1. Tin vui: Máu Thánh Gennariô bất ngờ hóa lỏng sau khi cộng đoàn đọc Kinh Cầu Các Thánh
Hôm thứ Bẩy 1 tháng Năm, ngay từ ban sáng, nhà thờ chính tòa Napoli, tiếng Anh gọi là Naples, đã có đông đảo các tín hữu và khách hành hương tham dự các thánh lễ và các cử hành khác.
Cho đến chiều Máu Thánh Gennariô vẫn khô đặc. Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia, 58 tuổi, được biết đến như một “linh mục đường phố”, một người rất gần gũi với người nghèo, đã cử hành thánh lễ ban chiều.
Đây là lần đầu tiên, ngài cầm lọ Máu Thánh Gennariô trên tay trong tư cách là Tổng Giám Mục Napoli. Ngài tỏ ra bối rối khi thấy lọ máu vẫn khô đặc, không có bất cứ dấu chỉ hóa lỏng nào, một giọt cũng không có. Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm thứ Tư 16 tháng 12, năm ngoái, Máu Thánh Gennariô đã không hóa lỏng.
Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia không bỏ cuộc, ngài yêu cầu cộng đoàn cùng đọc Kinh Cầu Các Thánh với ngài. Thật lạ lùng, trong lúc cộng đoàn vẫn đang tiếp tục Kinh Cầu Các Thánh, Máu Thánh Gennariô đã bất ngờ hóa lỏng. Đến 5 giờ 18 phút Máu Thánh Gennariô đã hóa lỏng hoàn toàn.
Thị trưởng thành phố Napoli là ông Luigi De Magistris reo mừng nói với các ký giả “Thánh Gennariô vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta”.
Cha Vincenzo de Gregorio, phụ trách nhà nguyện Thánh Gennariô ở nhà thờ chính tòa Napoli cho rằng “Những gì xảy ra ngày hôm nay là một lời cảnh tỉnh chúng ta phải hoán cải, phải siêng năng cầu nguyện, đặc biệt là trong tháng 5, là tháng hoa kính Đức Mẹ.”
Thánh Gennariô là giám mục thành Benevento, nước Ý. Ngài được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Thánh nhân chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diôclêtiô vào ngày 19 tháng 9 năm 305.
Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sosius, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.
Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày thứ Bẩy hay Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.
Ngày 16 tháng 12 năm 2016, bửu huyết của Thánh Gennariô đã không hóa lỏng như dự kiến. Chỉ một tuần sau đó, các nhà khoa học cho biết một hỏa diệm sơn ngoài khơi bờ biển đảo Sicily, gần Naples, đã rục rịch hoạt động trở lại.
Hỏa diệm sơn Campi Flegrei là núi lửa lớn hơn rất nhiều so với ngọn núi lửa Vesuvius, từng phun trào phún xuất thạch phá hủy toàn bộ thành phố cổ Pompeii. Núi lửa Campi Flegrei, một khi bùng nổ có thể gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Âu.
Nhiều cư dân của Naples tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.
Ngày 16 tháng 12 năm ngoái máu của thánh nhân không hóa lỏng. Vài ngày trước đó, một cây cầu đột nhiên gẫy làm đôi trong đêm. Một chiếc xe chở khách đã lao xuống dòng sông. Hơn ba tuần sau đó, hôm thứ Sáu 8 tháng Giêng, trong bãi đậu xe của bệnh viện Ospedale del Mare, nghĩa là bệnh viện Biển, ở Napoli, một khoảng đất rộng 2,000 mét vuông đã bất ngờ sụp xuống, tạo thành một hố sâu, nuốt chửng cả 3 chiếc xe hơi đang đậu trong bãi đậu xe.
Source:TGCOM 24
2. Hai giáo xứ ở Giáo phận Sacramento phải chịu những hành động phá hoại tương tự trong hai tuần qua.
Trong những ngày cuối tuần từ 17 đến 18 tháng 4, ba bức tượng đã bị phá hoại bên ngoài Nhà thờ Công Giáo Rất Thánh Mân Côi ở Woodland, California. Trong các bức ảnh do giáo dân Duke Sancho gửi cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, những bức tượng dường như là của Đức Mẹ Maria, Thánh Gioan và Thánh Maria Mađalêna tại đồi Calvariô nơi Chúa chịu đóng đinh. Cả ba bức tượng đều bị biến dạng với lớp sơn phun màu đen che mất một phần khuôn mặt.
Anh Sancho nói với CNA rằng một hội huynh đệ các nam giới trong giáo xứ và Cha Sở Jonathan Molina đã tổ chức một dự án làm sạch các bức tượng.
Tại giáo xứ Thánh Gioan Vianney ở Rancho Cordova cũng cùng giáo phận Sacramento, một bức tượng của Đức Mẹ Maria cũng bị biến dạng với lớp sơn phun màu đen che mất một phần khuôn mặt.
Trong một dòng tweet ngày 25 tháng 4, một giáo dân đã đăng một bức ảnh chụp tượng Đức Mẹ với lớp sơn đen phủ khắp mặt, tay và chân. Một cây thánh giá màu đen đã được buộc ngang trên thân chính của bức tượng.
Vị giáo dân cho biết thêm rằng những vết sơn xịt lên bức tượng đã được gỡ bỏ nhưng vẫn có một chút ảnh hưởng lâu dài đối với bức tượng.
“Cần phải mất một thời gian. Hóa chất đã gây xáo trộn với đá, vì thế nhìn kỹ bạn có thể thấy một số thay đổi đối với bức tượng nơi bị sơn, nhưng nhìn chung bức tượng đã được làm sạch,” vị giáo dân này viết.
“Chúng tôi đã cố gắng để có được một nhóm khoảng một chục người cầu nguyện lần chuỗi Mân Côi trước thánh lễ ngay tại bức tượng đó như một cử chỉ phạt tạ cho sự xúc phạm này”,
Giáo phận đã trả lời một cuộc điều tra từ CNA bằng một tuyên bố vào thứ Hai rằng “Các bức tượng đã được phục hồi. Chúng tôi cầu nguyện cho bất kỳ ai vì lý do nào đó đã quyết định gây thiệt hại cho bất kỳ biểu tượng đức tin nào.”
Các vụ việc mới diễn ra tại California không phải là mới. Một loạt các hành động phá hoại khác nhắm vào các nhà thờ đã xảy ra.
Vào tháng 4, khuôn mặt trên một bức tượng của Chúa Giêsu đã bị phun sơn đen tại Nhà thờ Đức Maria ở giáo phận Fargo. Vào ngày 13 tháng 3, vỉa hè bên ngoài Giáo xứ Thánh Giuse trên Đồi Capitol ở Washington DC đã bị phá hoại với những gì có vẻ là hình vẽ satan.
Vào đầu tháng Hai, ba bức tượng thiên thần tại Nhà thờ Thánh Piô thứ 10 ở El Paso, Texas, đã bị lật nhào và đập bể.
Vào đầu tháng Giêng, một bức tượng của Thánh Têrêxa thành Lisieux đã bị phá hủy, cây thánh giá gần đó bị lộn ngược, và những kẻ phá hoại đã viết một chữ “satan” rất lớn kèm theo một ngôi sao năm cánh, tại giáo xứ Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu ở Abbeville, Louisiana.
Các nhà thờ Công Giáo và các bức tượng trên khắp Hoa Kỳ đã là mục tiêu đốt phá và giập sập trong suốt năm 2020 trong bối cảnh bạo loạn và biểu tình hàng loạt, chẳng hạn như ở Kenosha, Wisconsin.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi ‘bác sĩ của người nghèo’ ở Venezuela trước khi phong chân phước
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video về việc phong chân phước vào hôm thứ Sáu 30 Tháng Tư cho José Gregorio Hernández, một bác sĩ người Venezuela, là người đã tận tâm phục vụ người nghèo trong dịch cúm Tây Ban Nha.
“Việc phong chân phước cho Bác sĩ Hernández là một ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa dành cho Venezuela, và mời gọi chúng ta phát triển theo hướng đoàn kết hơn với nhau, cùng nhau tạo ra thiện ích chung cần thiết để đất nước hồi sinh, và tái sinh sau đại dịch với tinh thần hòa giải”, Đức Thánh Cha nói trong thông điệp ngày 29 tháng Tư gửi nhân dân Venezuela.
“Giữa tất cả những khó khăn, tôi yêu cầu tất cả anh chị em, những người yêu mến Bác sĩ José Gregorio rất nhiều, hãy theo gương đáng ngưỡng mộ của ngài trong việc phục vụ vị tha cho người khác”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp vào trước lễ phong chân phước ngày 30 tháng 4 tại thủ đô Caracas của Venezuela.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, đã dự định chủ sự thánh lễ phong chân phước nhưng cuối cùng phải hủy chuyến đi đến Venezuela vào ngày 28 tháng 4 do đại dịch coronavirus.
“Việc phong chân phước cho Tiến sĩ José Gregorio diễn ra vào một thời điểm đặc biệt khó khăn đối với anh chị em. Như các giám mục anh em của tôi, tôi biết rõ hoàn cảnh mà anh chị em đang phải trải qua, và tôi biết rằng sự đau khổ và buồn sầu kéo dài của anh chị em đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 khủng khiếp đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.
Venezuela, quốc gia có gần 29 triệu dân giáp với Colombia, Brazil và Guyana, đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị kéo dài nhiều năm.
Trong thông điệp video của ngài, Đức Giáo Hoàng nói nhiều lần rằng ngài muốn đến thăm Venezuela, và nhấn mạnh rằng ngài đang cầu nguyện cho “hòa giải và hòa bình” ở đất nước này.
Đức Phanxicô kêu gọi người Venezuela “tìm kiếm con đường thống nhất dân tộc” bằng cách “đặt lợi ích chung lên trước bất kỳ lợi ích nào khác”.
“Và tôi cầu xin Chúa rằng không có sự can thiệp nào từ bên ngoài ngăn cản anh chị em đi theo con đường đoàn kết dân tộc này”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi chân thành tin rằng khoảnh khắc đoàn kết dân tộc này, xung quanh hình ảnh vị bác sĩ của người dân, tạo nên một thời khắc đặc biệt cho Venezuela và tôi xin anh chị em tiến xa hơn nữa, xin anh chị em thực hiện các bước cụ thể để ủng hộ sự thống nhất, mà không để bản thân bị đè bẹp bởi sự chán nản”.
“Theo gương của Bác sĩ José Gregorio, mong anh chị em có thể nhìn nhận nhau như những người bình đẳng, như anh em, như những người con của cùng một quê hương”.
José Gregorio Hernández sinh ngày 26 tháng 10 năm 1864 tại thị trấn Isnotú thuộc bang Trujillo của Venezuela. Ông mất mẹ năm 8 tuổi.
Hernández học y khoa ở Caracas và được chính phủ tài trợ để tiếp tục học ở Paris vào năm 1889 trong hai năm.
Sau khi trở về Venezuela, ông trở thành giáo sư tại Đại học Trung tâm Caracas, nơi ông bắt đầu mỗi bài học bằng dấu thánh giá.
Hernández tham dự thánh lễ hàng ngày, mang thuốc men và chăm sóc cho người nghèo, và là một tu sĩ Dòng Ba Phanxicô.
Cuối cùng, ngài nhận ra ơn gọi tu trì của một tu sĩ và từ bỏ chức vụ giáo sư của mình để vào một tu viện dòng Carthusiô nhặt phép Farneta, Ý, vào năm 1908, với tên là Tu huynh Marcelo.
Sau chín tháng, ngài ngã bệnh, và bề trên đề nghị ngài trở về Venezuela để hồi phục. Tại Caracas, ngài được phép vào Chủng viện Santa Rosa de Lima.
Ngài chuyển đến Rôma trong ba năm để học thần học tại Trường Cao đẳng Piô Mỹ Latinh, nhưng lại bị bệnh và buộc phải trở về Venezuela vào năm 1914.
Hernández kết luận rằng đó là ý Chúa muốn ngài vẫn là một giáo dân. Sau đó, ngài quyết định thúc đẩy sự thánh hóa như một người Công Giáo gương mẫu bằng cách trở thành một bác sĩ và tôn vinh Thiên Chúa bằng cách phục vụ người bệnh.
Ngài đã cống hiến hết mình cho nghiên cứu học thuật và đào sâu sự cống hiến của mình trong việc phục vụ người nghèo, đặc biệt là trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Một ngày nọ, khi vị bác sĩ đi bốc thuốc cho một người phụ nữ lớn tuổi nghèo, ngài bị một chiếc xe hơi đâm phải. Ngài qua đời trong bệnh viện vào ngày 29 tháng 6 năm 1919, sau khi nhận các nghi thức cuối cùng.
Người Công Giáo ở Venezuela đã hoan nghênh việc phong chân phước cho Hernández như một nguồn cảm hứng cho những giáo dân khác.
Hội đồng Giáo dân Quốc gia Venezuela đã gửi một tuyên bố tới Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, bày tỏ sự vui mừng trước việc “giáo dân Venezuela đầu tiên được nâng lên bàn thờ”.
“Trong Năm dành cho Giáo dân Venezuela này, chúng tôi hy vọng rằng trái tim của mỗi người được làm sống động bởi một nhân vật mẫu mực như vậy và chúng tôi sống như những môn đệ đích thực làm chứng hàng ngày cho sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta”.
Hiệp hội Công Giáo giáo dân nhấn mạnh rằng Hernández “đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc đời của mình, bao gồm cả dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, gây ra cái chết của nhiều người Venezuela. Tuy nhiên, ngài không bao giờ mệt mỏi trong lòng háo hức phục vụ Chúa bằng cách hiến thân cho người khác”.
“Xin Chúa giúp chúng con canh tân đức tin của dân tộc được thánh hiến cho Mình Thánh Chúa này và hiểu được phẩm giá của phép rửa tội đã thanh tẩy chúng ta và canh tân những dấn thân của chúng ta cho người lân cận. Xin Chúa truyền cảm hứng cho chúng con để chúng con thường xuyên phó thác mình cho Chúa Thánh Thần, Đấng đã đổi mới chúng con, để chúng con có thể ý thức rằng nhờ bửu huyết của Chúa Kitô mà chúng con được cứu chuộc”
Source:Catholic News Agency
4. 12 người bị bắt trong vụ mưu sát tân Giám Mục
Như chúng tôi đã đưa tin, một vị Giám mục người Ý vừa được bổ nhiệm ở Nam Sudan đã bị mưu sát vào khuya Chúa Nhật rạng sáng thứ Hai 26 Tháng Tư. Giáo Hội địa phương đã di tản ngài về thủ đô Narobi của Kenya nơi có các phương tiện điều trị chuyên biệt.
Vatican News cho biết Cha Christian Carlassare, người Ý, thuộc Dòng Truyền Giáo Comboni của Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục Giáo phận Rumbek vào ngày 8 tháng 3, sau một thời gian giáo phận này trống tòa kéo dài gần một thập kỷ.
Khi nghe tin buồn này, Đức Thánh Cha cho biết ngài đang cầu nguyện cho vị tân Giám Mục này.
Trong cuộc họp báo vào một ngày sau đó, cảnh sát cho biết
“Khi hai người đàn ông bắn vị tân giám mục vừa được bổ nhiệm, một trong hai tên đã làm rơi điện thoại của mình và vị giám mục đã ngã lên chiếc điện thoại đó. Chính nhờ chiếc điện thoại này mà cảnh sát đã tìm ra được hai kẻ bắn ngài và những người có liên hệ đến vụ mưu sát”.
Điều đáng quan ngại là trong số những người bị bắt sau vụ mưu sát này có cả ba linh mục và “những giáo dân nổi bật khác trong Giáo phận Rumbek”.
Đức Cha Christian Carlassare đã bị bắn vào cả hai chân sau khi hai người đàn ông có vũ trang bắn nhiều phát đạn vào cửa nhà để xông vào phòng của ngài.
Rõ ràng là các thủ phạm không cố ý giết ngài, nhưng có lẽ chúng muốn ngài tàn phế.
Nam Sudan, có biên giới với Sudan, Ethiopia, Kenya, Uganda, Cộng hòa Dân chủ Congo, và Cộng hòa Trung Phi, là một quốc gia ở phía đông trung Phi với 11 triệu dân, đã giành được độc lập từ Sudan vào năm 2011. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội lớn nhất tại quốc gia này.
Lễ tấn phong giám mục cho Đức Cha Carlassare, được lên kế hoạch diễn ra vào Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 23 tháng Năm.
Ngài đã phục vụ tại Giáo phận Malakal của Nam Sudan kể từ khi ngài đến quốc gia Đông-Trung Phi này vào năm 2005.
Ngài đã đến Giáo phận Rumbek vào ngày 15 tháng 4 vừa qua, sau những ngày tĩnh tâm tại thủ đô Juba của Nam Sudan.
Giáo phận Rumbek rơi vào tình trạng trống tòa từ tháng 7 năm 2011 sau cái chết đột ngột của Đức Cha Caesar Mazzolari. Vị giám mục của Hội Truyền giáo Comboni đã gục ngã khi đang dâng thánh lễ vào sáng ngày 16 tháng 7 năm 2011, một tuần sau khi Nam Sudan độc lập. Ngài được xác nhận đã chết tại Bệnh viện Rumbek vào sáng hôm đó.
Source:National Catholic Register