Kinh Truyền Tin với ĐTC 12.06.2022 (Lễ Chúa Ba Ngôi): Sống với và cho người khác

Kinh Truyền Tin với ĐTC 12.06.2022 (Lễ Chúa Ba Ngôi): Sống với và cho người khác

Trưa Chúa Nhật 12/6, ĐTC đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô. Dù trời Roma nắng gắt và nóng, nhưng có rất đông tín hữu đến từ rất sớm để tham dự buổi đọc kinh. ĐTC đã có một bài huấn dụ ngắn về Lễ Chúa Ba Ngôi.

Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chúc Chúa Nhật tốt lành!

Hôm nay là Lễ Trọng Chúa Ba Ngôi Rất Thánh, và trong Tin Mừng phụng vụ của ngày lễ, Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta hai Ngôi vị thần linh khác là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu nói về Thánh Thần rằng: “Người sẽ không nói về chính mình nhưng sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.” (Ga 16,14-15). Chúng ta lưu ý rằng Chúa Thánh Thần nói, nhưng không nói về chính mình: Người loan báo Chúa Giêsu và mặc khải về Chúa Cha. Và chúng ta để ý rằng Chúa Cha là Đấng có mọi sự, vì Người là nguồn gốc của mọi sự, đã ban cho Chúa Con mọi sự mà Người có: Người không giữ lại gì cho riêng mình và ban hoàn toàn cho Chúa Con. Tóm lại, Chúa Thánh Thần không nói về mình nhưng nói về Chúa Giêsu, nói về người khác. Và Chúa Cha, không giữ cho mình nhưng ban cho Chúa Con. Đây là lòng quảng đại mở ra, một sự mở ra với người khác.

Và bây giờ hãy nhìn đến chúng ta, những gì chúng ta nói về và những gì chúng ta . Khi nói chuyện, chúng ta luôn muốn được mọi người nói tốt về mình và thường chúng ta chỉ nói về bản thân và những gì chúng ta làm. Thật khác so với Chúa Thánh Thần, Đấng nói bằng cách loan báo về người khác, về Cha và Con! Và, về những gì chúng ta , chúng ta ghen tị như thế nào và chúng ta khó khăn như thế nào trong việc chia sẻ với người khác, ngay cả với những người thiếu thốn điều cần thiết! Lời nói thì dễ, nhưng thực tế thì quá khó.

Do đó, việc cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi không phải là một bài tập thần học, cho bằng một cuộc cách mạng trong lối sống của chúng ta. Thiên Chúa, trong đó mỗi Ngôi vị sống vì người khác trong mối tương quan liên tục, không vì chính mình, khơi lên nơi chúng ta việc sống với người khác và cho người khác. Hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi mình xem cuộc sống của chúng ta có phản chiếu Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin không: Tôi, người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, Cha, Con và Chúa Thánh Thần, thực sự tin rằng để sống, tôi cần người khác, tôi cần hiến mình cho người khác, tôi cần phục vụ những người khác không? Tôi khẳng định điều đó bằng lời nói hay bằng cuộc sống?

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất phải được thể hiện theo cách này, bằng những việc làm hơn là lời nói. Thiên Chúa, tác giả của sự sống, truyền đi ít hơn qua sách vở và nhiều hơn qua lời chứng của cuộc sống. Như thánh sử Gioan viết, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16), Người tỏ mình ra qua tình yêu. Chúng ta hãy nghĩ về những người tốt, quảng đại, hiền lành mà chúng ta đã gặp: bằng cách nhớ lại cách suy nghĩ và hành động của họ, chúng ta có thể có một phản chiếu nhỏ về Thiên Chúa – Tình yêu. Và yêu có nghĩa là gì? Không phải chỉ thương và làm điều tốt, mà trước hết, nơi tận gốc, là chào đón người khác, nhường chỗ cho người khác, nhường không gian cho người khác. Điều này có nghĩa là yêu đến tận cùng.

Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy nghĩ đến danh xưng của các Ngôi vị Thiên Chúa, mà chúng ta đọc mỗi khi làm dấu thánh giá: trong mỗi danh xưng có sự hiện diện của Ngôi vị khác. Chẳng hạn, Cha sẽ không là Cha nếu không có Con; cũng vậy, Con không thể đứng một mình, nhưng luôn luôn là Con của Cha. Và đến lượt mình, Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Nói tóm lại, Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta rằng không bao giờ có thể có Đấng này mà không có Đấng kia. Chúng ta không phải là những hòn đảo, chúng ta ở trong thế giới để sống theo hình ảnh của Thiên Chúa: mở ra, cần người khác và cần sự giúp đỡ của người khác. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi cuối cùng này: trong cuộc sống hàng ngày, tôi có phải là một phản chiếu của Chúa Ba Ngôi không? Dấu thánh giá mà tôi làm hằng ngày có phải là một cử chỉ dừng lại ở đó hay nó gợi hứng cho cách tôi nói, gặp gỡ, phản ứng, phán xét và tha thứ?

Xin Đức Mẹ, con của Chúa Cha, mẹ của Chúa Con và hiền thê của Thánh Thần, giúp chúng ta đón nhận và làm chứng cho mầu nhiệm Tình yêu Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta.

ĐTC kêu gọi dấn thân để chấm dứt lao động trẻ em

Sau Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 12/6, nhân ngày Thế giới chống nạn lao động trẻ em, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả mọi người dấn thân để loại bỏ thảm trạng lao động trẻ em, để không có trẻ em trai gái nào bị tước đoạt các quyền cơ bản của các em và bị ép phải làm việc.

Sau Kinh Truyền Tin, trước hết ĐTC hướng đến người dân và chính quyền Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, và nói: “Anh chị thân mến, tôi rất tiếc, do bị đau chân nên tôi đã phải hoãn chuyến thăm đất nước của anh chị em dự kiến ​​vào những ngày đầu tháng 7. Tôi thực sự rất lấy làm tiếc vì đã phải hoãn chuyến đi mà tôi rất quan tâm này. Tôi xin lỗi vì điều này. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và sự chăm sóc y tế, tôi có thể đến giữa anh chị em sớm nhất có thể. Chúng ta tin như vậy!

Kế đến, ĐTC cũng nhắc rằng, “hôm nay là Ngày thế giới chống nạn lao động trẻ em. Tất cả chúng ta hãy làm việc để loại bỏ thảm trạng này, để không có trẻ em trai gái nào bị tước đoạt các quyền cơ bản của mình và bị ép phải làm việc. Tình trạng trẻ vị thành niên bị bóc lột làm việc là một thực tế đầy bi thảm thách thức tất cả chúng ta.”

Buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa 12/6

ĐTC một lần nữa hướng đến người dân Ucraina “với tất cả trái tim”. Ngài nói rằng, thời gian trôi qua không làm vơi đi nỗi đau và sự quan tâm của chúng ta đối với những con người bị vùi dập đó. ĐTC kêu gọi: “Xin đừng quen với thực tế bi thảm này! Chúng ta hãy luôn mang họ trong trái tim của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện và đấu tranh cho hòa bình.”

Văn Yên, SJ – Vatican News

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *