Sự phát triển công nghệ nhanh chóng với những tiện ích mang tính giải trí đi kèm thu hút đông đảo người dùng đang là nhân tố rất lớn dẫn đến việc nguội lạnh đời sống đạo của giới trẻ.
Hệ lụy đầu tiên và cũng là lớn nhất mà công nghệ gây ra đối với những người trẻ sống đạo, đó là quá đam mê những thiết bị thông minh mà lơ là việc đến nhà thờ tham dự thánh lễ hoặc học giáo lý. Những chiếc điện thoại đã quá “tài năng” trong việc kết nối người dùng với một thế giới rộng lớn đầy thu hút, khiến các bạn trẻ càng ngày càng thu mình lại trong thế giới ấy, không quan tâm đến thực tại và những con người của thực tại. Họ tự nhận thức bản thân mình độc lập phát triển trong thế giới phẳng mà không cần đến tác động của đời sống đức tin tôn giáo. Lâu dần, việc sống đạo với họ trở thành thừa thãi và không đáng quan tâm.
Chiếc điện thoại thông minh có thể tạo nên vô số mối quan hệ vừa thật vừa ảo, khiến phần lớn người trẻ tự hình thành thói quen giao tiếp với điện thoại, ngại giao tiếp với thế giới bên ngoài, đặc biệt là đám đông. Do đó, nhiều bạn trẻ hiện nay thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội, lười tham gia các hoạt động chung của Giáo xứ, ngại gặp gỡ các Đấng bề trên, sợ bị chất vấn hoặc nhắc nhở. Việc đến những nơi quá tôn nghiêm như nhà thờ, nhà nguyện cũng khiến người trẻ cảm thấy rụt rè, ngột ngạt, không thoải mái.
Một thực tế đáng buồn là hiện nay, nhiều gia đình buông thả để con trẻ được tự do khám phá thế giới công nghệ thay vì quan tâm phát triển đời sống tinh thần cho các em. Cơm áo gạo tiền là những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong những gia đình lao động. Bố mẹ dường như quên mất việc đốc thúc con mình đến với Chúa, các thói quen đạo đức truyền thống như đi lễ hàng ngày, đọc kinh Giáo khu, Giáo xóm, đi chầu, … đều trở thành việc của ông bà. Nhiều phụ huynh trẻ cũng buông thả trong các buổi xã giao, giao lưu xã hội thay vì trở về nhà với con cái.
Thêm vào đó, các thiết bị công nghệ với các chương trình giải trí thu hút đã dần thay thế các giờ kinh gia đình. Buổi tối của gia đình không còn giờ kinh nguyện, cha mẹ và con cái thiếu cầu nguyện và giao tiếp với Chúa để củng cố đức tin, cơ hội giao tiếp giữa các thành viên gia đình cũng ít dần và vì thế các bạn trẻ chìm dần vào một lối sống thiếu sự chia sẻ, yêu thương. Càng ngày người trẻ càng khiếm khuyết đạo đức và tinh thần. Đời sống nhân bản thiếu nền tảng đã gây nên khá nhiều vấn đề cho gia đình và xã hội.
Và tất nhiên, sau gia đình và xã hội thì Giáo hội là nhân tố bị tác động khá trực tiếp bởi những hệ lụy mà công nghệ thông minh mang lại cho người trẻ. Giới trẻ là lực lượng kế thừa không thể thiếu trong phụng vụ, nhưng thực tế là nhiều bạn trẻ thiếu đức tin và thiếu tu luyện, bị thu hút bởi những cám dỗ của mạng xã hội hơn là rèn luyện nhân bản. Do đó, khi các giáo xứ cần thì người trẻ không tự tin, cảm thấy mình không có khả năng phục vụ, bản thân thụ động, không nhiệt huyết và không có thói quen cởi mở. Giáo hội, vì thế, khó tìm nhân tố kế thừa ưu tú.
Một thực tế khác của lối sống hiện đại là các gia đình chỉ sinh 1 – 2 con và nuôi dưỡng con trẻ như báu vật. Việc quá nuông chiều lối sống vật chất và quên tu dưỡng tinh thần khiến một bộ phận giới trẻ trưởng thành lệch lạc, hư hỏng và xa rời đời sống đạo. Trong nhiều gia đình Công giáo, con trẻ không muốn đến nhà thờ, học giáo lý, và vì thế không thuộc các kinh cơ bản của Giáo hội đã dạy.
Những thực tế này cho thấy một bộ phận người trẻ đang bị một thế giới phẳng của công nghệ hiện đại lôi kéo xa dần đời sống đạo. “Nguội lạnh” với đời sống đạo trong giới trẻ là vấn đề Giáo hội cần ưu tiên đối mặt. Công nghệ thông minh là một tất yếu phát triển của đời sống hiện đại. Bản thân nó không xấu, nhưng cách chúng ta sử dụng nó đang dần lệch lạc. Cần lắm một chương trình hướng đạo thực tế để lôi kéo sự quan tâm của người trẻ đến với thế giới thật, hoặc sử dụng chính những thiết bị thông minh ấy để giành về một lực lượng giới trẻ đang bên bờ vực suy đồi.
Tổ 2, Chương trình Tập Huấn các kỹ năng Truyền Thông tại Giáo hạt Đơn Dương,
26/08/2022.
https://giaophandalat.org/