Một… “Tuổi Thần Tiên” – Phần Cuối

Một…  “Tuổi Thần Tiên” – Phần 1

Một… “Tuổi Thần Tiên” – Phần 2

Một… “Tuổi Thần Tiên” – Phần 3

Một… “Tuổi Thần Tiên” – Phần 4

Một… “Tuổi Thần Tiên” – Phần Cuối

 

Năm sau tôi lên lớp 7, hàng ngày gia đình vẫn chở đến trường. Tôi luôn được thầy yêu bạn mến, mọi người luôn thương yêu giúp đỡ tôi. Những nguồn động viên khích lệ làm tôi thêm phấn khởi, cố gắng vượt khó để theo học. Nhưng cũng có những điều làm tôi buồn lòng, nản chí và thấy tủi lắm. Năm ấy thầy dạy môn thể dục không dạy lớp tôi môn này nữa mà dạy môn toán, thế là tôi tiếp tục được “giải phóng” môn thể dục. Nhưng lại phải học thầy môn toán. Chẳng biết tự bao giờ thầy để ý xét nét sức học của tôi. Với tôi thầy rất nghiêm khắc, chẳng miễn trừ cho tôi những khó khăn do hoàn cảnh sức khỏe yếu ớt. Các giờ kiểm tra miệng, đọc bài, lên bảng các giờ khác…, tôi chỉ cần đứng nguyên tại chỗ để giải trình. Hễ tôi định lên là thầy cô nhắc “em ở tại chỗ”. Riêng giờ của thầy toán tôi phải gắng gượng hết. Muốn lên bảng, tôi phải gò lưng, tay bám chặt bàn đầu để lấy sức mới leo lên bậc nổi, lúc ấy trông tôi chắc tội lắm. Hồi ấy thầy thường thu mấy bảng nhỏ cá nhân đem lên bảng lớn làm mẫu. Sau khi phân tích đúng sai, một bạn lên lấy về cho cả nhóm. Nhưng một hôm tôi ra hiệu để bạn lấy giúp bảng tôi, thầy tuyên bố thẳng thừng: “Từ mai ai có người đó tự lên lấy”. Tôi buồn tủi lắm nhưng là trò đâu dám trái ý thầy, phải vâng và cố gắng vận động như các bạn khỏe.

Chẳng biết để bụng từ bao giờ, một hôm vừa vào đầu giờ vẫn chưa học, thầy viết lên bảng một dạng toán chúng tôi chưa hề được học. Bất giác thầy gọi tôi hãy trả lời và quả nhiên là tôi ngơ ngác không hiểu gì. Thầy nặng lời với tôi, rằng tôi chỉ “giỏi vỏ”… Hình như thầy dự định trước để trút giận lên tôi giờ phút ấy. Tôi lặng im, xấu hổ và cảm thấy nhục nhã trước lớp, bởi vì xưa nay tôi chỉ quen nghe những lời tuyên dương tán thưởng, động viên khích lệ, mà nay tôi bị chê bai nặng trước lớp. Tôi cúi mặt lệ rơi… Từ hôm đó tôi cụt hứng, chẳng vui gì khi đến tiết học thầy dạy. Nhưng sau này tôi nghĩ rằng những kỷ niệm buồn ấy phải có trong chương trình mà Chúa đã đặt để cho tôi, nên tôi không trách thầy gì nữa.

Một hôm nhân ngày 20-11, nhà trường mời bố tôi đi họp đại diện hội phụ huynh. Trưa hôm đó đi họp về, bố phấn khởi đưa cho con gái món quà từ buổi họp, gồm một cây bút máy và một phong thư bên trong có tiền. Tôi chưa hiểu tại sao mình lại có quà tặng ở cuộc họp của người lớn, bố giải thích đây là quà tặng của 2 cô giáo dạy giỏi trong trường, nhưng các cô quyết định tặng lại cho con là học sinh vượt khó số một. Tôi sung sướng và xúc động muốn khóc, vì được các cô dành cho mình điều thiêng liêng cao quí và ấm tình. Nếu tôi có mặt ở đó, chắc sẽ không dám nhận quà. Bố kể hôm đó hội nghị bàn nhiều về tôi và đề nghị các giáo viên hết lòng quan tâm giúp đỡ.

Từ hôm đó, giờ tan học về có cô giáo Oanh thường hẹn và chở tôi về, vì trên đường về cô phải đi qua nhà tôi. Tôi biết ơn cô nhiều lắm nhưng không thể đáp trả được. Sau này tôi biết cô lâm bệnh nặng phải ở trại thần kinh, chân tay run không tự ăn cơm nổi, thương cô quá mà không giúp gì được cho cô, người trước đây vẫn thương giúp tôi nhiều. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho cô có ngày được bình phục, cho cô luôn nhận được sự quan tâm hết tình của gia đình, của xã hội ở trại. Nhưng than ôi! vài năm sau tôi bàng hoàng nghe tin cô không qua khỏi và đã về thế giới bên kia.

Qua lớp 7 tôi lên lớp 8 là lớp cuối cấp thời đó. Tôi vẫn vượt mọi khó khăn để gắng học thật tốt. Gia đình đã phục vụ tôi quá mệt mỏi mà chẳng thấy hy vọng tương lai. Suốt bấy nhiêu năm dài đằng đẵng chở tôi đi học không quản nắng mưa, rét mướt hay công việc bận rộn. Chẳng bao giờ tôi phải nghỉ học vì không có người đưa đến trường. Một nhà báo đến phỏng vấn để viết về tôi đã nói vui: “Vậy là gia đình đã chở cháu đi học bằng xe đạp dài bằng cả quãng đường từ nhà đến tận Sài Gòn rồi đó.”

Dần về cuối năm, thấy thầy hiệu trưởng thường nói với bố tôi: “Ông cố gắng 2 tháng nữa, rồi 1 tháng nữa…” Vì vậy tôi chẳng hy vọng mình được theo học cấp III. Trường cách nhà 5-6 cây số, làm sao gia đình tôi xe rước xe đưa?

Năm học ấy chỉ còn 3 tuần ôn thi tốt nghiệp là sẽ kết thúc. Gia đình tôi lúc đó neo đơn: chị gái đi lấy chồng, chị dâu sinh cháu, bố đưa đi học đã mệt mỏi chán chường… Một buổi sáng, tôi đang chuẩn bị để đến trường học ôn, bố gọi tôi lại và bảo: “Thôi con! bố nghĩ với sức khỏe của con yếu ớt thế, có theo học hết con cũng chẳng làm được công việc gì mai sau. Bố tính từ nay con nghỉ không đi học nữa”. Ôi tôi buồn và thất vọng lắm mà chẳng dám thưa lại điều gì. Bố đã nói vậy tôi đâu dám cãi lời, đành lặng lẽ bỏ đến trường từ hôm đó. Tôi chỉ biết khóc vì tiếc, vì thương mình nữa, bao năm vất vả theo học chẳng trọn để có một tấm bằng tốt nghiệp nhỏ. Thầy chủ nhiệm nhắn tôi đến trường ôn thi, tôi buồn chẳng còn lòng dạ nào để làm lại. Thế là tôi bỗng dưng từ biệt mái trường, ngôi nhà thân yêu thứ hai của tôi, rời xa cách ép lòng, không kịp chào thầy cô và chia tay các bạn trong lớp, những người đã sẻ chia, chứng kiến thật nhiều cảnh kỳ quặc trong đời học sinh của tôi.

Thấm thoắt tuổi thần tiên của tôi đã trôi đi từ lúc nào, nó cũng đẹp như bông hoa đang hé nở trên cành, mặc dù phải sống chung với bệnh tật, tôi vẫn được hòa nhịp với thế giới tuổi thơ, được đến trường học hành và vui chơi với bao bạn bè. Tuy thiếu thốn sức khỏe nên gặp bao khó khăn, nhưng tôi vẫn hồn nhiên ngây thơ, chẳng thấy mình bất hạnh. Những năm tháng ấy tôi vẫn tràn đầy hạnh phúc vui vẻ, vì cũng được sống trong bầu trời bao la, xanh thẳm cuộc đời như bao bé thơ. Tạ ơn Chúa! giờ tấm thân con xem ra đã già nua, nhưng trong bàn tay yêu thương của Chúa, con vẫn hạnh phúc bình yên như bé thơ ngủ yên trong tay mẹ hiền. Tình Chúa mãi mãi theo con, cho tâm hồn dù trong mưa gió, mãi mãi bình yên, mãi mãi bình yên.  

                                                                                     Én Nhỏ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *