Trong thế giới ngày nay, khi nạn phá thai tràn lan, lối sống đồng tính, buông thả về mặt tình dục được cổ võ, tai tiếng lạm dụng tính dục trong hàng giáo sĩ các tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo đã tạo nên một ảnh hưởng tiêu cực cho rất nhiều thành phần trong xã hội nhân loại, vì đó là những yếu tố làm lung lay đến tận gốc rễ niềm tin nơi con người. Có những nạn nhân quá đau khổ hoặc phẫn uất, và cả những người chẳng phải là nạn nhân, chẳng đau khổ hay phẫn uất gì cả đã công khai bày tỏ trên các phương tiện truyền thông sự hoài nghi vào sự toàn thiện, toàn mỹ của Giáo Hội, và lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Hơn ai hết, những vị lãnh đạo trong Giáo Hội đã ý thức được sự nguy hiểm của việc để cho những điều tội lỗi như thế mặc sức hoành hành trong Giáo Hội mà không chủ động thanh tẩy và chấn chỉnh. Thật thế, trong cuốn “La fuerza de la vocación”, Đức Thánh Cha Phanxicô kể rằng:
“Một tu sĩ nói với tôi rằng, trong một chuyến thanh tra giáo luật đến một trong những tỉnh dòng trong dòng của ngài, ngài đã rất ngạc nhiên. Ngài thấy rằng có những thỉnh sinh trẻ có năng lực và thậm chí cả một số người đã tuyên khấn, là những người đồng tính.
Người tu sĩ ấy tự hỏi liệu đó có phải là vấn đề hay không và hỏi tôi có điều gì đó sai trái hay không.”
Lúc đó, một bề trên nhà dòng, tỉnh bơ, nói với Đức Thánh Cha và những người hiện diện rằng vấn đề “chẳng có gì nghiêm trọng, nó chỉ là một biểu hiện tình cảm.”
Đức Thánh Cha khẳng định: “Đó là một sai lầm. Nó không chỉ là một biểu hiện tình cảm. Trong cuộc sống thánh hiến và tư tế, không có chỗ cho cái thứ tình cảm đó.”
Những câu chuyện trên khiến người ta nhớ lại lời cảnh báo lạnh người của một vị giáo hoàng tiền nhiệm, đó là Đức Phaolô Đệ Lục. Trong bài giảng về Humanae Vitae (Thông Điệp Về Sự Sống Con Người) vào năm 1972, Đức Phaolô Đệ Lục nhắc nhở chúng ta: “Phải nói rằng, từ một khe hở huyền bí nào nào đó, làn khói của Satan đã xâm nhập vào đền thờ Thiên Chúa. Đã có những nghi ngờ, bấp bênh, răc rối, bất bình, đối đầu”.
Những lời lẽ mang tính chất cảnh giác của vị thánh giáo hoàng trong bối cảnh hậu Công Đồng Vatican II tuy không thể được xem là ngài đang trực tiếp nhắc đến những vấn nạn trong tương lai, đặc biệt là nạn xâm hại tình dục đang đem lại biết bao tổn thất cho mọi thành phần trong Giáo Hội cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, nhưng lại đúng là những lời tiên tri chính xác và đáng được suy gẫm hơn bao giờ hết.
Theo giáo lý Công Giáo, những hành động nào đi ngược với giáo huấn của Thiên Chúa và Giáo Hội, chống lại phẩm giá con người đều là tội lỗi, đều là do ảnh hưởng của ma quỷ gây ra. Và ai là người đi tiên phong trong việc chống lại ảnh hưởng của ma quỷ, ai có thể xem là vũ khí đắc lực nhất mà chúng ta phải tìm cậy trông trong cuộc chiến quyết liệt tranh giành từng linh hồn với ma quỷ? Thưa: đó chính là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.
Trước đây, trong các giờ kinh nhật tụng của các cộng đoàn đều có kinh cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Sau Công Đồng Vatican II, qua tông huấn Instructio Prima, kinh cầu này không còn mang tính chất bắt buộc nữa. Nhiều nhà thần học, linh mục, giáo dân cho rằng đó chính là cơ sở cho Satan trở lại hoành hành, phá phách, dẫn dụ con người vào những nẻo đường tội lỗi. Những vấn nạn xã hội phi đạo đức nhan nhãn ngày nay là một chứng minh cụ thể.
Đã có nhiều nỗ lực tái lập thói quen đọc kinh cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae trong các giờ kinh nguyện hằng ngày, đứng đầu là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Năm 1994, ngài đã thúc giục các tín hữu Công Giáo đọc kinh này trở lại. Tại Hoa Kỳ, đã có một đơn thỉnh nguyện cho việc tái lập thói quen đọc kinh cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae sau mỗi thánh lễ, và đã có 6 Giám Mục trên toàn quốc ủng hộ và thực hiện việc này. Đó là Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City, Kansas, Đức Giám Mục Alenxander Sample của giáo phận Portland, Đức Giám Mục Morlino ở Madison, Wiscosin –vừa mới qua đời hôm 24 tháng 11 vừa qua, Đức Giám Mục Frank Caggiano của Bridgeport, Connecticut, Đức Giám Mục David Zubik ở Pittsburgh, Pennsylvania, và Đức Giám Mục Rick Stika của Knoxville, Tennessee.
Đức Hồng Y Tim Dolan của tổng giáo phận New York cũng đã yêu cầu các tín hữu làm một tuần cửu nhật với kinh cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae sau mỗi thánh lễ, bắt đầu từ ngày 29 tháng 9 vừa qua, là ngày lễ kính thánh Matthêu, quan thày các nhà truyền giáo, cho đến ngày lễ kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae vào ngày 29 tháng Chín. Với những ai không thể dự lễ hàng ngày, Đức Hồng Y yêu cầu họ cũng đọc kinh thông công với mọi người tham dự tuần cửu nhật này, bởi vì theo ngài, đã có rất nhiều người đề nghị với ngài rằng cần phải có sự can thiệp của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae trong thế giới ngày nay.
Ngài nói: “Đã có nhiều người đề nghị điều này với tôi, và tôi đã có thể kết luận được rằng đây là ý Chúa muốn, chúng ta phải kiếm tìm sự trợ giúp của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae trong cuộc chiến chống lại sự xâm nhập của Lucifer trong Giáo Hội.”
Ngoài ra, thêm một chứng cớ khác củng cố cho nhận định của hàng giáo sĩ và anh chị em giáo dân New York là con số những trường hợp thỉnh cầu nghi lễ trừ tà tại Hoa Kỳ bỗng tăng vọt một cách đáng kể trong thời gian gần đây.
Theo thống kê của Gallup và dữ liệu của hãng YouGov, khoảng một nửa dân số Hoa Kỳ tin rằng việc quỷ ám là có thật. Con số những người tin rằng có ma quỷ còn cao hơn nữa: từ 55% vào năm 1990 đã tăng lên 70% vào năm 2007. Thống kê này phù hợp với những thỉnh cầu trừ tà mà Giáo Hội Công Giáo nhận được. Thật thế, chỉ nguyên giáo phận Indianapolis trong năm 2018 đã có 1,700 đơn xin được giúp đỡ trừ tà, theo lời cha Vincent Lampert, vị giáo sĩ chuyên phụ trách nghi thức trừ tà chính thức của giáo phận. Ngài nói rằng từ trước đến nay chưa bao giờ ngài nhận được con số yêu cầu nào cao hơn thế trong một năm.
Cha Gary Thomas, linh mục trừ tà của giáo phận San Jose, California – người có những hoạt động trừ tà đã được ghi lại vào năm 2009 trong cuốn sách có tên The Rites, và một cuốn phim cùng tên cũng đã được giới làm phim cho trình chiếu vào năm 2011- đã tiết lộ rằng mỗi tuần ngài thường nhận được ít nhất hàng tá những yêu cầu cho việc trừ tà.
Để đáp ứng với làn sóng trừ quỷ bỗng đang nóng dần, Giáo Hội hiện nay đang có kế hoạch tổ chức những khoá huấn luyện trừ quỷ ở khắp nơi trên thế giới như Chicago, Rôma, và Manila. Cha Thomas nói với ký giả Mike Mariani của tờ The Atlantic rằng vào năm 2011, Giáo Hội tại Hoa Kỳ chỉ có tổng cộng 15 nhà trừ quỷ. Ngày nay, con số này đã tăng vọt lên tới hơn 100 người. Con số này chưa thể được kiểm chứng, vì một lý do tế nhị là đại đa số các giáo phận đều không tiết lộ danh tính các chuyên gia này, bởi không ai muốn sự chú ý của thiên hạ đến công việc làm âm thầm và nguy hiểm của họ.
Vào tháng 10 năm ngoái, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã cho xuất bản tập cẩm nang “Nghi Thức Trừ Quỷ Và Những Kinh Nguyện Liên Quan”, trong đó ghi chép những nghi thức trừ quỷ đã được dịch sang tiếng Anh. Nghi thức này đã được cập nhật vào năm 1998, sau đó vài năm lại được cập nhật lần nữa, nhưng đây là lần đầu tiên bản kinh được dịch sang tiếng Anh kể từ khi nó được chuẩn hoá vào năm 1614.
Câu hỏi được ký giả Mariani đặt ra là: Tại sao trong thời đại tân tiến như hiện nay lại có quá nhiều người tìm đến Giáo hội để xin được giúp đỡ trong việc trục xuất ma quỷ ra khỏi thân xác họ? Và những nhu cầu được tái sinh này cho chúng ta thấy điều gì về ma quỷ trong xã hội đương đại?
Đã có rất nhiều nghiên cứu dựa trên khoa học kết hợp với tâm linh để tìm hiểu và phân biệt sự khác biệt giữa một nạn nhân của chứng rối loạn về tâm lý và những nạn nhân bị quỷ ám.
Thông thường, một bệnh nhân khi tìm đến chuyên gia tâm lý để nhờ giải thích hoặc chữa trị một căn bệnh về tâm lý lạ lùng thường trải qua một cuộc giám định sơ khởi về tâm lý và một cuộc khám nghiệm y khoa căn bản. Khi khoa học đã không giải quyết được nhu cầu của bệnh nhân, lúc đó các chuyên gia tâm lý sẽ để ý xem có những triệu chứng khác thường mà một người bình thường không thể biểu hiện một cách thành thạo, thí dụ như khả năng nói thứ tiếng lạ, một thể lực phi thường vượt ra ngoài tuổi tác hoặc điều kiện thể lý, khả năng biết được những chuyện kín đáo của người khác, và một ác cảm sâu xa đối với Thiên Chúa hoặc các mẫu vật thiêng liêng như thánh giá, nước phép v.v…
Chúng ta hãy lấy trường hợp của Louisa Muskovits ở Tacoma, tiểu bang Washington làm một thí dụ.
Louisa vào năm 2016 vừa tròn 33 tuổi khi cô tìm đến một bác sĩ tâm lý xin giúp cai rượu. Thoạt đầu buổi giám định diễn ra bình thường. Nhưng khi bác sĩ tâm lý hỏi đến chuyện hôn nhân hiện đang gặp khó khăn của Louisa, là điều làm cô cảm thấy khó chịu, cô bắt đầu có những biểu hiện rất kỳ lạ như thái độ cô thay đổi rất đột ngột. Cô thở mạnh, hò hét, gầm gừ, đầu cô quay ngoắt từ phải sáng trái, bứt tóc vò đầu, và cô bắt đầu nói về Chúa cũng như ma quỷ. Nhà tâm lý nhớ lại có lần cô đã khai rằng cô tìm được sự bình thản trong lòng qua việc đọc sách thánh. Và họ đã nói cô hãy tìm kiếm những đoạn Kinh Thánh đó ra mà đọc. Quả thật, Louisa đã tự mình trấn tĩnh được sau khi chụp lấy chiếc phone tay và tìm đọc đoạn Kinh Thánh quen thuộc trên mạng. Sau lần đó, Louisa quyết định tìm đến nhà thờ chính toà St. James để tham dự thánh lễ. Tại đây, khi được cha xứ hỏi rằng cô có bao giờ dính dáng đến những trò chơi thuộc về phù thuỷ hay những trò chơi thần bí như cầu cơ, bài Tarot, đeo bùa hộ mệnh, các mẫu vật biểu tượng của tà giáo, các các loại đá thiên nhiên chữa bệnh v.v.. Louisa thú nhận mình từng chơi cầu cơ (bất chấp lời khuyên của bà ngoại là một tín đồ Công Giáo thuần thành) để tìm gặp lại ông nội đã chết cách đó hai năm. Cô cũng từng gặp hiện tượng “bóng đè” và cũng đã từng bị lôi cuốn bởi những hình ảnh và bài viết về ma quỷ trên Youtube. Cha xứ khuyên cô nên từ bỏ ngay những trò chơi nguy hiểm đó, vì đó chính là cửa ngõ dẫn ma quỷ vào chiếm ngụ trong tâm hồn con người lành mạnh.
Chồng Louisa, là anh Steve, kể đã có lần anh chứng kiến cảnh vợ mình biến đổi một cách kỳ lạ, và anh đã nhanh tay ghi lại được khoảng 20 phút những hình ảnh cũng như những lời nói khác thường như của ai đó nói ra từ cửa miệng Louisa. Lúc đó, theo lời Steve, Louisa nói với anh “Loài người các ngươi có một ý thức riêng về thời gian. Ta thì có rất nhiều thời gian. Ta lúc nào cũng có thời gian”. Sau đó cô đổi giọng “Ta muốn vợ ngươi. chẳng những thể xác, mà cả linh hồn nó nữa”. Steve kể rằng, trong lúc cô thốt ra những câu nói đó, đầu cô quay ngoắt từ bên này sang bên kia như một con rối, sau đó từ từ chậm lại như một con rắn độc lắc lư theo âm thanh của cây sáo dụ rắn. Đến nửa đoạn, Louia bỗng ghé sát mặt vào Steve nói vừa đủ nghe “Chúa cũng chẳng cứu được nó. Hiểu chưa? Nó thuộc về ta rồi”. Sau đó, Louisa bổng nhiên cong oằn người lại, khuôn mặt cô bỗng biến dạng rất đáng sợ. Ban đầu, Steve chỉ nghĩ rằng đó là những biểu hiện tâm lý bất thường của người nghiện ngập, nhưng sau đó anh đã thấy sợ khi có thêm những hiện tượng siêu nhiên khác đi kèm theo thái độ ma quái của vợ mình, đó là khi anh thấy tự dưng bóng đèn trong nhà vụt sáng mà không ai bật công tắc hay bóng đèn bị cháy bóng từ lâu bỗng vụt sáng!
Năm 2016, sau sự kiện lạ lùng xảy ra tại văn phòng bác sĩ tâm lý, cô đã tìm đến cha Ed White thuộc giáo xứ Thánh Stêphanô Tử Đạo. Tại đây, sau khi nghe vợ chồng cô trình bày mọi việc, tuy không phải là chuyên gia trừ quỷ được giáo phận chỉ định, cha White là người có nhiều kinh nghiệm với nghi thức cầu nguyện giải thoát, và cha đã quyết định giúp cô bằng phương pháp này thay vì nghi thức trừ quỷ chính thức. Ban đầu, cha cho cô đọc lời nguyện từ bỏ ma quỷ, cô đã có phản ứng rất khó khăn và cuồng loạn. Nhưng khi trở lại lần thứ hai, cô đã bớt gặp khó khăn hơn khi đọc lời từ bỏ ma quỷ. Cha White nhận định rằng, Louisa chỉ bị ma quỷ ức chế mà không bị chiếm hữu.
Một trường hợp khác, là một thí dụ điển hình cho hiện tượng quỷ nhập xảy ra vào năm 1949 cho một cậu bé sống ở thành phố Cottage City, tiểu bang Maryland, từng được xem là ý tưởng tạo dựng cho nền tảng của cuốn sách The Exorcist được William P. Berry viết vào năm 1971 và cuốn phim cùng tên được xem là bậc nhất trong thể loại kinh dị vào năm 1973. Nhân vật chính trong cuốn sách và phim là một cậu bé chỉ được biết đến dưới cái tên giả là Roland Doe. Là một đứa trẻ sống rất tình cảm, Roland không làm điều gì khác thường để trở thành nhân vật bị quỷ ám ngoại trừ việc cậu đã được một bà cô – vốn hay tin vào những trò phù phép ma quái, huyền bí- dạy cho cách chơi cầu cơ. Sau khi bà cô này mất, gia đình Roland bắt đầu chứng kiến những sự kiện lạ lùng xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật như vật dụng bỗng dưng tự di chuyển quanh nhà hoặc bị nhấc bổng, lơ lửng trên không, tiếng gãi sột soạt trên nệm giường. Kinh ngạc vì thấy sự vật chỉ trở nên lạ thường mỗi khi có Roland hiện diện, cha mẹ cậu bé tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cha dòng Tên ở đại học Georgetown, Washington D.C. Khi được cha Edward Huges làm phép trừ quỷ, Roland biến đổi hoàn toàn thành một người khác lạ. Cậu bé giật phăng lấy những vòng lò xo dưới nệm giường làm vật tấn công vị linh mục. Sau đó, Roland phải được chuyển đến thành phố St. Louis ở tiểu bang Missouri cho thuận tiện việc trừ quỷ. Tại đây, sau khi được các cha Raymond Bishop và William Bowden giám định, Roland đã trải qua 20 nghi thức trừ quỷ trong vòng một tháng. Cha Bowden là người được phép của Đức Cha địa phận thực hiện nghi thức trừ quỷ cho Roland. Một linh mục khác là cha Walter Halloran đã tiếp tay với cha Bowden. Cha Willam Van Roo, một linh mục dòng Tên, cũng được phái đến để phụ giúp.
Các cha kể rằng khi họ đến thăm cậu bé lúc đó đang tạm trú ở nhà một người bà con, các ngài đã chứng kiến cảnh giường chiếu rung lắc, vật dụng bay tứ tung, còn cậu bé nạn nhân khốn khổ kia nói chuyện bằng một âm giọng gầm gừ đầy ma quái. Đặc biệt, cậu tỏ ra đầy ác cảm với những vật dụng thánh được các cha đem tới sử dụng.
Cha Halloran kể lại rằng trong những lần đó, ngài đã chứng kiến cảnh những chữ như “ma quỷ”, “địa ngục” cùng những dấu tích lạ lùng khác bỗng dưng nổi lên khắp thân thể cậu bé. Một lần khác, trong khi mọi người đọc Kinh Cầu Các Thánh, tấm nệm trên giường bỗng rung lắc liên hồi. Cha Halloran từng bị Roland đấm gẫy mũi. Cuối cùng, vào tháng Tư năm 1949, Roland đã được hồi phục sau nghi thức trừ quỷ lần thứ 20. Cậu bé như bước ra khỏi một cơn mộng du và nói với các cha: “nó đi rồi”.
Còn Louisa thì hiện nay vẫn còn đang được chữa trị cả về mặt tâm lý lần tinh thần. Cô vẫn kiên trì giữ liên lạc với cha White để được giúp đỡ thường xuyên.
Tuy con số những người thỉnh cầu nghi thức trừ quỷ rất nhiều, Giáo Hội Công Giáo không dễ dàng đáp ứng tất cả mà không điều tra kỹ lưỡng.
Theo cha Lampert, nghi thức này cũng được ví như “vũ khí nguyên tử” mỗi khi cần phải chống trả sức mạnh của ma quỷ, một hành động phản kháng rất quan trọng nhưng chỉ được dùng đến khi không còn lời giải thích nào thoả đáng về mặt tự nhiên! Giáo hội, vì thế, muốn “tiến hành một cách nhẹ nhàng và với sự thận trọng nhất định”.
Theo giáo lý Công Giáo, để có thể xâm nhập và chiếm hữu một nạn nhân, ma quỷ cần phải có một cổng ngõ để len lỏi vào. Giống như trường hợp chơi cầu cơ của các nạn nhân kể trên. Ngoài ra, các nạn nhân còn là những người hay “sa dịp tội” thường xuyên mà không năng xưng tội rước lễ, hay là thành viên của những gia đình có “truyền thống bạo hành” hay tội lỗi được di truyền từ đời này sang đời khác. Cha Thomas nói rằng, 80% trường hợp xin được trừ quỷ đều từng là nạn nhân của tệ nạn xâm phạm tình dục, kể cả nạn loạn luân như trường hợp của Louisa. Đó chính là lý do nhiều người đã liên tưởng đến lời cảnh báo của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khi ngài nói rằng Satan đã len lỏi vào đền thánh Chúa!
Theo những linh mục có nhiều năm phụng sự Giáo Hội trong công tác này, nạn xâm phạm tình dục đã khiến nạn nhân tổn thương, họ như mang những “vết thương lòng”, càng khiến cho ma quỷ dễ khuynh đảo và tiếp cận. Những linh mục này nói rõ, bị xâm phạm tình dục tuy không phải là nguyên do trực tiếp và chủ yếu khiến nạn nhân bị quỷ nhập, nhưng là một chất xúc tác tạo điều kiện dễ dàng cho sự kiện này xảy ra. Nói về mặt thế tục, các nạn nhân của tệ nạn này thường cho là họ bị ám ảnh bởi một thế lực nào đó độc ác và áp đảo.
Trong thời đại hiện nay, khi con người được trợ giúp đắc lực bởi mạng internet và kỹ thuật số, tất cả những gì con người muốn được tìm hiểu để thoả mãn trí tò mò hay nhu cầu tìm biết đều nằm trong tầm với ở ngay bàn phím, trong căn phòng riêng kín đáo và thoải mái. Đã có rất nhiều người, trong khi muốn tìm về lối sống hoà hợp với “mẹ thiên nhiên” khác người đã vô tình dính dáng đến những nhóm thuộc về “tà giáo”. Những người khác do nhu cầu kiếm tìm những trợ lực siêu nhiên trong cuộc sống cá nhân trong công việc làm ăn, buôn bán, thường tìm đến các nhà tiên tri, bói toán, đồng-cốt, phù thuỷ v.v.. “Những hành động này thường trở thành cỗ máy cho ma quỷ chen vào”, vẫn theo lời cha Thomas. Một linh mục khác thì cảnh cáo về ảnh hưởng từ những bộ phim giúp bình thường hoá những chiêu trò đầy mê hoặc, thậm chí cổ võ cho hoạt động của ma quỷ như bộ phim về Harry Potter.
Adam Jortner, chuyên gia về lịch sử tôn giáo Hoa Kỳ thuộc đại học Auburn đã nhận định như sau: “Khi ảnh hưởng của một Giáo hội có tổ chức bị hạn chế, người ta sẽ bắt đầu tìm kiếm câu trả lời của riêng họ”. Đồng thời, họ cũng tìm kiếm những câu trả lời về thế giới siêu nhiên qua những ngõ ngách khác, trên TV, phim ảnh .v.v..là những cửa ngõ vốn rộng mở thênh thang cho những thế lực bất minh của ma quỷ len lỏi vào, để rồi ngày hôm nay phải tìm về xin được Giáo Hội giúp đỡ.
Nguồn:
https://www.crisismagazine.com/2014/return-st-michael-prayer
https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2018/12/catholic-exorcisms-on-the-rise/573943/