Nghệ sĩ hài Piano Victor Borge

Không phải hễ cứ nhìn thấy một đứa trẻ ba tuổi ngồi trước cây đàn piano di chuyển các ngón táy trên các phím đàn là người ta nghĩ ngay đứa trẻ đó là một thần đồng. Nhưng với trường hợp của Victor Borge thì ai cũng tin như vậy. Âm nhạc Borge tạo ra với cây đàn, truyền thống gia đình ông khẳng định điều đó.

https://www.youtube.com/watch?v=7ABZmE7ifdE

Victor Borge sinh năm 1909 tại Copenhagen, Đan Mạch. Cả bố và mẹ ông đều biểu diễn âm nhạc  trong dàn nhạc của Hoàng gia. Bố ông chơi violon, còn mẹ ông chơi piano. Borge làm quen với cây piano ngay từ những năm đầu đời và trước khi đến tuổi đi học ông đã được coi là một thần đồng âm nhạc. Năm tám tuổi, ông có buổi độc tấu piano đầu tiên. Năm chín tuổi, ông được nhận học bổng của Hiệp hội âm nhạc Hoàng gia và được học nhạc dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Olivo Krause. Năm mười bảy tuổi ông có buổi biểu diễn rất ấn tượng tại phòng hòa nhạc lớn Odd Fellow Mansion và được khán giả hết lời khen ngợi. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, ông đã là một trong những nghệ sĩ biểu diễn piano được yêu thích nhất ở Đan Mạch.

Khán giả là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của một nghệ sĩ và Borge mỗi lần ra sân khấu đều khao khát cống hiến hết mình cho khán giả. Trong khi chơi đàn piano, ông nhận ra rằng ông không chỉ mang đến cho khán giả những giai điệu nhạc cổ điển tuyệt vời mà còn có thể mang đến cho họ những tiếng cười sảng khoái. Ông thích gây cười cho khán giả bằng những khúc nhạc dạo đầu nghe rất lạ tai và bằng những câu nói hài hước. Ông đặc biệt hay nói những câu châm biếm đả kích phát xít Đức. Rất tự nhiên ông trở thành một diễn viên hài được ưa thích.

Trong bối cảnh bầu không khí căng thẳng của Chiến tranh thế giới thứ hai bao trùm khắp châu Âu, năm 1940 Victor Borge là một trong những vị khách trên chuyến tàu cuối cùng từ châu Âu sang trước khi đường biển bị phong tỏa. Khi đặt chân đến nước Mĩ ông không biết một từ tiếng Anh nào. Ông học tiếng Anh qua những bộ phận Mĩ và chẳng bao lâu sau ông đã có thể gây cười cho khán giả Mĩ bằng chính ngôn ngữ của họ. Người Mĩ rất thích các tình huống gây cười đầy sáng tạo của ông. Chẳng hạn như tình huống ông ngồi bên cây đàn, chăm chú nhìn vào bản nhạc để trước mặt và thứ âm thanh bay đến tai khán giả nghe thật lạ lùng trong khi ông thì càng lúc trông càng lúng túng, khán giả chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến khi ông lật ngược cuốn sách nhạc và bắt đầu chơi đúng giai điệu của bản nhạc đó. Trong một tình huống khác, ông cúi xuống hàng ghế đầu hỏi một khán giả: ”Quý vị muốn nghe piano chứ ạ?”. Và khi khán giả nói rằng họ rất muốn thì ông nói “Đây ạ” như phục vụ  một món ăn rồi mở cuốn sách nhạc, chơi một bản nhạc nghe rất lạ lùng khiến khán giả cười rộ lên. Đợi cho tiếng cười lắng xuống, ông nói: ”Cái đó có giá 1,9 đôla đấy ạ”. Khán giả không thể biết trước khi nào họ sẽ không thể nhịn cười trước những câu nói hài hước của ông. Có khi vừa ngồi xuống trước cây piano, ông đã nói với họ: ”Tôi sẽ chơi bằng cả hai tay nên nó sẽ nhanh xong thôi”. Ông cũng đặc biệt thành công khi sử dụng các từ có cách phát âm giống nhau để tạo các tình huống gây cười.

Một năm sau khi đến Mĩ ông đã được chọn làm nghệ sĩ biểu diễn trên đài phát thanh và trong năm tiếp theo ông được bầu là gương mặt nghệ sĩ mới xuất sắc nhất trên sóng phát thanh. Tháng Mười năm 1953, ông bắt đầu chương trình biểu diễn mang tên Hài kịch trong âm nhạc tại nhà hát Golden ở New York. Chương trình này thành công đến nỗi nó được diễn tới 849 buổi cho đến tận tháng Giêng năm 1956 và được ghi vào sách kỉ lục Guinness.

https://www.youtube.com/watch?v=Ua7Bnpvw14k

Victor Borge đã được mời biểu diễn piano với những dàn nhạc giao hưởng danh tiếng nhất thế giới. Ông cũng từng được mời đóng phim với những ngôi sao điện ảnh sáng giá. Trong những buổi biểu diễn riêng của mình, ông giống như một nghệ sĩ cùng lúc làm chủ cả hai sân khấu: Sân khấu ca nhạc và sân khấu hài kịch. Ông đi diễn cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời. Người ta tính rằng trong cuộc đời chín mươi năm của ông có hơn bảy mươi năm ông làm nghệ sĩ và trong hơn bảy mươi năm ấy mỗi năm ông đi diễn trung bình sáu mươi lần. Ông từng nói: “Tiếng cười là khoảng cách ngắn nhất giữa hai con người.” Và ông đã hiến dâng tài năng của mình để mọi người xích gần nhau hơn.

 

theo bachkhoatrithuc.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *