Lễ giỗ lần thứ 29 của Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn

 

Thứ Sáu, ngày 17/5/2019, tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên đã chủ sự lễ giỗ lần thứ 29 để cầu nguyện cho Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, nguyên Tổng Giám Mục, Tổng Giáo Phận Hà Nội. Tham dự Thánh lễ này còn có sự hiện diện của Đức Cha Lôrenxô Chu Văn Minh, Cha Tổng đại diện Antôn Nguyễn Văn Thắng, Cha Quản hạt Chính tòa Phaolô Nguyễn Trung Thiên, Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên – Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế, quý Cha Giáo Đại Chủng Viện, quý Cha trong hạt Chính tòa, Cha xứ giáo xứ thánh Anton thuộc giáo phận Hải Phòng, cùng quý Tu sỹ nam nữ và đông đảo anh chị em giáo dân trong và ngoài giáo xứ tới tham dự Thánh lễ.

Vào lúc 18h00, trong bầu khí tưng bừng của tháng hoa, mỗi người con trong Tổng Giáo phận Hà Nội không thể quên lòng sùng kính Đức Mẹ nơi Đức Cố Hồng Y Giuse Maria. Hôm nay, đội tiến hoa do các chị em thuộc Giáo xứ Thánh Antôn, Giáo phận Hải Phòng đã dâng hoa kính Đức Mẹ theo nghi thức truyền thống cổ xưa. Mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi người mỗi khác, tất cả đều diễn tả lòng yêu mến với Đức Trinh Nữ Maria.

Sau cuộc dâng hoa, Đức TGM Giuse cùng quý Cha hiệp dâng Thánh lễ đại triều cầu nguyện cho ĐHY Giuse Maria. Mở đầu Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã nhắc lại cách đây tròn 29 năm, Đức Hồng Y (ĐHY) Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng Giám Mục Hà Nội, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã an nghỉ trong Chúa. Ngài nhấn mạnh rằng ĐHY Giuse Maria đã lãnh nhận trách nhiệm đó trong một giai đoạn khó khăn tư bề về phía xã hội cũng như Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Là hậu duệ thiêng liêng của ĐHY, Đức TGM Giuse mời gọi mọi thành phần dân Chúa hãy tưởng niệm hình ảnh và lòng nhân từ của người bằng lòng tri ân sâu sắc với ĐHY đã can đảm, hy sinh và tận tâm phục vụ Giáo hội, cách riêng cho Tổng Giáo Phận Hà Nội. Tin tưởng nơi Đức Kitô Phục sinh, Đức TGM Giuse xác tín rằng ĐHY Giuse Maria sẽ được sống lại với Chúa. Ngài cầu xin Chúa ban cho cộng đoàn biết học hỏi nơi ĐHY lòng nhân từ, tình bác ái cũng như sự thánh thiện để chúng ta đến gần Chúa hơn và làm lan tỏa sự thánh thiện đến môi trường xung quanh.

Lễ giỗ 29

Trong phần quảng diễn Lời Chúa, khởi đi từ Tin mừng Thánh Gioan, Đức TGM Giuse đã dùng hình ảnh “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”. Đức Giêsu là hạt lúa mì vĩ đại, hơn hai ngàn năm nay đã chỗi dậy từ cõi chết, nảy mầm từ sự mục nát và thông ban sức sống dồi dào cho nhân loại. Đức TGM khẳng định lời tuyên bố của Đức Giêsu với các Tông đồ trước khi bước vào cuộc Tử nạn đã củng cố đức tin của các ông, mở ra cho các ông một tương lai và một chân trời mới khi các ông phải đứng trước mầu nhiệm Thập Giá và cái chết bi thương của Chúa, các ông vững tin và không bị hụt hẫng. Vì thế, Đức Kitô Phục sinh đã ban sự sống thiêng liêng và hy vọng cho con người.

Tiếp nối bài giảng, Đức TGM Giuse nhấn mạnh, hôm nay chính trong đức tin và và niềm hy vọng vào Đức Giêsu Phục Sinh mà chúng ta dâng Thánh Lễ này để tưởng niệm và tri ân ĐHY Giuse Maria.

Đức TGM nhắc lại nhận định của báo chí phương tây cũng như báo chí Việt nam về các Giám mục Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là thời điểm mà Giáo hội Việt Nam người ta gọi là đang ở trong “giấc ngủ đông”, nói cách khác đó là thời điểm khó khăn tư bề: hạn chế về nhân sự, về cơ sở vật chất, về hoạt động tôn giáo. Ngài đã kể tên 3 vị Mục tử được nhắc đến lúc bấy giờ: Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, một Giám mục “kiên cường”; ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, một Giám mục “trung thành”, và Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, TGM Giáo phận Hà Nội, một Giám mục “thánh thiện”.

Nói về ĐHY Giuse Maria, Đức TGM Giuse nhận định rằng những ai gặp ngài cũng thấy sự gần gũi thân thương, giản dị mà nhân hậu. Ngài là một “mắt xích” lịch sử và nền móng đức tin kiên cường của TGP Hà Nội để làm nên những điều kỳ diệu. Đức TGM Giuse nhấn mạnh 3 điểm nổi bật nơi ĐHY Giuse Maria: Một là lòng yêu mến Đức Mẹ thẳm sâu thể hiện qua việc sáng tác các bài hát và phổ cập các vãn dâng hoa kính Đức Mẹ. Trong “hồi ký Rôma” ĐHY đã ghi lại Đức Mẹ đã ban ơn cho hai mẹ con ngài được gặp nhau tại Rôma cách lạ lùng (Cuộc gặp thần kỳ của hai mẹ con Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn). Hai là thực hiện dịch Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước ra tiếng Việt. Ngài đã làm việc miệt mài và vất vả với sự cộng tác của quý Sơ Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, vì lòng yêu mến và cứu rỗi các linh hồn. ĐHY yêu mến và say mê Lời Chúa. Ngài cũng muốn nâng tầm Giáo Hội miền Bắc không ở trong tình trạng “thua chị kém em” để Lời Chúa được tôn vinh và ăn sâu vào tâm lòng mỗi người kitô hữu. Ba là ĐHY đã xin Đức Giáo Hoàng phong thánh cho 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam ngày 19/06/1988. Đức TGM Giuse khẳng định rằng ĐHY Giuse Maria làm được những công việc lớn lao như vậy là nhờ ơn Chúa. Bởi vì “ơn Chúa vô cùng kỳ diệu”. Con người thế gian thì mưu mô còn Thiên Chúa thì quyền năng, nhân ái. Nơi ĐHY diễn tả quyền năng và sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Sau Thánh Lễ, Đức TGM Giuse, quý cha cùng toàn thể cộng đoàn hướng về mộ phần của ĐHY Giuse Maria để thắp nén hương cùng dâng lời kinh cầu nguyện cho Ngài.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban thưởng Nước Trời cho ĐHY kính yêu và khi ngài về thiên đàng thì cũng nhớ đến đoàn con của TGP Hà Nội. Ước gì mỗi người chúng ta học được những nét đẹp nơi cuộc đời ĐHY Giuse Maria, biết tỏa lan hương thơm thánh thiện như Chúa mời gọi và như Giáo Hội mong muốn.

15644 le gio 18Đội hoa của Giáo xứ thánh Antôn (Kẻ Sặt) giáo phận Hải Phòng tiến hoa dâng kính Đức Mẹ

15644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 18Hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn15644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 1815644 le gio 18

BTT Gx. Chính Tòa

*****

Lật giở lại những trang hồi ký của Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, chúng tôi bắt gặp những câu chuyện thần kỳ. Biến cố năm 1954 đã khiến gia đình ngài phải ly tán. Mẹ ngài và người em gái đã di cư vào Nam, còn ngài ở lại Hà Nội. Việc mẹ con gặp nhau, với ngài tưởng chừng như không thể bởi khoảng cách địa lý và sự chia cắt đất nước. Nhưng mọi sự đều có thể dưới sự quan phòng của Thiên Chúa qua sự dẫn lối của Mẹ Maria. Ngài đã gặp lại người mẹ sau 20 năm xa cách tại Roma.

Năm 1974, Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê lúc bấy giờ đã ủy nhiệm cho Đức cha phó Giuse Maria Trịnh Văn Căn tham dự cuộc họp Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Roma. Trong tình thế đất nước chiến tranh khốc liệt với bối cảnh đặc thù của Miền Bắc lúc bấy giờ, việc một Đức Giám mục từ Hà Nội tới Roma là một điều dường như không thể.

Nhưng cũng trong chuyến công du này, cuộc gặp gỡ giữa ngài với mẹ mình còn kỳ diệu hơn và vượt sức tưởng tượng thông thường. Như ngài đã chia sẻ trong hồi ký: “Tôi đã xin Đức Mẹ Maria cho tôi mặt trăng, Đức Mẹ Maria đã ban cho tôi mặt trời!”.

Nhân ngày giỗ lần thứ 28 của ngài, 18/5/1990-18/5/2018, chúng tôi xin trích lại đây nguyên văn những tâm sự của Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn trong tập «Hồi Ký Roma» của ngài:

«Ngày 19 -10-1974

MẸ TÔI TỚI RÔ-MA

Hôm nay là thứ Bảy, tôi làm lễ sớm. Quá 5 giờ, xe cha Điện đã đến đón tôi ở sân trường thánh Phê-rô để đi ra trường bay Rô-ma đón mẹ tôi từ Sài Gòn tới. Có phải đây là dấu chỉ ơn Đức Mẹ: Tôi bỏ Hà Nội ngày thứ Bảy 21-9, mẹ tôi đến Rô-ma ngày thứ Bảy 19-10, mà thứ Bảy là ngày của Đức Mẹ. Đoàn người đi đón mẹ tôi gồm trên mười người, mấy cha cùng mấy nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Saint Paul, trong số này có Cha Bề Trên Điện và Bà Nhất Tê-rê-sa Huy. Chúng tôi đến trường bay vào trước 6 giờ. Máy bay chở Đức Cha Phao-lô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục Sài Gòn, mẹ tôi và nữ tu Francine hạ cánh xuống trường bay vào 6 giờ.

Một lúc sau, trời vẫn chưa sáng hẳn, Đức Tổng Giám Mục đã ra khỏi phòng khách trường bay, Cha Điện giới thiệu cho tôi biết. Tôi chạy lại và ôm Người. Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn nói với tôi: “A! Đức Cha Hà Nội ! Mừng quá !” Tôi đáp: “Hân hạnh quá ! Cám ơn Đức Cha”. Đoạn tôi chạy ra phía mẹ tôi ôm vai mẹ tôi và nói: “Mẹ, con đây”. Mẹ tôi cầm tay tôi và kêu to: “Con tôi, mẹ mừng quá!”, rồi tôi quay về phía nữ tu Francine cám ơn nữ tu đã cùng đi với mẹ tôi để giúp đỡ mẹ tôi, săn sóc sức khoẻ cho mẹ tôi trong lúc đi đường. Tôi xin nhắc lại: Tôi được biết Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn lúc đó đang mệt, và Người không phải họp kì này, nhưng vì mẹ tôi đi, nên Người đã lên đường đi cùng. Tôi xin một lần nữa ghi ở đây lòng biết ơn Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn đã có lòng tốt với mẹ tôi đến thế! Quả thật, vừa đến Rô-ma trú ở nhà Cha Điện, Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn đã tái mắc bệnh ho và không dám tiếp khách.

Chúng tôi ra xe, Đức Cha Bình, mẹ tôi và tôi lên xe do Cha Điện lái. Tất cả chúng tôi về nhà quản lý Việt Nam; Cha Điện đã dọn cho mẹ tôi và nữ tu Francine một phòng ngủ và riêng tôi một phòng đối diện với phòng mẹ tôi. Người có ý để mẹ tôi và tôi được gần nhau và thân mật nói chuyện.

Ngày hôm sau, một nữ tu khác từ Thuỵ Sĩ là nữ tu Philomel cũng tới thăm tôi, nữ tu này là bổn đạo mới tôi đã rửa tội ở Hà Nội năm 1950. Nữ tu này cũng ở một phòng cạnh phòng mẹ tôi.

Mẹ tôi sẽ ở nhà Cha Điện vài tuần. Tôi rất vui mừng được gặp mẹ tôi sau 20 năm xa cách. Tôi hỏi thăm tin tức bà con và gia đình, tôi biết tin em gái tôi và họ hàng thân thuộc. Ở nhà Quản Lý Việt Nam, Cha Bề Trên Điện, Bà nhất Huy và các chị nữ tu săn sóc mẹ tôi rất chu đáo, tôi xin ghi lại ở đây lời cám ơn chân thành. Tôi đã xin Đức Mẹ Maria cho tôi mặt trăng, Đức Mẹ Maria đã ban cho tôi mặt trời ! Tôi xin Đức Mẹ Maria cho tôi được gặp mẹ tôi ở trần gian này một lần nữa, Đức Mẹ đã ban cho tôi như ý xin, nhưng lại ban cho tôi được gặp mẹ tôi tại Kinh Thành bất diệt, trên mộ Thánh Phê-rô, bên cạnh Đức Thánh Cha! Sáng nay lúc 9 giờ trước khi khai mạc Hội Đồng, Đức Cha Rubin, Tổng thư kí đã có nhã ý hỏi tôi xem có nên báo tin cho các Nghị Phụ biết mẹ tôi đã đến Rô-ma hay không. Vì tôi ngần ngại chưa biết trả lời ra sao, thì Đức Cha Rubin đã nói với tôi:“Có lẽ không nên”, tôi đáp: “Vâng”. Vì thế chỉ có mấy tờ báo đưa tin mẹ tôi tới Rô-ma.

Danh dự và hạnh phúc Đức Mẹ Ma-ri-a ban cho mẹ tôi và cho tôi thật là to lớn!

“Lạy Đức Mẹ Maria, mẹ con chúng con xin cảm tạ Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ chúc phúc cho sự gặp gỡ của mẹ con chúng con”.»

 

Thiên Chúa và Đức Mẹ đã can thiệp bằng cách nào để có cuộc gặp gỡ này? Chính Đức Cố Hồng Y đã kể lại:

“Khi tôi về đến Trường Thánh Phê-rô là 10 giờ 45, tôi được một sự vui mừng bất ngờ: Đức ông Hüssler, người Tây Đức, lúc đó là Giám Đốc Tổ Chức Caritas, tức là tổ chức bác ái quốc tế, đến thăm tôi. Thật là bác ái! Đức ông là Giám Đốc mà! Người được tin tôi tới đây, Người bay ngay đến. Từ Freiburg, Người đến bằng máy bay, sau khi hỏi thăm tin tức về sức khỏe, Người nói: “Tôi có ý đưa mẹ Đức Cha tới đây để gặp Đức Cha”. Tôi sửng sốt đáp: “Cám ơn Đức Cha, cám ơn Đức Cha!”. Người từ biệt tôi và sửa soạn ngay việc cho mẹ tôi từ Sài Gòn đến đây gặp tôi. Công việc làm nhanh chóng, công việc diễn ra như sau: Người xin Bộ Ngoại Giao Toà Thánh điện ngay cho Đức Khâm Sứ ở Sài Gòn, là Đức Cha Henri Lemaitre, thu xếp cho mẹ tôi đi Rô-ma. Ở Sài-gòn, sau khi được điện Toà Thánh, Đức Cha Henri Lemaitre đã đến thăm Mẹ tôi và nhờ mấy cha thu xếp cho Mẹ tôi đi Rô-ma; các cha ở Toà Khâm Sứ, nghe nói có một cha người Ba Lan, một cha người I-ta-li-a và hai cha Việt Nam, các cha này cũng có tới thăm mẹ tôi; lại thêm các cha Địa Phận Hà Nội, như các Cha Thiện, Thịnh, Kỷ … cũng tới. Chắc việc xẩy ra ở Sài Gòn cũng rất bất ngờ. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình cũng tới thăm Mẹ tôi, Người khuyến khích mẹ tôi, nhưng mẹ tôi chẻ củi bị mảnh gỗ đâm vào tay, sưng ngón tay cái, lại tuổi già, ngại ngùng, vì thế ở Rô-ma, Cha Lagrange trong tổ chức Caritas cho tôi biết: việc đưa mẹ tôi sang Rô-ma khó là tại mẹ tôi. Đức Cha Sài Gòn khuyến khích, nhưng bà chưa muốn đi. Sau tôi được biết là mẹ tôi rất phân vân vì có cha thì nói nên ở nhà sợ đi đường gặp khó khăn, vì tuổi đã cao, lại có cha nói cứ đi, sang để mẹ con gặp nhau. Sau cùng mẹ tôi quyết đi, ngón tay sưng đã khỏi dần. Nhờ sự can thiệp của Toà Khâm Sứ, công việc làm giấy tờ chỉ có một ngày; có cha nói chơi ở nhà mẹ tôi rằng: “Các cha đợi 4, 5 tháng chưa được giấy, mà cụ có nửa ngày là xong ngay”. Mẹ tôi thu xếp đi. Thế là tin mẹ tôi đi Rô-ma đồn đi nhanh chóng; mẹ tôi kể: Mệt quá, cả ngày có người đến hỏi thăm, an ủi, mừng rỡ, người thì gửi thư, người thì dặn dò; nhiều quá, xe máy, xe ô tô đến Ngã Bảy nhiều quá. Tôi xin nói ngay ở đây: mẹ con chúng tôi xin cám ơn tất cả các Đức Cha, các cha và anh chị em, bà con thân thuộc, đã tỏ mối thịnh tình đối với gia đình chúng tôi. Mẹ tôi nghèo, mẹ tôi sợ đi máy bay bị ốm nên cứ nghĩ đến đem thuốc men, rồi lại nghĩ đem mấy quả cam đi nữa, nhưng đã có Chúa lo liệu, đúng như khi tôi nói lúc mới 8 tuổi.

Tôi xin trở lại câu chuyện Rô-ma. Chúa đã thu xếp cho mẹ tôi, mẹ tôi lo ốm trên máy bay thì đã có người giúp đỡ là Đức Tổng Giám Mục Phaolo Nguyễn Văn Bình cùng đi chuyến máy bay ấy, lúc đó Người cũng mệt và ho nhiều, nhưng Người đã ra đi vì mẹ tôi đi. Cám ơn Đức Tổng nhiều lắm! Mẹ tôi lo ốm, thì Đức Khâm Sứ cử một nữ tu đi theo, để lo thuốc men, thế là những miếng cao, những quả cam mẹ tôi lo đem đi cũng chẳng cần nữa. Phí tổn cho mẹ tôi là do Tổ Chức Caritas chịu. Cám ơn Đức Ông Hüssler và Cha Lagrange!

Tôi không quên ghi lại điều này: Đức ông Hüssler đến Hà Nội năm 1965, Người đến với danh nghĩa Phó Chủ Tịch Caritas, Tây Đức. Một buổi sáng Người đã bỏ khách sạn đến Nhà Thờ Lớn Hà Nội, và sau lễ, Người vào nhà áo, nhưng lúc đó tôi đã ra nhà thờ đọc kinh. Người nhờ thầy Cơ đưa cho tôi một danh thiếp, rồi ra chào tôi tại chỗ tôi ngồi. Người cho tôi biết Đức Thánh Cha Phao-lô VI hằng lưu tâm đến các địa phận ở Bắc Việt. Nghe nói sau đó Người tới thăm một số Đức Cha khác; khi về qua Rô-ma, Người kể lại đã gặp chúng tôi, và chắc hẳn Tòa Thánh đã đón những tin của Người như tin vui mừng về chúng tôi.

Đức ông Hüssler lại đến Hà Nội lần thứ hai vào ngày 19-10-1973, và đã đến Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội hỏi thăm chúng tôi. Người đã biếu Đức Tổng Giám Mục một áo lễ, Người đã mang thư Đức Thánh Cha. Người đưa một tin vui mừng cho tôi; đang lúc nói chuyện ở Phòng khách Tòa Tổng Giám Mục, Người nói với tôi: “Tôi đã gặp mẹ Đức Cha ở Sài Gòn, tôi đã đến thăm Cha Kỷ người trong gia đình Đức Cha; Cha Kỷ đã dẫn tôi đến nhà mẹ Đức Cha. Tôi đã thấy ảnh Đức Cha đặt trong một khung lớn treo trên tường”.

Một mặt Đức ông Hüssler đã biết tôi ở Hà Nội, một mặt Người biết mẹ tôi ở Sài Gòn, nên một tư tưởng tốt lành đã nảy ra trong đầu Người, ngay khi tôi mới tới Rô-ma, là đưa mẹ tôi sang thăm tôi, để hai mẹ con gặp nhau. Chúa lo liệu nữa! Đức Mẹ lo liệu nữa!”

Hai mẹ con Đức Cố Hồng Y gặp Đức Giáo Hoàng tại Vatican ngày 25/10/1974

BBT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *