17g00 ngày 12.07.2016, phái đoàn hành hương đến Đền Thánh Ninh Cường.
Niềm vui như vỡ òa khi đặt chân lên vùng dất với bao truyền thống cha anh hào hùng đã quyết tâm giữ vững niềm tin dù phải đổ máu, hy sinh tính mạng; Vùng đất nơi các vị thừa sai đặt bước chân đầu tiên đi rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Việt Nam.
Bước vào đền thánh, choáng ngợp với ngôi nhà thờ đồ sộ, đẹp lung linh được bao bởi hồ nước mênh mông, tòa nhà Trung Tâm Mục vụ sừng sững và khuôn viên với bao công trình hoành tráng thánh thiêng. Đến nơi đã thấy Cha Tổng đặc trách, thầy phụ tá chờ sẵn.
Chẳng kịp cất hành lý, anh chị em náo nức được cùng cha tham quan, thăm viếng, hành hương ngay trong khuôn viên Đền thánh.
Như vị chủ chăn dẫn dắt, rao giảng cho đàn chiên, cha Tổng Đặc trách Px. Đào Trung Hiệu OP, cùng Cha quản hạt cũng là Giám Đốc Đền thánh cha Đaminh Đinh Ngọc Hoàn đi trước, đoàn con cái theo sau để nghe các ngài hướng dẫn, thuyết giảng về lịch sử, cội nguồn mảnh đất hào hùng thắm đầm máu đào minh chứng đức tin.
Đền thánh Ninh Cường tọa lạc trên mảnh đất mà vị giáo sĩ gắn liền tên tuổi với lịch sử Giáo hội Việt Nam I-nê-khu đã đến rao giảng Tin Mừng vào tháng 3 năm 1533. Nơi đây chính là cơ sở truyền giáo lớn trong vùng Nam Định, được mệnh danh là “Phúc âm địa linh nhân kiệt”.
Bắt đầu cuộc thuyết giảng về đền thánh Ninh Cường, các cha lần lượt giới thiệu những bộ tượng mang những ý nghĩa Lịch sử Cứu độ như: Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng với các môn đệ đang lắng nghe, Chúa Giêsu với 6 chum nước nhắc đến phép lạ đầu tiên trong tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu trong vườn cây Dầu khi các môn đệ đang ngủ, Đức Mẹ thăm viếng bà Isave, Gia đình Thánh trong ngày Chúa Giáng trần…
Bên trái có cây “đức tin” có ghi lại những dấu tích của các vị tử đạo như thánh Liêm, thánh Gia, … các vị thánh đã phục vụ tại giáo phận Bùi Chu. Nơi đây phác họa hình ảnh các vị thánh tử đạo và tiểu sử các ngài. Các anh chị em trong huynh đoàn có nhận các vị tử đạo nơi đây làm bổn mạng đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội ngàn vàng này, vội vã ghi lại những khung ảnh quý giá trong niềm xúc động dâng trào vì đang đứng ngay trên mảnh đất vị quan thầy của mình đã đổ máu đào minh chứng đức tin.
Đó là khu “vườn Rosa” với 20 bộ tượng minh họa cho 20 mầu nhiệm Mân Côi như nói lên lòng thành kính với những lời kinh nguyện trong tràng chuôi Mân côi. Chính những lời kinh tưởng như đơn giản nhưng đã là cứu cánh cho bao cuộc đời trong những ngày gặp gian nguy, thử thách; giữa những chông chênh của cuộc đời.
Trong vườn cầu nguyện phía sau có tượng vị thừa sai I-nê-khu cao hơn 4m với tấm bia ghi nhớ thời điểm đón nhận Tin Mừng của Ninh Cường.
Bên ngài là một giếng nước rửa tội, đào được dưới lòng đất khi xây dựng khu vựa này. Phía sau nhà thờ có một giếng nước của chủng viện Ninh Cường xưa. Cha nói mọi người có thể soi đèn pin xuống thấy nước rất trong. Tương truyền rằng khi các thầy uống nước giếng này trở nên rất đẹp trai, nên bị cấm không cho dùng nước nơi đây và đã lấp miệng giếng, vì các cụ ngày ấy sợ mất ơn gọi. Nay cha đã khơi lại miệng giếng, nước vẫn trong, uống nước này vẫn đẹp trai và có thể nói là có duyên dáng, uyên bác hơn nữa. Chẳng thế mà nơi mảnh đất này đã phát sinh bao vị anh hùng tử đạo và những vị thuyết giảng tài ba bằng chứng là sự phát triển của giáo dân nói chung và Huynh đoàn Đaminh nói riêng.
Bên cạnh là tháp chuông nhà thờ cổ được gọi là “Tam chung” vì trên tháp có 3 quả chuông, tuy nhỏ nhưng ghi ghi nhiều dấu ấn lịch sử nơi đây.
Một hang đá Mẹ Lộ Đức mới được xây dựng khi kỷ niệm 100 năm Giáo phận dâng hiến cho Mẹ.
Kế đến là “vườn cầu nguyện” với ngôi nhà nguyện cổ kính được xây dựng từ năm 1682 khi cha Gioan Thập, OP. nhận coi xứ. Mặt tiền ngôi nhà nguyện đã được tu sửa lại nhưng vẫn có gắng giữ lại những nét truyền thống đã lưu truyền từ bao năm qua, trong nhà thờ vẫn giữ nguyên trạng như thuở ban đầu. Căn nhà nguyện đã trải qua 334 (ba trăm ba mươi bốn) năm dường như nhỏ bé trước đoàn người hành hương đông đúc, nhưng lại thật rộng lớn bao la trước sự thành kính, cúi mình khi anh chị em tiến vào.
Một di tích khác của Ninh Cường đó là “căn nhà lá” với kỷ niệm hết sức đặc biệt của vị giám mục gậy tre mũ giấy. Chính nơi đây Đức cha Valentinô Vinh đã được đức cha Sampedro Xuyên tấn phong Giám Mục vào lúc 2 giờ sáng trong một đêm năm 1858 vào thời kỳ bách hại.
Vị Giám mục này được mệnh danh là Giám mục sinh non vì lễ tấn phong được cử hành khi ngài mới 31 tuổi và mới đến Việt Nam được vài tháng. Ngài cũng được gọi là giám mục hầm trú vì suốt ba năm giám mục của ngài thường xuyên phải ở dưới hầm trú.
Sở dĩ ngài được gọi là Giám mục “mũ giấy, gậy tre” vì trong ngày nhận chức mũ của người được làm từ giấy cạc tông, và gậy được chặt từ cây tre trong vườn. Thế mới biết được những ngày bách hại lòng đạo đức, sự tin tưởng và niềm cậy trông vào Thiên Chúa to lớn đến chừng nào. Chỉ có lòng mến mới giúp cho các tín hữu đứng vững bảo vệ niềm tin của mình.
“Căn nhà lá” còn được coi như một “viện bảo tàng” nhỏ, trong đó chứa đựng rất nhiều vật dụng của các thánh tử đạo, những vị thừa sai đã sinh sống hoạt động nơi đây: như mâm, bát, tô, nồi niêu, cả quang gánh các cha đã dùng để di chuyển. Một vài bộ áo lễ cổ xưa, một cái máy may (không đạp bằng chân) nhưng là quay bằng tay. Theo tục truyền đây chính là máy may của ông Trùm Chi dùng để may áo lễ cho các cha lúc bấy giờ, trong đó có áo Giám mục Xuyên.
Theo thời gian, căn nhà lá đã xuống cấp khá nhiều, hiện nay cha Giám đốc đang dựng một căn nhà bê tông bao quanh để bảo vệ căn nhà lá di tích và sẽ trở thành một bảo tàng, chứ bây giờ thì theo lời cha Giám đốc đây là căn nhà “đi luồn vào cúi” đúng theo nghĩa đen, vì nhà quá thấp và còn ngổn ngang kỷ vật.
19g00 Thánh lễ đồng tế với cha Fx. Đào Trung Hiệu OP, Chủ tế, cùng dâng lễ với ngài là cha Quản hạt cũng là cha Đaminh Giám đốc Đền thánh Ninh Cường, qúy Cha Đặc trách các HĐGDĐMVN/GP: Sài Gòn, Phan Thiết, Phú Cường, Ban Mê thuột, Thái Bình, Bùi Chu.
Trong bài giảng cha Tổng đặc trách mượn một câu nói của Đức Thánh Cha cho đại hội giới trẻ 2011 : “Hãy cắm rễ nơi Đức Ki-tô” để ngài nói lên tâm tình ngưỡng mộ và “ghen tị” với Ninh Cường vì nơi đây được mệnh danh “Phúc âm linh nhân kiệt”, mảnh đất dồi dào ân sủng của Thiên Chúa. Cuối bài giảng cha cầu xin cho mỗi người chúng ta đừng để vương vãi những hồng ân Thiên Chúa ban cho. Xin cho được noi gương các vị tiền nhân sống đời sống chứng nhân cho Tin Mừng. Xin cho mỗi người biết cắm rễ sâu nơi Đức Ki-tô.
Trước khi kết thúc thánh lễ cha Giám đốc gửi đến quý cha Đặc trách và anh chị em lời chào đón thân tình và mong thứ lỗi vì không thể đón tiếp tốt hơn.
Ra về, dù trời đã tối nhưng cũng kịp nhìn lại ngôi thánh đường nguy nga sừng sững cao 18m, tháp chính cao 50m, rộng 24m, dài 65m đã được xây dựng trong 22 năm từ 1872 đến 1894, được trùng tu lại năm 1994, và được coi là ngôi nhà thờ gỗ lớn nhất giáo phận Bùi Chu.
Trên bàn thờ có 7 vị tử đạo đã từng coi sóc giáo xứ gồm bốn thánh giám mục Delgado Y OP (+1838) Henarez Minh OP (+1838), Sampedro Xuyên OP (+1858) Valentinô Vinh OP (+1861) và hai thánh linh mục Fernandez Hiền OP (+1838) và Phêrô Nguyễn Bá Tuần (+1838).
Cuối nhà thờ có hai tượng sáp của hai vị tử đạo là người con của quê hương Ninh Cường: cha Phê-rô Nguyễn Văn Tự OP (1796-1883) và Giuse Nguyễn Đình Uyển OP (1775-1838). Hai vị như nằm ngủ trong hòm kính với kích thước như người thật để con cháu được viếng các ngài mỗi khi ra vào nhà thờ.
Bữa cơm tối thân tình và đậm chất vùng quê với canh cua, cà pháo, mắm tôm, đậu hũ thật ngon để mọi người được một giấc ngủ say, sau những giờ rong ruổi trên đường.
Thật hạnh phúc khi thời tiết Ninh Cường, nhờ lời chuyển cầu của các thánh tử đạo, Chúa ban cho thật mát mẻ, không oi nồng, nóng bức như tưởng tượng.
Theresa