Lần đầu tiên Đức Thánh cha đối thoại trực tuyến với giới trẻ Ucraina

Hôm mùng 01 tháng Hai vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã đối thoại trực tuyến với 250 bạn trẻ Công giáo Ucraina, thuộc Giáo hội Latinh và nghi lễ Đông phương, tại thủ đô Kiev, Giáo phận Lutsk, Donetsk bên Ucraina, và với những người trẻ Ucraina tị nạn tại Varsava, Ba Lan, Munich bên Đức, Luân Đôn, Chicago và Toronto tại Bắc Mỹ. Ngài khuyến khích các bạn trẻ hãy yêu mến quê hương và hãy tha thứ, mặc dù đây là điều khó khăn, vì bản năng của con người là “ăn miếng trả miếng!”


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Cuộc đối thoại này do Đức Tổng giám mục Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Kiev và Đức Tổng giám mục Trưởng Shevchuk, Giáo chủ Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương, đề xướng.

Tại nhà trọ thánh Marta ở Vatican, Đức Thánh cha ngồi trước một màn hình lớn, cạnh đó là một cha Dòng Phanxicô làm thông dịch viên, và tại hội trường nhà thờ chính tòa Chúa Phục sinh của Công giáo, ở thủ đô Kiev, có Đức Tổng giám mục Trưởng, Đức Sứ thần Tòa Thánh, và hàng chục bạn trẻ. Họ sẵn sàng di tản xuống hầm trú ẩn, trong trường hợp báo động vì các cuộc không tập của Nga. Đức cha Jan Sobilo, Giám mục Phụ tá Giáo phận Kharkiv-Zaporizhzhia, cũng được nối viễn liên với cuộc đối thoại. Kharkiv là thành phố lớn thứ hai của Ucraina và thuộc vào số những địa điểm bị pháo kích và tấn công nhiều nhất.

Trong lời chào mở đầu, Đức Tổng giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk nói với Đức Thánh cha rằng: Đây là một cuộc gặp gỡ đầu tiên trong lịch sử giữa Đức Giáo hoàng và các bạn trẻ Ucraina… Thật là một phép lạ, vì chúng con có điện ở đây. Đêm vừa qua, chúng con đã chịu một cuộc không kích nữa, nhưng có người đã nối lại được các đường dây, bây giờ chúng con có điện và Internet!”.

Đức Thánh cha chào thăm những người xuất hiện trên màn hình. Trước mặt ngài có trang giấy trắng để ghi các câu hỏi cần trả lời.

Sau khi làm dấu thánh giá, tất cả mọi tham dự viên nguyện kinh Lạy Cha và Đức Sứ thần Kulbokas đọc một đoạn thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Roma, trong đó có câu “Chúng ta hãnh diện trong niềm hy vọng vinh quang của Thiên Chúa… chúng ta hãnh diện cả trong những sầu khổ, với ý thức rằng sầu khổ tạo nên kiên nhẫn…”.

Hy vọng cũng như “những sầu muộn” được hiểu như kinh hoàng nhân dân Ucraina đã phải chịu trong ba năm qua, do cuộc xâm lăng của Nga.

Chứng từ

Tiếp đến, mọi người đã nghe ba chứng từ của các bạn trẻ Ucraina. Một người trẻ 17 tuổi, xuất thân từ một gia đình đông con và sùng đạo, kể lại chuyện anh ruột bị đưa ra chiến trường và bị thương nhiều lần, bị bao vây trong nhiều tuần lễ. Bạn trẻ 17 tuổi nói: “Mỗi tối, con cầu xin thiên thần bản mệnh gìn giữ anh con và tất cả các binh sĩ”, và sau cùng, người anh ấy đã giải thoát.

Lần đầu tiên Đức Thánh cha đối thoại trực tuyến với giới trẻ Ucraina

Chứng từ thứ hai là của một thiếu nữ ở miền Donetsk, ngay từ nhỏ đã phải sống trong bạo lực. Cô nói: “Con sinh ra với một cảm thức bất công, nhưng con vẫn mong ước một tương lai. Đức tin đã mang lại cho con sức mạnh để tiến bước (…), sức mạnh để chứng kiến và chống lại sợ hãi, nước mắt, cảnh tượng những thành thị bị phá hủy, làn sóng những người tị nạn… Nhân danh tất cả những người trẻ ở Donetsk. Chúng con muốn hòa bình, một nền hòa bình công chính và lâu bền, giúp chúng con trở lại các thành thị và những mơ ước của chúng con. Chúng con tin rằng thiện mạnh hơn ác”.

Một thanh niên khác, từ thành Kharkiv, trình bày chứng từ sau cùng và nhắc đến các bạn đồng lứa ở các chiến trường: “nhiều người tử trận… quân thù tìm cách phá hủy các thành thị và cả niềm tin tưởng nơi tương lai. Cả những người dân thường cũng bị giết, chẳng hạn như bé Maria 12 tuổi, bị giết trong lúc đi chợ với mẹ… Cô bé giúp chúng con chuẩn bị các đồ cứu trợ những người nghèo túng. Mặc dù đau xé lòng, nhưng chúng con tin rằng bé Maria và mẹ đang ở nơi Thiên Chúa, họ là những thiên thần của chúng con”.

Đức Thánh cha trả lời các câu hỏi

Sau ba chứng từ trên đây, một số người trẻ tham dự đã đặt câu hỏi với Đức Thánh cha và ngài lần lượt trả lời, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của đối thoại: Thuốc giải độc của chiến tranh là đối thoại: “Luôn luôn đối thoại, đối thoại giữa chúng ta, và cả với những người trái nghịch với chúng ta. Các bạn đừng bao giờ mệt mỏi trong việc đối thoại. Hòa bình được xây dựng bằng đối thoại. Quả thực là nhiều lần không có thể vì sự ngoan cố của một vài người, nhưng hãy luôn luôn cố gắng đối thoại”.

Với những người trẻ Ucraina đang tị nạn ở nước ngoài và đang nhớ nhung quê hương, Đức Thánh cha nói: “Nhớ quê hương là một sức mạnh. Tôi xin các bạn là những người Ucraina đang ở nước ngoài đừng mất lòng tưởng nhớ quê hương, tổ quốc. Bao nhiêu lần, đó là một đau khổ, nhưng chúng ta hãy tiếp tục tiến bước”.

Một thiếu nữ 27 tuổi, đại diện cho những người trẻ ở vùng Kharkiv và Poltava, là nơi bị Nga tấn công nhiều, thành thị bị tàn phá và nhiều người chết, cô hỏi Đức Thánh cha: “làm sao nhìn thấy hòa bình giữa tất cả những điều đó?” Đức Thánh cha cảm động, lên án chiến tranh luôn luôn tàn phá và ngài chống nạn đói, như một trong những hậu quả của chiến tranh, thật là kinh khủng! Đức Thánh cha cũng nhắc lại rằng mỗi tối, ngài đều điện thoại cho giáo xứ Công giáo ở Gaza: “Bao nhiêu lần họ kể với tôi về tình trạng nạn đói do chiến tranh tại đó gây ra… Chiến tranh không chỉ tạo nên nạn đói, chiến tranh còn giết hại”.

Đức Thánh cha nhắc đến cuốn sách Tin mừng nhỏ mà người lính Aleksandr của Ucraina luôn mang theo mình ra mặt trận và đã tử trận. Trong sách, anh tô đậm thánh vịnh 129 với câu: “Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Chúa. Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con!”. Đức Thánh cha nói: “Oleksandr là một người trong các con!”.

Đức Thánh cha cũng giơ lên cho các bạn trẻ tham dự cuộc đối thoại trực tuyến xâu chuỗi Mân côi mà Oleksandr dùng để cầu nguyện và nói: “Đối với tôi, đây là một thánh tích, của một người trẻ trong các bạn, đã hiến mạng sống cho hòa bình. Tôi đặt thánh tích này trên bàn làm việc của tôi và hằng ngày tôi cầu nguyện. Chúng ta phải nhớ đến những anh hùng này của chúng ta đã bảo vệ tổ quốc. Nhân dân Ucraina đang chịu đau khổ, chịu đói. Chúng ta hãy mở mắt ra và thấy chiến tranh tạo nên cái gì!”

Đức Thánh cha nhắc nhở các bạn trẻ mang theo sách Tin mừng và mỗi ngày đọc một đoạn. Ngài cũng kêu gọi giới trẻ Ucraina hãy yêu nước: “Tất cả người trẻ có một sứ mạng. Khi có khó khăn trong một nước, một tổ quốc, người trẻ có nghĩa vụ thực hành “sự thần bí của tổ quốc. Ngày nay, sứ mạng của người trẻ Ucraina là yêu nước. Và các bạn không được trốn tránh khỏi tất cả những vấn đề các bạn đang chịu vì chiến tranh. Yêu nước, yêu quê hương! Trong lúc này, tổ quốc của các bạn đang bị thương tổn vì chiến tranh. Nhưng yêu tổ quốc là một điều rất đẹp”.

Cũng trong phần trả lời, Đức Thánh cha nói đến tha thứ là điều khó khăn nhất đối với tất cả mọi người, kể cả với tôi. Nhưng câu này giúp tôi: tôi phải tha thứ, như tôi đã được thứ tha. Mỗi người chúng ta, trong cuộc sống, phải tìm cách tha thứ, như mình đã được tha thứ, vì thường mỗi người chúng ta luôn tìm cách thực hiện chiến tranh, tìm cách trả đũa, “ăn miếng trả miếng. Nghệ thuật tha thứ không dễ dàng, nhưng chúng ta phải thực hiện, chúng ta phải tha thứ cho người khác, luôn luôn như vậy. Hãy tiến bước cho dù mình có lỗi lầm”.

(Vatican News 1-2-2025)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *