Từ trang trại lợn trở về, bước vào nhà, thấy vợ đang nằm trên giường, mắt dán vào điện thoại, miệng cười khúc khích. Ngoài vườn, mẹ nó vẫn đang lúi húi bên mấy luống rau. Nó nghĩ, chắc vợ lo cơm nước xong, chưa thấy chồng về, nên tán gẫu với bạn để giết thời gian trong lúc chờ đợi. Tắm rửa xong, nó ra ngồi bên vợ âu yếm bảo:
Vui với bạn quên cả ăn cơm sao? Anh đói lắm rồi, mình ra vườn mời mẹ vào ăn cơm thôi em!
– Em đã nấu cơm đâu mà ăn!
– Ơ… Em ở nhà làm gì mà giờ này vẫn chưa nấu cơm?
– Ơ! ơ quả mơ có hạt. Anh quên những gì anh đã thì thầm vào tai em trong ngày cưới rồi sao? Nào là: em chỉ cần yêu anh, còn cả thế giới này để anh lo, rồi nữa: trong gia đình mọi người đều bình đẳng, em không quen việc nhà nông thì có thể tìm việc khác, đừng ngại. Tính đến hôm nay mình mới cưới được bốn tháng, em chưa tìm được việc chứ không phải em muốn ở nhà. Vậy mà… anh đã lộ nguyên hình là một tên thả thính dụ cá cờ, không! phải nói là anh rắc bả mới đúng, thật đáng thương, con cá cờ ăn phải bả ấy lại là em.
– Sao em lại nặng lời, không đi làm thì em ở nhà nấu cơm, quét dọn nhà cửa, giặt giũ, rồi phụ giúp mẹ… Đằng này, em ở nhà không đi làm, mấy tháng nay ngày nào em cũng bảo phải đi tìm việc, một mình mẹ tần tảo bếp núc và công việc vườn tược, không than, chẳng trách một lời. Hôm nay em ở nhà, thì giúp mẹ nấu cơm, anh chỉ nhắc vậy, có gì mà thính với bả, cờ với quạt ở đây. Em nên xuy nghĩ lại về cái gọi là bình đẳng.
– Thế từ trước khi em chưa về đây, ai nấu cơm cho mẹ anh?
Nó vằn mắt gằn giọng:
– Cô đừng có hỗn, ai là mẹ tôi, ai là mẹ cô?
– Anh không phải to tiếng, đã vậy thì giải tán cho sớm chợ, tôi cũng chán cảnh làm dâu nhà quê lắm rồi. Ở nhà tôi, tất cả những việc bếp núc, dọn dẹp, đều đã có Ôsin. Tôi trở về làm cô chủ lá ngọc cành vàng của bố mẹ tôi, còn anh, anh cứ ở lại với cái máng lợn thân yêu của anh.
Nói rồi, vợ nó thu nhặt đồ đạc ra đi, mẹ nó chạy theo can ngăn nhưng chẳng được. Đang cơn giận, nó chẳng thèm níu kéo, bỏ vào nhà nằm…
Một buổi chiều sương tím giăng giăng, tôi đang tản bộ ngắm cảnh hoàng hôn miền sơn cước, nơi tôi đến đồng hành vói một huynh đoàn trong một khóa Chân lý. Đi qua cổng một ngôi nhà nhỏ đầy bóng cây râm mát, tôi dừng lại ngắm mấy giò lan đang nhè nhẹ đung đưa trong gió chiều. (ngoài sở thích yêu những buổi chiều hoàng hôn, tôi còn là một tín đồ mê lan, mặc dù chẳng có tiền mua lan đột biến, lan va vấp, hay cánh trắng cánh đen gì gì đó. Nhưng mỗi lần đi đồng hành đến các huynh đoàn trong giáo phận, tôi thường… “xin xỏ” những nhánh lan nhỏ, loại nào cũng thích, về chơi cho thỏa đam mê) Đang ngó nghiêng, bỗng một chàng trai chạy xe máy dừng lại trước cổng, trên xe lỉnh kỉnh những máng lợn cùng thuốc thú y. Tôi lúng túng vì bị bắt quả tang đang rình mò, chưa kịp thanh minh, nó nhìn tôi rồi nói:
– Mời cô vào nhà chơi, cháu gặp cô mấy lần khi đi dự lễ bên nhà thờ, chắc cô từ xa đến.
Căn nhà tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, gọn gàng, nó bảo hôm nay mẹ đi đám giỗ bên ngoại, nó phải ở nhà vì bận chăm đàn lợn, không thể bỏ đói chúng được. Hỏi thăm vợ con thì nó tâm sự:
… Bố mất sớm khi nó còn nhỏ, mẹ nó thương con ở vậy làm lụng rau cháo nuôi nó ăn học. Lên cấp ba nó ra học ngoài phố huyện, hằng ngày đi về bằng chiếc xe đạp cà tàng, trên đoạn đường gần hai chục cây số. Những ngày được nghỉ học, nó bảo mẹ ở nhà nghỉ ngơi, còn nó cặm cụi nhặt cỏ, tưới rau, chăn gà. Nó thương mẹ vô cùng, cả một đời son trẻ bà đã hy sinh vì nó, so với bạn bè thì nó còn thua thiệt nhiều, nhưng đó đã là tất cả cố gắng của mẹ nó rồi, nó không buồn. Nó chỉ tâm niệm một điều, khi nào lấy vợ, sẽ tìm một nàng dâu thật thảo hiền, chăm chỉ, để mẹ được an vui lúc tuổi già.
Học hết cấp ba, thương mẹ, nó không vào đại học mà ở nhà làm kinh tế. Nhà có đám ruộng cấy lúa từ mấy chục năm nay, nó bảo mẹ cho nó làm trại nuôi lợn. Với số vốn ít ỏi mà mẹ nó cóp nhặt từ mớ rau, con gà, buồng chuối, nó chỉ làm được một khu trại nhỏ. Còn tiền giống mua lợn, nó mạnh dạn đề xuất với chi đoàn thanh niên, giúp nó được vay vốn từ ngân hàng chính sách dành cho hộ nghèo. Có trang trại, có lợn giống, nó tìm tòi học hỏi cách chăn nuôi trên mạng, trên sách báo và cả những trang trại lớn đã có kinh nghiệm. Trời chẳng phụ người thật thà, siêng năng, chăm chỉ, đàn lợn của nó lớn nhanh, ít bệnh tật. Qua mấy lứa bán được giá, nó đã xây dựng được một trang trại lớn và quy mô hơn, nội thất trong căn nhà nhỏ của hai mẹ con cũng thay đổi đáng kể.
Một buổi chiều trên đường từ trang trại về nhà, nó bắt gặp một tốp nam thanh nữ tú, từ phố huyện về quê nó cắm trại trên vạt cỏ xanh ven hồ nước lấp ló những bông hoa súng trắng. Một cô sắn quần để lộ đôi giò trắng muốt, đang dò dẫm lội nước để hái bông súng, nhưng nước sâu chẳng dám ra xa bờ.Thấy thế nó lội ào ra hái hẳn một bó đưa tặng, cô nàng lộ rõ vẻ thất thần khi nhìn thấy nó, vì anh nông dân điển trai chẳng khác gì tài tử xứ… oppa. Đưa tay đón bó hoa, nàng nở nụ cười rạng rỡ, vui sướng chạy đến tíu tít khoe với bạn bè. Đêm ấy, nó trằn trọc không ngủ được, nụ cười tỏa nắng của cô gái cứ hiển hiện trước mắt. Hai giờ sáng, trời nổi cơn giông, gió mưa tơi bời, từ trang trại nó nghe tiếng kêu thất thanh của đám cắm trại. Nó bật dậy ôm vội tấm bạt dự phòng của trang trại lao vút về phía hồ nước. Giông bão đã bật tung mấy chiếc lều trại đem đi đâu mất, đám thanh niên đang cố thu gom đồ đạc. Đưa mắt tìm cô nàng có nụ cười tỏa nắng, dưới ánh chớp chói lòa, nó thấy cô nàng vẫn ôm bó hoa súng, đang run bần bật cùng đám thiếu nữ, con tim nó chợt lạc đi mấy nhịp. Nó cùng mấy thanh niên cầm bốn góc tấm bạt ra che mưa cho các cô gái, rồi bảo nhau chạy về trang trại của nó. Chuyện tình của nó bắt đầu từ đêm giông bão kinh hoàng nhưng cũng thật thơ mộng ấy, nàng là tiểu thư con út trong gia đình có hai anh trai, nên được bố mẹ và hai anh cưng chiều quá mức. Cả bố mẹ nàng và mẹ nó đều lo ngại chuyện tình của hai đứa, vì tất tất cả đều khác nhau, từ hoàn cảnh đến lối sống và tôn giáo. Nhưng tình yêu nó có những lý lẽ riêng của nó, vậy là sau nửa năm thuyết phục bố mẹ, cô tiểu thư xinh đẹp, đài các nơi phố huyện, đã lên xe hoa về miền sơn cước.
Mẹ nó thương con dâu sinh ra trong nhung lụa, nên bao công to việc lớn trong nhà đều ôm hết, bà bảo nếu được thì nấu cơm đỡ mẹ, nhưng vợ nó cứ viện cớ bận đi tìm việc làm ngoài phố huyện, nên cơm nước cũng một tay bà. Qua bốn tháng vợ nó vẫn chẳng tìm được việc như ý, làm công ty điện tử thì vợ nó bảo độc hại, làm may thì bảo thu nhập kém… Chiều vợ, nó cứ để vợ tự tìm việc yêu thích, vậy mà…
– Vợ cháu đơn phương nộp đơn ly hôn ra tòa và tòa đã giải quyết rồi cô ạ!
Rồi nó thở dài não nuột:
Hôn nhân không như là yêu.
Mờ – inh