Lá Thư Đặc Trách Tháng 04 / 2019
Lời khuyên của thánh Tôma về việc học
Anh chị em huynh đoàn thân mến,
Tiếp nối chủ đề về chân lý, xin mời anh chị em đọc lại lời thánh Tôma Aquinô khuyên một môn sinh về việc học. Sau đó, xin triển khai vài điểm nhấn và vài gợi ý trong việc thực hành lời dạy của thánh nhân.
Lời khuyên của thánh Tôma
Anh Gioan thân mến trong Chúa Kitô !
Anh đã hỏi tôi về cách thức học hành làm sao để có thể thủ đắc sự hiểu biết, tôi xin khuyên anh vài điều sau đây :
Anh đừng muốn đi thẳng xuống biển, nhưng hãy từ từ lần theo các dòng suối nhỏ. Hãy đi từ điều dễ cho đến điều khó. Đó là điều mà tôi nghĩ là một quy luật. Hãy chậm nói và từ tốn lên tiếng phát biểu. Hãy giữ lương tâm tinh tuyền. Đừng bỏ qua việc cầu nguyện. Hãy yêu mến sự thinh lặng trong phòng riêng nếu anh muốn được dẫn vào kho tàng kiến thức.
Hãy hòa nhã với mọi người. Đừng tọc mạch muốn biết công chuyện riêng tư của người khác. Đừng quá thân mật với ai hết, bởi vì sự thân mật dễ đưa đến suồng sã và làm xao lãng việc học hành. Đừng nhúng mình vào chuyện thế sự. Tránh bàn tán những chuyện nhảm nhí. Hãy gắng bắt chước gương tốt của những bậc thánh hiền.
Không cần biết ai là tác giả của một câu nói, nhưng hãy biết tiếp nhận điều tốt mà họ nói. Hãy cố gắng hiểu điều mà anh đang đọc hay nghe. Hãy khai thông mọi điều ngờ vực, và lưu giữ trong ký ức những gì có thể được. Đừng tìm kiếm những gì vượt quá khả năng của mình. Anh hãy cố gắng theo các điều vừa nói, tôi tin chắc rằng anh sẽ đạt được điều ước nguyện.
Xin được triển khai theo các nội dung chính sau :
Mở lòng đón nhận chân lý
Trước tiên ta thấy thánh Tôma cổ võ một tinh thần cởi mở, sẵn sàng đón nhận chân lý đến từ bất cứ hướng nào. Qui tắc này giúp chúng ta gạt bỏ những thành kiến, vượt qua rào cản các khác biệt về nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và cả tôn giáo, để nhận ra những giá trị phù hợp với tin mừng mà Đức Kitô và hội thánh rao giảng. Tất cả dựa trên niềm tin vào Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa. Đấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại và luôn gợi lên trong lương tâm mỗi người, khát vọng tìm kiếm những gì là tốt đẹp và đúng đắn, khát vọng hướng về chân thiện mỹ.
Nhớ lại trong tin mừng thánh Máccô, khi các môn đệ tỏ vẻ khó chịu vì có kẻ dám lấy danh Chúa mà trừ quỷ, Đức Giêsu bảo : “Đừng ngăn cản họ, vì không ai lấy danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 39-40).
Học gì và học thế nào
Tuy nhiên các tài liệu không có cùng giá trị như nhau. Không nên quá tham lam, nhưng biết chọn sách theo nội dung mình cần, chọn tác giả uy tín và chuyên môn. Vì thời giờ hạn chế, nên ưu tiên chọn các tác phẩm vừa tầm, ngắn gọn và xúc tích. Cụ thể về thần học và giáo lý, nên sử dụng các sách giáo trình hoặc toát yếu, trước khi nghiên cứu những tài liệu chuyên sâu. Đó cũng là điều thánh Tôma căn dặn :
“Anh đừng muốn đi thẳng xuống biển, nhưng hãy từ từ lần theo các dòng suối nhỏ. Hãy đi từ điều dễ cho đến điều khó (…) Hãy cố gắng hiểu điều mà anh đang đọc hay nghe. Hãy khai thông mọi điều ngờ vực, và lưu giữ trong ký ức những gì có thể được. Đừng tìm kiếm những gì vượt quá khả năng của mình”.
Ưu tiên số một của chúng ta là Lời Chúa. Quy luật Huynh đoàn số 10 ghi rõ : “Để hoàn thành ơn gọi của mình, người giáo dân Đa Minh tìm thấy sức mạnh chủ yếu từ việc lắng nghe Lời Chúa và đọc Kinh thánh, nhất là Tân Ước”. Cách riêng trong năm 2019 này, xin anh chị tìm nghe và đọc trọn bộ “Kinh thánh 100 tuần” của đức cha Nguyễn Khảm.
Học là hình thức khổ chế
Truyền thống Dòng Đa Minh vốn coi việc học là một hình thức khổ chế. Việc học đòi hỏi tính kỷ luật, sự nỗ lực và quyết tâm. Kỷ luật khi sắp xếp thời gian, nỗ lực để tìm tòi, suy nghĩ, ghi nhớ, và quyết tâm là kiên trì theo tiến trình từ dễ đến khó. Thánh Tôma khuyên nhủ : “Đừng tọc mạch chuyện riêng tư của người khác. Đừng quá thân mật, vì dễ đưa đến suồng sã và xao lãng việc học hành. Đừng nhúng mình vào chuyện thế sự. Tránh bàn tán những chuyện nhảm nhí”
Theo kinh nghiệm, để có thể thấu đáo nội dung những gì mình đang đọc, cần phải biết sắp xếp không gian và thời gian thích hợp. Nếu vừa đọc sách vừa coi tivi hay tán truyện, thì làm sao có thể suy luận và ghi nhớ được. Nên thánh Tôma khuyên chúng ta : “Hãy yêu mến sự thinh lặng trong phòng riêng nếu anh muốn được dẫn vào kho tàng kiến thức”.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường vất vả bận rộn vì công việc. Dầu sao, ta vẫn có thể tận dụng được những khoảnh khắc rảnh rỗi để mở rộng kiến thức, như đọc tác phẩm văn học hay xem tin tức giáo hội và xã hội. Nhiều cái năm phút cộng lại, ta tiết kiệm được quỹ thời gian khá lớn.
Mãi mãi là môn sinh
Thánh Tôma căn dặn chúng ta một điều rất quan trọng trong việc học đó là sự khiêm tốn. Việc học của ta chẳng bao giờ là đầy đủ và hoàn hảo, thế nên mọi người, kể cả các giáo sĩ vẫn cần đến việc thường huấn.
Những lời khuyên “Hãy hòa nhã với mọi người, … Hãy chậm nói và từ tốn lên tiếng phát biểu, … Hãy gắng bắt chước gương tốt của những bậc thánh hiền” nhắc chúng ta nhớ, mình không phải là kẻ thủ đắc được chân lý, mà mãi mãi chỉ là người môn sinh đi tìm chân lý.
Cần tránh thái độ huênh hoang trong lời nói, sự tự hào thái quá về kiến thức, để biết đón nhận từ tha nhân những bài học và suy tư, sẵn sàng thảo luận và trao đổi, cũng như lắng nghe kinh nghiệm của nhau. Học hỏi gương của các tiền nhân, giúp ta tránh được nhiều đổ vỡ sai lầm.
Thánh hóa việc học hành
Truyền thống đọc kinh trước giờ học nối chúng ta với lời khuyên khác của thánh Tôma : “Hãy giữ lương tâm tinh tuyền. Đừng bỏ qua việc cầu nguyện”.
Học trong cầu nguyện là ước muốn gặp gỡ Chúa qua từng trang sách. Để khám phá quyền năng Chúa nơi công trình sáng tạo, chiêm niệm tình yêu Chúa trong lịch sử cứu độ, nhận ra bàn tay kỳ diệu Chúa giữa lịch sử nhân loại, và lắng nghe lời mời gọi của Chúa qua các dấu chỉ thời đại.
Xin được hiệp dâng lời nguyện với thánh Tôma : Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh Tôma nên gương mẫu tuyệt vời trong việc vun trồng đời sống thánh thiện và lòng yêu mến thánh khoa. Xin giúp chúng con thấu hiểu những điều người dạy và bước theo đường người chỉ vẽ. Chúng con cầu xin nhờ đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP