Nhà thờ ở Giêrusalem bị tấn công lần thứ 4 trong 1 tháng. Âu lo phiên xử Chauvin sẽ gây bạo loạn

1. Nhà thờ ở Giêrusalem bị tấn công lần thứ 4 trong 1 tháng

Hôm thứ Hai 8 tháng Ba, Hiệp hội các Nhà Lãnh Đạo Công Giáo tại Thánh Địa Giêrusalem (ACOHL) đã lên án các cuộc tấn công liên tục vào tu viện của Giáo Hội Rumani ở Jerusalem gần khu phố chính thống của người Do Thái, và buộc tội những người định cư Do Thái cực đoan.

Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi một vụ hỏa hoạn thiêu rụi lối vào của Nhà thờ Chính thống Rumani. “Tạ ơn Chúa, linh mục địa phương đã dập tắt được đám cháy một cách nhanh chóng”, tuyên bố của ACOHL viết.

Hành động phá hoại hôm thứ Hai là vụ phá hoại lần thứ tư trong vòng một tháng nhằm vào cùng một tu viện, ACOHL tuyên bố và nói thêm rằng “theo các nhà chức trách, một số người Do Thái Chính thống cực đoan tôn giáo bị nghi ngờ là những kẻ tấn công”.

“Chúng tôi, các Giáo Hội Công Giáo, đoàn kết với các Giáo hội Chính thống và tất cả các cộng đồng Kitô Giáo khác của Giêrusalem và lên án mạnh mẽ những hành động phá hoại không chỉ xúc phạm đến đời sống của các Kitô hữu mà còn của nhiều người vẫn tin tưởng vào sự đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Những hành vi này trái với tinh thần chung sống hòa bình giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau của Thành phố”, thông cáo viết.

ACOHL nói rằng những hành vi này đã trở nên thường xuyên ở Jerusalem trong những tháng qua và tất cả các nhà chức trách, chính trị và tôn giáo, nên đoàn kết trong việc lên án chúng. Vì lý do đó, chúng tôi yêu cầu cơ quan an ninh Israel điều tra những vụ việc này một cách nghiêm túc và đưa những kẻ hành hung ra trước công lý”.


Source:Daily Sabah

2. Thủ tướng Iraq tuyên bố ngày khoan dung quốc gia để vinh danh chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Thủ tướng Iraq đã tuyên bố rằng ngày 6 tháng 3 được chọn là Ngày Quốc gia Khoan dung và Chung sống để tôn vinh chuyến tông du của Đức Thánh Cha và đặc biệt là cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt của Đức Thánh Cha Phanxicô với giáo sĩ Shiite hàng đầu của đất nước.

Thủ tướng Mustafa Al-Kadhimi đưa ra thông báo trên Twitter sau cuộc gặp giữa Đức Giáo Hoàng và Grand Ayatollah Ali al-Sistani.

“Nhân kỷ niệm cuộc gặp gỡ lịch sử ở Najaf giữa Ayatollah Ali al-Sistani và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và cuộc gặp liên tôn giáo lịch sử ở thành phố cổ kính Ur, chúng tôi tuyên bố ngày 6 tháng 3 là Ngày Quốc gia Khoan dung và Chung sống ở Iraq,” ông viết.

Đức Giáo Hoàng đã đến thăm al-Sistani 90 tuổi tại ngôi nhà khiêm tốn của ông ở Najaf, thành phố linh thiêng thứ ba đối với người Hồi giáo Shiite sau Mecca và Medina.

Dẫn lời một quan chức tôn giáo ở Najaf, hãng tin AP cho biết al-Sistani đã phá lệ với phong tục ngồi yên để tiếp khách, khi đứng dậy chào đón Đức Phanxicô ở cửa phòng nơi ông trò chuyện riêng với ngài. Đức Giáo Hoàng được tường thuật là đã tháo giày của mình trước khi vào phòng.

Một tuyên bố sau đó từ văn phòng của al-Sistani nói rằng giáo sĩ khẳng định rằng các công dân Kitô hữu của đất nước, giống như tất cả người dân Iraq, phải được sống trong an ninh và hòa bình, tự do thực hiện các quyền hiến định của họ.

Sau cuộc gặp gỡ đánh dấu một mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Hồi giáo Shiite – Đức Giáo Hoàng đã đến Đồng bằng Ur, nơi ngài tham gia một cuộc họp liên tôn giáo.

Phát biểu tại địa điểm cổ xưa, là nơi sinh của Tổ Phụ Abraham, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến di sản chung của các tín hữu Kitô, Hồi giáo và Do Thái.

Từ nơi này, nơi đức tin được sinh ra, từ mảnh đất của Tổ Phụ Áp-ra-ham, chúng ta hãy khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng nhân từ, và tội phạm thượng ghê gớm nhất là xúc phạm danh Ngài bằng cách ghét bỏ anh chị em của chúng ta. Sự thù địch, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực không được phát sinh từ trái tim tôn giáo: chúng là sự phản bội tôn giáo. Các tín hữu chúng ta không thể im lặng khi khủng bố lộng hành tôn giáo; thực sự, chúng ta được mời gọi một cách rõ ràng để xóa tan mọi hiểu lầm. Chúng ta đừng để ánh sáng của thiên đàng bị lu mờ bởi những đám mây hận thù! Những đám mây đen của khủng bố, chiến tranh và bạo lực đã tụ tập trên đất nước này. Tất cả các cộng đồng dân tộc và tôn giáo của đất nước này đã phải chịu đựng.


Source:Catholic News Agency

3. 100 nhà lãnh đạo các tôn giáo cầu nguyện cho phiên tòa xử Derek Chauvin không dẫn đến bạo loạn

Tập hợp cùng với hơn 100 nhà lãnh đạo các tôn giáo tại quảng trường trung tâm thành phố Minneapolis, Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda đã cầu nguyện cho hòa bình và công lý vào trước thềm phiên xử một cựu nhân viên cảnh sát thành phố trong vụ bắt giữ dẫn đến cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi.

“Lạy Chúa từ nhân, Chúa là nguồn gốc của tất cả những điều thiện hảo trong cuộc sống của chúng con”, Đức Tổng Giám Mục của Saint Paul và Minneapolis nói trong lời cầu nguyện khai mạc cuộc tụ họp. “Và vì vậy, chúng con đến với Chúa với tấm lòng biết ơn, tri ân những ân sủng mà Chúa đã ban tặng cho những người được cùng nhau tập hợp ở đây. Chúng con biết ơn những kế hoạch mà Chúa đã dành cho các thành phố của chúng con. Chúng con biết ơn vì cách mà Chúa sẽ ban phước cho chúng con vượt xa bất cứ những gì chúng con có thể tưởng tượng”.

“Chúng con đến với Chúa hôm nay với tư cách là một dân tộc khát khao công lý, nhưng chúng con cũng khao khát hòa bình”.

Với hàng rào an ninh làm bối cảnh tại North Plaza của Trung tâm Chính quyền Quận Hennepin, nơi diễn ra phiên tòa xét xử Chauvin, và với một tấm biển ghi “Cầu nguyện cho Minesota” phía sau những chiếc bục và những chiếc loa, cuộc tụ họp được tổ chức giữa sự căng thẳng đối với mọi người tại hai Thành phố Đôi là Saint Paul và Minneapolis.

Vụ bắt giữ Floyd đã xảy ra ngày 25 tháng 5, 2020. Một phần trong cuộc bắt giữ này được người ngoài cuộc quay video và chia sẻ lên mạng xã hội, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và bạo loạn trên khắp hai Thành Phố Đôi và sau đó là trên khắp đất nước.

Chauvin, bị buộc tội giết người không chủ ý cấp hai và ngộ sát cấp hai, với hình ảnh tiêu biểu trong vụ bắt giữ là đầu gối kẹp chặt vào cổ Floyd trong gần chín phút trong khi Floyd, bị còng tay và úp mặt xuống đất, van xin cho được thở và sau đó không còn phản ứng. Floyd đã bị buộc tội dùng tờ giấy bạc 20 đô la giả để mua thuốc lá.

Chauvin, người da trắng, đã bị sa thải sau vụ việc. Ba đồng nghiệp của anh ta cũng bị sa thải và họ phải đối mặt với một phiên tòa chung vào ngày 23 tháng 8 với tội danh hỗ trợ và tiếp tay cho tội phạm giết người và ngộ sát cấp hai. Cả 4 bị cáo đều được tại ngoại hầu tra.

Ban đầu Chauvin cũng bị buộc tội giết người cấp ba, sau đó tội danh này được hủy bỏ, nhưng các động thái pháp lý gần đây có thể dẫn đến việc phục hồi tội danh đó. Sự phức tạp pháp lý vào ngày 8 tháng 3 đã trì hoãn việc lựa chọn bồi thẩm đoàn trong phiên tòa.

Ngoài cuộc tụ họp cầu nguyện này, Đức Tổng Giám Mục Hebda đã phát hành một video và một tuyên bố khẩn thiết yêu cầu những lời cầu nguyện trong suốt phiên tòa xét xử Chauvin.


Source:Catholic Spirit

4. Các cuộc họp của Đức Giáo Hoàng với các Đức Giám Mục dẫn đến suy đoán về các thay đổi trong Giáo triều Rôma và hàng giáo phẩm Hoa Kỳ

Các nguồn tin tiết lộ với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể chọn hai giám mục sinh tại Hoa Kỳ làm tổng trưởng các bộ trong Giáo triều Rôma.

Hai vị là Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, và Đức Cha Robert Prevost của Chiclayo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến riêng với Đức Hồng Y Cupich vào ngày 30 tháng Giêng, và ngài đã gặp Đức Giám Mục Prevost ngày 1 tháng Ba.

Hai cuộc tiếp kiến có thể là một phần của một loạt các cuộc gặp gỡ mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp tục theo chiều hướng cải tổ chung các quan chức hàng đầu của Giáo triều. Sau khi Đức Hồng Y Robert thôi giữ chức Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, có năm bộ có các vị tổng trưởng đã đạt và vượt qua tuổi nghỉ hưu 75: Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Giáo sĩ, Bộ Giám mục, Bộ các Giáo hội Đông phương, và Bộ Giáo dục Công Giáo.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô rất cẩn thận đối với những người được bổ nhiệm tại Bộ Giám mục và Bộ Giáo sĩ.

Bộ Giám mục thành lập các giáo phận mới và các giáo tỉnh, các miền của giáo hội và các giáo phận quân đội. Bộ này cũng tham gia vào thủ tục lựa chọn và bổ nhiệm các tân giám mục và các vị Giám Quản Tông Tòa, các Giám Mục Phó và Các Giám Mục Phụ Tá. Bộ cũng theo dõi việc quản trị các giáo phận, và tổ chức các cuộc viếng thăm ad limina.

Bộ Giáo sĩ cung cấp sự trợ giúp cho các giám mục trong các vấn đề liên quan đến linh mục và phó tế. Bộ thúc đẩy việc giáo dục tôn giáo, và đưa ra các chuẩn mực cho việc đào tạo giáo lý.

Hiện nay, Bộ Giám mục do Đức Hồng Y Marc Ouellet lãnh đạo. Đức Hồng Y Ouellet 76 tuổi và đã lãnh đạo giáo đoàn từ năm 2010.

Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ là Beniamino Cardinal Stella, 79 tuổi, người đã lãnh đạo giáo đoàn từ năm 2013.

Cả hai vị trí này đều có thể được giao cho các Giám Mục sinh ở Mỹ.

Hồng Y Cupich được coi là ứng cử viên hàng đầu để trở thành tổng trưởng Bộ Giám Mục, trong khi Đức Cha Prevost có thể được bổ nhiệm ở Chicago làm người kế vị cho Đức Hồng Y Cupich.

Tuy nhiên, thông tin gần đây nhất có thể gợi ý một kịch bản khác. Hồng Y Cupich có thể được đặt vào vị trí lãnh đạo Bộ Giáo sĩ thay thế Hồng Y Stella.

Nếu Hồng Y Cupich được bổ nhiệm tại Bộ Giáo sĩ, ai sẽ chịu trách nhiệm của Bộ Giám mục? Có vẻ như Đức cha Prevost có thể làm được điều đó và Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu ngài về Rôma trong buổi tiếp kiến ngày 1 tháng Ba.

Đức Cha Prevost, 65 tuổi, một luật sư giáo luật và là thành viên của Dòng Thánh Augustinô, ngài là thành viên của Bộ Giám mục và Bộ Giáo sĩ; một sự lựa chọn mang tính thực dụng, vì Đức Cha Prevost không phải là một Tổng Giám Mục cũng không phải là một Hồng Y.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm cả Đức Hồng Y Cupich và Đức Cha Prevost đứng đầu các bộ, thì sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Giáo triều Rôma sẽ rất đáng kể. Dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô, cho đến nay vẫn chưa có giám mục người Mỹ nào được bổ nhiệm vào các vị trí cao nhất, nếu chúng ta không tính đến trường hợp Đức Hồng Y Kevin Farrell, một người gốc Ái Nhĩ Lan được bổ nhiệm giám mục ở Hoa Kỳ.

Cơ sở lý luận của Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là “hạn ngạch” cho mỗi quốc gia trong Giáo triều Rôma. Đáng chú ý là Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tiếp kiến Giám mục Vittorio Francesco Viola, của Tortona vào ngày 14 tháng Giêng, người mà theo một nguồn tin được biết là một trong ba ứng cử viên hàng đầu thay thế Đức Hồng Y Sarah làm tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *