Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Mc 9, 30-37) thuật lại rằng, trên đường lên Giêrusalem, các môn đệ Chúa Giêsu đã tranh luận xem ai là người “lớn nhất trong các ông” (c. 34). Sau đó, Chúa Giêsu đã nói với họ một câu mạnh mẽ, mà cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (c. 35). Nếu muốn là người đứng đầu, phải đến xếp hàng, trở nên người cuối cùng, và phục vụ mọi người. Qua câu ngắn gọn này, Chúa mở đầu một sự đảo ngược: Ngài lật ngược các tiêu chí đánh dấu điều gì thực sự quan trọng. Giá trị của một người không còn phụ thuộc vào vai trò của họ, vào thành công họ đạt được, công việc họ làm, vào số tiền họ có trong ngân hàng. Không, không phụ thuộc vào những điều đó. Sự vĩ đại và thành công, trong cái nhìn của Thiên Chúa, có một thước đo khác: chúng được đo bằng sự phục vụ. Không phải những gì bạn có, mà dựa trên những gì bạn cho đi. Bạn có muốn nổi trội không? Hãy phục vụ. Đây là con đường.
Ngày nay từ “phục vụ” xuất hiện hơi mờ nhạt, bị suy yếu do quá trình sử dụng. Nhưng trong Tin Mừng, nó có một ý nghĩa chính xác và cụ thể. Phục vụ không phải là một biểu hiện của phép lịch sự: đó là làm như Chúa Giêsu, Đấng đã nói, với cuộc sống được tóm tắt trong vài lời, Người đến “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mc 10,45). Vì vậy, nếu muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải đi theo con đường mà chính Người đã vạch ra, con đường phục vụ. Sự trung thành của chúng ta với Chúa tùy thuộc vào sự sẵn lòng phục vụ của chúng ta. Điều này thường phải trả giá, nó “có mùi vị của thánh giá”. Tuy nhiên, khi sự quan tâm và sẵn sàng đối với người khác càng tăng, chúng ta càng trở nên tự do hơn từ bên trong, giống như Chúa Giê-su. Càng phục vụ, chúng ta càng cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Trên hết khi chúng ta phục vụ, với lòng trắc ẩn dịu dàng, những ai không có gì để đền đáp, những người nghèo, những người gặp khó khăn và cần kiếp: Ở đó chúng ta khám phá ra rằng đến lượt mình, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và ôm lấy.
Để minh họa điều này, sau khi nói về sự ưu tiên cho việc phục vụ, Chúa Giê-su đã làm một cử chỉ. Chúng ta thấy rằng những cử chỉ thì mạnh hơn lời nói. Ngài đón nhận một trẻ em và đặt ở giữa các môn đệ, ở trung tâm, ở vị trí quan trọng nhất (xem câu 36). Trẻ em, trong Tin Mừng, không đại diện cho sự ngây thơ cho bằng sự nhỏ bé. Bởi vì những người nhỏ bé, như trẻ em, phụ thuộc vào người khác, vào người lớn, chúng cần được đón nhận. Chúa Giê-su ôm lấy đứa trẻ và nói rằng ai tiếp đón một em nhỏ như em này thì tiếp đón chính Ngài (xem câu 37). Trước hết, phục vụ ai: những người cần nhận và không có gì để trả lại. Bằng cách chào đón những người ở bên lề, bị bỏ rơi, chúng ta chào đón Chúa Giê-su, bởi vì Ngài ở đó. Và trong một người nhỏ bé, trong một người nghèo mà chúng ta phục vụ, chúng ta cũng nhận được vòng tay dịu dàng của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, trước những chất vấn của Tin Mừng, chúng ta hãy tự hỏi mình một số câu hỏi: Tôi, những người theo Chúa Giêsu, quan tâm đến người bị bỏ quên nhất không? Hay, giống như các môn đệ ngày xưa, tôi đang tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân? Tôi có hiểu cuộc sống là một cuộc cạnh tranh để giành chỗ cho bản thân và đạp đổ người khác, hay tôi nghĩ rằng sự nổi trội nghĩa là phục vụ? Và, một cách cụ thể: tôi có dành thời gian cho một “người nhỏ bé” nào đó, cho một người không đủ khả năng để đền đáp không? Tôi có chăm sóc một người không thể trả lại tôi hay chỉ dành cho người thân và bạn bè của tôi? Đây là câu hỏi mà chúng ta có thể tự đặt ra cho mình.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, tôi tớ khiêm nhường của Chúa, giúp chúng ta hiểu rằng việc phục vụ không làm chúng ta nhỏ lại, nhưng làm cho chúng ta lớn lên. Và rằng cho thì vui hơn là nhận (xem Cv 20,35).
Văn Yên, SJ – Vatican News