Cuộc sống có thể đổi thay và cố lấn át những giá trị đạo đức, nhưng làm sao có thể “vùi dập” được những giá trị “đẹp” mà bao đời nay vẫn “đâm chồi” vươn mình hiên ngang trước bão táp của “bụi trần”.
Hành động thật đáng yêu và đáng quí của bé, khiến tôi nhớ lời kêu gọi của cha sở Lộc Hưng nhân ngày “dâng hoa toàn xứ” cuối tháng mười: “Qúy ông bà cho con cháu tự dâng hoa kính Đức Mẹ, đó là việc giáo dục Đức Tin rất có giá trị”. Rồi trong thánh lễ dành cho Thiếu nhi, quý cha thường đặt các câu hỏi để các em suy nghĩ, trả lời đúng sẽ được rinh quà, trong tràng pháo tay tán thưởng của công đoàn, hầu khích lệ các em chuyên chăm học giáo lý, suy niệm Kinh Thánh, am tường lẽ đạo. Đồng thời, quan tâm dạy dỗ, uốn nắn các em những nét đẹp Chân – Thiện – Mỹ.
Bên cạnh đó, ở trong gia đình, ông bà cha mẹ thường dạy con cháu những cử chỉ gắn liền với lễ giáo gia phong. Bà nội nhẹ nhàng cầm tay bé xíu của cháu đặt lên trán “nhân Danh Cha”, đặt xuống ngực “và Con”, rồi đặt vào hai vai “và Thánh Thần. Amen.” Mẹ cháu hướng dẫn cho con biết ảnh Chúa, Đức Mẹ, và các Thánh, còn tập cho con trẻ biết đọc kinh, cảm ơn Chúa trước và sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ hay khi thức dậy, dạy cho cháu biết sẻ chia. Tôi cảm động khi chứng kiến mẹ bảo con cầm hộp bánh Trung Thu biếu nhà bạn nghèo. Và chính tôi buổi trưa miệt mài làm việc, ăn uống chẳng bao nhiêu, buổi chiều bao tử réo gọi, thì cháu bé đưa cho tôi hộp bánh nhỏ.
Tôi hỏi: “Của ai vậy con ?” Bé trả lời: “Dạ ! Bác Huyền ạ”. Qủa vậy ! Tuy chỉ với những hành động đơn sơ, câu nói đơn giản nhưng nhờ đó, các em dần ý thức được lòng biết ơn: biết ơn Thiên Chúa và mọi người, cùng biết tình người chia san. Tuổi thơ các em giống như trang giấy trắng, cứ dần được vẽ lên đó những “hình hài” về Thiên Chúa, về tình bác ái yêu thương từ những nét đơn giản, dần đến những nét phức tạp. Ý niệm về Thiên Chúa, tình yêu trao ban trong các em cứ dần triển nở theo thời gian và theo sự phát triển nơi cơ thể.
Lúc các em còn bé xíu, cha mẹ ông bà cũng thường cho con cháu đến nhà thờ tham dự thánh lễ, cũng như các buổi sinh hoạt đoàn hội, quý cha cũng như mọi người phấn khởi nói rằng: “Đa Minh nhí…legio tương lai.. hạt giống Huynh Trưởng Thiếu Nhi đấy…”. Mỗi khi đi ngang tượng đài Đức Mẹ, hay các thánh…đều nhắc con “Con chào Chúa đi ! Con ạ Đức Mẹ đi !”, khi các em khoanh tay cúi đầu “ạ….!!!!” một tiếng dài , liền được ba mẹ vỗ tay hoan hô, hoặc hôn “chụt” trên trán hay lên má thì các em lấy làm thích thú dường bao. Qua đấy ! mọi người đã vẽ lên “trang giấy trắng tâm hồn trẻ thơ” những “hình hài” đầu tiên về Thiên Chúa, cũng như gia đình đã gieo hạt giống Đức tin trong các em để rồi theo năm tháng hạt giống đó nảy mầm và sinh trưởng.
Hạt giống Đức tin gieo vào trong các em, là hạt giống mà mỗi người đã lĩnh hội từ những thế hệ đi trước. Cha mẹ đã nhận được từ quý cha, quý soeur, ông bà, rồi ông bà lại nhận được từ quý cha cố, các cụ cố,….và cuối cùng đến từ Chúa. Cứ như vậy, hạt giống Đức tin được các thế hệ giữ gìn và nâng niu để “gieo” vào những mảnh đất mới. Hạt giống quý giá này đã bao lần phải bao bọc bằng máu đào của cha ông tổ tiên. Hạt giống giá trị như viên ngọc quý (x. Mt 13,44-46) nên phải bảo vệ và giữ gìn với bất cứ giá nào, cho dù phải hy sinh cả tính mạng mình.
Thật là ý nghĩa và giá trị biết bao, khi những nét đẹp Đức tin được triển nở nhờ những cử chỉ truyền khẩu giản đơn nhưng thật sâu sắc và bền vững ấy. Sâu sắc và bền vững vì nhờ đó mà mảnh đất mới được “đào xới” cho tơi, xốp; hạt giống Đức tin được vun tưới. Nhờ thế, hạt sẽ nảy mầm, rễ sẽ bám sâu vào đất để hút lấy “chất dinh dưỡng” từ những cử chỉ truyền khẩu giản đơn và từ suối nguồn ơn thánh, để cây Đức tin mỗi ngày thêm tươi tốt, không sợ mưa sa hay bão táp của cuộc đời đánh gục.
PHẠM THỤC