Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Chúa nhật 31/07
Kính thưa quý thính giả
Lúc 12 giờ trưa ngày Chúa nhật cuối cùng của tháng 7, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ dinh tông toà để đọc Kinh Truyền tin cùng với đông đảo khách hành hương đang hiện diện dưới Quảng Trường Thánh Phêrô.
Như thường lệ, trước khi đọc Kinh chung, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn với đầy tâm tình nhắn nhủ gởi đến mọi người. Dựa trên bài Tin Mừng của ngày Chúa nhật 18 thường niên, Đức Thánh Cha nói về những nguy hại mà lòng tham lam của cải vật chất có thể gây ra cho con người. Lòng tham lam của cải huỷ hoại tình nghĩa con người, mang đến những đổ vỡ trong gia đình. Lòng tham lam gây nên những hỗn loạn và bất công trong xã hội. Vì lòng tham, con người tự biến mình thành nô lệ cho của cải vật chất. Từ những đổ vỡ do lòng tham của cải vật chất mang lại, Đức Thánh Cha khuyến dụ mọi người hãy làm giàu theo cách của Thiên Chúa: giàu trong nhân nghĩa, giàu lòng thương xót. Cuối bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đặt ra những câu hỏi phản tỉnh nhằm giúp mọi người suy gẫm và nhìn lại lòng mình trong tương quan với của cải vật chất, để có thể nhận ra đâu mới là những gia sản thật sự của một cuộc đời làm người.
Sau đây, là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha.
Chào anh chị em
Trong Tin Mừng của ngày hôm nay, có một người đến cùng Đức Giêsu và yêu cầu thế này: “Thưa Thầy, xin nói với anh của tôi, để anh ấy chia gia tài cho tôi!” (Lc 13:12)
Đây là một trường hợp rất thường gặp. Những câu chuyện thế này vẫn xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ vì lý do gia tài và của cải mà đã có biết bao anh chị em, những thành viên trong cùng một gia đình, đã phải cãi cọ nhau, đến độ không thèm nhìn mặt nhau.
Để trả lời với kẻ đã yêu cầu mình làm người phân xử, Đức Giêsu không để cho mình bị lún sâu vào những chi tiết vụn vặt, nhưng hướng đến gốc rễ của việc chia rẽ vì lý do tài sản. Người nói: “Anh em hãy giữ mình xa khỏi mọi thói tham lam”. Thói tham lam nghĩa là gì? Nghĩa là lòng ham muốn vô độ dành cho của cải vật chất, là tham vọng luôn muốn mình trở nên giàu có hơn nữa và hơn nữa. Đó là một loại bệnh làm huỷ hoại con người, bởi vì cơn đói khát của cải khiến chúng ta phải lệ thuộc. Thậm chí, cả những người đã có rất nhiều cũng chẳng bao giờ thấy đủ và hài lòng với những gì mình có. Họ luôn muốn có nhiều hơn nữa, và chỉ cho riêng mình thôi. Trong tình trạng như thế, người ấy không còn tự do nữa. Người ấy bị dính chặt và trở nên nô lệ. Và thật ngược đời, người ấy chỉ sống để phục vụ cho những thứ lẽ ra phải phục vụ cho cuộc của người mình, để mình có thể có một cuộc đời tự do và thanh thản. Thay vì để tiền bạc phục vụ cho cuộc đời mình, người ấy biến đời mình thành kẻ phục vụ cho tiền bạc.
Chứng tham lam chính là một loại bệnh nguy hiểm cho cả xã hội loài người: Do lòng tham của con người mà xã hội chúng ta hôm nay chất chứa bao là nghịch lý và bất công chưa từng có trong lịch sử: một số ít thì sỡ hữu rất nhiều của cải; trong khi phần lớn những người còn lại chỉ sỡ hữu rất ít.
Chúng ta hãy nghĩ đến các cuộc chiến tranh và xung đột: duyên do hầu hết đều đến từ lòng tham lam ham muốn những nguồn tài nguyên và của cải. Đằng sau một cuộc chiến, có biết bao nguồn lợi về kinh tế. Chắc chắn, một trong những nguồn lợi lớn nhất mà những kẻ tham lam thu về là việc buôn bán vũ khí.
Hôm nay Đức Giêsu dạy chúng ta rằng tâm điểm của bất công và nghịch lý trong xã hội không phải chỉ đơn giản đến từ hệ thống quyền lực này hay cơ cấu kinh tế kia. Duyên do sâu xa của mọi vấn đề đến từ chính sự tham lam trong lòng của mỗi chúng ta. Bởi thế, chúng ta hãy tự hỏi lại mình xem: Tôi đã trở nên dính bén như thế nào với của cải vật chất, với sự giàu có của thế gian? Tôi vẫn thường than thở vì những gì mình không có, hay tôi đã biết tự đủ và tự hài lòng với những gì mình đang có? Liệu có nguy cơ tôi là người sẵn sàng hy sinh cả những tương quan và thời gian dành cho người khác chỉ để tìm kiếm thêm tiền bạc và nhưng cơ hội cho riêng mình? Thêm nữa, có khi nào lòng tham trở nên như một chiếc bàn thờ, trên đó chúng ta sẵn sàng sát tế cả sự trung thực và chính trực của mình không? Tôi dùng chữ “bàn thờ” ở đây là bởi vì mọi của cải vật chất, tiền bạc, sự giàu có đều có thể trở nên thứ khiến người ta tôn thờ, trở nên một kiểu ngẫu tượng đúng nghĩa.
Do vậy, bằng những lời mạnh mẽ của mình, Đức Giêsu đặt chúng ta trong tình trạng báo động cảnh giác. Người nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”. Và chúng ta thử đọc kỹ lại đoạn Tin Mừng xem: “hai chủ” ở đây không phải là Thiên Chúa và ma quỷ, không phải là cái tốt và cái xấu. “Hai chủ” mà Đức Giêsu nói là một bên là chính Thiên Chúa và bên kia lại là tiền bạc của cải. Dùng tiền của để phục vụ cho cuộc đời của chúng ta thì được. Nhưng sống cả cuộc đời chỉ để phục vụ cho tiền của thì không. Đó là thờ ngẫu tượng. Đó là làm phật lòng Thiên Chúa.
Khi tôi nói như vậy, có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng: thế thì không ai được phép ước muốn trở nên giàu có, phải không? Không phải như vậy. Chúng ta có thể ước muốn trở nên giàu có. Ước muốn trở nên giàu có là một ước muốn chính đáng và tốt đẹp. Nhưng hãy trở nên giàu có theo cách của Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta là Đấng giàu có nhất: Người giàu thương cảm, giàu lòng thương xót. Sự giàu có của Thiên Chúa không khiến cho một ai trở nên nghèo khó, không tạo nên những cuộc cãi cọ và chia rẽ. Đó là kiểu giàu có khích lệ việc trao ban, phân phát, chia sẻ.
Anh chị em thân mến,
Chỉ tích luỹ của cải thôi thì không đủ để giúp chúng ta sống tốt đâu! Bởi vì, như Chúa Giêsu đã nói: “không phải vì dư dả mà mạng sống con người được đảm bảo nhờ của cải đâu!” Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào những tương quan: Tương quan với Thiên chúa, với người khác, với những anh chị em nghèo khó hơn chúng ta.
Vậy, chúng ta hãy tự hỏi lại mình: phần tôi, tôi muốn mình trở nên giàu có theo cách nào? Theo cách của Thiên Chúa hay theo cách của sự tham lam trong lòng tôi? Nếu phải suy nghĩ về gia tài của cải, đâu là gia tài mà tôi muốn để lại cho cuộc đời này? Là tiền bạc trong nhà băng, và của cải vật chất ư? Hay ngược lại, tôi có muốn để lại gia tài của mình là chính những con người hạnh phúc sống quanh tôi, những việc làm ý nghĩa mà không ai có thể quên được, những con người đã được tôi giúp đỡ để lớn lên, để trưởng thành trong cuộc đời này?
Xin Đức Maria trợ giúp để chúng ta có thể hiểu được đâu mới là những gia sản của cải thật ở trong cuộc đời này, những gia sản của cải tồn tại muôn đời.
Ngay sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc về chuyến tông du của Ngài đến Cananda. Ngài nói:
Anh chị em thân mến, tôi mới về lại Roma sáng hôm qua, sau 6 ngày viếng thăm Canada. Tôi muốn sẽ nói về chuyến tông du này trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư tới đây. Nhưng ngay lúc này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình đến tất cả những người đã giúp tôi hiện thực hoá chuyến hành hương thống hối này, tới các vị hữu trách trong chính quyền dân sự, những vị thủ lãnh của các dân tộc bản địa Canada và các Giám Mục Canada. Tôi cám ơn tất cả những ai đã đồng hành với tôi bằng lời cầu nguyện hiệp thông. Cám ơn tất cả mọi người.
Mặc dù khá bận rộn với chuyến tông du, Đức Thánh Cha vẫn không quên những người dân đang đau khổ vì chiến tranh tại Ucraina. Ngài nói: Tôi chưa bao giờ ngừng cầu nguyện cho người dân Ucraina trong cơn đau khổ. Tôi cầu xin Chúa giải phóng họ khỏi khổ đau và chiến tranh. Chỉ cần để tâm một tí, chúng ta có thể thấy bao nhiêu là tổn hại do chiến tranh gây ra, không chỉ cho người dân Ucraina, mà còn cho toàn thế giới. Điều quan trọng duy nhất và cuối cùng lúc này mà chúng ta có thể làm, đó là ngừng chiến và ngay lập tức mở ra các cuộc đàm phán. Nguyện cho họ có đủ khôn ngoan để có những bước đi tái lập hoà bình cho thế giới.
Sau đó, trong phần chào thăm những người hiện diện tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha gởi lời chào đặc biệt đến các Tập Sinh của Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ hành hương đến Roma và cầu chúc họ một hành trình tốt đẹp hướng đến những lời khấn trong đời tu trì.
Ngày 31 tháng 7 cũng là ngày Giáo Hội mừng lễ thánh Ignazio Đấng Sáng Lập Dòng Tên, Vì thế, trước khi kết thúc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha gởi lời chúc mừng đến những người anh em của mình, Ngài nói: Với lòng quý mến tôi chúc mừng những người anh em của tôi, các tu sĩ Dòng Tên. Hãy tiếp tục bước đi với đầy lòng nhiệt thành, với niềm vui trong việc phục vụ Thiên Chúa của chúng ta. Hãy can đảm lên!
Gia An, SJ – Vatican News