Hồi sinh

Tiếng thở gấp gáp của anh tôi khiến tôi nhận thấy sự đau đớn trong anh, và thương anh rất nhiều. Anh nắm lấy tay tôi cùng tiếng thở liên hồi như muốn nói điều gì đó nhưng có lẽ không kịp nữa rồi…

Hồi sinh
Ngày 11 tháng 11 năm 2020

Bệnh viện lúc 3 giờ chiều. Anh ngồi trên chiếc xe lăn được y tá đẩy vào phòng hóa trị. Đây đã là lần hóa trị thứ 13 rồi. Đầu anh hiện tại không còn tóc, da mặt trông thật xanh xao, đôi môi xám lại vì căn bệnh quái thai và vì những lần hóa trị.

Có lẽ anh đã thật mệt…

Được y tá đẩy về phòng bệnh anh đã ngủ thiếp đi. Cùng với giấc mơ thật yên bình, tôi nhìn anh mà lòng hồi tưởng tưởng về những ngày xửa ngày xưa, ngày của tuổi thơ thật vô lo vô nghĩ…

Chúng tôi vốn được sinh ra trong một gia đình nghèo nơi mà dòng sông Hồng đổ về với biển cả. Nhà chúng tôi ở ngay cuối nhà thờ xứ. Hồi ấy, anh còn là một cậu nhóc nghịch ngợm, ngang bướng. Hai anh em tôi chiều chiều vẫn rủ thằng Long đi trộm xoài, vặt trộm nhãn ở sân nhà thờ. Lần đó, khi anh trèo lên cây nhãn thì không may trượt chân ngã và bị gãy chân. Mẹ tôi đã mắng tôi và anh một trận. Tôi đã rất sợ vì chưa bao giờ thấy mẹ tôi giận như thế. Thấm thoát cũng đã mấy tháng trôi qua. Chân anh tôi cũng đã hồi phục. Nhưng anh tôi vẫn không từ bỏ công cuộc chinh phục “những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm” đó. Lần này, anh tôi đã làm một chuyện động trời, anh đã lấy tiền của mẹ để đi chơi game. Sau đó anh bị mẹ bắt gặp và đánh anh tôi ngay tại quán game. Tôi đứng trong nhà nhìn mẹ tôi xách tai anh tôi về mà không dám ló đầu ra. Mẹ tôi đã đánh anh và trong cơn tức giận, mẹ tôi đã đuổi anh tôi ra khỏi nhà: “Mày cút ra khỏi nhà tao, bà đây không có đứa con như mày”. Với một suy nghĩ bồng bột của một đứa trẻ mười tuổi, anh tôi đã bỏ đi ngay lúc đó. Anh tôi đã đến nhà thờ với sự bực bội, miệng thì vẫn lẩm bẩm đầy ấm ức, chân đá vu vơ vào những chiếc lá như để trút bỏ đi cơn tức giận vừa xong. Ngay lúc đó, Cha xứ đứng ở nhà phòng nhìn ra phía anh tôi thấy vậy liền đi lại để hỏi thăm:

– Con có chuyện gì mà nhìn trông có vẻ bực bội thế?

Anh tôi vẫn im lặng, mặt cúi sầm xuống, chân vẫn đá vào mấy chiếc lá nhãn ở góc sân. Cha liền hiểu được ý nghĩ và hỏi:

– Con vừa bị mẹ mắng sao?

Anh tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Cha liền bảo anh tôi vào nhà thờ với Cha. Vào nhà thờ, Cha đã chỉ lên cây Thánh Giá nơi có Chúa Giê-su chịu đóng đinh và bảo:

– Ngày nhỏ Cha cũng đã từng rất nghịch ngợm và đã bị cũng đã bị mẹ mắng và đánh rất nhiều. Nhưng có một lần khi bị mẹ mắng Cha đã trốn sang bà và đã được bà dẫn ra nhà thờ nhìn ngắm Chúa Giê-su bị đóng đinh. Bà bảo: “Chúa còn phải chịu đau đớn vì những tội lỗi không phải của mình mà Chúa vẫn vui vẻ đón nhận huống chi đó là lỗi của mình thì mình nên nhận và sửa sai thì đó mới là đứa trẻ ngoan”.

Nói rồi, Cha đã tháo Cỗi Tràng Hạt từ tay Cha và đeo vào tay anh tôi. Cha bảo:

– Cha tặng cho con để sau này khi con gặp những chuyện tương tự con sẽ nhìn thấy Chúa luôn đồng hành cùng con và Ngài sẽ dẫn con đi trên con đường của chính mình…

Nhìn Cỗi Tràng Hạt đeo trên tay, ngẫm nghĩ một lúc lâu, anh tôi như thể đã hiểu ra và dần trút bỏ được những bực tức trong lòng của mình. Anh tôi hứa với Cha sẽ về nhà xin lỗi mẹ và hứa sẽ trở nên ngoan hơn.

Máu trắng. Căn bệnh đã cướp đi sự sống của biết bao người trong đó có anh của tôi… . Lần đó tôi vào thăm anh, anh vẫn cố gượng cười cho tôi và gia đình vui. Nhưng tôi biết anh đau lắm. Lần đó, tôi đã hỏi anh tôi:

– Anh có đau quá không?

Anh chỉ cười sượng rồi bảo tôi:

– Anh không sao đâu. Chú út không cần quá lo cho anh. Anh còn phải khỏe để dẫn chú út đi Vũng Tàu ngắm nhìn Chúa Ki-tô Vua và leo lên tay Chúa ngắm nhìn Vũng Tàu về đêm nữa chứ.

Tôi bật khóc. Nhớ ngày đó khi anh được Cha xứ tặng Tràng Hạt cho, anh tôi đã trở nên một con người hoàn toàn khác. Chẳng bao giờ chịu ngồi yên đọc kinh tối cùng gia đình nay anh tôi lại ngồi đọc kinh chung thậm chí anh tôi còn muốn ra ở cùng với Cha xứ để có thể dành nhiều thời gian ở gần với Cha học những điều tốt hơn hết anh tôi muốn được trở thành chú giúp lễ, được lần hạt nhiều hơn. Lần đó, lần sinh nhật tuổi mười lăm của mình, anh tôi đã bày tỏ với bố mẹ rằng anh muốn đi tu, muốn được làm Linh Mục, muốn được dâng hiến đời mình cho Chúa, bố mẹ tôi đã bật khóc vì xúc động và vui mừng vì sự thay đổi của anh tôi.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, năm đó là năm 2013, anh tôi đã thi đậu Chủng Viện. Anh về với tâm trạng hân hoan và mừng rỡ kèm theo trên tay là giấy bảo trúng tuyển. Bố mẹ tôi không khỏi vui mừng và động viên anh tôi nhiều hơn nữa bởi tiếp theo sẽ là một hành trình mới đầy gian nan và thử thách. Theo thời gian anh tôi được học tập và tu luyện tại Chủng Viện và cũng đã thời gian được đi giúp xứ. Anh tôi được cha giáo cắt cử đến tại một giáo xứ nhỏ. Tại đây, anh cũng đã quen một cậu bé bị khiếm thị từ nhỏ. Có lần cậu bé đã từng hỏi anh:

– Chúa trông như thế nào?

Anh cầm lấy tay cậu bé và nói:

– Chúa giống như trái tim, Người luôn yêu thương chúng ta; Chúa cũng là bàn tay thật dịu nhẹ, Người luôn vỗ về những ai đang u buồn; Chúa là ngọn nến cho những người đang lầm đường lạc lối; Người là đôi mắt của những ai mù lòa…

Cũng đúng lúc này anh tôi phát hiện mình bị máu trắng.

Tỉnh dậy sau cơn mê man, anh vẫn cầm chặt cỗi Tràng hạt trên tay. Anh thở mệt, miệng vẫn lẩm bẩm đọc kinh: “Lạy Cha… Cha chúng… con… ở trên… trời…”, lâu lâu lại nhìn mọi người, bất giác anh nhìn tôi mà lúc đó tôi vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của cái nhìn đó của anh. Mãi sau này khi đọc được những dòng chữ mà anh để lại cho tôi trong cuốn nhật ký của anh, tôi mới hiểu được điều đó là như thế nào…

Tiếng thở gấp gáp của anh tôi khiến tôi nhận thấy sự đau đớn trong anh, và thương anh rất nhiều. Anh nắm lấy tay tôi cùng tiếng thở liên hồi như muốn nói điều gì đó nhưng có lẽ không kịp nữa rồi… .

Tít… tít… tít… . Tiếng máy thở đã ngừng kêu. Mẹ tôi khóc nức lên gọi tên anh tôi. Anh tôi đã rời xa chúng tôi mãi mãi trong sự tiếc thương của mọi người. Trước khi ra đi nguyện vọng của anh tôi là muốn hiến tặng lại giác mạc cho một cậu bé trong giáo xứ nơi anh từng phục vụ. Và chính giác mạc đó của anh đã đem lại ánh sáng cho một cuộc đời mới.

Đã ba năm kể từ ngày anh mất, cậu bé đó cũng đã nhìn thấy được. Nhìn thấy cậu bé đó, tôi như được thấy lại hình bóng anh mình. Ra thăm mộ anh tôi vẫn ngồi thủ thỉ với anh những câu chuyện ngày xưa, những lần trộm xoài, trộm nhãn, những lần bị mẹ đánh. Tôi cũng kể cho anh những điều mới xảy ra gần đây, kể về mẹ, tóc mẹ đã điểm những sợi trắng, giờ xâu kim cũng khó hơn, mẹ cũng đã phải đeo kính lão, có lẽ chúng ta cũng đã trưởng thành. Tôi cũng kể cho anh nghe về cậu bé đã được anh hiến giác mạc. Cậu bé đó giờ đã lớn, đã được làm huynh trưởng, cậu đó vẫn nhớ về anh, nhớ về câu nói đó: “Chúa giống như trái tim… Người cũng là bàn tay thật dịu nhẹ… Người là ngọn nến cho những người đang lầm đường lạc lối… Người là đôi mắt của những ai mù lòa…”.

Nhớ anh…

Tác giả bài viết: 【Gioan Lã Việt Phú】

Nguồn tin: www.vanthoconggiao.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *