Từ đầu đến giữa thế kỷ XIII, lễ tôn kính Thánh Thể chỉ có một lễ duy nhất đó là Thánh Lễ Tiệc Ly, được cử hành vào Thứ Năm Tuần Thánh.
1.Lịch sử
Từ đầu đến giữa thế kỷ XIII, lễ tôn kính Thánh Thể chỉ có một lễ duy nhất đó là Thánh Lễ Tiệc Ly, được cử hành vào Thứ Năm Tuần Thánh. Nhưng ngày này phụng vụ chỉ cử hành canh thức lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa, nên không thể tôn kính Bí Tích Thánh Thể, trung tâm và nguồn của tất cả đời sống Kitô hữu qua những hình thức vui tươi hoặc những lễ nghi đặc biệt.
Từ năm 1241-47, một lễ mới được giám mục thành Liège thiết lập lễ Mình và Máu Thánh Chúa trong địa phận của ngài với ý chỉ ca tụng sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, nhằm chống lại các nhóm dị giáo và để chỉnh đốn lại sự thiếu kính trọng đối với Bí Tích Thánh Thể.Khoảng năm 1210 ở Liège[2], nữ tu Julienne du Mont-Cornillon, trong một thị kiến, soeur thấy đĩa mặt trăng với một phần bị mất. Soeur Julienne dần dần hiểu rằng thị kiến muốn nói về việc thiếu vắng một ngày lễ mừng bí tích Mình và Máu Chúa Kitô trong Hội Thánh. Hai mươi năm sau, vào năm 1230, soeur Julienne mới nói về thị kiến của mình cho một vài linh mục và các linh mục này đã tham ý kiến các nhà thần học, cách đặc biệt là các tu sĩ dòng Đaminh. Có nhiều ý kiến đối lập nhau, trong đó có ý kiến cho rằng dành riêng một lễ để tôn kính Mình Thánh Chúa xem ra dư thừa.
Đến năm 1264, Jaques Pantaléon, giám mục phó địa phận Liège được bầu làm giáo hoàng với tước hiệu Urban IV. Từ ngai toà, ngài thiết định lễ Mình Máu Thánh Chúa phải cử hành trong toàn Hội Thánh vào ngày thứ năm sau tuần bát nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ngày này không phải tình cờ được chọn, nhưng: thứ năm là ngày Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể, và sau lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần trợ giúp các Tông Đồ đi sâu vào mầu nhiệm của Bí Tích này.
Nhưng hai tháng sau khi công bố sắc lệnh thiết lập lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Đức Urban IV qua đời, nên lễ này không được phổ biến cách rộng rãi. Mãi đến thời giáo hoàng Clément V (1311-1312) và Jean XXII (1317) sắc lệnh thiết lập lễ kính trọng thể Mình và Máu Chúa của Đức Urban IV mới được thực hiện rộng khắp. Sau đó, lễ này đã được phổ biến rất nhanh trong Hội Thánh Latin, và ít lâu sau đó, lễ này cũng được các Hội Thánh Đông Phương tiếp nhận.
Tuy mới chính thức được nhận vào phụng vụ, nhưng các bản văn của phụng vụ thánh lễ và phụng vụ giờ kinh đã được thánh Thomas Aquino soạn thảo từ khoảng năm 1264.
2.Rước kiệu Thánh Thể
Các cuộc rước kiệu Thánh Thể không được nói đến trong sắc lệnh của Đức Urban IV, nhưng các thế kỷ tiếp theo, lễ Mình và Máu Chúa được mừng kính rất trọng thể và kèm theo các cuộc rước kiệu Thánh Thể xung quanh nhà thờ hoặc trên các đường phố hoặc làng quê. Thật ra, các cuộc rước kiệu này đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XIII ở Angers (Pháp) và Cologne (Đức), và nó được phổ biến rộng rãi khắp Châu Âu vào thế kỷ XIV-XV. Roma cũng thực hành vào năm 1350. Từ đó, các giáo hoàng không những khuyến khích việc thực hành này và còn ban những ân xá cho những ai tham gia các cuộc rước kiệu Thánh Thể. Công Đồng Trento (1543-1563) phê chuẩn việc rước kiệu Thánh Thể và cho đây là một việc tuyên xưng tập thể và công khai đức tin công giáo về sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong Bánh Thánh Thể.
Ngày nay, việc rước kiệu Mình Thánh Chúa được thực hành khá phổ biến ở Ý, Tây Ban Nha và nhiều nước công giáo Châu Âu. Việc rước kiệu này được diễn ra từ sáng sớm, ngay sau thánh lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa hoặc vào buổi chiều. Ở Roma, lễ này được mừng vào ngày thứ năm theo lịch Vatican, sau thánh lễ chiều thứ năm[3], đoàn rước kiệu dưới sự chủ sự của Đức giáo hoàng, khởi hành từ Vương Cung Thánh Đường Latran đến Nhà thờ Đức Bà Cả.
3.Ý nghĩa thần học phụng vụ
Thật là hữu ích khi nhìn ngược lại lịch sử của thế kỷ XIII-XIV, khoảng thời gian hình thành lễ Mình và Máu Thánh Chúa. Lối suy nghĩ trong giai đoạn này tập trung vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong tấm bánh: người thì nói hiện diện bản thể, người thì nói hiện diện thật sự. Cử hành phụng vụ với những bài thánh thi, thánh ca, cũng như các cuộc rước và những hình thức khác nhau về việc tôn thờ Thánh Thể, tất cả đều muốn tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Kitô trong tấm bánh được thánh hiến.
Trong giai đoạn này, các tín hữu chỉ tham dự thánh lễ từ xa, bởi vì thánh lễ được cử hành trong một ngôn ngữ xa lạ đối với họ, nhiều lời nguyện thầm của chủ tế và bàn thờ thường có một khoảng cách khá xa đối với người tham dự. Từ thế kỷ XIII, không còn việc giáo dân hiệp lễ với chén rượu, vì nhiều nhà thần học đã đưa ra giải thích về việc Chúa Kitô hiện diện hoàn toàn dưới mỗi “hình ”, và cho rằng, việc rước Máu Thánh chỉ dành cho các linh mục, vì ngài là “miệng của mọi người” và hiệp lễ nhân danh cộng đoàn.
Vả lại, trong giai đoạn này, người tín hữu rất ít rước lễ, và xuất hiện việc trao Mình Thánh Chúa sau thánh lễ cho những ai muốn. Các tín hữu tham dự thánh lễ theo hai cách: cách thứ I, họ nhìn và tôn thờ bánh thánh mà linh mục nâng lên sau khi truyền phép, họ “ăn bằng mắt” bánh thánh mà Chúa Kitô hiện diện; cách thứ II, họ thực hành “rước lễ thiêng liêng”, qua việc rước lễ này họ bày tỏ ước muốn được rước lễ qua tình trạng ước muốn hoặc có ý định thoáng qua muốn rước lễ. Hình thức đã trở thành nguồn sinh lực vô cùng phong phú cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Đối với đa số tín hữu, việc rước Mình Thánh Chúa thực hiện một năm một lần, là thể hiện sự vâng phục với luật rước lễ Mùa Phục Sinh của Hội Thánh.
Sách lễ Roma năm 1970 tuy cải cách nhưng vẫn giữ lại Ca Tiếp Liên Lauda Sion (tìm thấy trong sách bài đọc). Bài ca này do Thánh Thoma Aquino sáng tác, mang đậm nét của nền thần học kinh viện. Nó được hát hoặc đọc trước Alleliua, nhằm làm nổi bật sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong từng tấm bánh. Lời Tổng Nguyện của thánh lễ nói lên ý nghĩa của việc cử hành và sùng kính Mình-Máu Thánh Chúa, đồng thời nêu bật mối liên kết chặt chẽ giữa ngày Thứ Năm Tiệc Ly và cuộc khổ nạn sinh ơn cứu chuộc của Chúa qua mỗi thánh lễ Hội Thánh cử hành: “Lạy Chúa, Chúa đã để lại cho chúng con bí tích huyền diệu để kỷ niệm cuộc tử nạn Chúa, xin cho chúng con được sốt sắng sùng kính mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa, cho chúng con luôn luôn được hưởng nhờ hiệu quả của ơn cứu chuộc”. Lời nguyện này cũng được đọc lại trong các giờ chầu Thánh Thể sau bài hát Tantum.
Lm.Gs. Lê Ngọc Ngà