1. Linh mục anh hùng cứu một cô gái khỏi bị đám lính cưỡng hiếp, mất mạng một ngày sau đó
“Cha Giovanni Fornasini, 29 tuổi, yêu mến các giáo dân của mình đến mức phải trả giá bằng mạng sống của mình,” Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh Vatican, cho biết như trên trong bài giảng thánh lễ phong Chân Phước hôm 26 tháng 9.
Trong bài giảng, Đức Hồng Y Marcello Semeraro đã kể nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng mục tử của Cha Giovanni Fornasini.
Cậu Giovanni Fornasini sinh ngày 23 tháng 2 năm 1915 tại Pianaccio, một vùng ngoại ô nhỏ của Belvedere thuộc tỉnh Bologna của Ý. Cha của anh, Angelo, là một thợ đốt than, để sản xuất than củi. Mẹ của anh, Maria Gucci và anh trai của anh, Luigi.
Ông Angelo bị thương trong Thế chiến thứ nhất và không còn có thể làm việc được nữa. Gia đình chuyển đến Poretta Terme, cách đó khoảng 50 dặm nhưng vẫn thuộc tỉnh Bologna. Tại đây, Angelo đã kiếm được một công việc là một người đưa thư. Bà Maria cũng kiếm được việc làm và cuộc sống gia đình ổn định. Giovanni theo học trường địa phương nhưng không tốt nghiệp. Người ta không biết liệu anh có hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học hay không. Có tài liệu cho rằng sau khi rời trường, anh đã tìm được công việc điều hành thang máy tại khách sạn Grand ở Bologna.
Khi còn là một thiếu niên, anh biết mình được gọi đến chức linh mục
Giovanni biết mình được kêu gọi làm linh mục và ở tuổi 16, anh được nhận vào tiểu chủng viện ở Borg Capanne. Trường đó đóng cửa vào năm 1932, và cậu chuyển đến Chủng viện Giáo hoàng ở Bologna. Ngày 28 tháng 6 năm 1942, ngài được thụ phong linh mục.
Ngài bắt đầu sứ vụ của mình với tư cách là một linh mục phụ tá ở Sperticano thuộc tỉnh Bologna. Giáo xứ có khoảng 400 người, và Cha Giovanni đặc biệt quan tâm đến tất cả họ. Họ là “những đứa con” tinh thần của ngài, và ngài đã thực hiện trách nhiệm đó một cách nghiêm túc.
Vào ngày 25 tháng 7 năm 1943, vị linh mục trẻ, chỉ một năm sau khi thụ phong, đã rung chuông nhà thờ thật rộn rã khi Benito Mussolini bị phế truất khỏi quyền lực. Sau này, Mussolini bị hành quyết vào ngày 28 tháng 4 năm 1945.
Đức quốc xã đang theo dõi ngài
Đức Quốc xã đã biết Cha Giovanni không ưa gì chúng và đang theo dõi ngài chặt chẽ. Vị linh mục trẻ tuổi đã bảo vệ những giáo dân vô phương tự vệ khỏi sự tàn ác và áp bức của Đức quốc xã. Ngài đã cứu nhiều mạng người, và sau khi thoát khỏi một cuộc thảm sát của Đức Quốc xã, ngài tiếp tục liều mạng để cứu những người khác.
Vào ngày 12 tháng 10 năm 1944, sinh nhật của một chỉ huy Đức được tổ chức tại một trường học ở Spertcano. Những người tham gia tiệc tùng đã uống rất nhiều, được giải trí bằng âm nhạc ồn ào khi gái mại dâm di chuyển trên sàn nhảy. Vị linh mục trẻ ngồi trong góc, cố gắng kiềm chế cơn giận của mình. Nhưng tại sao ngài lại ở đó? Bởi vì ngài đang cố gắng cứu một người của mình.
Sáng hôm đó, một sĩ quan SS đã nhìn thấy một cô gái trong nhà xứ trà trộn giữa những người di tản khác. Anh ta quyết định muốn người phụ nữ trẻ ngây thơ này phải trở thành một món quà dâng lên thượng cấp trong lễ hội buổi tối. Cha Giovanni đã giải cứu nhiều người dân của mình khỏi những kẻ giết người Đức Quốc xã. Bây giờ Cha có một người khác để cứu, người phụ nữ trẻ này từ nhà xứ, được đưa đến “bữa tiệc” bởi sĩ quan Đức Quốc xã.
Ngài ngồi đó hằn học nhìn chằm chằm vào những người dự tiệc suốt cả buổi tối
Sự hiện diện của Cha Giovanni với cái nhìn hằn học của ngài khiến bữa tiệc mất vui. Đức quốc xã không muốn kích động giáo dân địa phương nên đã ra lệnh cho vị linh mục quay trở lại nhà thờ cùng với cô gái mà ngài đến tìm. Don Giovanni thở phào nhẹ nhõm và cùng với người phụ nữ trẻ ngài quay về nhà xứ. Vị linh mục đã cứu được cô ấy.
Sáng hôm sau, Don Giovanni, mang theo túi đựng đầy dầu và nước thánh cần thiết để chôn người chết, leo lên con đường trải đá dẫn đến nơi bọn Đức Quốc Xã bỏ lại thi thể của những người bị hành quyết với ý định chôn cất họ. Khi lên đến đỉnh đồi, ngài nhìn thấy tên sĩ quan SS đã bắt cô gái trẻ ngày hôm trước. Tên sĩ quan Đức rút súng, mỉm cười với Don Giovanni trước khi bắn một viên đạn vào đầu ngài.
Don Giovanni Fornasini đã kết thúc 29 tuổi đời của mình. Ngài biết hậu quả của hành động mình và đón nhận những hậu quả đó vì tình yêu thương Chúa và người lân cận. Ngài mất ngày 13 tháng 10 năm 1944.
Vào ngày 21 tháng Giêng năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận án tuyên chân phước cho Don Giovanni. Ngài được phong chân phước vào ngày 26 tháng 9 vừa qua.
Source:Aleteia
2. Học sinh trường Công Giáo tố cáo trước tòa án chính sách phân biệt đối xử của thành phố Vermont đối với người Công Giáo
Một công ty luật về tự do tôn giáo đã đệ đơn lên tòa án liên bang yêu cầu thẩm phán đưa ra phán quyết có tính cách vĩnh viễn, trong đó nói rằng thành phố Vermont không thể từ chối tài trợ học phí cho các học sinh theo học các trường Công Giáo đủ điều kiện tài trợ.
Được đại diện bởi Liên minh Bảo vệ Tự do, gọi tắt là ADF, bốn học sinh trung học Công Giáo, cha mẹ của họ và Giáo phận Công Giáo Burlington đã đệ đơn kiện thành phố Vermont. Họ cho rằng thành phố đang phân biệt đối xử bằng cách không cho các trường của các tôn giáo được hưởng lợi từ chương trình trợ giúp học phí của thành phố.
Một số tòa án đã ra các phán quyết có lợi cho sinh viên trong cả tháng Giêng và tháng Sáu. Tuy nhiên, một số khu học chánh trong thành phố cho biết họ sẽ vẫn giảm trợ cấp học phí cho học sinh theo học các trường tôn giáo.
ADF đã đệ trình một kiến nghị vào ngày 21 tháng 9 tại tòa án quận yêu cầu họ ra án lệnh có tính cách vĩnh viễn, “và rằng các khu học chánh ở tiểu bang Vermont không thể giảm phúc lợi của các gia đình theo học các trường của tôn giáo.”
Ở Vermont, cư dân của các thị trấn nơi không có trường công lập cho tất cả các cấp lớp đều có thể được thành phố tài trợ, thông qua Chương trình Học phí Vermont. Thành phố trả học phí cho học sinh theo học các trường tư đủ điều kiện thay vì mở thêm một trường công lập.
Source:Catholic News Agency
3. Giám mục Công Giáo Đức cáo buộc Tiến Trình Công Nghị ở nước này đang lợi dụng khủng hoảng lạm dụng của hàng giáo sĩ để định hình lại Giáo hội
Tuần này, một giám mục Công Giáo người Đức đã lên tiếng cáo buộc rằng “Tiến Trình Công Nghị “ ở Đức đang sử dụng cuộc khủng hoảng lạm dụng để định hình lại Giáo hội theo đường lối Tin lành.
Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg đã đặt câu hỏi tại sao những tiến bộ của Giáo Hội Công Giáo Đức trong việc giải quyết lạm dụng hiếm khi được thừa nhận.
Ngài nói: “Thực tế là các bên quan tâm hiện nay tiếp tục giả vờ rằng không có gì thực sự xảy ra cho đến nay. Họ chẳng hề đưa ra một sự so sánh có giá trị giữa các thể chế ở Đức, cũng chẳng hề đề cập đến một sự phân loại lịch sử về các trường hợp lạm dụng. Giáo Hội Công Giáo tiếp tục bị họ đổ lỗi một cách hệ thống và bất công. Những điều này khiến tôi nghi ngờ rằng lạm dụng tình dục ở đây đang được lợi dụng nhằm cố gắng định hình lại Giáo Hội Công Giáo theo đường lối của các cấu trúc trong giáo hội Tin lành, nơi ‘công nghị’ có nghĩa là một cái gì đó khác với trong Giáo Hội Công Giáo, cụ thể nó chỉ là một loại nghị viện của giáo hội”.
Đức Cha Voderholzer, một giáo sư ngữ văn, đã đưa ra nhận xét này khi giảng trong buổi hát Kinh Chiều tại Nhà thờ Regensburg vào ngày 26 tháng 9.
Đức Cha Voderholzer là một nhà phê bình nổi bật về “Tiến Trình Công Nghị “, một quá trình kéo dài nhiều năm tập hợp các giám mục và giáo dân để thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.
Hội đồng Giám mục Đức ban đầu nói rằng quá trình này sẽ kết thúc với một loạt các cuộc bỏ phiếu “ràng buộc” – làm dấy lên lo ngại tại Vatican rằng các nghị quyết có thể thách thức giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội.
Các giám mục và nhà thần học đã bày tỏ sự lo lắng về quá trình này, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2022, nhưng chủ tịch hội đồng giám mục, Giám mục Georg Bätzing đã quyết liệt bảo vệ nó.
Trong bài giảng của mình, Đức Cha Volderholzer nhắc mọi người nhớ lại rằng ngài và Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln đã đề xuất một văn bản thay thế cho Tài Liệu Làm Việc của diễn đàn bàn về sự phân chia thẩm quyền giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương, được đưa ra vào tháng 8 năm 2019 nhưng đã bị các giám mục Đức cấp tiến bác bỏ.
Ngài nói rằng văn bản thay thế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền giáo, tân Phúc Âm hóa và dạy giáo lý mới, phù hợp với bức thư dài 19 trang mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho người Công Giáo Đức vào tháng 6 năm 2019.
Trong lá thư của mình, Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội Đức tập trung vào việc truyền giáo khi đối mặt với “sự xói mòn và suy thoái đức tin ngày càng gia tăng”.
Ngài viết: “Mỗi khi một cộng đồng giáo hội cố gắng thoát ra khỏi những vấn đề của mình, chỉ dựa vào sức mạnh, phương pháp và trí thông minh của chính mình, thì cuối cùng cộng đồng đó lại nhân lên và nuôi dưỡng những tệ nạn mà họ muốn vượt qua.
Đầu tháng này, Đức Cha Voderholzer đã khởi động một trang web mới trình bày văn bản thay thế cho văn bản được các thành viên của Diễn đàn thứ nhất của Tiến Trình Công Nghị tán thành, tập trung vào cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội.
Tài liệu dài 36 trang, được gọi là “Quyền hạn và trách nhiệm” và được dịch sang tiếng Anh, là tài liệu đầu tiên trong loạt tài liệu cũng sẽ đề cập đến các chủ đề của ba diễn đàn Tiến Trình Công Nghị khác.
Văn bản được đồng tác giả bởi Cha Wolfgang Picken, Tổng Đại Diện của thành phố Bonn, Marianne Schlosser, giáo sư thần học ở Vienna, Áo, nhà báo Alina Oehler, và Đức Cha Florian Wörner là Giám Mục Phụ Tá Augsburg.
Phát biểu tại Rôma vào ngày 17 tháng 9, nhà thần học người Đức có ảnh hưởng, Đức Hồng Y Walter Kasper đã ca ngợi bản văn thay thế,
Cựu chủ tịch 88 tuổi của Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Hiệp nhất Cơ đốc giáo nói rằng văn bản được thông qua bởi các thành viên của Tiến Trình Công Nghị đã cố gắng “định hình lại Giáo hội khi đối mặt với cuộc khủng hoảng với sự trợ giúp của một cấu trúc thần học hàn lâm”.
“Có nhiều điều đúng trong đó, nhưng cũng có nhiều điều là giả thuyết. Cuối cùng, nhiều người tự hỏi liệu tất cả những điều này có còn hoàn toàn là của Công Giáo hay không.”
Giảng hôm Chúa Nhật, Đức Cha Volderholzer đã nhắc nhiều đến lời của Hồng Y Kasper, bày tỏ sự đồng tình của ngài với nhà thần học được coi là thân cận với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Can thiệp của Đức Cha Volderholzer diễn ra trước phiên họp toàn thể của Tiến Trình Công Nghị ở Frankfurt, tây nam nước Đức, từ ngày 30 tháng 9 đến 2 tháng 10.
Sự kiện này là cuộc họp thứ hai của Hội đồng Công Nghị, là cơ quan ra quyết định tối cao của Tiến Trình Công Nghị.
Hội đồng Công Nghị bao gồm các giám mục Đức, 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân rất có quyền lực của Công Giáo Đức, và đại diện của các bộ phận khác của Giáo hội Đức.
Một nhóm người Công Giáo Đức đã trình bày một tuyên ngôn cải tổ mới vào ngày 29 tháng 9.
Arbeitskreis Christliche Anthropologie (Nhóm làm việc về Nhân chủng học Kitô Giáo) đã xuất bản bản tuyên ngôn trực tuyến. Họ kêu gọi một sự khởi đầu mới trong Giáo hội Đức, và lập luận rằng Tiến Trình Công Nghị đã thất bại trong việc đưa ra một cuộc cải cách đích thực “một cách kịch tính”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải quyết những lo ngại về quỹ đạo của Tiến Trình Công Nghị trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Tây Ban Nha COPE được phát sóng vào ngày 1 tháng 9.
Khi được hỏi liệu sáng kiến này có khiến ngài mất ngủ nhiều đêm hay không, Đức Giáo Hoàng kể lại rằng ngài đã viết một bức thư dài bày tỏ “mọi điều tôi cảm thấy về Tiến Trình Công Nghị Đức”.
Trả lời bình luận của người phỏng vấn rằng Giáo hội đã từng đối mặt với những thách thức tương tự trong quá khứ, ngài nói: “Đúng, nhưng tôi cũng sẽ không quá bi thảm. Không có ác ý nào trong nhiều giám mục mà tôi đã nói chuyện. “
“Đó là một mong muốn mục vụ, nhưng một mong muốn có lẽ không tính đến một số điều mà tôi giải thích trong bức thư cần được xem xét.”
Source:Catholic News Agency