HĐGDĐMVN hành hương về nguồn: Quần Phương, Quần Cống, Phú Nhai

Sau một đểm nghỉ ngơi ở Ninh Cường, 6g30 sáng 13/7/2016, phái đoàn tiếp tục hành hương đến Quần Phương, Quần Cống, Phú Nhai.

7g10’ xe dừng tại công nhà thờ Quần Phương, đoàn hành hương được cha Quản hạt cũng là cha xứ giáo xứ Quần Phương đón tiếp niềm nở.

Cũng như ngày hôm qua, cha Tổng đặc trách và cha quản hạt cho biết trước đây Quần Phương được gọi là Quần Anh, nhưng vì chữ Anh phạm húy một vị công chúa thời đó, nên phải đổi thành Quần Phương. Quần Phương cùng với Phú Nhai và Ninh Cường là 3 địa điểm được đón nhận Tin Mừng từ vị thừa sai I-nê-khu sớm nhất Việt Nam: vào năm 1533.

Đoàn hành hương được người đưa vào trong nhà thờ và giới thiệu nơi đặt linh hài các vị thánh tử đạo. Cha hạt trưởng kể rằng sau thời di dân 1954, vị chủ chăn nhận được hộp hài cốt các vị thánh tử đạo, lúc đầu các ngài tưởng chứa đựng nhiều loại cốt, nhưng sau được đức cha về mở tiếp hộp bên dưới thì mới biết đó là cốt của hai vị tử đạo: Giuse Ngô Duy Hiển, OP và cha Benado Vũ văn Duệ, căn cứ vào giấy tờ để lại trong hộp. Và tính từ thời gian đóng hộp, đến khi đức cha mở ra đúng 50 năm.

Cha Hiển là một họa sĩ, ngài thường ngồi vẽ những bức tranh mang hình thánh giá, nhiều giáo dân đến xin thánh giá của ngài vẽ về tôn kính. Còn cha Duệ ở tuổi 83 được mệnh danh “cụ già gân”, ngài đã về hưu nhưng quyết tâm theo đức cha Delgado lên Nam Định trong hành trình chứng nhân. Tuy đã già yếu, mắt mờ, tai lãng nhưng khi quân lính đi ngang qua ngài cũng cố ra đường và xưng mình lả đạo trưởng để “được” quân lính bắt vào tù, hầu mong được lãnh nhận phúc tử đạo.

Nếu như tất cả cung thánh của các nhà thờ miền Bắc luôn là sơn son thếp vàng, thì nhà thờ Quần Phương có điểm khác biệt : đó là gian cung thánh với bức phù điêu Đức Giêsu Phục sinh trên thập giá và các thánh tử đạo Việt Nam. Khi tu bổ thánh đường đã có nhiều ý kiến thay thế bằng cung thánh truyền thống, nhưng vì bức phù điêu này là hiếm có và duy nhất nên giáo xứ chỉ thực hiện thêm khung viền sơn son thếp vàng.

Lúc đầu tiên nhà thờ là nhà nguyện của các cha dòng Đaminh, nhưng sau này các cha Đaminh nhường lại cho giáo phận. Dòng Đaminh đã tồn tại ở vùng đất này từ 300 năm và tu viện đầu tiên của dòng Đaminh là ở Quần Phương từ năm 1934 – 1940, về sau các cha Đaminh chuyển tu viện về khu Khoái Đồng. Tu viêng Đa Minh Quần Phương  trở thành đại chủng viện giáo phận bùi Chu và nay là trường học Hải Hậu ở phía sau nhà thờ.

Vì thế giáo dân ở họ chính Quần Phương rất ít (vì thuộc tu viện Dòng), bảy giáo họ của Quần Phương phải chia phiên nhau để phục vụ chăm sóc nhà thờ của giáo xứ.

Giáo xứ Quần Phương có nhiều vị tử đạo, ngoài hai cha Hiển và cha Duệ sinh trưởng tại đây, còn là nơi các cha Henarez Minh OP, cha Đaminh Nguyễn Văn Hạnh OP, thầy Đỗ văn Chiểu từng phục vụ và bị giao nộp tại Quần Phương này. Ngoài ra đền thánh Quần Phương còn lưu kính nhiều linh cốt các vị tử đạo đã được giáo hội suy tôn và rất nhiều hài cốt của các “tôi tớ Chúa” hay còn gọi là các vị đáng kính được tôn vinh ở một đài tưởng niệm trước nhà xứ, bên tấm bia ghi nhớ Quần Phương được đón nhận Tin Mừng năm 1533.

Trước khi rời Quần Phương, đoàn hành hương nguyện kinh Phụng vụ sáng tại nơi đây.

8g56’ đoàn hành hương đến Quần Cống, còn được gọi là đền Tam Thánh chính xác hơn được mệnh danh là nơi “nhất gia tam thánh”.

Quần Cống vì nơi đây hội tụ những người đỗ đạt làm quan, “nhất gia tam thánh” vì nơi đây có một gia đình gồm 3 người cùng tử đạo: đó là quan án Đaminh Phạm Trọng Khảm, Cai tổng Giuse Phạm Trọng Tả, gọi thánh Khảm là chú ruột, và quan Cai Đội Luca Phạm Trọng Thìn là con trai út của thánh Khảm. Cả ba bị xử giảo cùng ngày 13/01/1859 vì tội không chịu bỏ đạo.

Đền thánh được xây dựng nhân kỷ niệm 150 ba vị được lãnh phúc tử đạo. (khánh thành năm 2009). Ngôi đền rộng lớn với diện tích khoảng 2.000m2. Kiến trúc mang nhiều hình tượng tiêu biểu như đền hình tròn, có 3 tầng nón trên nền vuông: vuông tròn biểu tượng trời đất giao hòa, 3 tầng nón biểu tượng 3 vị thánh tử đạo che chở cho dân làng. Bên cạnh đền là những ngọn đồi, những tảng đá to chập chùng như nhắc đến lòng kiên trung, vững chắc của các ngài như đá tảng giữa những hiểm nguy chập chùng.

Để đi vào đền phải đi qua một hồ nước ý muốn nhắc người vào đền phải được thanh tẩy tâm hồn và thân xác, có các chum trên hồ nhắc lại câu chuyện lịch sử bà Nhiêu Côn, con gái ông Thánh Khảm, đã từng dấu đức cha Xuyên trốn trong chum, rồi phủ ao bèo lên đánh lạc hướng quân lính lùng bắt.

Trên ngọn tháp cổ có những biểu  tượng hoa văn: nhành thiên tuế, sợi dây thừng khắc trên cột ám án xử giảo ba thánh (dây thắt cổ cho chết).

Khi đến đền đoàn hành hương nghe được tiếng kinh nguyện, vị chủ chăn cho biết, đền được chia phiên cho các gia đình chầu hàng ngày, một gia đình chầu 2 lượt mỗi năm.

Bên cạnh đền có mái ấm nuôi dưỡng chăm sóc hơn 30 cụ già neo đơn, có nhà thuốc chăm sóc người bệnh, nhà trẻ do các dì (nữ tu) phụ trách. Có nơi lưu giữ hài cốt thai nhi và có hội bảo vệ sự sống.

Trước khi ra về, đoàn hành hương cùng cha Tổng đặc trách hát Kinh Chúa Thánh Thần, đọc kinh các thánh tử đạo Việt Nam, hát “bài ca ngàn trùng”, rồi cha nhắn nhủ: nơi đây các thánh tử đạo là những người được học hành chu đáo, đỗ đạt, nên mời gọi các gia đình cũng noi gương quan tâm đến con cái và cầu nguyện để việc giáo dục con cái thành công, mang lại lợi ích cho Giáo hội và xã hội hôm nay.

Trước khi ra về đoàn được cha xứ Giuse Vũ Viết Hà mời vào hội trường giải lao và ấn tượng ngài để lại cho đoàn hành hương các câu thơ: “Cô gái Quần lạc / đi chợ Lạc Quần / bán lạc mua quần / về lại Quần Lạc”.

10g00 đoàn hành hương về tới Phú Nhai, từ xa đã thấy dòng chữ “Vương cung Thánh Đường Phú Nhai”, được biết danh hiệu Vương cung Thánh Đường do Tòa thánh phong năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 150 năm dâng hiến giáo phận bùi Chu cho mẹ Maria Vô Nhiễm.

Ngay trước thánh đường có đài thánh Đaminh và lăng 87 vị tôi tớ Chúa gốc ở Phú Nhai.

Phú Nhai cùng với Ninh Cường và Quần Phương được vinh dự đón nhận Tin Mừng đầu tiên trên quê hương Việt Nam năm 1533.

Trong số 117 vị thánh tử đạo Việt Nam có 38 vị thánh dòng Đaminh, thì Phú Nhai có 4 vị linh mục dòng Đa Minh được lãnh phúc tử đạo, đó là các cha Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, cha Tôma Đinh Viết Dụ, cha Vinh Sơn Đỗ Yến và cha Đaminh Đinh Đức Mậu và hai giáo dân Đaminh Đinh Đạt và Giuse Trần Văn Tuấn.

Nguồn gốc thánh đường Phú Nhai được kể rằng vào năm 1858 khi cuộc bách hại diễn ra, đức cha Vinh và cha Riano Hòa đã dâng giáo phận Bùi Chu cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và hứa rằng nếu giáo phận được bình yên thì sẽ nhận Mẹ Maria Vô Nhiễm làm quan thầy và xây dựng đền thờ để tôn kính Mẹ và dâng lời tạ ơn.

Khi đức cha Vinh chịu phúc tử đạo năm 1861, sau khi cha Hòa được phong giám mục 3 năm thì ngài khởi công xây dựng thánh đường Phú Nhai năm 1881. Sau 6 năm xây dựng, ngôi đền được khánh thành, năm 1929 một cơn bão lớn lúc bấy giờ làm thánh đường hư hại, nhưng vì thế mà thánh đường được tái thiết khang trang hơn với hai tháp cao 44m (trước là 30m) chứa 4 quả chuông được đúc từ Pháp mang về.

Đoàn hành hương đã cùng dâng thánh lễ với 7 cha đồng tế.

Sau đó đoàn hành hương ở lại dùng cơm trưa tại đền thánh phú Nhai.

Theresa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *