Kinh Truyền Tin với ĐTC 22.03.2020: Hãy chiếu tỏa ánh sáng Chúa Kitô trong cuộc sống của chúng ta

Hành trình được nhìn thấy, được chiếu sáng của anh mù, là một ẩn dụ của hành trình giải thoát khỏi tội lỗi mà chúng ta được mời gọi bước đi. Tội lỗi giống như một bức màn đen che mặt chúng ta và ngăn cản chúng ta nhìn rõ bản thân và thế giới; ơn tha thứ của Chúa xóa bỏ bóng tối này và mang lại cho chúng ta ánh sáng mới.

Chúa Nhật 22/03 hôm nay là lần thứ hai Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Thư viện Dinh Tông tòa, trong bối cảnh đại dịch đang bùng phát mạnh mẽ tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Ý. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắc rằng tội lỗi như bức màn che phủ làm cho chúng ta bị mù quáng. Nhờ ơn tha thứ Chúa ban qua bí tích rửa tội, chúng ta được trở nên tạo vật mới, sống trong ánh sáng mới. Đón nhận ánh sáng của Chúa, chúng ta cũng hãy sống như con cái ánh sáng, nghĩa là sống lương thiện, công chính và chân thật. Kính mời quý vị nghe bài huấn dụ của Đức Thánh Cha.

Hành trình biến đổi nội tâm

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tâm điểm của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay là đề tài ánh sáng. Đoạn Tin Mừng thánh Gioan (9,1-14) thuật lại câu chuyện về người mù từ lúc mới sinh, người được Chúa chữa cho sáng mắt. Thật là tốt nếu tất cả anh chị em cầm sách Tin Mừng thánh Gioan chương 9, đọc đoạn này. Nó sẽ tốt cho chúng ta khi đọc nó một lần hay hai lần. Dấu chỉ kỳ diệu này xác nhận lời khẳng định của Chúa Giêsu, Đấng đã nói về chính mình: “Ta là ánh sáng thế gian” (c. 5), ánh sáng chiếu soi những bóng tối trong chúng ta. Ngài thực hiện việc chiếu sáng ở hai cấp độ thể chất và tâm linh: trước tiên, người mù được sáng mắt và sau đó được hướng dẫn đến niềm tin vào “Con Người” (c. 35), nghĩa là tin vào Chúa Giêsu. Những phép lạ Chúa làm không phải là những cử chỉ ngoạn mục, nhưng nhắm dẫn đến đức tin thông qua hành trình biến đổi nội tâm.

Hành trình khám phá Chúa Giêsu

Những người Pha-ri-sêu và các tiến sĩ luật ngoan cố, không chịu chấp nhận phép lạ; họ đặt ra cho người được chữa lành những câu hỏi mưu mô. Nhưng bằng sức mạnh của thực tế, anh đã vượt thắng những khó khăn họ bày ra: “Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” (c. 25). Giữa sự ngờ vực và thù địch của những người vây quanh và nghi ngờ tra vấn, anh đã thực hiện một cuộc hành trình dần dần đưa anh khám phá căn tính của Đấng đã mở mắt cho anh và thú nhận niềm tin vào Ngài. Lúc đầu, anh xem Ngài là một tiên tri (c.17); sau đó anh nhận ra Ngài là một người đến từ Thiên Chúa (c. 33); cuối cùng anh đón nhận Ngài như Đấng Thiên Sai và sấp mình xuống trước mặt Ngài (cc. 36-38). Anh hiểu rằng khi chữa cho anh nhìn thấy, Chúa Giêsu đã “tỏ hiện công trình của Thiên Chúa” (c. 3).

Hành trình giải thoát khỏi tội lỗi

Ước gì chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm này! Với ánh sáng đức tin, người mù tìm khám phá căn tính đích thực của anh. Giờ đây anh là một “tạo vật mới”, có thể nhìn cuộc sống của anh ta và thế giới xung quanh anh ta bằng một ánh sáng mới, bởi vì anh được hiệp thông với Chúa Kitô. Anh không còn là một người ăn xin bị cộng đồng loại ra bên lề; anh không còn là nô lệ của sự mù quáng và định kiến. Hành trình được chiếu sáng của anh là một ẩn dụ của hành trình giải thoát khỏi tội lỗi mà chúng ta được mời gọi bước đi. Tội lỗi giống như một bức màn đen che mặt chúng ta và ngăn cản chúng ta nhìn rõ bản thân và thế giới; ơn tha thứ của Chúa xóa bỏ bóng tối này và mang lại cho chúng ta ánh sáng mới. Mùa Chay mà chúng ta đang sống là cơ hội và thời gian quý giá để đến gần Chúa, cầu xin lòng thương xót của Ngài, theo những hình thức khác nhau mà Giáo hội Mẹ đề ra cho chúng ta.

Cần trở thành ánh sáng

Người mù được chữa lành, bây giờ nhìn thấy bằng cả đôi mắt thể lý lẫn tấm hồn, là hình ảnh của mỗi người được rửa tội, được đắm mình trong ân sủng, được kéo ra khỏi bóng tối và được đưa vào trong ánh sáng của đức tin. Nhưng đón nhận ánh sáng thôi chưa đủ, nhưng còn cần phải trở thành ánh sáng. Mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận ánh sáng thần linh để biểu lộ nó ra bằng toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Các Kitô hữu đầu tiên, các thần học gia của những thế kỷ đầu, nói rằng cộng đoàn Kitô hữu, nghĩa là Giáo hội, là “mầu nhiệm mặt trăng”: bởi vì mang lại sáng nhưng không phải là chính ánh sáng; là ánh sáng nhận được từ Chúa Kitô. Cả chúng ta cũng là “mầu nhiệm mặt trăng”: trao ban ánh sáng nhận được từ mặt trời là Chúa Kitô.Hôm nay thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9). Hạt giống sự sống mới được gieo vãi nơi chúng ta trong bí tích rửa tội giống như tia lửa, giúp thanh lọc chúng ta trước hết, khi thiêu rụi sự ác trong trái tim chúng ta và cho phép chúng ta tỏa sáng và chiếu sáng với ánh sáng của Chúa Kitô.

Xin Đức Maria rất thánh giúp chúng ta bắt chước người mù trong Tin Mừng, để chúng ta có thể được ánh sáng của Chúa Kitô bao phủ và cùng Ngài bước đi trên con đường cứu độ.

Hồng Thủy – Vatican

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *