Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina ngày 09.03.2018

Hội nghị thường niên kỳ I/2018 và thăm Bộ Ngoại giao của Toà thánh

Sáng thứ Sáu 09/03, quý Đức cha dâng Thánh lễ tại nhà nguyện Foyer Phát Diệm. Đức cha Antôn Vũ Huy Chương chủ sự Thánh lễ. Ngài mời gọi cộng đoàn phụng vụ cầu nguyện cho Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam, và tiếp tục cầu nguyện cho Đức Tổng Giám mục Phaolô.

Vào lúc 8g00, quý Đức cha bắt đầu Hội nghị thường niên kỳ I/2018 tại phòng hội lớn của nhà Foyer Phát Diệm. Ngay những phút đầu tiên, Hội đồng Giám mục Việt Nam thinh lặng tưởng nhớ Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, mới về với Chúa. Sau đó, quý Đức cha tiến hành bầu người thay thế Đức Tổng Giám mục Phaolô làm Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin, và Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc đã được Hội đồng Giám mục tín nhiệm trong trách vụ này.

Tiếp đó, quý Đức cha bổ nhiệm cha Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J., làm Chánh Văn phòng của Hội đồng Giám mục Việt Nam, kiêm quản lý Văn phòng của Hội đồng Giám mục. Đồng thời, đặt cha Gioan Kim Khẩu Phan Văn Định làm linh mục thư ký giáo tỉnh Sài Gòn.

Quý Đức cha dành nhiều thời gian soạn thảo Thư Mục Vụ gửi cộng đồng Dân Chúa, đúc kết chuyến đi Ad Limina và bàn về vấn đề xin phong thánh cho hai Đức cha: Lambert de la Motte và François Pallu. Sau đó, Hội đồng Giám mục lắng nghe các Uỷ ban trình bày hoạt động trong thời gian qua.

Hồi 19g30, quý Đức cha đi thăm Bộ Ngoại giao của Toà thánh. Tại đây, Hội đồng Giám mục được Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng; Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng và Đức Ông Phanxicô Xaviê Cao Minh Dung, Tham tán Phủ Quốc Vụ Khanh của Toà thánh, đón tiếp một cách rất thân tình và cởi mở. Sau khi chia buồn với Hội đồng Giám mục Việt Nam vì sự ra đi của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Đức Tổng Giám mục Bộ trưởng muốn được lắng nghe quý Đức cha chia sẻ những sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam, những khó khăn và những thuận lợi. Quý Đức cha đã trình bày một cách cởi mở cho ngài. Tiếp dó, Đức Tổng Giám mục chia sẻ những công việc ngoại giao của Toà thánh trên lãnh vực quốc tế, và hy vọng một ngày nào đó, Toà thánh sẽ có bang giao chính thức với Việt Nam.

 

WHĐ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *