Hội đồng Giám mục: Colombia sắp hết linh mục

1. Hội đồng Giám mục: Colombia sắp hết linh mục

Hội đồng Giám mục: Colombia sắp hết linh mục

Trong 30 năm qua, đã có sự suy giảm về ơn gọi chủng sinh trong nước; nếu xu hướng tiếp tục, trong tương lai sẽ có ít linh mục hơn ở Colombia.

Theo số liệu của Hội đồng Giám mục Colombia, tại nước này hiện có 600 phó tế vĩnh viễn 7.000 linh mục triều và 4.000 linh mục dòng.

Có lẽ với bức tranh toàn cảnh này thì không có quá nhiều lo ngại, trừ khi chúng ta bắt đầu bối cảnh hóa hiện tại từ quá khứ. Vào năm 1990, đất nước có 6.000 chủng sinh, vào năm 2020, con số đó giảm xuống chỉ còn 2.400 và vào năm 2021 là 1.700, và sự suy giảm này đang tiếp tục diễn ra.

Theo Cha Manuel Vega León, giám đốc Ủy ban Mục vụ và Đời sống Thánh hiến của Hội Đồng Giám Mục Giám mục Colombia, nếu xu hướng này tiếp tục, tương lai sẽ rất phức tạp vì sẽ không có việc chăm sóc mục vụ trong các cộng đồng giáo xứ.

Một số yếu tố quyết định làm nổi bật lý do tại sao Giáo hội Colombia lại trải qua tình trạng này. Vào những năm chín mươi, ơn gọi thường xuất phát từ các gia đình đông con ngoan đạo, nhưng đó không phải là thực tế ngày nay, bởi vì số con trong một gia đình ngày càng ít đi, với hầu hết các gia đình chỉ có một con.

Có những vùng tại Colombia đang mất dần sự gắn bó với ơn gọi tư tế, chẳng hạn như Santander và Antioquia. Và cuối cùng, không phải là một thực tế nhỏ, là những vụ tai tiếng trong Giáo Hội Công Giáo, đã tạo ra sự chán nản và mất lòng tin trong các gia đình.

Nhưng Cha Vega León nhìn thấy cơ hội trong khó khăn; đối với ngài, một số chiến lược là cần thiết. Đầu tiên là sự đồng hành của các nhà vận động ơn gọi. Mỗi thẩm quyền của Giáo hội được kêu gọi ủy nhiệm một linh mục hoặc một nữ tu để đồng hành với các thanh niên và thiếu nữ trong khi họ phân định về ơn gọi của mình.

Thứ hai, thực hiện các chương trình mầm non ơn gọi trong các Giáo phận, nơi ươm mầm cho ơn gọi trong những giai đoạn đầu tiên của cuộc đời (thời thơ ấu, thiếu niên và thanh niên); và thứ ba, bảo vệ gia đình qua các thực hành hữu ích như dạy giáo lý, hoặc các bí tích như Thánh Thể và thêm sức.

Với lời kêu gọi này, Giáo Hội Công Giáo hy vọng rằng mối quan tâm về ơn gọi không chỉ được xem như một mối quan tâm định chế, mà còn là quan tâm và hy vọng của các gia đình, và cá nhân về một phong cách sống phục vụ thế giới, xã hội và chính giáo hội.


Source:caracol.com.co

2. Lviv cấm Chính Thống Giáo trực thuộc Mạc Tư Khoa hoạt động

Hội đồng địa phương ở thành phố Lviv, miền tây Ukraine đã trở thành hội đồng đầu tiên cấm một Giáo Hội Chính thống giáo có liên kết trực tiếp với Mạc Tư Khoa hoạt động.

Theo thị trưởng Lviv Andriy Sadovyi, việc hội đồng nhất trí bỏ phiếu cấm hoạt động của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC – có tính chất “chính trị” và không có hiệu lực lập pháp, vì các quy tắc về các tổ chức tôn giáo phải được đưa ra ở cấp quốc gia..

“Đây là một quan điểm mà chúng tôi đã lên tiếng công khai, và bây giờ các cơ quan nhà nước phải bắt tay vào giải quyết nó,” Sadovyi cho biết như trên.

UOC, cho đến tháng 5 vừa qua vẫn phải báo cáo với Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa. Thượng Phụ Kirill vẫn là thẩm quyền tối cao chính thức của Chính Thống Giáo ở Ukraine cho đến năm 2019, khi Giáo Hội Chính thống tân lập của Ukraine được các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Istanbul chính thức công nhận.

Một Giáo Hội Ukraine riêng biệt, được coi là một phần thiết yếu của nhà nước Ukraine mới độc lập, khỏi sự cai trị của Liên Xô vào năm 1991. Ukraine đã chiến đấu trong nhiều năm để được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô ở Istanbul công nhận trước khi cuối cùng đạt được nguyện vọng này vào năm 2019.

Hầu hết các tín hữu giáo dân đã chuyển sang Giáo Hội mới nhưng đa số các giáo xứ vẫn trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gây ra căng thẳng cao độ sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2.

Vào cuối tháng 5, các Giám Mục của UOC đã bỏ phiếu cắt đứt quan hệ với Mạc Tư Khoa để đáp lại sự ủng hộ trắng trợn của Thượng phụ Kirill cho cuộc chiến, được Điện Cẩm Linh mô tả là một “hoạt động quân sự đặc biệt”

Hầu hết các tín hữu ở Lviv, giống như phần lớn phía tây của Ukraine, là người Công Giáo theo nghi thức Đông phương – có liên hệ với Rôma nhưng có các cử hành Phụng Vụ giống như Chính Thống Giáo.

Theo hội đồng thành phố, chỉ có bốn nhà thờ ở Lviv thuộc về UOC.

Một trợ lý cho Đức Tổng Giám Mục Lviv của UOC nói với Reuters rằng ngài không tin rằng lệnh cấm này có thể áp dụng cho UOC vì UOC đã tách ra khỏi quỹ đạo Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, Yuriy Lomaha, ủy viên hội đồng cho rằng, sự đoạn tuyệt của UOC đối với Mạc Tư Khoa là “giả tạo”.

“Họ đang đi theo con đường này để ít bị chú ý hơn”, Lomaha nói với Reuters. Quan điểm của ông phản ánh sự ngờ vực rộng rãi hơn trong xã hội Ukraine về UOC và mối liên hệ lâu dài của Giáo Hội này với Mạc Tư Khoa.

Một cuộc thăm dò hồi tháng 4 cho thấy 51% người Ukraine được khảo sát muốn chính phủ ra lệnh cấm UOC, với sự ủng hộ cao hơn đáng kể ở phía tây của đất nước.


Source:Reuters

3. Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine tại Hoa Kỳ ca ngợi quyết định ban cấp tư cách ứng viên Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine

Người Công Giáo Ukraine ở Philadelphia và trên toàn quốc đang “hoan nghênh bước đi can đảm của Liên minh Âu Châu trong việc mở rộng quy chế ứng viên cho Ukraine,” Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Mỹ, cho biết.

Charles Michel, chủ tịch Hội đồng Âu Châu, ngày 23 tháng 6 thông báo rằng cả Ukraine và nước láng giềng Moldova đã được cấp tư cách ứng viên, theo điều mà ông mô tả là một quyết định “lịch sử” giữa hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày 23 và 24 tháng 6 của Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels.

Ông Michel nói: “Chúng tôi đang gửi một thông điệp rất mạnh mẽ, một thông điệp về sự thống nhất và quyết tâm địa chính trị”, đồng thời lưu ý rằng nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Georgia, nơi “quan điểm Âu Châu” đã được công nhận, cũng sẽ được ban cấp tư cách ứng viên “một khi các ưu tiên nhất định được giải quyết.”

Hội đồng Âu Châu bao gồm các nguyên thủ quốc gia của các thành viên Liên Hiệp Âu Châu.

Ukraine đã nộp đơn gia nhập Liên Hiệp Âu Châu bốn ngày sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2. Đó là cuộc tấn công tiếp tục của Nga sau cuộc chiến phát động vào năm 2014 nhằm sáp nhập Crimea với sự hậu thuẫn của các lực lượng ly khai ở Donetsk và Luhansk.

Đợt xâm lược mới nhất được đánh dấu bằng bạo lực đặc biệt khủng khiếp đối với dân thường, khiến các quốc gia kêu gọi điều tra tội ác chiến tranh và diệt chủng.

Con đường gia nhập hoàn toàn vào Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine có thể mất một thập kỷ hoặc hơn, nhưng thông báo ngày 23 tháng 6 là “một dấu hiệu cho thấy Liên Hiệp Âu Châu công nhận những hy sinh mà người Ukraine đang thực hiện hàng ngày để bảo vệ và bảo đảm tương lai của Âu Châu”, Tổng giám mục Gudziak nói như trên với trang CatholicPhilly.com, là trang tin tức trực tuyến của Tổng giáo phận Philadelphia.

“Chúng tôi đánh giá cao sự liên kết chặt chẽ hơn của Ukraine với Âu Châu, không chỉ vì nó sẽ giúp Ukraine phòng thủ vào thời điểm này trước cuộc xâm lược vô cớ của Nga, mà còn vì Ukraine sẽ đóng góp nhiều cho Liên Hiệp Âu Châu”, Đức Tổng Giám Mục, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Philadelphia cho biết.

Ukraine, quốc gia giành được độc lập từ Liên Xô cũ vào năm 1991, sẽ củng cố và làm giàu cho Liên Hiệp Âu Châu và 27 quốc gia thành viên của nó, ông nói.

Đức Tổng Giám Mục Gudziak nói: “Ukraine đã gắn kết Liên Hiệp Âu Châu lại với nhau trong khi chịu đựng cuộc khủng hoảng nội bộ của chính mình. “Người Ukraine đang chứng tỏ rằng có những nguyên tắc đáng sống và đáng chết. Hàng trăm người Ukraine đang cống hiến cuộc sống của họ mỗi ngày cho các nguyên tắc dân chủ, công lý và tự do “.

Đặc biệt, “hai điều đã trở nên rõ ràng” liên quan đến sự thống nhất của Liên Hiệp Âu Châu.

Ngài nói: “Thứ nhất, một mình đồng Euro không thể giữ Liên Hiệp Âu Châu lại với nhau. “Thứ hai, việc bỏ qua các nguyên tắc cơ bản của thần thánh và con người – sự thật, công lý, tự do – không thể bảo đảm hòa bình và thịnh vượng.”

Khi các cuộc tấn công tàn bạo của Nga tiếp tục, “Người Ukraine đang hy sinh tối cao để bảo vệ các nguyên tắc và giá trị mà Liên Hiệp Âu Châu, và nền văn minh Âu Châu nói chung, được thành lập,” Đức Tổng Giám Mục Gudziak nói. “Họ xứng đáng hơn bất cứ ai để trở thành một phần của hiệp thông Âu Châu.”


Source:Sunday Visitor

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *