Hiệu quả Kinh Mân Côi : Mùa Thương

 

MẦU NHIỆM THỨ NHẤT
Chúa hấp hối trong vườn cây Dầu

Suy niệm: Lòng thống hối

mc12.jpgNỗi khổ tâm nhất của Đức Giêsu trong vườn cây dầu không chỉ do những hình khổ Ngài sẽ chịu, mà vì Ngài thấy trước: rồi đây nhân loại vẫn chen chúc nhau trong hố sâu tội lỗi. Điều Ngài buồn nhất chính là sẽ còn rất nhiều người cố chấp, không chấp nhận công nghiệp khổ giá được ban không cho họ.

Chúng ta ai cũng có tội. Thánh Gioan nói rằng: “Ai bảo mình vô tội là kẻ nói dối” (1Ga 1,10). Do đó, nếu chúng ta không thống hối về tội mình, chúng ta là phần tử gây nên cơn hấp hối của Chúa trong vường Giệt-si-ma-ni.

Lạy Chúa, con xin tự thú :
con đã phạm tội phản nghịch Ngài,
khi con đắm mình trong lạc thú,
khi con tôn thờ của cải,
và khi tranh giành quyền lợi, danh vọng.

Lạy Chúa, tội lỗi làm con xa Chúa,
phạm tội là chà đạp lên dòng máu thẳm vô tội của Ngài
và chất thêm ưu tư cho Ngài.

Xin cho con biết khóc thương lỗi lầm,
và can đảm đứng lên trở về với Chúa
như người con thứ thân thưa :
“con đã đắc tội với Cha”

Và con biết chắc:
Cha chí nhân sẽ ôm chầm lấy con và dọn tiệc mừng
“Cả thiên đàng sẽ vui khi một tội nhân hối cải”

MẦU NHIỆM THỨ HAI
Chúa chịu đánh đòn

Suy niệm: Lòng yêu hãm mình

Trăm ngàn vết thương trên thân thể ngọc ngà của Đức Giêsu là trăm ngàn miệng kêu gọi, nài nỉ người Kitô hữu sống hãm mình. Trong lịch sử Giáo hội, có biết bao vị thánh yêu chuộng việc khổ chế hãm mình. Họ mặc áo nhặm, họ đánh tội, họ sáng chế nhiều cách thức khác nhau để khuất phục thân xác theo những đòi hỏi của tinh thần.

Việc hành hạ thân xác, thực ra tự nó không có giá trị gì nếu không tìm được lý do sâu thẳm của nó, nó nhắc ta nhớ đến cuộc thương khó của Chúa, nó làm ta suy nghĩ đến hậu quả tàn khốc của tội để thống hối. Và giúp ta biết sử dụng thể xác để phục vụ cho tinh thần.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa
đã ban cho con một thân thể để phụng sự Chúa,

Xin cho con biết sử dụng mọi quan năng Chúa ban,
để chiêm ngưỡng kỳ công Chúa,
để thưởng thức Lời Chúa,
và để ca ngợi trong tâm tình tri ân.

Xin cho con đừng quá mơn trớn nó
bằng các cuộc ăn chơi đài các,
theo đuổi những khoái lạc đê hèn,
hay đắm mình trong trụy lạc suy đồi.

Lạy Chúa, con không dám
đứng vào hàng ngũ các vị thánh đánh tội phạt xác,

Con chỉ xin dâng những hy sinh nhỏ bé hàng ngày,
bằng cách từ bỏ những hưởng thụ không cần thiết,
để chế ngự thân xác theo những đòi hỏi cao thượng.

MẦU NHIỆM THỨ BA
Chúa đội mão gai

Suy niệm: Đức nhịn nhục

Trong muôn ngàn sỉ nhục, giữa những lời nhiếc móc, chửi bới và chế diễu, Đức Kitô vẫn giữ được thái độ siêu phàm. Ngài không phẫn nộ, không tỏ ý chống cự, không có dấu báo thù. Ngài im lặng, hoàn toàn im lặng, không nói một lời.

Ngài để lại cho chúng ta tấm gương đặc biệt về đức nhịn nhục. Noi gương Ngài có nghĩa là : dù ai nói ngả nói nghiêng cũng không làm chúng ta nao núng. Bởi vì phẩm giá mỗi con người là ở nơi chính mình chứ không phải nơi dư luận. Và dù người đời ác cảm hay hiểu lầm, điều đó không quan trọng, miễn là có Chúa hiểu cho mình.

Lạy Chúa,
tự ái của con cao hơn núi,
con không thể chấp nhận ai xúc phạm đến con,
con nổi nóng với người chống đối con,
trả đũa kẻ nói xấu và cãi vả với ai chế diễu con.

Xin cho con nhớ rằng:
họ có những lý do mà con không thể hiểu.
Và dù họ sai lầm,
con cũng có nhiều điều xấu mà họ không biết,
Để nhờ đó con biết sống khiêm tốn hơn,
biết tha thứ và cư xử dịu dàng.

Lạy Chúa, điều đó quả là khó,
nhưng Chúa đã nêu gương là để con noi gương.

MẦU NHIỆM THỨ BỐN
Chúa vác thánh giá

Suy niệm: Lòng yêu khổ giá

Chúa Giêsu nói với hai môn đệ trên đường về Em-mau : “hỡi những kẻ ngu muội và chậm tin vào những điều tiên tri đã nói “Đức Kitô đã chẳng phải chịu khổ nạn như vậy rồi mới vào vinh quang sao ?” (Lc 24,26). Chúa cũng nói với mỗi kitô hữu rằng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, không đáng làm môn đệ Thầy” (Lc 9,23).

Đã là người chẳng ai gặp đau khổ, nhưng thái độ của Kitô hữu trước đau khổ khác với những người không có đức tin. Suy niệm đường khổ giá Chúa, mọi đau khổ có thể trở thành mầu nhiệm sự sống, giải thoát ta khỏi ích kỷ và có giá trị cứu rỗi.

Lạy Chúa,
Xin cho con can trường trước mọi đau khổ xảy đến,

Xin cho con can đảm
không bao giờ buông xuôi trong cơn bĩ cực,

Xin cho con vui tươi yêu mến
và hăng hái vác lấy thập giá đời mình
để bước theo chân Chúa.

Bởi vì Chúa luôn vác thập giá đi trước con,
vì hạt giống thối đi mới sinh ngàn bông hạt.
và vì Chúa muốn con được vinh dự
cộng tác vào việc cứu độ trần gian.

Lạy Chúa, ước gì trong những lúc đau khổ nhất,
con vẫn đủ sức và cảm thấy cần thiết
suy niệm đến các chặng đường thánh giá Chúa.

MẦU NHIỆM THỨ NĂM
Chúa bị đóng đinh trên khổ giá

Suy niệm : Đức tự chủ

Khi bị đóng đinh trên khổ giá, Chúa Giêsu đã kéo mọi sự lên cao với Người. Thánh Phaolô nêu gương cho chúng ta: “Tôi chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, nên tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Ngước nhìn lên Thánh giá, chúng ta được kêu gọi chết đi cho tội lỗi, và sống lại trong ân sủng. Ngước nhìn lên Thánh giá, chúng ta nhận được lời kêu gọi, thúc đẩy và khích lệ sống vươn lên. Phải vượt qua mọi tham vọng, đam mê và điều khiển trí óc, ước muốn theo ý Chúa. Ngài chết vì tội lỗi của tôi.

Lạy Chúa,
con làm dấu thánh giá mỗi ngày,
con nhìn thấy thánh giá mọi nơi,
trong giáo đường, nơi nghĩa trang,
trên bàn thờ các gia đình,
con đeo thánh giá trước ngực…

Xin cho con nhận ra đó là tiếng của Chúa
không ngừng nhắc nhở “Hãy sống vươn lên”

Xin tẩy sạch trong con mọi khuynh hướng xấu xa,
mọi ước muốn ngang trái và mọi ý hướng tội lỗi.

Lạy Chúa,
khi chết treo trên thập giá, Chúa đã đưa con lên,
xin đừng để con lại rớt xuống hố sâu sa đọa nữa.