Bài 07 – Sách Xuất hành || Tổng quan Thánh Kinh

I. DẪN NHẬP

Hôm nay chúng ta chuyển sang cuốn sách thứ hai của bộ Ngũ thư. Đó là sách Xuất hành. Sách Xuất hành bắt đầu bằng một tóm tắt câu truyện của ông Giu-se; câu chuyện của ông Giu-se như một sự chuyển nối giữa “lịch sử các tổ phụ” và “lịch sử dân Ít-ra-en” (x. Xh 1,1-7). Trong thời kỳ các tổ phụ, các nhân vật đều là những dung mạo riêng rẽ, còn bây giờ xuất hiện một đoàn dân gồm 70 người của gia đình Gia-cóp (1,1-5) sang định cư bên Ai-cập và trở thành một dân đông đúc, lớn mạnh và lan tràn khắp xứ. Thế nên, chúng ta có thể nói rằng lịch sử dân Ít-ra-en thực sự bắt đầu với việc Mô-sê đưa con cháu Gia-cóp ra khỏi Ai-cập và đến núi Xi-nai.

Sách Xuất hành chia thành ba phần chính:

  • Phần I: Việc giải phóng Ít-ra-en khỏi Ai-cập (1-15)
  • Phần II: Đi từ Ai-cập đến núi Xi-nai (15,22-18,27).
  • Phần III: Lập Giao ước tại Xi-nai (19,1-40,38)

Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu Phần thứ nhất: Thiên Chúa giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-cập (Xh 1-15).

II. NỘI DUNG

1. Tại sao Ít-ra-en bị áp bức bên Ai-cập?

Bên Ai-cập, khởi đầu với 70 người, con cháu Gia-cóp dần dần trở nên đông đúc và lan tràn khắp xứ. Thời ấy có một vua mới lên không biết ông Giu-se (Xh 1,8). Vị vua này là Pha-ra-ô Ram-xét II. Ông trị vì khoảng năm 1290-1224 tCn. Pha-ra-ô nói với dân mình: “Này đám dân con cái Ít-ra-en đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ.” (Xh 1,9-10). Kể từ đó, con cái Ít-ra-en bị người Ai-cập bắt làm nô lệ để xây các đền thờ và kho dự trữ lương thực.

2. Thiên Chúa có bỏ mặc Ít-ra-en thống khổ không?

Thiên Chúa không khoanh tay đứng nhìn con cái mình trong cảnh nô lệ. Người chuẩn bị cho họ một vị cứu tinh. Quả thực, “Sau những năm dài ấy, vua Ai-cập qua đời. Con cái Ít-ra-en rên siết trong cảnh nô lệ. Họ ca thán, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã nhìn thấy con cái Ít-ra-en và Thiên Chúa đã biết” (Xh 1,23-25). Thiên Chúa chuẩn bị một người để giải thoát họ. Người đó chính là Mô-sê, người gốc Do-thái. Thủa mới sinh ông bị bỏ trôi sông và được công chúa Ai-cập vớt về nuôi. Mô-sê được nuôi dưỡng và giáo dục trong triều đình Ai-cập trong vòng 40 năm, và nhờ đó ông được chuẩn bị đầy đủ để sau này làm nhà lãnh đạo và lập pháp cho dân Ít-ra-en.

Sau 40 năm sống bình an trong triều Ai-cập, thì một biến cố đã xảy thay đổi hẳn đời Mô-sê: vì bênh một người đồng hương Do-thái, ông lỡ tay giết một người Ai-cập. Vì sợ Pha-ra-ô tìm cách giết mình, nên Mô-sê liền đi trốn Pha-ra-ô và ở lại miền Ma-đi-an. Chính trong thời gian sống lang thang làm nghề du mục giữa sa mạc khô cằn, ông đã học được tất cả những kỹ năng sinh tồn. Giữa sa mạc khô cằn Mô-sê đã trải nghiệm cách đặc biệt vê sự gặp gỡ Thiên Chúa. Tại đây Thiên Chúa đã cho ông biết tên Người và sứ mạng Người muốn giao phó cho ông.

3. Sứ mạng của Mô-sê là gì? (St 5-12)

Chúa hiện ra với Mô-sê nơi bụi gai bốc cháy và phán với ông: “… Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cậpBây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập”Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập?” Người phán: “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này” (Xh. 3,7-12). Trước khi đến với con cái Ít-ra-en, Mô-sê xin Thiên Chúa cho biết danh xưng của Người. Thiên Chúa nói cho ông biết tên của Người là YHWH, nghĩa là “Ta là Đấng Ta là”. Hay nói cách khác, Thiên Chúa là Đấng hằng hữu.

