Sáng đèn – mặn muối (08.08 – Lễ Trọng Thánh Đa Minh, Tổ Phụ Dòng Anh Em Giảng Thuyết)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

LỄ THÁNH TỔ PHỤ ĐA MINH –  Lễ trọng

Lời Chúa: Is 52,7‑10, 2 Tm 4,1‑8, Mt 5, 13-19 (Mt 28, 16-20; Lc 10,1-9)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5, 13-19)

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

Sáng đèn – mặn muối (08.08.2024)

Lời Chúa“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ.” (Mt 5,16a).

Lời Thánh Đa Minh: “Không thể chinh phục kẻ thù nghịch đức tin bằng các cuộc chiến. Hãy dạy cho họ biết chân lý và tình yêu của Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện cho họ. Chúng ta hãy ăn chay và sám hối.”[1]

Suy niệm: Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên ánh sáng cho trần gian. Ngài muốn chúng ta hãy thắp sáng cuộc đời qua đời sống tốt lành với những công việc tốt đẹp ta làm cho tha nhân, để qua đó chúng ta làm tôn vinh Danh Cha, Đấng là Ánh Sáng đích thực mà chúng ta được nhận lãnh và phản chiếu từ Ngài.

Chúng ta biết đến Thánh Đa Minh với câu chuyện nổi tiếng về con chó ngậm bó đuốc sáng, như để ví von Ngài là người nhiệt thành chiếu tỏa ánh sáng Chúa Kitô qua đời sống khó nghèo, khiêm tốn cùng lòng nhiệt thành giảng thuyết về chân lý Chúa Kitô. Từ cuộc đời không mệt mỏi chiếu giãi ánh sáng ấy, thánh nhân đã hướng dẫn và đưa được nhiều người trở về với Thiên Chúa, cứu được nhiều linh hồn khỏi lầm đường lạc lối.

Chúng ta đang sống trong thế giới bị bao phủ bởi bóng tối của tiền bạc, danh vọng và chủ nghĩa hưởng thụ. Là người Kitô hữu, là con cái của sự sáng, chúng ta được mời gọi để tự vấn: Chúng ta đã sống như thế nào để chiếu giãi ánh sáng cho thế gian? Chúng ta có sẵn sàng như ngọn nến chấp nhận tiêu hao để chiếu sáng cho mọi người không?

Ý lực sống: Lạy Chúa, Ngài là Ánh Sáng của cuộc đời con. Nhưng dường như con đang để cho hàng rào của vật chất, lối sống hưởng thụ, ghen ghét, kiêu ngạo bao bọc, khiến ánh sáng của Chúa nơi con bị đẩy lùi và bị che phủ. Xin đẩy lui bóng tối và ban ơn giúp con luôn sống ý thức nhiệm vụ của mình là chiếu sáng bằng việc can đảm sống yêu thương khiêm tốn và bác ái. Amen.


1.
Môn đệ nghe Chúa trao lời
Anh em là muối cho đời thêm hương
Và là ánh sáng muôn phương
Cho thế nhân thấy tình thương Chúa Trời
* * *
Sáng đèn – mặn muối ai ơi!
Ghi tâm khắc cốt sống đời chứng nhân.

2.
Muối men, ánh sáng người ơi,
Ai khôn lánh dữ, tìm noi gương lành.
Những người môn đệ chính danh,
Phải luôn chiếu sáng, phải thành muối men.
Lánh xa tham vọng thấp hèn,
Tin Mừng dẫn lối như đèn trong đêm.

Xin ơn Chúa trợ giúp thêm,
Biến tâm chai cứng hóa mềm từ nay.
Giúp con cuộc sống đổi thay,
Trở nên nhân chứng mỗi ngày của Cha.

 

“Từ nay trước nhan Thiên Chúa và được Đức Trinh Nữ Maria hỗ trợ, cha chuyển cầu cho anh em được hăng say giảng thuyết, chuyên cần cầu nguyện và luôn được bình an đích thực”.

THÁNH ĐA MINH, LINH MỤC

TỔ PHỤ DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT

(1170 – 1221)

Giáo Hội kính nhớ ngày 08 tháng 08 hằng năm

  1. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Domingo de Guzmán (Đa Minh) sinh ngày 24.06.1170 tại Caleruega, giáo phận Osma, Tây Ban Nha. Thân phụ là bá tước Felix Guzman, thân mẫu là chân phước Gioanna Aza.

Năm 1177, ngài học với cậu là linh mục Gumiel. Năm 1184, ngài là sinh viên đại học Palencia. Ngài gia nhập Kinh Sĩ Đoàn giáo phận Osma, thụ phong linh mục năm 1194.

Năm 1203 sau một đêm thuyết phục chủ quán theo lạc giáo Abigeois, Chúa Thánh Thần gợi lên trong Đa Minh hứng khởi nền tảng để lập Dòng.

Năm 1206, cha thành lập nữ đan viện đầu tiên tại Prouille. Năm 1215, tại Toulouse, nước Pháp hai tu sĩ tiên khởi Thomas và Seila khấn trong tay cha Đa Minh.

Ngày 22.12.1216, Dòng Anh Em Thuyết Giáo (Ordo Praedicatorum: viết tắt là O.P.) được châu phê. Năm 1217, Cha Đa Minh phái 16 anh em tiên khởi đến các thành phố lớn để học tập, rao giảng và lập tu viện.

Ngày 06.08.1221, Cha về trời trong bình an giữa anh em. Di ngôn cha để lại: “Hãy sống bác ái, khiêm tốn, và khó nghèo tự nguyện”. Và cha hứa rằng: “Từ nay trước nhan Thiên Chúa, nhờ sự hỗ trợ của Đức Trinh Nữ Maria, cha sẽ luôn chuyển cầu cho anh em hăng say giảng thuyết, chuyên cần cầu nguyện, và luôn được bình an đích thực”.

  1. BÀI HỌC CHA ĐỂ LẠI

– Say Mê Cầu Nguyện

Cả cuộc đời cha Đa Minh ướp nồng bằng cầu nguyện. Cha dâng lễ mỗi ngày, tham dự Kinh Thần Vụ với bất cứ cộng đoàn nào cha gặp. Cha thức thâu đêm để cầu nguyện với Chúa như gặp gỡ một người thân cách chân tình sốt sắng, với nhiều tư thế khác nhau diễn tả tâm hồn. Vì cầu nguyện là đối thoại với Chúa, nên cha không chỉ nói mà còn lắng nghe Ngài. Đặc biệt, cha Đa Minh chọn cho Dòng sứ vụ loan báo Tin Mừng, vì cha tin rằng, Lời loan báo phải là hoa quả điều đã được thưởng nếm trong cầu nguyện và chín mùi trong tình yêu.

– Say Mê Giảng Thuyết Ân Sủng

Sau một đêm không ngủ để thuyết phục chủ quán lạc giáo, cha Đa Minh nhận ra rằng: Muốn cảm hóa được lạc giáo, cần phải có những người nhiệt tình, hiểu và sống Tin Mừng, sẵn sàng ra đi, đối thoại và thuyết phục họ. Ngày 15.08.1217, được gọi là Lễ Hiện Xuống của Dòng, cha Đa Minh triệu tập 16 anh em tiên khởi và nói với họ: “Tôi quyết định phái anh em đi khắp nơi. Từ đây anh em không còn sống với nhau trong chốn này nữa. Vì hạt giống được gieo vãi mới sinh hoa kết quả, nếu giữ mãi trong bao nó sẽ hư mất” . Cha Đa Minh phái bảy anh em đến Paris “để học, rao giảng và lập tu viện“, bốn người qua Tây Ban Nha, ba người ở lại Toulouse. Cha Đa Minh cũng ở lại đó đến khi đi Rôma.

– Say Mê Ơn Cứu Độ Linh Hồn Tha Nhân

Viện phụ Guillaume de Pierre, một nhân chứng đương thời cho biết, cha Đa Minh khát khao mãnh liệt ơn cứu rỗi các linh hồn … Ngài hăng say rao giảng ngày đêm, trong nhà thờ, nơi nhà riêng, giữa cánh đồng và ngay trên đường đi. Ngài không ngừng công bố Lời Chúa, cổ võ anh em cũng làm như vậy, bao giờ cũng chỉ nói về Chúa. Đặc biệt, trong những giờ cầu nguyện, ngài luôn thổn thức rơi lệ thưa với Chúa: “Lạy Chúa, rồi đây các tội nhân sẽ ra sao?” Chính lòng trắc ẩn này đã khiến thánh nhân không ngừng cầu nguyện và giảng thuyết.

  1. CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH CHA DÀNH CHO ĐOÀN VIÊN CHÚNG TA

– Đời Sống Chuyên Chăm Cầu Nguyện

Chân phước Jordano ghi rằng: Cha Đa Minh thường cầu nguyện suốt đêm. Trong cầu nguyện, cha cảm thông với những sầu khổ của họ tận đáy lòng, và biểu hiện ra bên ngoài bằng những dòng nước mắt. Đó là sự đồng cảm với Đức Kitô, yêu nhân gian bằng những rung cảm, thao thức của chính Chúa. Tình yêu đó thúc đẩy cha thưa với Chúa về những người đã gặp, học với Chúa để biết xót thương và cảm thông với những người sẽ gặp. Cha luôn xin Chúa mở rộng cõi lòng mình để biết yêu thương và cảm thông với người tội lỗi.

– Đời Sống Học Hành Khổ Chế

Do kinh nghiệm về khả năng Kinh Thánh của anh em lạc giáo, cha Đa Minh đã thêm một yếu tố mới vào cộng đoàn, đó là việc học hành, vì cha muốn chuẩn bị nhân sự cho xứng đáng để đảm nhận sứ vụ thuyết giáo của Dòng tương lai. Đặc biệt, cha Đa Minh muốn anh em dấn thân học hỏi với trí thông minh và lòng đạo đức; một việc học hỏi dựa trên Kinh Thánh là linh hồn của mọi hiểu biết thần học, và có thái độ tôn trọng đối với các vấn nạn do lý trí đặt ra. Khẩu hiệu của Dòng là “Chiêm niệm và thông truyền cho người khác điều đã chiêm niệm” giúp chúng ta khám phá ra khát vọng chiêm ngắm học hỏi chân lý.

– Đời Sống Huynh Đệ Cộng Đoàn

Gia nhập kinh sĩ đoàn tại giáo phận Osma, cha Đa Minh đã học được kinh nghiệm sống chung theo tinh thần Giáo Hội tiên khởi (Cv.4,32). Khi chọn theo tu luật Augustino, cha muốn anh em sống một trái tim một tâm hồn trong một mái nhà, để tài sản làm của chung, đề cao kinh nguyện chung, việc học hành và chia nhau đi rao giảng, giúp đỡ người bất hạnh. Để đời sống chung được hài hoà và đem lại bình an, mọi anh em phải thật sự đồng tâm nhất trí. Thánh Đa Minh đã lưu tâm đặc biệt về sự đồng tâm nhất trí này. Người biết rằng, các anh em chỉ có thể sống chung một khi quan tâm đến sự đồng tâm trong đời sống huynh đệ cộng đoàn.

– Đời Sống Sứ Vụ Tông Đồ Giảng Thuyết

Xuất phát từ tấm lòng đối với tha nhân, Dòng Anh em Giảng Thuyết đã được ủy nhiệm trách vụ truyền giảng Lời Chúa. Như vậy, giảng thuyết là đặc tính của Dòng chúng ta. Vì thế, Dòng đã có mặt ở mọi lục địa, và ngày nay nhiều người vẫn muốn rằng Dòng cần phải du thuyết nhiều hơn nữa, không những bằng đôi chân, mà còn bằng trí khôn, lòng đạo đức, vốn kiến thức,…Tư tưởng phải sinh động, uyển chuyển trong mọi môi trường văn hoá.

  1. TẠM KẾT

Kính thưa quý anh chị em đoàn viên,

Những nét đặc trưng về cuộc đời và sứ mạng của cha Đa Minh không chỉ giới hạn trong Dòng Anh Em Giảng Thuyết, mà còn được mở rộng đến các chị em đan sĩ Đa Minh, chị em Đa Minh hoạt động tông đồ và Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh chúng ta. Chúng ta yêu mến Cha Thánh Đa Minh, vì trọn cuộc đời cha luôn luôn nói với Chúa và nói về Chúa. Suốt đời Cha không ngừng tìm kiếm vinh danh Chúa và ơn cứu rỗi các linh hồn. Qua gương sáng, nhân đức và nhiệt huyết của Cha, anh chị em đoàn viên Đa Minh chúng ta được mời gọi sống và chu toàn ơn gọi giáo dân Đa Minh của mình, bằng việc sốt sắng trong kinh nguyện, can đảm sống đức tin, và yêu mến nhau chân thành và hăng say giảng thuyết.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn chiếu soi Hội Thánh Chúa nhờ công đức và giáo huấn của Thánh Phụ Đa Minh. Vì lời người cầu thay nguyện giúp, xin cho Hội Thánh không bao giờ thiếu những ơn trợ giúp của Chúa ngay ở đời này, và hằng được tiến triển trên đường thiêng liêng. Amen

Jos. Đình Tuấn O.P.

Di sản Đức Ái (08.08.2023)

Nhớ lại những ngày ấy, trong cơn sốt nặng, cha Đa Minh linh cảm giờ phút ra đi của mình gần đến, nên đã xin được đưa về Tu viện của con cái mình tại Bologne. Ước nguyện của Cha lúc này là được ở bên anh em, chia sẻ những tâm sự cuối cùng và được chết trong vòng tay của anh em. Phút lâm chung gần kề, cha Đa Minh vẫn tiếp tục chủ sự giờ kinh. Cha không muốn anh em khóc lóc buồn bã. Hôm ấy là ngày giáo hội cử hành lễ Chúa Hiển Dung, nên giờ kinh nguyện của Cha và anh em ngập tràn trong vinh quang chói lọi của núi Tabor, nơi các tông đồ được chiêm ngưỡng trước vinh quang của Đức Kitô trên thiên quốc.

Trong bầu khí trầm lắng, linh thiêng, anh em chờ đợi để lắng nghe Cha nhắn nhủ. Từng lời nói chậm chạp, ngắt quãng, nhưng cũng đầy mạnh mẽ xác tín: Các con Hãy sống bác ái, có lòng khiêm tốn và tự nguyện sống nghèo “.Sau đó, Cha bày tỏ ước muốn được chôn dưới chân anh em như dấu chứng tình yêu của ngài với cộng đoàn.

Cảm động biết bao! trong giờ phút cuối cùng ly biệt, mà tấm lòng của người Cha hiền còn hướng về con cái  như muốn dồn hết tâm tư, trút hết sinh lực, truyền hết nhiệt huyết.. Cha mong muốn con cái kiên trì sống thánh thiện và hăng say “tận hiến cho việc công bố Lời Thiên Chúa, và loan truyền danh Đức Giêsu Kitô trên toàn thế giới” (HPNT I). Linh đạo mà Cha đã sống, hoài bão Cha ấp ủ, lời tâm huyết mà Cha ban, nay chúng con trân trọng  trao cho nhau như gia sản tinh thần quý giá nhất.

1. Gia sản Đức ái

Tình yêu là món nợ duy nhất ta mắc với mọi người: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Bởi lẽ trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho ta một tình yêu vô biên, để ta có thể chia sẻ với hết mọi người. Đó là tình yêu hoàn toàn nhưng không và vô cùng rộng lớn. Thánh Phao lô trong thư I Corintô chương 13 câu 1-13  đã diễn tả sự cao trọng cũng như nét tinh túy “sáng ngời của tình yêu này:

Đức ái thì rộng lượng, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc.
không nổi giận, nhưng nhẫn nại hiền hòa.
Không mừng vì có sự gian ác
nhưng vui khi thấy điều chân thât
Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.”

Và nếu đọc kỹ nữa, ta thấy tác giả của “bài ca Đức ái này” còn nói lên sự khác biệt giữa bác ái bên ngoài và bác ái bên trong. Bác ái bên ngoài, cho dù là việc lớn mấy đi nữa, cũng chẳng ích gì cho ta, nếu không có bác ái bên trong. Không có bác ái bên trong, thì mọi hành động chỉ  là giả hình. Và Ngài khuyên “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ (Rm 12,9) vì bác ái giả hình là làm điều tốt mà không yêu mến, có thể nó che giấu một sự ích kỷ vụ lợi nào đó mà thôi. Nói vậy không phải là coi nhẹ việc bác ái bên ngoài cho bằng tạo cho nó một nền tảng chắc chắn, chống lại sự ích kỷ hoặc những hình thức gian trá của ta. Nền tảng này dựa trên tình yêu đích thực. Chính Chúa Giesu đã dạy: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). Ngài không dạy: phải yêu người thân cận như yêu mến Thiên Chúa. Là vì người ta có thể gian dối khi yêu mến Thiên Chúa, nhưng không thể gian dối khi yêu mình.

Nếu ta có lòng bác ái, thì bất cứ ta làm điều gì, đó sẽ là điều phải làm, vì “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13,10). Chính theo nghĩa này mà Augustinô đã nói: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Nếu bạn yên lặng, hãy vì yêu mà yên lặng; nếu bạn lên tiếng, hãy vì yêu mà lên tiếng; nếu bạn sửa lỗi, hãy vì yêu mà sửa lỗi; nếu bạn tha thứ, hãy vì yêu mà tha thứ; hãy có cội rễ tình yêu trong đáy lòng bạn, từ cội rễ này, không thể phát xuất điều gì khác hơn là điều tốt.

Trong ý nghĩa này chúng ta mới  thấy sự tuyệt vời của lời trăn trối như di ngôn cha thánh chúng ta để lại. Đó là  hoài bão cả mà cả đời Cha ôm ấp, là linh đạo Cha chọn theo. Vì hơn ai hết, cha Đaminh hiều được thế nào là tầm quan trọng của Đức ái, Ngài cảm thấu những đòi hỏi của giới luật yêu thương, và Ngài xác tín đó là con đường ngắn nhất giúp ta chạm được trái tim Thiên Chúa “Mỗi khi các người làm  cho một trong những kẻ bé mọn này là làm cho chính ta” (Mt 25, 45).  

2. Gia sản của sự khiêm tốn

Trong các nhân đức mà Phaolô kể ra trong thư Ga lát, thì nhân đức đứng đầu là bác ái. “Hoa quả của thần khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (5,22),. Và trong thư Roma, cũng chính Bác ái  khai mào cho phần khuyến thiện, phần thực hành các nhân đức. Tuy nhiên trong “bài ca đức ái” chương 13 thư I côrintô mà ta đã nói ở trên, thánh Phao lô giải thích rất rõ, bác ái trước tiên đó là nhẫn nhục, khiêm tốn. Quả thật, để có thể đi bước trước đến với tha nhân, đòi hỏi chúng ta phải thực sự khiêm tốn xóa mình ra không. Cũng thế, để Lời Chúa được người đời đón nhận, những người công bố Lời phải sống thanh thoát, khiêm cung và yêu thương. Đó cũng chính là kinh nghiệm cha Đa Minh đã từng trải qua, và là những điều Cha không ngừng cổ võ anh em khi phái họ đi rao giảng.

Hoa quả của đức ái còn là sự hiệp thông  trong cộng đoàn: ” Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó giữa họ”(Mt 18, 19-20). Tuy nhiên hiệp thông chỉ có được nơi sự hòa hợp của những nhân cách hiền hòa, khiêm tốn. Và chúng ta quả quyết: Ở đâu có tình yêu, thì ở đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự trị.  Origen nói rằng “chúng ta phải thực hiện bản giao hưởng này” nghĩa là sự hòa hợp trong cộng đoàn tín hữu . Điều này ý nghĩa và quan trọng biết bao cho đời sống Giáo hội khi  qui chiếu vào sự hiệp thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi, và đặc biệt hơn với linh đạo của những người sống cộng đoàn như đời tu  Đaminh của chúng ta..

3. Gia sản của sự khó nghèo

Về điểm này xin được đọc lại chứng từ đương thời của viện phụ Guillaume de Pierre : Cha Đaminh chẳng có gì cho riêng mình. Ngài quảng đại tặng người nghèo mọi thứ mình có. “Ngài không có giường nào ngoài nhà thờ, nếu không có nhà thờ, ngài ngủ ghế, ngủ đất, hoặc tháo nệm gia chủ trải để nằm trên rỉ giường… Ngài luôn luôn mặc áo xấu nhất trong anh em. Ngài đơn sơ, tự do thanh thoát, cổ võ người này kẻ khác sống đức tin và bình an”.

Quả vậy, Cha Đa Minh đã sống khó nghèo, và Ngài muốn tất cả các tu sĩ trong Dòng của Ngài cũng đạt tới mức hoàn thiện của lời khấn này qua nếp sống thanh thoát, khó nghèo tự nguyện. Vì nếu thái độ sống ích kỷ, thần tượng bản thân của chúng ta đã phá đổ đức ái, thì việc tôn thờ vật chất cũng đánh mất niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vì chúng ta chỉ có thể chọn một trong hai ông chủ; Thiên Chúa hay tiền của (X Mt 6,24).

Xuyên suốt dòng lịch sử  qua các biến cố cho thấy rằng: đứng đằng sau sự dữ là tiền bạc. Thánh Phao lo nhắc nhở chúng ta:“Lòng yêu mến tiền bạc là là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1Tim 6,10). Tiền bạc không xấu, nhưng lòng gắn bó quá mức với tiền bạc của cải sẽ biến con người trở thành kẻ thờ ngẫu tượng. và lúc đó nó điều khiển chúng ta làm tất cả những điều xấu xa nhất như  gian tham, bất công, tranh chấp, trộm cắp, giết người. Bức tranh xã hội hôm nay phản ánh rõ nét những góc tối này qua các tệ nạn tham nhũng, buôn người, bắt cóc trẻ em tống tiền, giết người bán nội tạng, giết người  dần mòn qua các thứ hóa chất độc hại ướp trong hoa quả, thực phẩm…. tất cả chỉ vì đồng tiền.

Giữa một thế giới thượng tôn tiền bạc như thế, chúng ta tự nguyện sống nghèo để chứng minh cho  mọi người biết sự tương đối của những giá trị trần thế, và để nói lên chỉ Thiên Chúa mới là giá trị tuyết đối và cứu cánh duy nhất của tạo thành, đồng thời cuộc sống từ bỏ, thanh thoát của chúng ta nhắc nhở cho thế giới rằng: kho tàng đích thực của chúng ta không phải là thứ của cải mau qua chóng hết này, mà là sự sống vĩnh cửu ở trên trời. Đó mới là điều đáng ước ao. Khi giải thoát  mình khỏi  tình trạng nô lệ và những trói buộc của tiền tài danh vọng như thế, chúng ta sẽ kết hợp với Chúa  cách trọn vẹn hơn, phục vụ Chúa mau mắn hơn và  nói về Chúa cách mạnh mẽ xác tín hơn với tâm hồn vui tươi, tự do, thanh thoát.

Các con hãy sống bác ái, có lòng khiêm tốn và tự nguyện sống nghèo”. Càng suy nghĩ, tôi càng thấy những lời trăn trối của cha tôi có ý nghĩa và quý giá dường bao. Đó là Di sản tinh thần mà mỗi tu sĩ Đaminh chúng tôi trân trọng, yêu mến, ghi tâm khắc cốt và quyết  thực hành bước theo dấu chân của Cha. Chúng con cũng cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con trên đường lữ hành trần gian, có một người cha đã sinh ra chúng con một lần nữa, trong ánh sáng đời sống thánh thiện của người. Xin Thiên Chúa Cha- Đấng  giầu lòng thương xót, ban cho chúng con đạt tới đích điểm niềm vui đời đời, là hạnh phúc vững bền mà cha Đa Minh chúng con đã hân hoan bước vào.

Sr. Lucia Cao Thị Xuân Trang

Cuộc đời và các nhân đức của Thánh Đaminh (08.08.2022)

Thánh Đaminh sinh năm 1170 tại Tây Ban Nha. Ngay từ khi có trí khôn, ngài đã hướng trọn tâm hồn về Chúa. Tuổi thơ của ngài  trong trắng và đạo hạnh như các thiên thần. Tại Đại học Palencia, ngài là một sinh viên xuất sắc. 25 tuổi, ngài trở thành kinh sĩ tại nhà thờ chính tòa Osma. Lãnh tu phục Dòng, ngài trao phó đời mình nơi Chúa Giêsu và gắng sức noi gương bắt chước Người. Ngài dành trọn thời gian cho việc cầu nguyện, học hiểu Kinh Thánh và chu toàn các phận vụ trong cộng đoàn. Ngài yêu thích sự thinh lặng và cô tịch; ngài khát khao làm việc sám hối đền tội và ăn chay hãm mình.

Năm 1205, ngài đến nước Pháp và ở đó nhiều năm để nỗ lực hết mình nhằm giúp anh chị em theo lạc giáo Albigioa hoán cải. Noi gương Chúa Giêsu Kitô, ngài hoạt động tông đồ suốt ngày và cầu nguyện thâu đêm. Ngài làm việc đền tội rất nghiêm ngặt, nhưng lại đối xử rất hiền hòa, êm dịu và nhân từ với mọi người. Nhiều người đã được ơn hoán cải nhờ những phép lạ, nhưng cũng nhiều người  được ơn biến đổi nhờ gương sáng đời sống thánh thiện của Ngài.

Năm 1215, Ngài lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết (OP) để cứu vớt các linh hồn. Sống theo tu luật thánh Augustinô, kết hợp đời sống kinh sĩ với đời sống tông đồ, người đã lãnh nhận cho mình và cho Dòng nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa. Ngài quả là con người có tâm hồn tông đồ đích thực, là cột trụ đức tin, là tiếng loa Tin Mừng, là ánh sáng Chúa Kitô cho nhân loại. Sau một đời hy sinh phục vụ, thánh Đaminh đã an nghỉ tại Bologna năm 1221.

Thánh Đaminh có những nhân đức nổi bật sau đây:

Thánh Đaminh đã có đức khiêm nhường thẳm sâu, là nền tảng cho đời sống thánh thiện của ngài. Bởi vì, ngài có sự hiểu biết sâu rộng về quyền năng cao cả của Thiên Chúa và sự hư không bất xứng của mình, thế nên ngài luôn sống trong niềm kính sợ Chúa chứ tuyệt nhiên không cậy dựa vào sức mình. Mặc dầu ngài rất thanh sạch nhưng vẫn coi mình là tội nhân, không xứng đáng để nhận một ân sủng dù nhỏ mọn nhất. Trước khi vào thành nào để giảng dạy, ngài thường quỳ gối trên đường, xin Chúa không phạt tội dân nhưng xin cho công việc rao giảng Tin Mừng được trổ sinh hoa trái. Khi đi qua bàn thờ hay Thánh giá, ngài cúi mình thật sâu để nhận biết sự hư vô của mình, không màng vinh hoa danh giá trần gian.

Thánh Đaminh luôn tỏ lòng thống hối than van về tội lỗi của mình. Cũng như tinh thần hy sinh, ăn chay đền tội cho người khác. Mỗi đêm ngài đánh tội ba lần: một lần đền tội mình, một lần đền tội người khác và một lần đền thay các linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục. Ngài hãm mình ăn chay một cách nhiệm nhặt và thường xuyên.

Thánh Đaminh là người cầu nguyện liên lỉ. Bạn thân của ngài là William thành Montserrat chứng thực rằng: “Đaminh thường giữ thinh lặng theo tập quán và quy luật Dòng, kiêng nói những lời vô bổ, để chỉ thường xuyên nói với Chúa hoặc nói về Chúa mà thôi”. Ngài luôn mang theo cuốn Kinh Thánh và yêu cầu các con cái thiêng liêng của ngài phải không ngừng siêng năng đọc, suy niệm và cầu nguyện với KinhThánh, để các tâm hồn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa.

Thánh Đaminh rất có lòng tôn sùng Thánh Thể. Trước nhà tạm, ngài quỳ hàng đêm, nghỉ ngơi bên Chúa sau một ngày lao nhọc. Dù mệt lả và nhức mỏi đôi chân sau những hành trình dài, ngài vẫn luôn viếng Thánh Thể trước khi về phòng nghỉ ngơi. Dù vất vả nhọc nhằn mặc lòng, ngài vẫn luôn dâng Thánh lễ, khi cử hành Thánh lễ khuôn mặt ngài thường đẫm lệ, khiếm cho tất cả mọi người tham dự cũng sốt mến sâu xa.

Thánh Đaminh luôn có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách kính cẩn và tha thiết. Cuộc sống, công việc và Hội Dòng của ngài luôn được đặt để dưới bàn tay chở che từ mẫu của Đức Mẹ. Có một truyền thống cho rằng ngài đã được Đức Mẹ trao cho tràng chỗi Mân Côi, để ngài là người đầu tiên rao giảng về lòng sùng kính Đức Mẹ qua việc đọc Kinh Mân Côi.

Thánh Đaminh có lòng mến Chúa yêu người cách đặc biệt. Trong mọi việc làm, ngài luôn thể hiện lòng yêu mến Chúa và hằng cầu nguyện để xin ơn bác ái chân thật. Cuộc đời ngài hoàn toàn dành cho công việc tông đồ đầy lao nhọc, đi khắp đó đây tìm kiếm các con chiên lạc về cho Chúa, bất chấp đủ thứ hiểm nguy rình rập.

Trong suốt cuộc đời, ngài đã rao giảng cho các người lạc giáo với hy vọng sẽ được phúc tử đạo. Ngài có lòng thương cảm đặc biệt trước nỗi đau khổ và sự cùng khốn của tha nhân. Đối với tất cả mọi người, ngài đều cư xử hiền hòa, tử tế và bao dung. Tình yêu đích thực ngài dành cho Chúa được minh chứng qua ước nguyện nên giống Chúa Kitô và hiến thân phục vụ anh chị em mình.

Lạy Chúa là Đấng chiếu soi Hội Thánh, nhờ đời sống và lời giảng dạy của Thánh Đaminh diễm phúc, tôi trung của Chúa và là cha chúng con. Nhờ lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương bắt chước đời sống nhân đức của ngài, để làm chứng và loan báo Tin mừng của Chúa cho mọi người. Amen.

Lm. Gioan B. Vũ Quốc Đạt

Ái… (08.08.2020)

Trong Hán ngữ; chữ Ái () nghĩa là tình yêu. Gồm bộ tâm ( – con tim) và chữ thụ ( – chịu đựng). Vậy, tình yêu chính là sự chấp nhận và sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Theo đó, ta dễ dàng cảm nghiệm một Thiên Chúa là tình yêu như thánh Gio-an đã từng định nghĩa (x. 1Ga 4,16)

Hôm nay, toàn thể Gia Đình Đa Minh long trọng mừng kính thánh tổ phụ Đa Minh, Đấng sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Có thể nói được rằng, cha thánh chính là bản sao rõ nét của một Thiên Chúa tình Yêu.

Cách nay 800 năm, Chúa đã gọi cha Đa Minh thân chinh đến với nước Pháp, nơi đang có nhiều làn sống ly giáo, và lạc giáo xâm lấn, phá phách, lung lạc đức tin của nhiều Ki-tô hữu. Cha thánh ý thức rằng, sứ vụ rao giảng Tin Mừng, và khuyên nhủ các người lạc giáo trở về với Giáo hội không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được. Nhưng nó đòi hỏi lời nói phải đi đôi với cách sống. Ngài được kêu mời để làm chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh của Đức Ki-tô. Cha thánh trở nên hình mẫu tỏa sáng ánh quang phục sinh của Đức Ki-tô qua đời sống đơn sơ, khó nghèo và qua những lời giảng thuyết về Thiên Chúa Tình Yêu cho mọi người. Đời sống chứng nhân của cha thánh Đa Minh đã phát xuất từ một tâm hồn sẵn sàng cho đi tất cả mà không muốn nhận lại bất cứ thứ gì.

Cha Đa Minh sống rất hiền lành và hết sức khiêm nhượng. Cha luôn xác tín lời giảng dạy và đời sống theo ba lời khuyên của Tin Mừng chính là linh hồn của mọi hoạt động, là sức mạnh của việc loan báo Tin Mừng. Cha thánh đã thúc giục các anh em trong Dòng hăng say rao giảng Tin Mừng và sống khó nghèo như các môn đệ của thánh Phan-xi-cô khó khăn.

Cuộc đời của thánh nhân là gương sáng tuyệt vời để nhiều người hôm nay noi theo, bắt chước. Một trong những nét đẹp sáng chói trong cuộc đời của thánh Đa Minh đó là sự hy sinh và chuyên chăm cầu nguyện. Thánh nhân đã nêu cao một đời sống hiến thân trọn vẹn cho Chúa. Ngài đã rao giảng Lời Chúa cho các nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha; để nhờ ơn Chúa trợ giúp, đưa dẫn vô số những người lạc giáo trở về với Giáo hội.

Thật vậy, rao giảng “Tin Mừng” sẽ trở thành loa báo “Tin Buồn” khi nó được loan báo một cách khuông sáo, nặng hình thức, miễn cưỡng và vụ luật. Bất cứ ai loan truyền tình yêu và lòng từ bi nhân hậu của Chúa Giê-su với tâm tánh so đo, tính toán thì đều là những chứng nhân giả dối. Ngược lại, Cha thánh luôn tín thác vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa, cha hăng say rao truyền tình yêu của Chúa Giê-su một cách vô điều kiện mà không lệ thuộc vào các điều kiện bên trong hay bên ngoài.

Cha thánh Đa Minh chỉ sống vỏn vẹn có 5 năm để chu toàn sứ mệnh của Đấng sáng lập Dòng. Nhưng cha đã để lại gương sáng tuyệt vời về đời sống bám sát Tin Mừng và đặc biệt là cha đã cổ võ lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a; luôn khuyến khích, thúc giục mọi người siêng năng lần chuỗi mân côi và chạy đến với Mẹ luôn. Vì Mẹ Ma-ri-a ở đâu, thì con của Mẹ là Chúa Giê-su cũng ở đó; tràng chuỗi mân côi còn là khí giới của sự an bình, là dây bền đỗ lòng tin-cậy-mến cho con người. Thực tế đã minh chứng, biết bao nhiêu người đã gặp được Chúa, đã ăn năn sám hối, trở lại với Chúa nhờ tôn kính Đức Mẹ và nhờ việc siêng năng lần hạt mân côi.

Lạy thánh Đa Minh, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con; để chúng con luôn tin tưởng phó thác đời mình cho Chúa và lời cầu bầu của Mẹ Ma-ri-a, xin cho chúng con được ơn chết lành trong tay của Mẹ. Amen.

CÁT BIỂN

là Muối, là Ánh Sáng (08.08.2018)

Bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa phán cùng các môn đệ của Ngài và cũng là lời phán dạy chúng ta: “Các con là muối đất, các con là sự sáng thế gian”. Đây là lời mời gọi thân tình của Thiên Chúa dành cho những ai được mệnh danh là Kitô hữu. Lời mời gọi này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải luôn trung thành sống theo Lời Chúa trong suốt mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống của mình.

Là muối đất, Chúa truyền như thế

Ướp mặn đời chẳng để lạt phai

Quá khứ – Hiện tại – Tương lai

Muối luôn phải mặn mãi hoài không thôi

 Với ý chí nỗ lực của bản thân cùng với sự cậy trông vào Thiên Chúa, chúng ta được trở nên những “hạt muối” và những “ngọn đèn” để mang lại vị đậm đà và ánh sáng cho cuộc sống. Hiện nay có những nơi trên thế giới này còn nhạt nhẽo, lạnh lẽo và tối tăm vì thiếu những “hạt muối” vị mặn hoặc những “ngọn đèn” chiếu sáng. Chúng ta hãy cùng kết hợp để làm cho cuộc sống này đậm đà hơn, tươi sáng hơn bằng chính cuộc sống chân thật của mỗi người chúng ta, để làm cho Danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến.

Một trong những nét đẹp trong cuộc đời của thánh Ða Minh là hy sinh và cầu nguyện. Thánh nhân đã nêu cao một đời sống hiến thân trọn vẹn cho Chúa. Ngài đã đi rao giảng Tin Mừng của Chúa đến nhiều nước trên thế giới, để nhờ ơn Chúa giúp đưa những người lạc giáo trở về với Giáo Hội. Thánh nhân đã truyền bá lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria và khuyên siêng năng lần hạt mân côi. Biết bao nhiêu người đã gặp được Chúa, ăn năn trở lại, sám hối nhờ tôn kính Ðức Mẹ và siêng năng lần hạt mân côi.

Là ánh sáng chiếu soi trần thế

Cho mọi người nhìn để bước theo

Vượt qua tăm tối hiểm nghèo

Ra miền quang đãng rắc gieo an lành

*

Muối mà lạt sẽ thành phế thải

Ném ra ngoài cũng phải mà thôi

Người ta chà đạp xong rồi

Tan tành vụn nát hết đời muối ơi!

Muối và ánh sáng là những vật chất có sức tác động rất lớn. Bản chất của muối là mặn và giúp làm mặn những thứ khác. Còn bản chất của ánh sáng là sáng và giúp soi sáng cho những sự vật xung quanh. Điều thú vị là cả muối và ánh sáng đều rất tĩnh lặng. Chúng tác động một cách mạnh mẽ đến sự vật và môi trường, nhưng lại rất âm thầm, không gây ồn ào hay náo động. Chỉ cần chúng hiện diện y như như bản chất của mình “là mặn, là sáng”, thì sự vật và môi trường xung quanh sẽ được biến đổi như chúng.

Cha Thánh Đa Minh đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa trong lý tưởng phục vụ tha nhân và yêu mến Chúa. Là những người đoàn viên Huynh Đoàn Giáo dân Đa Minh khi mang trong tâm hồn lý tưởng của Cha Thánh Đa Minh, chúng ta sẽ là những ngọn đuốc chiếu sáng, để tinh thần Chân lý được rực sáng trong lời nói cũng như việc làm và lan tỏa đến mọi người đang sống chung quanh chúng ta.

Khi thắp đèn để nơi thông thoáng

Trên giá đèn, tỏa sáng chung quanh

Chiếu soi cho tỏ ngọn ngành

Giúp người được việc, đạt thành niềm vui

*

Muối – Ánh sáng: cho đời hạnh phúc

Phát huy cùng mọi lúc mọi nơi

Điểm tô làm đẹp cho đời

Thế nhân chung hưởng rạng ngời vinh quang

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội thánh Đa Minh, một con người nhiệt thành yêu mến Chúa và tận tình yêu mến tha nhân. Ngài đã dùng những khả năng mà Chúa ban cho để giúp đỡ và đem nhiều người đang đi trên đường sai lạc trở về cùng Chúa. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết sống chứng nhân cho Chúa qua đời sống thánh thiện của mình, đồng thời biết tận tình đem lại vị đậm đà và ánh sáng cho những người đang sống xung quanh chúng con. Amen.

HOÀI THANH

Yên tĩnh tinh thần… (08.08.2017)

Theo nhận định của chân phước Jordano Saxony – người kế vị cha thánh Đa Minh – đã đúc kết đức tính của thánh nhân bằng những lời này: “Cha Đa Minh không bao giờ mất sự yên tĩnh tinh thần; trừ khi cha bị tác động bởi lòng cảm thương…”. Thật vậy:

Thánh Đa Minh được biết đến là con người của Tin Mừng quả không ngoa chút nào. Bởi vì, ngài đã can đảm sống cuộc đời bấp bênh của một chứng nhân rao giảng Tin Mừng; ngài chấp nhận sống khó nghèo triệt để, và hoàn toàn phó thác vào Chúa quan phòng tất cả mọi sự. Nói cách khác, là thánh nhân dám sống mạo hiểm giữa trần gian đầy bất trắc, nhiều cám dỗ, và không ít rủi ro sóng gió…bởi tin vào Tin Mừng.

Thánh Đa Minh còn là hiện thân tình yêu Thiên Chúa. Bởi Ngài không thể không cảm thấy xót xa và luôn giúp đỡ những người nghèo khổ về vật chất lẫn nghèo khổ về tinh thần và tri thức.

Thánh Đa Minh cũng là người không biết sợ hãi, vì Ngài luôn kiện toàn giới luật yêu thương trong cuộc đời của mình. Chính vì tình yêu nên thánh nhân không biết sợ hãi là gì. Bởi trong tâm lòng thánh nhân luôn có một tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa luôn ở với mình (x. 1Ga 4,18). Chính vì thực sự yêu mến và tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, cho nên dù đối mặt với bất cứ hoàn cảnh nào thánh Đa Minh cũng không bao giờ sợ hãi, và thất vọng.

Thánh Đa Minh có thể nói được là người tài công giỏi của Con thuyền Giáo hội hôm nay vẫn đang vật lộn giữa vòng xoáy của cuộc sống; giữa những giáo thuyết sai lạc và luân lý suy đồi.

Lạy Chúa Giêsu, ngày nay gia đình của chúng con cũng đang lao đao khốn đốn giữa dòng chảy cuộc đời nếu như không có Chúa đồng hành. Con xin phó thác tất cả vào quyền năng yêu thương của Chúa để cuộc đời chúng con luôn được bình an. Amen.

CÁT BIỂN

Vị mặn Đức Kitô (08.08.2016)

1. Ghi nhớ:

“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó trở thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5, 13).

2. Suy niệm:

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, muối là nguyên liệu vô cùng thiết yếu cho cuộc sống của con người. Người ta dùng muối để bảo quản thức ăn khỏi hư thối, làm đậm đà thức ăn, bổ sung vi lượng cần thiết cho cơ thể con người, và sử dụng rất đa dạng trong mọi công việc. Không có muối mọi thức ăn sẽ nhạt nhẽo và rất nhiều thứ trở nên vô vị nếu thiếu muối. Sự quan trọng của muối còn được đem so sánh trong ca dao tục ngữ: “cá không ăn muối cá ươn” để liên tưởng đến việc con cái không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ thì sẽ không nên người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa chúng ta thấy Chúa Giêsu dùng hình ảnh muối để nhấn mạnh vai trò sống chứng nhân Đức tin và sứ mạng loan báo Tin Mừng của các Tông Đồ nói riêng và tất cả mọi người Kitô hữu giữa đời. Chúa Giêsu khẳng định các môn đệ: “chính anh em là muối cho đời” nghĩa là phải mang trong mình vị mặn Giêsu. Người Kitô hữu phải luôn ướp nồng đời sống của mình với vị mặn Giêsu bằng lòng vị tha, quảng đại, bác ái yêu thương, biết lắng nghe và chia sẻ với mọi người anh em xung quanh mình. Và người tông đồ nếu không mang trong mình tinh thần Đức Kitô một cách toàn vẹn thì không thể ướp mặn cho đời được.

Đức Thánh Cha Phaxicô nói với các bạn trẻ Đa Minh thế giới trong chuyến hành hương tại Krakow rằng: “các Kitô hữu được kêu gọi phục vụ Chúa Giêsu bằng cách giúp đỡ người thiếu may mắn”. Và Ngài nói: “Chúng ta được kêu gọi phục vụ Chúa Giêsu đóng đinh nơi tất cả những người đang bị hất hủi; đụng chạm vào da thịt thánh thiêng của Người là những người thiếu may mắn, nơi những người đói khát, nơi những người trần truồng và bị cầm tù, những người bệnh tật và thất nghiệp, nơi những ai bị bách hại, người tỵ nạn và di dân”.

Quả vậy, đây cũng lời trả lời quá rõ ràng của Đức Thánh Cha cho chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu đang ở đâu? Chúa đang hiện diện ngay trong kẻ khó nghèo, kẻ bị áp bức, người tàn tật, hoặc cô thế cô thân v.v…Chúa cần chúng ta phải là muối có vị mặn Đức Kitô để giúp đỡ biết bao hoàn cảnh khó nghèo cơ cực giữa đời. Đôi khi chúng ta phải rơi nước mắt trước sự bất công hay sự bạo tàn và tôi phải tự hỏi tôi phải làm gì cho xã hội ngày nay?

Hôm nay là ngày mừng kính Thánh Tổ Phụ Đa Minh, Ngài là tấm gương sáng cho toàn thể nhân loại và đặc biệt cho các đoàn viên Huynh Đoàn con cái của Ngài. Chính Thánh Đa Minh đã đem thân mình làm muối ướp mặn cho đời bằng gương sáng, khi được hỏi về động lực và hành động của Ngài, Thánh Đa Minh trả lời: “Tôi không thể ngồi học trên những miếng da chết, đang khi người khác chết đói”hay Ngài đã từng bán thân mình làm nô lệ để cứu người. Quả thật đây một hành động của Thánh Đa Minh cứu người cùng khổ, dấn thân quên mình trong Đức Kitô.

Một Đa Minh được nổi tiếng về linh đạo đặc biệt của Ngài: “hãy chiêm niệm và mang hết kết quả của sự chiêm niệm cho tha nhân”. Cuộc đời Thánh Đa Minh được mang “vị mặn Đức Kitô” vì Ngài “chỉ với Chúa và nói về Chúa” bằng lòng nhiệt thành và là tấm gương rao giảng Tin Mừng. Thánh Đa Minh chính là ngọn hải đăng chiếu vào thời đại chúng ta, một thời đại vô cảm khi các giá trị đạo đức bị xói mòn và con người cảm thấy cô đơn và lạc lõng đức tin ngay trong chính gia đình mình, trong môi trường công sở và trong cuộc sống thường ngày. Đó là những tảng băng xâm chiếm con người làm cho họ ngày càng mất niềm tin vào tình người, vào ơn gọi Đức Tin Kitô hữu khiến họ dửng dưng với bao người khốn cùng và coi thường Thiên Chúa.

Là những thành viên trong Huynh đoàn Đa Minh, mỗi người chúng ta được kêu gọi “được sai đi Loan Báo Tin Mừng”, thắp sáng ngọn đuốc Đa Minh và hướng về năm Thánh kỷ niệm 800 năm Dòng Đa Minh được thành lập. Đây chính là dịp chúng ta cần học hỏi, trau dồi rèn luyện bản thân để có thể can đảm dấn thân theo bước chân Cha Thánh thi hành sứ vụ truyền giáo của mình với nhận thức rằng: “ôn lại lịch sử của Dòng, không phải là dịp để chúng ta tôn vinh chính mình, nhưng là cơ hội nhắc nhở chúng ta về nguồn cội của mình trong tâm tình tri ân, và giúp chúng ta khàm phá ra vai trò của hành trình trong cách sống của mình”(Tổng hội Trogir số 57). 

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin dạy chúng con biết sống và cầu nguyện theo gương Cha Thánh Đa Minh, biết quảng đại trong yêu thương và biết chia sẻ với mọi người bằng “vị mặn Đức Kitô” trong hồng ân của Thiên Chúa. Amen.

M. Liên


Sống trong niềm tin 

1.  Ghi nhớ: “Nếu anh có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này:  “rời khỏi đây, qua bên kia!”, nó cũng sẽ qua” ( Mt 17, 14-20)

2. Suy niệm:

Đức tin có thể hoán cải con người tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa , đức tin phát xuất từ việc làm tầm thường trong đời sống trở thành giá trị vĩnh cửu đời đời, đức tin giúp chúng ta có cái nhìn lạc quan tin tưởng mọi biến cố, hoặc từ một người không có đức tin trở thành có một niềm tin vững mạnh.
Thánh Đa Minh Đấng Tổ Phụ sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết mà chúng ta mừng kính hôm nay, Ngài đã nhiệt thành truyền giảng Tin Mừng và chống lại bè rối Albigense ở miền Nam nước Pháp vào đầu thế kỷ thứ XIII, đồng thời Ngài với một niềm tin một lòng sốt sắng kính mến Chúa và khao khát mãnh liệt ơn cứu rỗi các linh hồn. Vì thế noi gương Thánh Đa Minh chúng ta luôn biết củng cố niềm tin để nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa.

3. Sống Lời Chúa: Sống trong niềm tin để nhận ra có Chúa luôn hiện diện

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin ban thêm cho con niềm tin để nhờ đó vững vàng thắng vượt gian nan trong cuộc sống A.men.