Vụ kiện tụng chống lại Đức Hồng Y George Pell người Australia đã gặp một bước ngoặt bất ngờ, đó là anh Damian Dignan, nguyên đơn của vụ án, đã đột ngột qua đời trước khi vụ án bắt đầu. Dignan qua đời vì bệnh bạch cầu hồi tuần trước ở thị trấn Ballarat, trước khi phiên xử đầu tiên bắt đầu vào ngày 5/3 để xử lý vụ án Đức Hồng Y Pell liên quan đến lạm dụng tình dục trong quá khứ.
Vào tháng 3/2016, Dignan và hai bạn cùng lớp cũ thời học trong trường St. Alipius ở Ballarat đã đồng loạt tố cáo Đức Hồng Y Pell có những hành vi tình dục không xứng hợp với họ khi họ còn là thiếu niên. Vị Hồng Y trước đó còn bị tố cáo lạm dụng trẻ em vào năm 1961.
Không có lời chứng tuyên thệ của Dignan ở phiên toà, có khả năng bên nguyên sẽ dừng vụ án lại. Tuy nhiên, cảnh sát bang Victoria không xác nhận hay phủ nhận việc này, và có thể bên nguyên sẽ sử dụng những phát biểu hoặc bằng chứng tuyên thệ được Dignan đưa ra trước khi chết. Thêm vào đó, có đến 50 nhân chứng đang chờ để ra làm chứng trong những phiên toà sắp tới.
Thẩm phán Nicolas Papas của bang Victoria cho biết xử Đức Hồng Y Pell mà không có bên nguyên Dignan là một “sự việc khó khăn hơn nhiều.” Luật sư của bên nguyên Ingrid Irwin nói rằng cái chết của Dignan thật là “buồn cười” và “không có một chút công bằng nào.”
Đức Hồng Y Pell được thụ phong linh mục ở Ballarat vào năm 1966. Ngài quả quyết rằng mình vô tội trong tất cả các cáo buộc về lạm dụng tình dục. Ngày 29/6/2017, ngài trả lời phỏng vấn: “Tôi trong sạch trước mọi cáo buộc này, đều là sai lầm. Mọi ý tưởng về lạm dụng tính dục đều thật là ghê tởm đối với tôi.” Ngài đã tạm ngưng chức vụ ở Vatican kể từ mùa hè vừa rồi, sau khi đã xin phép Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Hồng Y Pell đã nhiều lần làm chứng trước Hội đồng Hoàng gia Australia phủ nhận các cáo buộc. Trong quá khứ, ngài cũng nhiều lần có phát biểu chống lại chuyện lạm dụng tính dục. Mùa hè vừa rồi, ông Greg Burke, phát ngôn viên Toà Thánh cho biết: “Thật là quan trọng để nhắc lại rằng Đức Hồng Y Pell đã nhiều lần công khai tố cáo hành vi lạm dụng đối với trẻ vị thành niên là phi đạo đức là không thể tha thứ.” Tuy nhiên, ông Burke cũng chú ý việc cần phải tôn trọng quy trình pháp lý của hệ thống tư pháp Australia, “cuối cùng sẽ quyết định giá trị của những vấn đề được nêu ra.”
Theo Catholic News Agency
Gioakim Nguyễn dịch