Một số khu chợ Giáng sinh mang tính biểu tượng nhất thế giới ở Đức và Áo đã buộc phải đóng cửa ngay sau hoặc ngay trước khi mở cửa, do nhiễm COVID-19 gia tăng khắp Âu Châu.
Cuộc khủng hoảng coronavirus năm 2020 đã khiến Âu Châu phải trải qua mùa Giáng sinh bị lockdown và không có chợ Giáng sinh, các quốc gia nói tiếng Đức đã mong chờ sự trở lại của sinh hoạt văn hóa tôn giáo này sau khi một tỷ lệ dân số đáng kể đã được tiêm vắc xin COVID-19 hai lần.
Chợ Giáng sinh thuộc về đời sống xã hội Mùa Vọng của Đức và thường hoạt động từ tuần trước Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng cho đến một hoặc hai ngày trước đêm Giáng sinh. Đây là nơi họ gặp nhau để uống hoặc ăn một chút trong khi mua các món hàng thủ công mỹ nghệ hoặc đặc sản địa phương tiêu biểu về làm quà.
Các quốc gia Nam Âu được tiêm chủng như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha đã được tiêm chủng gần như 100%. Các quốc gia nói tiếng Đức như Áo, Thụy Sĩ và Đức có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều, ở Đức là 68%, và ở Áo là 66%
Một số giám mục Công Giáo, như Tổng giám mục Heiner Koch của Berlin, đã tuyên bố chỉ những người được tiêm chủng hoặc những người đã khỏi bệnh COVID-19 mới được phép tham gia các buổi lễ Giáng sinh.
Nhiều chợ Giáng Sinh ở miền bắc và miền tây nước Đức lần đầu tiên được mở cửa trong những điều kiện nghiêm ngặt kể từ năm 2019. Nhưng chỉ sau một tuần hoạt động, hôm 19 tháng 11, các bang Bavaria và Sachsen của Đức thông báo rằng họ sẽ đóng cửa tất cả các chợ Giáng sinh vào ngày 22 tháng 11. Nhiều chủ cửa hàng lỗ rất nặng.
Đáng buồn nhất là khu chợ Giáng Sinh Salzburg Christkindlmarkt, mở cửa trên quảng trường phía trước nhà thờ Công Giáo của Salzburg vào ngày 18 tháng 11. Đó là một khu chợ Giáng sinh đẹp nhất thế giới, được coi là nam châm du lịch cho vùng này. Ngày 18 tháng 11, sau khi khu chợ hoạt động được mới có một giờ, các chính trị gia trong khu vực thông báo sẽ đóng cửa hoàn toàn vào ngày 22 tháng 11. Salzburg là một trong những thành phố của Áo được xem là điểm nóng COVID-19.
Wolfgang Haider, chủ tịch hiệp hội Salzburg Christkindlmarkt, nói với đài truyền hình ORF của Áo sau đó: “Đèn sẽ tiếp tục cháy, nhưng các quầy hàng sẽ đóng cửa. Ông ước tính thiệt hại tài chính ít nhất là 2 triệu euro, số tiền này sẽ ảnh hưởng đến các nhà triển lãm. Ông nói thêm: “Đây mới chỉ là chi phí vận hành, chưa kể số lợi nhuận mất đi”.
Trong cuộc họp báo thông báo về việc đóng cửa, một nhà báo địa phương đã đứng dậy nói với các quan chức thành phố rằng, trên quảng trường chợ, nhiều người trong số hàng trăm chủ quầy hàng ở chợ Giáng sinh đã khóc nức nở sau khi nhận được tin báo. Nhiều quầy hàng trong số này là các cơ sở kinh doanh nhỏ do các gia đình điều hành.
Một ngày sau, có thông báo rằng toàn bộ nước Áo sẽ rơi vào tình trạng khóa cửa ba tuần – và là năm thứ hai liên tiếp, tất cả các chợ Giáng sinh, khách sạn và cửa hàng bán lẻ sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 13 tháng 12; không rõ liệu họ có thể mở lại hay không.
Ở Đức, các quy định của Bavaria và Sachsen đã tấn công một số khu chợ Giáng sinh truyền thống và lâu đời nhất ở Đức. Saxony có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Đức – chỉ 58% dân số được tiêm chủng đầy đủ và là nơi có nhiều phong trào chống bắt buộc tiêm vắc xin.
Holger Zastrow, người tổ chức nhiều chợ Giáng sinh ở Dresden, nói với đài truyền hình MDR địa phương: “Tôi rất thất vọng. Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì thiếu hiểu biết và thiếu nhạy cảm như vậy”.
Zastrow cho biết anh lo lắng rằng văn hóa Giáng sinh ở Sachsen đang bị mai một. Văn hóa Giáng sinh ở Sachsen không chỉ có ý nghĩa tôn giáo, mà còn là phong tục có hàng thế kỷ.
Tại Berlin, chỉ có một số chợ lớn mở cửa vào ngày 22 tháng 11 trong những điều kiện nghiêm ngặt. Kể từ cuộc tấn công khủng bố năm 2016 vào Breitscheidplatz của Berlin, các khu chợ ở Berlin đã có hàng rào cụ thể và việc triển khai nhân viên an ninh tăng cường.
Hôm 22 tháng 11, Ủy ban thường trực của hội đồng giám mục Đức đã nhóm họp tại Würzburg. Trong một tuyên bố sau đó, các giám mục nói các ngài đang chứng kiến ”sự tiến triển của làn sóng đại dịch coronavirus thứ tư đang diễn ra với tốc độ gần như không thể ngăn cản. Các con số về tỷ lệ mắc bệnh, các ca nhiễm mới và tử vong đang đạt đến một tỷ lệ đáng sợ”.
“Chúng tôi đặc biệt kêu gọi những người Công Giáo và tất cả người dân ở đất nước chúng ta hãy tiêm phòng vắc xin ở mức độ đầy đủ nhất có thể. Tiêm phòng trong đại dịch này là nghĩa vụ công lý, đoàn kết và bác ái. Theo quan điểm đạo đức, đó là một bổn phận đạo đức. Chúng ta phải bảo vệ chính mình và những người khác”
Source:Crux
2. Vài nét về Chợ Giáng sinh ở Âu Châu
Chợ Giáng sinh, tiếng Đức: Weihnachtsmarkt; tiếng Pháp: Marché de Noël, là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng sinh, thường bắt đầu khoảng một tháng trước Lễ Giáng sinh và kéo dài đến ngày 23 tháng 12. Phong tục này có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp và bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung Cổ, tức là khoảng thế kỷ 14. Cho đến nay chợ Giáng sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông Bắc Pháp trong dịp Giáng sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Các chợ Giáng sinh bắt đầu xuất hiện ở vùng đất nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp từ cuối thời kỳ Trung Cổ, các chợ thời kỳ đầu có thể kể tới chợ Giáng sinh Dresden, được tổ chức lần đầu năm 1434, hay chợ Giáng sinh Bautzen, được tổ chức lần đầu năm 1384.
Ngày nay các chợ Giáng sinh thường là dịp thu hút khách du lịch lớn trong mùa Giáng sinh, ví dụ chợ Giáng sinh Dresden thu hút từ 1.5 đến 2 triệu lượt khách mỗi năm, các thành phố khác của Đức có chợ Giáng sinh lớn là Nürnberg, Stuttgart và Augsburg. Tại Pháp, ba chợ Giáng sinh lớn nhất được tổ chức tại các thành phố vùng Đông Bắc là Strasbourg, Colmar và Reims. Chợ Giáng sinh Strasbourg được tổ chức ở xung quanh Nhà thờ lớn Strasbourg từ năm 1570 được kể là Chợ Giáng sinh lớn nhất nước Pháp.
Mô hình chợ Giáng sinh hiện nay cũng được phổ biến đến các quốc gia bên ngoài lục địa Âu Châu như ở Anh, cụ thể tại Leeds, Birmingham; hay Hoa Kỳ, do những người Mỹ gốc Đức tổ chức.
Các gian hàng trong chợ Giáng sinh thường có dạng những quầy hàng đóng bằng gỗ. Bên cạnh các mặt hàng trang trí cho Giáng sinh, những mặt hàng thường được bày bán tại chợ gồm các mặt hàng thủ công truyền thống, rượu vang nóng, tiếng Đức là glühwein; tiếng Pháp: vin chaud, các loại rượu hâm nóng được bán trong các cốc nhỏ để khách có thể vừa đi thăm chợ vừa uống, bratwurst, xúc xích nướng kiểu Đức, hay christstollen, là bánh mì kiểu Đức cho dịp Giáng sinh. Trong chợ cũng có cây thông Giáng sinh được trang trí rực rỡ cùng máng cỏ và hoạt cảnh Giáng sinh mô tả thời điểm Chúa Giêsu ra đời.
Source:Wiki
3. Nhật ký trừ tà 166: Âm vang ca khúc thiên đường
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #166: An Echo of Heaven’s Song”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 166. Âm vang ca khúc thiên đường”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Lucifer, lúc đầu là “người mang ánh sáng”, được tạo ra cao trọng hơn các thiên thần khác, với trí thông minh, uy phong sáng chói và sức mạnh phi thường. Nhưng, đối với anh ta, điều đó là chưa đủ. Anh ta không thể chấp nhận những gì Thiên Chúa sẽ ban tặng cho con người. Anh ta không thể chấp nhận rằng Ngôi Con Nhập thể sẽ trở thành con người và chết vì họ. Ánh sáng trong Lucifer, kẻ bây giờ được gọi là Satan, đã chuyển sang bóng tối. Lời ngợi khen Chúa trong lòng anh đã bị thay thế bằng cơn thịnh nộ.
Thánh Faustina đã được ban cho một thị kiến về bảy sự tra tấn ở địa ngục. Cuối cùng là sự căm ghét Chúa, những lời nói hèn hạ, những lời nguyền rủa và những lời báng bổ. Từ miệng của Satan, và những linh hồn băng hoại, sẽ xuất hiện một cơn thịnh nộ bất diệt chống lại Thiên Chúa. Họ đổ lỗi cho Chúa về rất nhiều địa ngục của họ.
Ngược lại, những người đơn cứu độ đầy lòng biết ơn và cảm tạ. Họ mãi mãi: “Hát mừng Chúa trong lòng, tạ ơn luôn luôn và cho mọi sự” (Ep 6: 19-20). Những nhà thần bí đã có một cái nhìn thoáng qua về thiên đàng thường nói về âm nhạc thiên đàng của vô số linh hồn đang hân hoan ca ngợi Chúa và chúc tụng tạ ơn.
Một dấu chỉ tuyệt vời của thiên đàng trên trái đất này là một trái tim biết ơn. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngữ chỉ Thánh Lễ của Giáo Hội xuất phát từ tiếng Hy Lạp, eucharistia, nghĩa là “tạ ơn”.
Một phần quan trọng trong một lễ trừ tà là chữa lành mọi cơn giận dữ và sự bất khoan dung trong trái tim của người bị quỷ ám. Tôi đưa họ qua một nghi lễ tha thứ ngắn ngủi. Tôi nói: “Hãy lặp lại theo tôi. Vì danh thánh Chúa Giêsu, tôi sẵn lòng tha thứ cho người này người kia, và tôi cầu xin Chúa chúc lành cho họ.” Như Lời Kinh thánh đã nói: “Hãy chúc lành cho những kẻ bắt bớ anh em, hãy chúc lành và đừng nguyền rủa họ” (Rm 12:14). Người bị quỷ ám, hoặc bất cứ ai có những nỗi tức giận bên trong và sự nguyền rủa người khác, rất ít hy vọng được giải thoát khỏi các ràng buộc của ma quỷ và tội lỗi.
Trong thời đại của chúng ta, chúng ta thấy những làn sóng cuồng nộ và bạo lực đang quét qua trái đất. Đôi khi, tôi nản lòng trước hướng đi của dân tộc mình. Nhưng vào Ngày Lễ Tạ Ơn, một biển linh hồn đã tụ tập quanh Bàn để tạ ơn Đấng Tạo Hóa của họ. Tôi nghĩ rằng tôi đã nghe thấy một âm vang của ca khúc thiên đường. Và tôi đã cảm ơn.
Source:Catholic Exorcism