Với đức tin mạnh mẽ vào lời Đức Chúa, Mô-sê đã đến với Pha-ra-ô để nói cho vua biết ý định của Đức Chúa đối với con cái Ít-ra-en. Cùng với A-ha-ron, Mô-sê đến với Pha-ra-ô để xin cho dân ra đi phục vụ Đức Chúa, nhưng vua không chịu. Để thuyết phục ông, Thiên Chúa đã cho Mô-sê giáng những tai ương xuống Ai-cập (Xh 7-12). Tuy nhiên, Pha-ra-ô đã trở nên cứng lòng và Thiên Chúa chiều theo sự cứng lòng của ông. Thiên Chúa để ông đi đến tận cùng sự cứng lòng của mình. Kết quả là ông phải đón nhận sự thất bại thảm hại. Đó chính là cái chết của chính con trai vua. Qua đó, Thiên Chúa cho ông cùng toàn thể Ai-cập thấy rằng không có thần nào khác ngoài trừ Thiên Chúa của Ít-ra-en. Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, không có thần nào khác. Người là Vua và là Chúa. Thiên Chúa chính là Đấng giải thoát Ít-ra-en.

4. Lễ Vượt Qua (Xh 13-14)

Trước tai họa cuối cùng xảy ra, các con cái Ít-ra-en được chỉ thị ăn lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua là lễ truyền thống cổ xưa gắn với người du mục. Bữa ăn Vượt Qua gồm có việc ăn thịt chiên, bánh không men, rau đắng, thắt lưng, đi dép và cầm gậy. Nhưng từ nay, đối với con cái Ít-ra-en, Lễ Vượt Qua mang một ý nghĩa hoàn toàn mới và đặc biệt; đánh dấu việc Thiên Chúa đã vượt qua và không hại các con trai đầu lòng của Ít-ra-en khi phạt Ai-cập. Cho đến hôm nay, người Do-thái vẫn cử hành lễ này hằng năm để kỷ niệm và nhắc nhớ mọi thế hệ về việc Thiên Chúa giải thoát cha ông họ khỏi ách nô lệ Ai-cập như thế nào.

5. Qua Biển đỏ (Xh 14-15)

Sau tai hoạ cuối cùng Pha-ra-ô buộc phải cho con cái Ít-ra-en ra đi. Nhưng ông không buông bỏ hoàn toàn, ông thấy tiếc về quyết định của mình nên ông cùng với kỵ binh và chiến xa đuổi theo. Khi chạy đến Biển Sậy, vì sợ hãi quân đội của Pha-ra-ô nên con cái Ít-ra-en đã kêu trách Mô-sê, Mô-sê cầu xin Thiên Chúa, và Người đã làm cho “Nước rẽ ra, và con cái Ít-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu”. Quân Ai-cập vẫn tiếp tục đuổi theo, và sau khi người con cái Ít-ra-en ra khỏi Biển Đỏ thì “Nước ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pha-ra-ô đã theo dân Ít-ra-en đi vào lòng biển. Không một tên nào sống sót. Còn con cái Ít-ra-en đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu. Ngày đó, Đức Chúa đã cứu Ít-ra-en khỏi tay quân Ai-cập. Ít-ra-en thấy quân Ai-cập phơi thây trên bờ biển. Ít-ra-en thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của Người” (Xh 14,28-31). Sau chiến thắng hiển hách này, Mô-sê cùng toàn thể con cái Ít-ra-en hát bài ca tán tụng Đức Chúa. Đức Chúa là trang chiến binh, là Đấng giải thoát. Người là Vua hiện trị đến muôn muôn đời (x. Xh 15).

III. KẾT

Chúng ta chứng kiến những việc kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện cho con cái Ít-ra-en. Còn đối với chúng ta thì sao? Việc cứu thoát thời Xuất hành được xem như là hình ảnh tiên trưng việc Chúa Ki-tô cứu thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Biến cố vượt qua Biển đỏ, là hình ảnh của bí tích Thanh tẩy trong nước và Thần Khí mà chúng ta được cứu thoát. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi, khỏi bóng tối của tử thần và được đưa vào ánh sáng của Đức Ki-tô, nguồn mạch sự sống mới cho toàn thể nhân loại.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

https://www.tonggiaophanhanoi.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *