“Ngày Áo Trắng” Của Anh Chị Em Tân Tòng Vùng Cheoreo – Tơlúi

Đến hẹn lại lên, năm nay “Chúa nhật Áo Trắng” (27/04/2025) của anh chị em tân tòng thuộc vùng cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Cheoreo phục vụ lại có dịp gặp mặt để chia sẻ cảm nghiệm theo Chúa và cùng dâng Thánh lễ tạ ơn. Năm ngoái (2024), chương trình được tổ chức tại Giáo xứ Chrôh Ale, năm nay Cộng đoàn quyết định tổ chức tại Giáo xứ Bon Ama Djơng, thuộc thị xã Ayun Pa, Gia Lai.

Trước khi Thánh lễ diễn ra, anh chị em tân tòng Jrai có khoảng 45 phút để chia sẻ cảm nghiệm theo Chúa. Mặc dù đã chia thành từng nhóm, nhưng số lượng anh chị em khá đông, không đủ thời gian để chia sẻ nên Thánh lễ tạ ơn đã phải đổi lại vào lúc 10g30. Chủ tế Thánh lễ là Cha bề trên Bart. Nguyễn Đức Thịnh; Cha Phaolô Nguyễn Đình Thi, phó bề trên giảng lễ, quý Cha đồng tế, cùng quý Thầy, quý Sơ và anh chị em tân tòng trong vùng Cheoreo-Tơlúi.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng (Ga 20,19-31), Cha Phaolô đã nhấn mạnh đến hai nội dung quan trọng. Thứ nhất, hình ảnh ông Tôma tông đồ trong bài Tin Mừng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Không biết vì lý do gì mà ông Tôma đã không hiện diện cùng với các tông đồ vào “chiều ngày thứ nhất trong tuần” khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Dù được các môn đệ chia sẻ với ông rằng “chúng tôi đã được thấy Chúa” nhưng ông Tôma đã không tin. “Tám ngày sau”, Chúa Giêsu phục sinh lại hiện ra với các môn đệ, lúc này ông Tôma có mặt và dường như Chúa Giêsu hiện ra lần này là vì ông. Người bảo với ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma đã thấy Chúa và đã tuyên xưng đức tin; đồng thời Chúa Giêsu phục sinh cũng chúc phúc cho những ai không thấy mà tin. Một cách nào đó, nhờ ông Tôma mà chúng ta được chúc phúc vì chúng ta đã không thấy Chúa Giêsu phục sinh bằng mắt thường; nhưng tất cả chúng ta hiện diện nơi đây đều tin vào Chúa Giêsu đã phục sinh từ cõi chết. Anh chị em tân tòng Jrai cũng phải hiểu rằng, anh chị em được Chúa thương yêu; nhưng Chúa Giêsu phục sinh chỉ tỏ mình ra trong cộng đoàn. Anh chị em cần Hội Thánh Chúa, cần cộng đoàn, ai rời xa cộng đoàn sẽ có nguy cơ bị mất đức tin. Thứ hai, hôm nay cũng là Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót, từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, máu và nước đã chảy ra và là nguồn mạch của các bí tích, nhất là bí tích Thanh Tẩy mà anh chị em mới được lãnh nhận. Thiên Chúa giàu lòng xót thương nên đã nhìn đến anh chị em Jrai nói chung, cách riêng các anh chị em tân tòng mới được rửa tội trong đêm vọng phục sinh vừa qua. Ân sủng đó, anh chị em vẫn tiếp tục được lãnh nhận hằng ngày qua việc cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và nhất là Thánh Thể. Anh chị em hãy trân trọng, gìn giữ và sống làm chứng cho những gì anh chị em đã được lãnh nhận.

Thánh lễ tiếp tục diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và thành kính. Đặc biệt khi Cha chủ tế truyền phép và dâng bánh rượu; khi hát kinh Lạy Cha và các bài thánh ca cùng với tiếng cồng chiêng, đàn đá, tơ-rưng… Chúng ta cũng cần phải nhắc lại chút lịch sử về Tuần lễ Áo Trắng và Chúa Nhật Áo Trắng: “Bát Nhật Phục Sinh, mà truyền thống Rôma quen gọi là Tuần lễ Áo Trắng, ra đời từ thế kỷ IV, vì lúc đó, Giáo hội quan tâm làm sao để các tân tòng có một huấn giáo hậu phép Rửa về các Mầu nhiệm mà họ đã lãnh nhận, tuy nhiên, huấn giáo này cũng dành cho toàn thể dân chúng nữa […] Bát nhật Phục Sinh có đặc tính của Bí tích Thanh Tẩy; Giáo Hội cổ thời đã dùng Tuần Bát Nhật để hoàn tất việc giáo huấn các tân tòng.”[1] Vì thế, trong suốt tuần Bát Nhật Phục Sinh, anh chị em tân tòng mặc chiếc áo trắng khi chịu phép Thanh Tẩy để tham dự các Thánh lễ, hoặc tham dự vào việc cử hành các bí tích khác. Cuối tuần Bát Nhật Phục sinh là ngày Chúa nhật thứ II Phục Sinh còn được gọi là “Chúa Nhật Áo Trắng” bởi vì sau ngày này, anh chị em tân tòng sẽ cởi tấm áo trắng mà họ lãnh nhận khi được Thanh Tẩy; và Chúa nhật II Phục Sinh, họ sẽ mặc lại thường phục như mọi người, nên ngày Chúa nhật này còn được gọi là “Dominica in albis deponendis” – “Chúa nhật cởi áo trắng”.

Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa vì lòng thương xót bao la của người đã tuôn đổ xuống vùng truyền giáo cho anh chị em Jrai tại Cheoreo – Tơlúi[2]. Trước kia, họ chưa phải là dân Thiên Chúa, nay họ đã là “dân Thiên Chúa”. Theo thống kê của quý Cha Cộng đoàn DCCT Cheoreo, các giáo xứ, giáo họ trong vùng đã cử hành bí tích Thanh Tẩy vào đêm vọng phục sinh cho anh chị em Jrai cụ thể như sau: Giáo xứ Ia Rsai 50 người; Giáo họ Bôn H’muk 36 người; Giáo xứ Bôn Ơi Nu 136 người (63 trẻ em, 73 người lớn); Giáo xứ Bon Ama Djơng 89 người; Giáo xứ Chrôh Ale 113 người (55 trẻ em, 58 người lớn); Giáo xứ Plơi Athai 151 người; Giáo xứ Plơi Rngôl Ama Drung 30 người. Vậy tổng số anh chị em tân tòng cả người lớn và trẻ em được lãnh bí tích Thanh Tẩy vào đêm vọng phục sinh năm nay (2025) thuộc Cộng đoàn DCCT Cheoreo phục vụ là: 605 người. Con số không phải là tất cả, nhưng tất cả là nhờ ơn Thiên Chúa; đồng thời xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho vùng truyền giáo còn bao la này!

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT

(Bon Ama Djơng 27/04/2025)

Nguồn: dcctvn.org

 

[1] Lễ phục sinh: nguồn gốc, ý nghĩa và việc cử hành, ww.ngoiloivn.net (27.04.2025)

[2] Vùng truyền giáo Cheoreo – Tơlúi bao gồm huyện Phú Thiện, huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa thuộc tỉnh Gia Lai.

00-AOTRANG (1)00-AOTRANG (2)00-AOTRANG (3)00-AOTRANG (4)00-AOTRANG (5)00-AOTRANG (6)00-AOTRANG (8)00-AOTRANG (9)00-AOTRANG (10)00-AOTRANG (11)00-AOTRANG (12)00-AOTRANG (13)00-AOTRANG (14)00-AOTRANG (15)00-AOTRANG (16)00-AOTRANG (17)00-AOTRANG (18)00-AOTRANG (19)00-AOTRANG (20)00-AOTRANG (21)“Ngày Áo Trắng” Của Anh Chị Em Tân Tòng Vùng Cheoreo – Tơlúi00-AOTRANG (23)00-AOTRANG (24)00-AOTRANG (25)00-AOTRANG (26)00-AOTRANG (27)00-AOTRANG (28)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *