.
Hiện diện tại buổi lễ, có Đức ông Giuse Lê Văn Sỹ, Cha Tổng đại diện Gioakim Phạm Công Văn, Cha Giám đốc Đại chủng viện Sao Biển J.B. Ngô Đình Tiến, quý Cha trong vào ngoài giáo phận. Đặc biệt, có quý Cha trước đây ở Trung tâm Hòa Yên đang mục vụ ở nước ngoài cũng về hiện diện: Cha Giuse Vũ Đình Cường, từ Đài Loan, Cha Phêrô Lê Văn Dũng, từ Pháp, Cha Phêrô Nguyễn Kim Thăng, từ Đan Mạch, Cha F.X. Nguyễn Văn Tuyết, từ Úc.
Sinh ngày 21.01.1948 tại làng Cồn Sẻ, Quảng Bình – một vùng quê nghèo nhưng đậm đà đức tin. Năm 1956, theo gia đình vượt tuyến vào định cư tại làng Tân Bình, Cam Ranh. Lên 11 tuổi, cậu bé Tính bước vào chủng viện và thụ phong linh mục ngày 07.9.1975, giữa những ngày đất nước còn nhiều biến động. Kể từ đó, ngài không ngừng bước đi trên hành trình dấn thân và phục vụ trong tinh thần tận tụy, yêu thương và âm thầm hy sinh.
Cha Mi Trầm (thứ hai, trái qua) chào đón quan khách về dự lễ
Cha Mi Trầm là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của nền thánh nhạc Công giáo Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Với bút hiệu Mi Trầm, ngài đã để lại gia sản âm nhạc phong phú với hơn 2.000 bài thánh ca – phần lớn là những ca khúc cộng đồng, dễ hát, dễ nhớ, dễ gẫm suy và đặc biệt được mọi tầng lớp tín hữu yêu mến. Trong số đó, nhiều nhạc phẩm đã trở thành giai điệu quen thuộc sống mãi trong đời sống đức tin của Giáo hội Việt Nam và hải ngoại như: “Xin vâng”, “Xin giữ con”, “Thân lúa miến”, “Chúa là gia nghiệp”, “Người sai tôi đi”, “Niềm tin kiên cường”. Những bài ca ấy không chỉ được hát ở nhà thờ, mà còn vang lên giữa ruộng đồng, trong lớp giáo lý, nơi các mái ấm và giữa cộng đoàn xa quê. Nhiều ca khúc đã trở thành phương tiện loan báo Tin Mừng âm thầm nhưng hiệu quả.
Với sáng kiến “Tiếng kẻng giáo dục” tại giáo xứ Hòa Yên, hay việc sử dụng Facebook và kênh YouTube Thánh ca Mi Trầm để rao giảng Tin Mừng, Cha Mi Trầm không chỉ là một linh mục của nhà thờ, mà còn là một người gieo hạt Phúc Âm qua phương tiện truyền thông hiện đại.
Nhạc sĩ Cao Huy Hoàng đã viết: “Nếu Thánh Nicolas nói: ‘Vì đoàn chiên, tôi làm giám mục’, thì nơi Cha Mi Trầm, có thể nói: ‘Vì cộng đồng, tôi làm nhạc sĩ’.”
Quả vậy, Cha Mi Trầm chưa từng nhận mình là nhạc sĩ, dù hơn nửa thế kỷ qua, những bài hát của Mi Trầm đã đi vào lòng người và trở thành một phần linh đạo sống của biết bao tín hữu. Mỗi bản nhạc là một lời cầu nguyện, mỗi bài hát là một chứng tá đức tin.
Từ “được vớt” đến “được sai đi”
Trong bài giảng giản dị, mộc mạc nhưng thấm đẫm đời sống thiêng liêng. Cha Mi Trầm không nói nhiều về thành tích, mà kể lại chính hành trình đời linh mục bằng những hồi tưởng chân thành và khôi hài.
“Cồn Sẻ, quê tôi, là xứ đạo toàn tòng. Năm 1956, tôi theo gia đình di cư vào Cam Ranh. Một hôm, khi đang chơi bi ở sân nhà thờ, cha xứ gọi tôi vào hỏi có muốn đi tu không. Tôi ngây ngô hỏi lại: “Đi tu là sao?”. Ngài nói: “Đi tu là làm linh mục như Cha nè”… “Thế là tôi đi.”
.
Cha Mi Trầm chia sẻ tâm tình trong bài giảng lễ
Cũng nhờ được học nhạc với Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa mà ngài đã mở ra một hành trình mới – hành trình của người gieo lời hát Phúc Âm vào lòng cộng đoàn.
“Đức Cha dạy tôi: ‘Cha cứ sáng tác theo cái riêng của Cha, không nhất thiết phải theo tôi’. Nhờ vậy, tôi mạnh dạn viết những bài hát cộng đồng, đơn sơ nhưng dễ hát, dễ sống, dễ cầu nguyện”. – Ngài kể.
Quyết tâm và “việc nhỏ” của một linh mục
Nói về quyết tâm trong đời sống linh mục, Cha Mi Trầm thổ lộ với cả cộng đoàn một cách chân tình: “Tôi cố gắng lắng nghe, nhận lỗi và sửa lỗi. Khi ai đó xầm xì về mình, tôi xét lại xem mình có sai không. Nếu sai thì phải sửa. Và tôi vẫn tin: Không ai sửa được mình ngoài mình với ơn Chúa.”
Bên cạnh việc sống chan hòa với cộng đoàn với phong cách năng động, vui vẻ và hoạt bát, Cha Mi Trầm còn chia sẻ những sáng kiến nhỏ nhưng thiết thực như trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo suốt 5 năm qua, mỗi năm ba đợt, mỗi đợt khoảng 40 chiếc; hay lập Facebook truyền giáo, kiên trì cập nhật mỗi ngày sau khi xin về hưu sớm ở tuổi 68. Với Cha Mi Trầm, truyền thông hôm nay chính là một nhánh mới của cánh đồng truyền giáo.
Trích một câu trong Kinh Thánh luôn khắc ghi trong tim, ngài nhắn gửi: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”. Theo ngài, dù giảng hay, hát hay, nhưng sống không tốt và mất linh hồn thì cũng là điều đáng tiếc.
Giai điệu đời linh mục và những ân tình được khắc ghi
.
Trước đó một ngày, vào tối 11 tháng 7, tại giáo xứ Hòa Yên, Cha Phêrô Mai Tích (nhạc sĩ Bạch Vân) – Trưởng ban Thánh nhạc giáo phận, cùng các cộng sự đã tổ chức “Đêm hoan ca tạ ơn”, như một cánh hoa dâng lên Thiên Chúa và cũng là lời chúc mừng dành cho Cha Mi Trầm – nhạc sĩ của cộng đồng.
Cuối Thánh lễ, trong bầu khí thân tình và đong đầy nghĩa tình mục tử, Cha Mi Trầm đã trao tặng những phần quà lưu niệm cho các cá nhân, đại diện ca đoàn, cộng đoàn và những người đã nhiệt tâm cộng tác trong công tác tổ chức thánh lễ, biên tập và phát hành sách. Đó là những con người âm thầm, cùng nhau làm nên một lễ tạ ơn ấm áp và đầy ắp yêu thương.
Ông J.B. Nguyễn Mạnh Tường – Chủ tịch Hội đồng Mục vụ – thay mặt cộng đoàn chức mừng 50 hồng ân linh mục của Cha Mi Trầm
Cha Phêrô Mai Tích (nhạc sĩ Bạch Vân – Trưởng ban Thánh nhạc giáo phận) chúc mừng
Cha Mi Trầm tặng quà lưu niệm
Cha Mi Trầm ngỏ lời cám ơn
Gia đình linh tông, huyết tộc của Cha Mi Trầm
Ca đoàn Anphôngsô Hòa Yên và Cha Mi Trầm
Quốc Tuấn