Chân phước Vinhsơn Vila Đavít sinh ngày 28 tháng Sáu năm 1889 tại Valenxia, nước Tây Ban Nha. Ngài là con út trong gia đình có tám người con. Song thân Vinhsơn làm nghề gốm sứ; và họ là các Kitô hữu rất mực sùng đạo. Họ đào tạo con cái mình trong môi trường Kitô giáo. Sau khi học với các cha dòng Piarist, Vinhsơn Vila Đavít ghi tên vào học trường kỹ thuật và đỗ bằng kỹ sư công nghiệp.
Vinhsơn Vila Đavít kết hôn với một thiếu nữ tên Isabel và cả hai cùng sống đời Kitô hữu đạo hạnh. Vinhsơn quan tâm đến giáo xứ của mình và năng giúp các linh mục mỗi khi có thể. Ngài cũng đảm nhận việc quản lý công ty gốm của thân phụ ngài. Các công nhân giúp việc cho Vinhsơn không những coi ngài như ông chủ mà còn như một người cha hay thương yêu con cái. Vinhsơn Vila Đavít luôn quan tâm đến việc đối xử công bằng cũng như nhân phẩm và nhân quyền của công nhân.
Mùa hè năm 1936, tại Valenxia, cuộc nội chiến lên đến đỉnh điểm. Cuộc bách hại các Kitô hữu và Giáo hội của chế độ cai trị cũng rất ác liệt. Vinhsơn Vila Đavít, đang dạy học tại một trường kinh doanh đồ gốm, cũng bị nã súng vì là người Công giáo. Vinhsơn Vila Đavít vẫn anh dũng tiếp tục khích lệ các Kitô hữu khác và giúp đỡ các linh mục những gì có thể.
Ngày 14 tháng Hai năm 1937, Vinhsơn Vila Đavít bị mời ra trước tòa án và bị cấm thực hiện các hoạt động nhân danh Giáo hội. Vinhsơn trả lời rằng được làm Kitô hữu chính là một ơn gọi rất cao cả và ngài sẽ không từ bỏ ngay cả khi phải chết. Lập tức Vinhsơn bị mang đi xử tử. Vinhsơn được phép nhìn mặt người vợ thân yêu lần cuối và ngài đã khích lệ nàng với những lời lẽ đầy đức tin. Vinhsơn công khai tha thứ cho kẻ thù và những kẻ bách hại ngài. Rồi Vinhsơn bị bắn chết vào chính ngày ngài bị bắt giam.
Các công nhân nhà máy gốm như bị sỉ nhục. Họ đã đình công ba ngày liền để phản đối việc xử tử Vinhsơn Vila Đavít. Họ nói với các quan chức xã hội chủ nghĩa, những người đã gắng sức ngăn chặn cuộc đình công của họ, rằng: “Các ông đã cướp đi khỏi chúng tôi một người chủ và một người cha; vì Vinhsơn là người khôn ngoan, rộng lượng và luôn quan tâm đến điều kiện làm việc của chúng tôi. Chúng tôi không chỉ kính trọng mà còn yêu thương ông ấy nữa!”
Vinhsơn Vila Đavít được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày mùng 1 tháng Mười năm 1995. Cái chết của Vinhsơn Vila Đavít, do bàn tay hung bạo của kẻ thù, được xem như một cuộc tử đạo đích thực vì đức tin.
Đức tin của chúng ta áp dụng được cho mọi lãnh vực của đời sống. Trong gia đình cũng như ngoài xã hội, lúc ở trường cũng như khi làm việc, chúng ta đều được mời gọi hãy thực hành những giá trị mà Đức Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng.