1. Sự kiện lạ lùng: Những người biểu tình la hét bỏ đi sau khi 800 người Công Giáo cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Đức Mẹ
Trong bài “Screaming Protesters Leave After 800 Catholics Pray to St. Michael & Our Lady at Catholic Conference”, nghĩa là “Những người biểu tình la hét bỏ đi sau khi 800 người Công Giáo cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Đức Mẹ tại một hội nghị Công Giáo”, Mạng ChurchPop đã tường thuật một hiện tượng lạ lùng như sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Viện Napa đã tổ chức hội nghị thường niên từ ngày 29 đến 31 tháng 7 tại Napa, California.
Trong hội nghị vào ngày 31 tháng 7, những người tham dự đã nghe thấy những người biểu tình chống Công Giáo la hét trong một bài phát biểu quan trọng. Khoảng 800 người sau đó đã cùng nhau cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Đức Mẹ. Lập tức, những người biểu tình đã bỏ đi!
Một số video về vụ việc đã xuất hiện trên mạng xã hội.
Cha Ken Geraci của Dòng Các linh mục của Lòng của Thương Xót nói, “Những người biểu tình xuất hiện. Chúng tôi bắt đầu reo hò và thử làm họ lắng xuống. Nhưng họ đã không dừng lại. Vì vậy, chúng tôi nghĩ, Cầu nguyện sẽ là câu trả lời. Đó là cách chúng tôi đánh bại cái ác”.
“Vì vậy, tôi đến gần sân khấu, và tôi cố gắng kêu gọi vị chủ tịch của hội nghị thúc giục mọi người cầu nguyện, và dẫn dắt mọi người cầu nguyện. Hãy bắt đầu bằng Kinh Kính Mừng để mọi người dễ đọc theo”
“Sau đó, anh ấy nhìn và tôi, và anh ấy đưa micro cho tôi. Vì vậy, tôi cầm micro và hướng dẫn 800 người trong hội nghị Napa đọc Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh, và Kinh Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, và chúng tôi đã hát cùng nhau Kinh Salve Regina, tức là Kinh Lạy Nữ Vương. Những người biểu tình đã biến mất.”
Source:Church POP
2. Sự tích Kinh Lạy Nữ Vương
Kinh Lạy Nữ Vương theo bản phổ thông như sau
Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.
Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và
ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;
Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.
Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.
Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,
Con lòng Bà gồm phúc lạ.
Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.
Đâu là nguồn gốc xuất xứ cùng ý nghĩa Lời kinh cảm động này?
Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann der Lahme, Dòng Bênêđíctô ( + 1054), người Đức viết ra bằng tiếng latinh ở Tu viện Reichenau vùng Bodensee miền Nam nước Đức.
Thầy Hermann ngay từ hồi thanh thiếu niên đã bị tàn tật. Nhưng thầy được Chúa ban cho khả năng trí khôn thông minh. Thầy ham mê đọc sách, nghiên cứu và làm thơ văn, nhưng cầu nguyện vẫn luôn là nhịp sống cần thiết cho đời sống mà thầy hằng chú tâm chăm sóc.
Sống trong tu viện khổ tu, nhưng thầy kiên trì học hành và nghiên cứu môn Thần học cùng môn Toán học tường tận, và trở thành nhà Thần học cùng là nhà chuyên môn về Toán học. Ngoài ra thầy còn nghiên cứu thêm về môn Lịch sử, môn Thiên văn. Chưa hết, thầy còn có tài năng sáng tác âm nhạc. Như thế, thầy tuy là một người tàn tật, nhưng có nhiều tài năng thiên phú ẩn chứa trong con người của thầy.
Có nhiều tài năng thiên bẩm, nhưng vì bị tàn tật nên không thể tự mình làm được cả những điều căn bản cần thiết cho đời sống hằng ngày. Cuộc sống trở nên lệ thuộc vào sự giúp đỡ của anh em trong Dòng, của người khác. Và như thế lâu dài trở nên gánh nặng cho họ. Dù nhà Dòng rất kính trọng yêu mến Thầy, cùng sẵn sàng giúp thầy sống trọn vẹn ơn gọi tu sĩ, nhất là giúp thầy phát triển tài năng Chúa ban cho thầy!
Trong những giờ phút đau khổ như thế bài kinh cầu khẩn Salve Regina được cưu mang thai nghén và chào đời trong tâm hồn một thầy dòng tàn tật tên Hermann.
Thầy Hermann đã đọc kinh Kính mừng Maria – Ave Maria hằng ngày, hằng giờ, nên khi cảm hứng sáng tác kinh cầu nguyện thầy đã mượn lời Thiên thần Gabriel chào Đức Mẹ Maria là Nữ Vương: Salve Regina!
Đức Mẹ Maria có phải là nữ vương?
Chúa Giêsu trước mặt quan tổng trấn Philatô đã quả quyết: Phải, tôi là Vua! Và trên đầu thập giá Chúa Giêsu, có bảng viết: Giêsu Nadareth, Vua dân Do Thái!
Đức Mẹ Maria sau quãng đời sống trên trần gian đã được Chúa Giêsu, con của Mẹ, đưa về trời cả hồn lẫn thân xác. Vì thế, trên thiên quốc, Đức Mẹ là Nữ Vương.
Thầy Hermann qua đó muốn diễn tả tâm tư của mình: “Salve Regina – Kính chào Mẹ nữ vương trời đất!” Lời chào này không do Thiên thần hay sứ giả nào nói, nhưng do thầy dòng tàn tật Hermann nói thân thưa với Đức Mẹ Maria.
Xưng tụng Đức Mẹ Maria là Mẹ, thầy vẫn cảm thấy chưa đủ hết tấm lòng của một người mẹ. Nên thầy thêm vào lời xưng tụng “Mẹ nhân lành – Mẹ xót thương” và còn hơn nữa “đời sống chúng con được vui được cậy”.
Qua những xưng tụng đó, thầy Hermann muốn nói lên tâm tình tin tưởng:
Đức Mẹ Maria không là trung gian cho sự chết. Nhưng phù trợ cho sự sống
Đức Mẹ Maria không chối từ sự cay đắng đau khổ. Nhưng khi cầu nguyện ta tìm nhận ra nơi Đức Mẹ nhân lành nguồn vui an ủi cho đời sống.
Đức Mẹ Maria không chỉ giúp cho đời sống trong một lúc khoảnh khắc ngắn ngủi gặp đau khổ, nhưng Đức Mẹ là người cùng đồng hành trung thành hướng dẫn cho đời sống tìm đến nguồn hy vọng nơi Thiên Chúa tình yêu thương.
Đức Mẹ Maria được đưa về trời cả hồn lẫn thân xác bên ngai Thiên Chúa. Đó cũng là đích điểm của con người chúng ta mai sau cũng mong được về bên ngai Thiên Chúa.
Con người chúng ta còn đang là lữ khách ở trần gian, nên còn mang trong mình hậu qủa của tội nguyên tổ của Ông Bà Adong Evà. Đó là những đau khổ, bệnh tật, yêu đuối giới hạn cả về thân xác lẫn tinh thần.Vì thế, trần gian được gọi là nơi chốn thung lũng đầy nước mắt.
Thầy Hermann đã có cảm nghiệm này từ chính nơi đời sống riêng của mình về sự yếu hèn của khiếm khuyết, của tật nguyền nơi thân thể. Nên qua đó thầy khao khát mong ước một đời sống tốt đẹp hơn, một đời sống vĩnh cửu. Điều khao khát mong ước đó, thầy đặt niềm hy vọng nơi Đức Mẹ Maria, Đấng là Trạng sư bầu chữa cho mình trước ngai tòa Chúa.
Lời kinh Salve Regina do Thầy Hermann viết ra thành chữ, thoát ra từ tận sâu thẳm tâm hồn của một đời sống chịu đựng tàn tật về thân xác cũng như yếu đuối giới hạn về trí khôn tinh thần.
Lời kinh Salve Regina không vẽ hay tô điểm một hình ảnh bi quan đen tối về đời sống. Nhưng tràn đầy niềm hy vọng của chính Thầy Hermann. Và đấy cũng là hy vọng của mọi Kitô hữu.
Lời kinh Salve Regina đã gợi hứng cho rất nhiều nhạc sĩ từ xưa đến nay viết thành những tấu khúc lớn nhỏ khác nhau và rất danh tiếng, nhất là vào thời Trung Cổ cho đến thời cận đại như Henri Dumont, G.F. Händel, Franz Liszt, Franz Schubert, Pierre de la Ruy… Vào thế kỷ 18, Kinh Lạy Nữ Vương đã trở thành trọng tâm của cuốn sách Thánh Mẫu học của Thánh Alphonsô Liguori – một vị Thánh Tiến sĩ Hội thánh.
Lời kinh Salve Regina trở thành lời kinh cầu nguyện không chỉ trong khuôn viên những tu viện, nhà dòng đọc hát vào giờ Kinh Chiều hay giờ Kinh Tối. Nhưng đã trở thành lời kinh trong “kho tàng” về kinh cầu nguyện của Giáo Hội, phổ thông cho mọi tín hữu, và người Công Giáo tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Cùng được Bộ Tuyên Thánh công bố sáng ngày 05 tháng Tám vừa qua, có năm sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của năm Tôi tớ Chúa, đặc biệt trong đó một nữ tu người Ấn Độ, đó là chị Maria Celina Kannanaikal, sinh năm 1931 tại tổng giáo phận Thrissur, miền nam Ấn, làm nghề giáo viên trước khi gia nhập dòng Ursuline năm 1954, khi được 23 tuổi.
Chị có lòng kính mến đặc biệt đối với Chúa Giêsu chịu đóng đanh, mong ước sống và chịu đau khổ vì Chúa. Những đau khổ thể lý mà Chúa Toàn Năng, cho phép chị chịu thật không thể tả được. Nhưng trong dòng, chị không được thông cảm như thế. Những kinh nghiệm thần bí khiến các bề trên nghi ngờ và bị coi là gây xáo trộn nơi các tập sinh khác.
Mẹ giáo tập nhìn nhận nơi chị Maria Celina một nỗ lực nên thánh, trái lại nhiều người khác đề nghị không cho tập sinh này được khấn dòng. Chị thường bị lên cơn sốt, nhức đầu và ói mửa với những vết máu. Không bác sĩ nào đưa ra một chẩn bệnh chắc chắn.
Chị Maria Celina thường được những ơn xuất thần và thị kiến Chúa Giêsu với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Sau khi kéo dài năm tập thêm sáu tháng, ngoài hai năm bình thường, chị Maria Celina được bề trên chuẩn nhận cho khấn dòng lần đầu, ngày 20 tháng Sáu năm 1957. Trong ngày chị khấn, Chúa Giêsu đã nói với chị Maria Celina rằng Ngài sẽ sớm đến để đưa chị về nhà vĩnh cửu.
Chị Maria Celina Kannanaikal qua đời ngày 25 tháng Bảy năm 1957 lúc mới 26 tuổi, 35 ngày sau khi khấn dòng.
Trước khi qua đời, chị nói với các chị em rằng: “Khi em về trời, em sẽ xin Chúa Giêsu chữa lành những vết thương trong tâm hồn và lau khô nước mắt của các chị.”
Án phong chân phước cho chị Maria Celina được khởi sự ngày 28 tháng Bảy năm 2007.
5. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi những người trẻ hướng về Chúa Giêsu như Chân phước Carlo Acutis đã làm
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với những người trẻ Công Giáo hôm thứ Sáu rằng Chúa Giêsu không chỉ là một giới luật đạo đức mà còn là một con người và một người bạn tuyệt vời.
Ngài khuyến khích họ xây dựng và vun đắp mối quan hệ của họ với Chúa Kitô như Chân phước Carlo Acutis đã làm.
Là người đầu tiên sống trong thiên niên kỷ này được Giáo Hội Công Giáo phong chân phước, Carlo Acutis yêu mến sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. “Luôn luôn kết hợp với Chúa Giêsu, đây là chương trình cuộc sống của tôi,” anh viết năm 7 tuổi.
Phát biểu trước những người tham gia trại hè dành cho những người trẻ Ý trong một buổi tiếp kiến vào ngày 5 tháng 8 tại Vatican, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở họ về tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit, được công bố vào năm 2019: “Chúa Kitô đang sống và Người muốn bạn sống!”
Đức Giáo Hoàng giải thích rằng Chúa Giêsu là người mà một người Công Giáo trẻ tuổi nên hướng tới.
“Chúng ta đang sống trong sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng biết chúng ta và yêu thương chúng ta hơn chính chúng ta, và Đấng muốn mỗi người chúng ta tìm thấy sự hoàn thành cá nhân, độc đáo của riêng mình.”
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc nhận xét của mình bằng một lời cầu nguyện: “Cầu mong Chúa Giêsu trở thành Người bạn tuyệt vời, Người bạn đồng hành của các con trên suốt chặng đường. Cầu mong Chúa Giêsu hằng sống trở thành sự sống của các con! Mỗi ngày và mãi mãi.”
Alpha Camp là một “trại kéo dài một tuần do Giáo hội tài trợ dành cho những người trẻ tuổi ở miền trung nước Ý, dành riêng cho việc khám phá cuộc sống, đức tin và ý nghĩa”.
Source:Catholic News Agency
6. Bốn mươi giám mục bạn Phong trào Tổ Ấm nhóm tại Áo
Từ mùng 4 đến mùng 08 tháng Tám vừa qua, bốn mươi giám mục bạn của Phong trào Focolare, Tổ Ấm, đã nhóm họp tại giáo phận Graz bên Áo, cầu nguyện chung, trao đổi kinh nghiệm và nghỉ ngơi.
Các giám mục đến từ Âu, Á, Phi châu và Mỹ Latinh. Đây là lần thứ ba giáo phận Graz đón tiếp các giám mục Focolare và Đức Cha Wilhelm Krautwaschl, giám mục sở tại bày tỏ vui mừng vì điều này.
Trong những ngày gặp gỡ của các giám mục, chị Margaret Karram, người Palestine, Chủ tịch Phong trào Tổ Ấm, và linh mục Đồng Chủ tịch là cha Jesús Morán Cepedano, người Tây Ban Nha, đã đồng hành với các vị, qua những suy tư về linh đạo hiệp thông của phong trào. Một cao điểm trong cuộc gặp gỡ và cuộc hành hương tại Đền thánh Maria Osterwitz trên núi Deutschlandsberg, Núi Đức.
Từ năm 1977, các giám mục bạn của Phong trào Tổ Ấm vẫn gặp gỡ nhau theo gợi ý của chị Chiara Lubich, người sáng lập, và theo lời mời của Đức Cha Klaus Hemmerle, cố giám mục giáo phận Aachen bên Đức, để trao đổi với nhau, về sự dấn thân làm chứng cụ thể về tình huynh đệ sống thực trong Giáo hội.
Phong trào Tổ Ấm do chị Lubich sáng lập năm 1943 tại Trento, bắc Ý. Hiện nay Phong trào hiện diện tại hơn 180 nước trên thế giới, với hơn 140.000 thành viên, và hơn hai triệu người có nhiều tiếp xúc và sinh hoạt với phong trào. Mục đích của phong trào là sống tinh thần huynh đệ Kitô và linh đạo hiệp thông. Có nhiều tín hữu Kitô và tín hữu các tôn giáo khác cũng có những tiếp xúc và gần gũi với phong trào này.
Tiến trình điều tra để phong Chân Phước cho chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare, tức là Tổ Ấm, đã được bắt đầu ở cấp giáo phận vào hôm thứ Ba 27 tháng Giêng, 2015 dưới hình thức một buổi kinh chiều tại nhà thờ chính tòa Frascati, gần Rôma.
Chị Chiara Lubich đã được sinh ra ở Trento, miền Bắc nước Ý. Chị đã thành lập Phong trào Quốc tế Focolare, mà đặc sủng là thúc đẩy hòa bình và sự hiệp nhất của tất cả mọi người, ở Frascati.
Trong một thông điệp gởi đến những người tham dự buổi lễ, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô hy vọng rằng gương sáng của chị Chiara Lubich sẽ truyền cảm hứng cho “sự canh tân lòng trung thành với Chúa Kitô và lòng quảng đại phục vụ cho sự hiệp nhất của Giáo Hội” giữa những người đã noi theo di sản tinh thần quý giá của cô.
Đức Hồng Y Parolin nói Đức Giáo Hoàng cũng mong mỏi cuộc đời và các tác phẩm của chị Chiara Lubich sẽ được các tín hữu trên toàn thế giới biết đến nhiều hơn.
Chị Chiara Lubich (tên rửa tội là Silvia) sinh tại thành phố Trentô, miền Bắc Italia, vào năm 1920. Năm 1943, giữa thời thế chiến thứ hai, cùng với vài người bạn, Chị Chiara Lubich đã bắt đầu sống thực hành giáo huấn phúc âm trong cảnh sống hằng ngày. Nhóm bạn sống phúc âm này quy tựu lại với nhau thành một cộng đoàn nhỏ, gọi là “Focolare”, tức “Tổ Ấm”, khai sinh một phong trào sống phúc âm giữa đời, mà hiện nay được biết đến với tên gọi “Phong Trào Tổ Ấm”, có mặt tại 182 quốc gia, thuộc khắp năm châu, với khoảng 4 triệu thành viên. Ðiều đặc biệt là trong số thành viên của Phong Trào “Tổ Ấm”, có cả những thành viên kitô, nhưng không phải là Công Giáo, đến từ 350 Giáo Hội kitô, hoặc cộng đồng Giáo Hội kitô khác nhau. Và có cả những anh chị em hồi giáo, do thái giáo, phật giáo, ấn độ giáo, lão giáo, vân vân,… đến sinh hoạt trong phong trào. Như thế, với dòng thời gian, từ một “tổ ấm” nhỏ sống tinh thần phúc âm, một phong trào lớn được khai sinh, dựa trên tinh thần tu đức hiệp thông, quy tụ những con người thuộc mọi lứa tuổi, chủng tộc, văn hoá, ngôn ngữ, ngành nghề, hoàn cảnh xã hội. Ðó là những con người dấn thân trở thành “men tình yêu thương”, nhắm xây dựng một thế giới liên đới hơn, hiệp nhất hơn.
Nhìn chung, trong hơn 60 năm sinh hoạt, Phong Trào Tổ Ấm do chị Chiara Lubich sáng lập và làm chủ tịch, đã gợi hứng và khai sinh biết bao sáng kiến cụ thể, cho người lớn, cũng như cho các bạn trẻ và cho cả những trẻ nhỏ nữa.
Dấn thân của Chị Chiara Lubich đã mang lại nhiều giải thưởng tôn vinh chính cá nhân của Chị: năm 1977, Chị được giải thưởng Templeton vì sự Tiến Bộ Tôn Giáo; năm 1996, giải thưởng của UNESCO vì sự nghiệp giáo dục cho Hoà Bình; năm 1998, giải thưởng Âu Châu về Nhân Quyền. Ðặc biệt, từ năm 1996 đến khi qua đời, chị Chiara Lubich, đã nhận được 9 Bằng Tiến Sĩ Danh Dự, từ các Ðại Học tại Âu Châu, Mỹ Châu La Tinh, Á Châu và Hoa Kỳ. Nhiều thành phố trên thế giới đã công nhận Chị là “Công Dân Danh Dự” của thành phố.
Chị Chiara Lubich là một giáo dân đơn sơ, nhưng có một uy quyền tinh thần rất cao. Ðược Ðức Gioan XXIII đón tiếp, được Ðức Phaolô VI lắng nghe, và được Ðức Gioan Phaolô II mộ mến, Chị Chiara Lubich đã tham dự hai Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới
Source:kleinezeitung.at