1. Linh mục ở Guinea-Bissau bị hăm lấy mạng sau khi chỉ trích tổng thống
Một linh mục ở Guinea-Bissau đã bị dọa giết sau khi ngài đăng những bình luận chỉ trích về Tổng thống Umaro Sissoco Embaló trên mạng xã hội vào ngày 2 tháng Giêng.
Cha Augusto Tamba trong vùng Empada, một vùng ở phía nam của đất nước, đã nói về một cuộc tấn công gần đây do tổng thống Embaló thực hiện nhằm vào Đức Cha José Lampra Cá của Bissau.
Vào ngày 29 tháng 12, Đức Cha Lampra Cá và các nhà lãnh đạo tinh thần khác đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nuno Nabiam. Sau đó, vị giám mục nói với các nhà báo rằng đất nước “không thể hạnh phúc nếu con cái và công dân của họ không cộng tác vào ý thức có hành vi đạo đức hoàn hảo cũng như ý thức chịu trách nhiệm và tôn trọng luật pháp của đất nước”.
Theo báo cáo của thông tấn xã Deutsche Welle, tổng thống Embaló, người từng gây hấn với thủ tướng Nabiam, đã buộc tội Đức Cha Lampra Cá can thiệp vào chính trị.
Embaló là tổng thống kể từ ngày 27 tháng 2 năm 2020, nhưng trước đó ông ta đã từng là thủ tướng từ ngày 18 tháng 11 năm 2016 đến ngày 16 tháng Giêng năm 2018.
Cha Tamba đã đưa ra một bài dài trong đó đặt vấn đề đối với những nhận xét của tổng thống, và yêu cầu sự tôn trọng đối với vị giám mục và tái khẳng định quyền bình luận của Đức Giám Mục về các vấn đề chính trị và xã hội của quốc gia Tây Phi.
“Do đặc thù công việc, Đức Cha không hoạt động chính trị tích cực và không bao giờ làm. Nhưng may mắn thay, do nhiệm vụ của mình, ngài đang và sẽ tiếp tục là một nhà lãnh đạo luân lý. Ngài có thể can thiệp bất cứ lúc nào vào bất cứ điều gì mà ngài thấy có vẻ bất công và đưa ra lời hướng dẫn về res publica – tức là những điều công khai.”
Vị linh mục cũng chỉ trích tuyên bố của tổng thống cho rằng mỗi nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc về Giáo Hội của mình, nơi Chúa hiện diện.
“Quan niệm của tổng thống về sự hiện diện của Chúa nên được xác định lại, bởi vì Chúa ở khắp mọi nơi và chúng ta kiên quyết cầu nguyện xin Chúa nhân lành cũng hiện diện trong các cung điện chính trị và các tòa nhà của Nhà nước”.
“Nhưng, như chúng ta có thể thấy, người đứng đầu Phủ Tổng thống đã cho rằng Chúa vắng mặt tại nơi làm việc của ông ấy. Có lẽ đó là lý do tại sao ông ấy muốn vị giám mục giữ khoảng cách với ông ấy, giống như ma quỷ tìm cách tránh xa các cây Thánh giá”
Ngày hôm sau, vị linh mục bắt đầu nhận được những lời đe dọa.
“Ai đó đã gọi cho tôi vào lúc bình minh và hỏi tôi có phải là Cha Tamba không. Sau đó người đó nói: “Bạn biết rằng chúng tôi có thể đập bạn thành từng mảnh trong vài phút, phải không?” “Tamba nói với Crux.
Kể từ đó, Cha Tamba đã thực hiện một số biện pháp an ninh, nhưng ngài vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động hàng ngày của mình.
“Hôm nay tôi dẫn một thanh niên theo đến cử hành Thánh lễ ở hai ngôi làng”
“Tôi không trốn ở nhà. Tôi sẽ tiếp tục làm việc và tiếp tục phản ánh về tình hình đất nước tôi trên phương tiện truyền thông xã hội của tôi.”
Liên đoàn Nhân quyền Bissau-Guinean đã ra tuyên bố vào ngày 6 tháng Giêng lên án những kẻ đe dọa chống lại linh mục và thúc giục các nhà chức trách điều tra vụ việc.
“Đó là một nỗ lực không thể chấp nhận được nhằm đe dọa và bịt miệng những người có quan điểm chỉ trích chính phủ. Embaló và những người ủng hộ ông ta muốn cấy ghép một chế độ độc tài và chuyên chế, vì vậy họ gặp khó khăn khi đối phó với những ý kiến trái chiều,” Bubacar Turé, Phó Chủ tịch của Liên đoàn, nói với Crux.
Turé cáo buộc Embaló vi phạm nhân quyền đối với các nhà báo, thành viên của các tổ chức công dân và các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Khoảng 45 phần trăm trong số 2 triệu người Bissau-Guinea là người Hồi giáo và 22 phần trăm theo Kitô Giáo.
Source:Crux
2. Đức Hồng Y Cupich bị một số người la ó và huýt sáo tại cuộc tuần hành Phò Sinh ở Chicago
Một cuộc Tuần Hành Phò Sinh ở Chicago vào thứ Bảy lẽ ra đã là một sự kiện yên bình. Tuy nhiên, nó đã trở nên gây tranh cãi khi một số người trong đám đông la ó và huýt sáo phản đối Đức Hồng Y Blase Cupich trong bài phát biểu của ngài tại một cuộc biểu tình ở Federal Plaza.
Caitlin Bootsma, phát ngôn viên của March for Life Chicago, cho biết hành vi này chỉ giới hạn ở một phần nhỏ đám đông.
Cô nói với CNA: “Có một số sự xáo trộn trước đám đông bởi một số ít cá nhân”.
Tờ Chicago Tribune đưa tin rằng Đức Hồng Y Cupich đã được các nhân viên an ninh hộ tống rời khỏi cuộc biểu tình, nhưng Bootsma nói rằng đó không phải là do sự phản đối thô bạo vị Hồng Y.
“Kế hoạch của Đức Hồng Y là rời đi sau bài phát biểu của ngài,” cô nói. “An ninh đã đi cùng ngài như họ đã làm trong những năm trước và cũng đã làm với một số diễn giả khác.”
Khi mới phát biểu được khoảng một phút, Hồng Y Cupich, đeo khẩu trang y tế tại cuộc tuần hành ngoài trời, đã vấp phải một làn sóng la ó khi ngài chia sẻ những lời ủng hộ cho những người đeo khẩu trang y tế trong đám đông.
Đức Hồng Y nói:
“Anh chị em biết đấy, chúng ta đến đây trong những ngày đại dịch khi sự sống bị đe dọa. Và tôi rất vui khi thấy nhiều anh chị em đeo khẩu trang y tế. Tôi hy vọng rằng anh chị em tiếp tục tìm kiếm những cách thế để chúng ta có thể chấm dứt đại dịch này bằng cách thúc đẩy sự sống. Điều thực sự quan trọng là làm được điều đó.”
Nghe thấy tiếng la ó phản đối của một số người trong đám đông, Đức Hồng Y Cupich sau đó nói thêm: “Bây giờ tôi biết có một số người trong đám đông ở đây không tôn trọng thai nhi, và điều đó quá tệ. Nhưng hãy để tôi nói. Để tôi nói.”
Tiếng la ó và huýt sáo giảm bớt trong giây lát, nhưng càng lúc càng to hơn khi kết thúc phần phát biểu của Hồng Y Cupich. Một số người trong đám đông có thể được nghe thấy những tuyên bố hét lên “Biden” và một người đàn ông hét lên, “Hãy nói với USCCB!”
“Bây giờ, những người này sẽ không cho phép tôi nói chuyện vì họ không ở đây để tôn trọng thai nhi. Họ không ở đây để tôn trọng anh chị em,” Hồng Y Cupich trả lời.
Đức Hồng Y Cupich đã bị một số người trong phong trào ủng hộ cuộc sống chỉ trích vào năm ngoái vì đã dẫn đầu một nỗ lực nhằm ngăn chặn một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và Tổng thống Joe Biden, là người với tư cách là tổng thống Công Giáo thứ hai của đất nước đã theo đuổi các chính sách trái ngược với giáo huấn chính thức của Giáo hội trong đó dạy chống phá thai và hôn nhân đồng tính.
Một năm trước, Hồng Y Cupich đã lên Twitter để đưa ra lời chỉ trích gay gắt về điều mà ông gọi là một tuyên bố “thiếu cân nhắc” mà USCCB đưa ra vào ngày nhậm chức của Biden. Trong tuyên bố đó, các Giám Mục Hoa Kỳ gọi phá thai là “một cuộc tấn công trực tiếp vào cuộc sống, khiến người phụ nữ bị thương và phá hoại gia đình”.
Đức Hồng Y Cupich đã bay đến Rôma để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô 10 ngày sau đó, trong một động thái mà một số nhà quan sát coi là nỗ lực tranh thủ sự giúp đỡ của Vatican trong việc buộc USCCB tránh việc áp dụng chính sách từ chối Mình Thánh Chúa đối với Biden và các chính trị gia khác, những người tích cực thúc đẩy việc mở rộng hợp pháp hóa phá thai. Vào tháng 11, các giám mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu 222 phiếu thuận trên 8 phiếu chống, và ba phiếu trắng, ủng hộ việc phát hành một tài liệu giáo huấn mới kêu gọi canh tân Bí tích Thánh Thể trong Giáo hội. Tài liệu không đề cập đến tên Biden hoặc bất kỳ chính trị gia nào khác.
Trong phát biểu của mình trong cuộc Tuần Hành Phò Sinh vào ngày 8 tháng Giêng, Hồng Y Cupich đề cập đến khả năng Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ đảo ngược quyết định năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade, qua đó hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.
“Chúng ta có nhiều lý do để hy vọng rằng các biện pháp bảo vệ hợp pháp cho đứa trẻ trong bụng mẹ, là điều mà chúng tôi đã vận động trong nhiều thập kỷ, sẽ sớm trở thành hiện thực,” Đức Hồng Y Cupich nói.
“Nhưng như chúng tôi đã nghe hôm nay, đó thực sự không phải là mục tiêu duy nhất của chúng ta. Chúng ta diễn hành ngày hôm nay vì sự tôn trọng đối với tất cả cuộc sống của con người. Đó là mục tiêu mà chúng ta cần theo đuổi”. Hồng Y Cupich sau đó đã chỉ ra sự cần thiết phải bảo vệ người già, người bệnh, người nhập cư và những người sống trong nghèo khó, cùng với những người khác, chống lại tư duy coi mạng sống con người như thể nó là “đồ chỉ dùng qua một lần”.
Cuộc Tuần Hành Phò Sinh Chicago được coi là sự kiện phò sinh lớn nhất ở Trung Tây. Sự kiện năm nay đã thu hút hàng nghìn người tuần hành ủng hộ sự sống cũng như một cuộc phản công nhỏ hơn.
Source:Catholic News Agency
3. Nhật Ký Trừ Tà Số 172: Khi Satan hành hạ tâm trí
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #172: When Satan Torments The Mind”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà Số 172: Khi Satan hành hạ tâm trí”. Trong bài viết này ngài chú ý đến những người Công Giáo tự hận chính mình vì những sai lầm trong quá khứ. Giá như ngày xưa tôi đã không làm điều đó.. Những dằn vặt đối với những chuyện đã qua trong quá khứ có thể bị ma quỷ trầm trọng hóa khiến chúng ta ngã lòng.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Tôi tiếp tục buồn vì có nhiều người bị dày vò tâm trí (xem Nhật ký số 164). Hàng ngày, tôi nhận được những email điên cuồng từ những người đang ở giai đoạn cuối của trí thông minh. Họ đã bị dày vò tinh thần trong nhiều năm và đang mất dần hy vọng.
Những ám ảnh tinh thần này thường bắt đầu từ một điểm yếu tâm lý “bình thường” như lòng tự trọng thấp, suy nghĩ trầm cảm, suy nghĩ đen tối, lo lắng và sợ hãi, thất vọng và tức giận. Tuy nhiên, Satan lợi dụng điểm yếu này của con người và phóng đại nó lên. Lòng tự trọng thấp của chúng ta trở thành lòng căm thù bản thân; lo lắng của chúng ta trở thành tuyệt vọng; những suy nghĩ đen tối của chúng ta trở thành ý tưởng tự sát. Những gì đáng lẽ là một bực bội thường thấy hàng ngày giờ đây trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Những thông điệp phỉ báng của Satan đối với chúng ta xoay quanh sáu chủ đề chung (xem Nhật ký số 156): “Bạn là một người tồi tệ”, “Không có hy vọng cho bạn”, “Chúa không quan tâm đến bạn”, “Sự dằn vặt này sẽ không bao giờ kết thúc”, “Bạn đang đi đến địa ngục”, “Bạn nên tự sát”.
Những ám ảnh ma quỷ này nguy hiểm gấp đôi vì Satan thường có thể che giấu những khiếm khuyết tâm linh của một người. Các cá nhân không nhận ra nguồn gốc của ma quỷ và do đó họ càng tin chắc vào sự khốn khổ vô vọng của mình. Họ có thể chìm sâu hơn vào tuyệt vọng.
Tôi không có một phương dược sửa chữa nhanh chóng cho vấn đề này. Tiến triển thực sự là dần dần. Nhưng tôi muốn chuyển đến anh chị em những loại can thiệp mà chúng tôi đang thực hiện trong sứ vụ của mình. Các cá nhân có thể chọn một sự kết hợp giữa những thứ mà họ thấy hữu ích nhất…
+ Hãy nhận ra nguồn gốc thực sự của những dằn vặt về tinh thần của anh chị em. Đúng vậy, anh chị em có những điểm yếu tiềm ẩn về tâm lý khiến anh chị em dễ bị những suy nghĩ tiêu cực này gây ra. Nhưng Satan đang hành hạ anh chị em với những điểm yếu đó. Một khi chúng ta có thể nhận ra hành động của ma quỷ, chúng ta có thể cảm thấy ít đáng trách hơn và ít bị dằn vặt hơn.
+ Hãy để chúng đến…. và để chúng đi. Nhiều người cảm thấy rất khó để ngăn chặn những ám ảnh tinh thần này. Trên thực tế, ai càng cố gắng ngăn cản chúng, chúng thường trở nên mạnh mẽ hơn. Thay vào đó, tôi không đề nghị phản kháng. Nhưng hãy để chúng đi vào một tai, và để chúng đi ra tai kia. Cố gắng không bám vào chúng. Như một vị Thánh đã nói khi nhìn thấy Satan ở dưới chân giường của cô ấy, “Ồ, chỉ có mình mày thôi à.”
+ Hít thở và thư giãn. Cơ thể chúng ta căng thẳng khi chúng ta căng thẳng. Hít thở sâu chậm và dài. Hít vào từ từ, thở ra từ từ. Thở sâu. Vận động cơ thể bằng cách đi bộ hoặc bất cứ bài tập nào có hiệu quả với anh chị em. Cơ thể thư giãn sẽ giúp tinh thần thoải mái.
+ Đóng cửa đối với quỷ. Satan đang lợi dụng điểm yếu tâm lý. Có những tổn thương và những vết sẹo trong quá khứ đã làm phát sinh điểm yếu này. Hãy tìm cách chữa lành những vết thương tâm linh bên trong. Trị liệu tâm lý, cầu nguyện chữa bệnh, hướng dẫn tâm linh, cầu xin tha thứ và các bí tích đều có thể là nguồn chữa bệnh nội tâm.
+ Những lời cầu nguyện giải thoát tập trung vào sự đau khổ cụ thể. Ví dụ, nếu người đó mắc chứng tự hận bản thân, thì hãy thường xuyên nói: “Nhân danh thánh của Chúa Giêsu, tôi từ bỏ ác linh của lòng tự căm thù và ra lệnh cho nó rời bỏ tôi”. Hoặc nếu vấn đề là sự tức giận: “Nhân danh thánh của Chúa Giêsu, tôi từ bỏ ác thần giận dữ và ra lệnh cho nó rời khỏi tôi.”
+ Quay về phía Chúa Giêsu- liên tục. Thường xuyên sử dụng những lời cầu nguyện ngắn có thể giúp tập trung tâm trí vào Chúa Giêsu. Những lời cầu nguyện tiêu biểu là: “Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy nơi Chúa” hoặc “Lạy Chúa Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót kẻ tội lỗi” hoặc “Lạy Chúa Giêsu, Lạy Mẹ Maria” hoặc một lời cầu nguyện ngắn khác do chính anh chị em chọn.
+ Dâng nỗi đau khổ của mình cho người khác. Tất cả chúng ta đều có những đau khổ của riêng mình. Một số người có những đau khổ lớn về thể chất. Anh chị em có những đau khổ lớn về tinh thần. Những dằn vặt tinh thần này, khi được trao cho Chúa Giêsu trong đức tin, có thể là nguồn ân sủng cho người khác và cho bạn.
+ Giữ tâm hồn bình an. Anh chị em có những thiếu sót và tan nát tâm can. Anh chị em đang đau khổ. Không sao đâu! Đó chính là lý do tại sao Con Thiên Chúa hoá thành nhục thể. Ngài đã chết vì tội lỗi của anh chị em. Anh chị em sẽ không tự cứu mình; anh chị em sẽ không bao giờ không có đau khổ trong cuộc đời này. Hãy tin cậy vào Chúa Giêsu; Người sẽ cứu anh chị em.
Source:CatholicExorcisms