Đây là những quy tắc hướng dẫn giúp thực hành mục vụ bí tích Hôn Nhân, tuy thông thường nhưng cũng có những điều đặc biệt lien quan đến những khúc mắc trong mục vụ và một số quy tắc hữu ích nhưng chưa được áp dụng, như việc hợp thức hóa bằng điều trị tại căn. Bản quy tắc này không là những quy định riêng của luật địa phương, nhưng được ấn định trên cơ sở các nguyên tắc chung của bộ Giáo Luật 1983. Vì vậy chúng cần được phổ biến và áp dụng để việc mục vụ chứng hôn được tiến hành một cách đúng đắn và thống nhất trong các giáo phận tại Việt Nam. Nội dung: I. Giáo lý hôn nhân và dự tòng: số 1-8; II. Điều tra, rao báo: số 9-16; III. Ngăn trở tiêu hôn, cấm hôn: số 17-22; IV. Năng quyền chứng hôn: số 23-29; V. Nơi cử hành hôn phối: số 30-35; VI. Thiết lập hồ sơ: số 36-40; VII. Thể thức kết hôn: số 41-45; VIII. Hôn nhân ngoài công giáo: số 46-48; IX. Đặc ân thánh Phaolô: số 49-51; X- Thành sự hóa hôn phối đơn thuần và điều trị tại căn: số 52-59; XI. Ly thân mà dây hôn nhân vẫn còn: số 60-61;
***
I. GIÁO LÝ HÔN NHÂN VÀ DỰ TÒNG
Số 1.
§1. Người công giáo phải trải qua khóa học giáo lý hôn nhân ít là 3 tháng để được hiểu biết về hôn nhân công giáo, các quyền lợi, bổn phận của vợ chồng và của cha mẹ đối với việc sinh sản và giáo dục con cái (đ. 1063).
§2. Cha sở có thể rút ngắn thời gian học giáo lý hôn nhân cho một số trường hợp mà khi trì hoãn việc kết hôn sẽ gây những thiệt hại nghiêm trọng cho đôi bạn, miễn là phải bảo đảm là họ có những kiến thức căn bản về hôn nhân công giáo.
§3. Người không công giáo cũng có thể được rút ngắn thời gian học biết về hôn nhân công giáo, nhưng ít nhất cũng là vài buổi học.
Số 2.
§1. Chỉ có cha sở, hoặc những người hay cơ sở được Đấng Bản Quyền địa phương chuẩn nhận, mới được phép tổ chức khóa học giáo lý hôn nhân và cấp chứng chỉ.
§2. Khóa học phải tổ chức những cuộc kiểm tra chu đáo.
§3. Cha sở chứng hôn nên công nhận giá trị những chứng chỉ giáo lý hôn nhân của những khóa học nói trên.
Số 3
Học viên được cấp chứng chỉ hôn nhân chỉ khi đã tham dự tương đối đầy đủ các tiết của khóa học, phải đạt đủ điểm những bài kiểm tra (đ. 1067).
Số 4.
§1. Người lương (không được rửa tội) muốn theo đạo và kết hôn với người công giáo, phải được thu nhận vào hàng dự tòng bằng những nghi thức phụng vụ và tên của họ phải được ghi vào sổ dành cho việc này (đ. 788§1).
§2. Dự tòng phải được đào tạo và tập luyện đời sống Kitô giáo, được khai tâm về mầu nhiệm cứu độ và phải được dẫn vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của dân Chúa, cũng như vào việc tông đồ (đ. 788§2).
Số 5.
§1. Giáo lý viên, với trách nhiệm đào tạo đời sống đức tin cho dự tòng, phải theo sự hướng dẫn của Giáo Luật hoặc theo những quy chế về tổ chức dự tòng của Hội Đồng Giám Mục.
§2. Không được phép đào tạo dự tòng chỉ bằng những giờ học thuần túy lý thuyết và sau đó cho dự tòng lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.
Số 6.
§1. Thời gian dự tòng cho người sắp kết hôn thông thường là 6 tháng và đồng thời phải được học cả giáo lý hôn nhân.
§2. Thời gian dự tòng tối thiểu là 3 tháng; không được rút ngắn thời gian dự tòng chỉ còn vài tuần lễ để được rửa tội và kết hôn, trừ trường hợp nguy tử (đ. 865).
Số 7.
§1.Cha sở có bổn phận phải điều tra ít là cơ bản về tình trạng nhân thân của người lương trong địa hạt của mình khi họ muốn được học đạo để kết hôn.
§2. Khi người lương muốn được học giáo lý dự tòng ở nơi khác, cha sở có bổn phận phải giới thiệu hoặc thông báo cho nơi nhận dạy học về tình trạng nhân thân của người ấy.
Số 8.
§1. Khi nhận một học viên công giáo hoặc ngay cả không công giáo từ nơi khác đến, vị phụ trách khóa giáo lý hôn nhân hay dự tòng cần yêu cầu học viên có giấy giới thiệu hay thông báo của cha sở của địa hạt nơi học viên có cư sở hay thường trú.
§2. Cha sở có bổn phận mục vụ không những đối với người công giáo mà còn đối với những người không công giáo (lương, Tin Lành…) đang sống trong giáo xứ của mình. Vì vậy, khi họ muốn được học giáo lý hôn nhân hay dự tòng ở một nơi khác ngoài giáo xứ, cha sở phải cấp giấy giới thiệu hoặc tìm hiểu để thông báo về họ, cho dù người ấy là không công giáo.
II. ĐIỀU TRA, RAO BÁO
Số 9.
Trước khi cho cử hành kết hôn, cha sở phải điều tra và rao báo để biết chắc không có gì cản trở cho việc cử hành thành sự và hợp pháp (đ. 1066).
Số 10.
§1. Khi có một bên là người ngoài Công Giáo (lương, Tin Lành…) sắp kết hôn, cha sở nơi cử hành hôn phối, tùy theo sự khôn ngoan, xin cha sở của địa hạt người ấy cư ngụ điều tra sơ khởi (không nên xin giới thiệu) trước khi nhận chứng hôn và gởi tờ rao hôn phối.
§2. Khi xin điều tra sơ khởi như trên, cha sở phải cung cấp cho cha sở của địa hạt bên người ngoài Công Giáo cư ngụ những thông tin cần thiết: tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ, tên cha mẹ, số điện thoại của người ấy.
§3. Cha sở của địa hạt bên người ngoài Công Giáo cư ngụ, có bổn phận giúp điều tra sơ khởi và rao hôn phối theo yêu cầu của cha sở nơi chứng hôn.
Số 11.
§1. Bản khai hay bản tra vấn trước kết hôn phải bao gồm những nội dung như sau:
2- Sự ý thức và chấp nhận tự do của đôi bạn về sự bất khả phân ly, sự đơn nhất của hôn nhân; sự sinh sản và giáo dục con cái;
3- Những ngăn trở tiêu hôn và ngăn trở bất hợp luật;
4- Những hoàn cảnh có thể xảy ra khiến sự ưng thuận bị hà tỳ như: thiếu khả năng phán đoán hay tâm lý, bệnh tật, khả năng sinh sản, lầm lẫn, đặt điều kiện kết hôn…
§2. Bản khai được làm ngay từ khi đăng ký kết hôn tại giáo xứ, không được để cận kề ngày kết hôn; được làm riêng biệt từng người dưới sự hướng dẫn và chứng nhận của một linh mục hay phó tế.
Số 12.
Cha sở có thể tùy nghi điều tra thêm, bằng cách yêu cầu cha mẹ hay thân nhân của bên người ngoài công giáo (lương, Tin lành…) làm một văn bản xác nhận của họ về tình trạng thong dong kết hôn; cũng cho biết ý kiến của họ về sự theo đạo và kết hôn của đôi bạn.
Số 13.
§1. Rao hôn phối phải tiến hành vào ba chủ nhật tại các giáo xứ mà người sắp kết hôn đã có cư sở (thường trú), và tại giáo xứ mà đương sự đã cư ngụ trong thời gian lâu dài nếu có hồ nghi rằng có những cản trở cho việc kết hôn thành sự và hợp pháp.
§2. Việc rao cũng phải được tiến hành theo quy tắc như trên tại giáo xứ mà người ngoài công giáo (lương, Tin Lành,…) có cư sở và những nơi mà người này đã cư ngụ trong thời gian lâu dài nếu có hồ nghi rằng có những cản trở khiến cho việc kết hôn không thành sự hoặc bất hợp pháp.
§3. Không gởi tờ rao đến những quốc gia mà không có áp dụng thủ tục rao hôn phối.
Số 14.
Khi có lý do chính đáng, cha sở được miễn chuẩn rao một lần, cha hạt trưởng được chuẩn hai lần, Bản Quyền địa phương được chuẩn rao ba lần.
Số 15.
§1. Cha sở khi nhận tờ rao thì buộc phải rao báo và gởi lại kết quả cho cha xứ nơi cử hành hôn phối sau khi hoàn thành việc rao, cùng với lời ghi chú nếu có, về vấn đề nghiêm trọng hay hoài nghi khiến việc cử hành hôn nhân vô hiệu hay bất hợp luật (đ. 1070).
§2. Cha sở cũng phải rao như trên, cho dù không ai trong đôi bạn thuộc giáo xứ của mình, hoặc cho dù người kết hôn là người ngoài công giáo (lương, Tin Lành, Anh Giáo…)
Số 16.
Khi tới thời hạn mà chưa nhận được kết quả của tờ rao và nếu trì hoãn sẽ gây thiệt hại nặng cho đôi bạn, cha sở có thể tiến hành chứng hôn, với điều kiện là cha biết chắc chắn rằng không có gì cản trở cho việc kết hôn thành sự và hợp luật.
III- NGĂN TRỞ TIÊU HÔN VÀ CẤM HÔN
Số 17.
§1- Không được chứng hôn cho một người mắc ngăn trở tiêu hôn mà chưa hoặc không được miễn chuẩn bởi Đấng Bản Quyền địa phương hoặc bởi Tòa Thánh. Việc chứng hôn sẽ vô hiệu nếu một trong đôi bạn còn mắc ngăn trở tiêu hôn, cho dù có sự lầm lẫn về ngăn trở của cha chứng hôn hoặc của đôi bạn (đ. 15§1).
§2- Cha sở cần phải xin phép khi chứng hôn cho những trường hợp kết hôn mà Giáo Luật đòi có phép của Đấng Bản Quyền địa phương hay bị cấm hôn. Nếu không xin phép, việc chứng hôn này sẽ bất hợp luật, nhưng vẫn hữu hiệu.
Số 18.
Theo quy tắc điều 1071 của Bộ Giáo Luật:
§1. Cần phải xin phép Đấng Bản Quyền địa phương, trừ những trường hợp cần thiết, khi chứng hôn cho:
2- Hôn nhân nào không thể được công nhận hay không thể được cử hành chiếu theo quy tắc của luật dân sự. Ví dụ, chứng hôn cho người không thể đăng ký kết hôn ở cơ quan chính quyền.
3- Hôn nhân của người mắc nghĩa vụ tự nhiên phát sinh do cuộc phối hợp trước, đối với bên kia hay đối với con cái. Ví dụ, chứng hôn cho người không chịu cung cấp nuôi dưỡng cho con sinh ra trong cuộc phối hợp trước;
4- Hôn nhân của người hiển nhiên chối bỏ đức tin Công Giáo. Ví dụ, chứng hôn cho người đã chuyển qua giữ đạo Tin lành, đạo Phật hay người xác nhận rõ ràng mình không tin đạo Công Giáo;
5- Hôn nhân của người đang mắc vạ. Ví dụ, chứng hôn cho người đang bị vạ cấm chế hay tuyệt thông;
6- Hôn nhân của người vị thành niên (dưới 18 tuổi trọn), khi cha mẹ không hay biết hay đã phản đối cách hợp lý.
7- Hôn nhân cử hành qua những người đại diện.
§2. Khi chứng hôn cho người đã hiển nhiên chối bỏ đức tin Công Giáo, bên Công Giáo phải cam kết tránh mọi nguy hiểm đức tin…, được quy định ở điều 1125, với những thích nghi cần thiết (đ. 1071).
Số 19.
§1. Bản Quyền địa phương, nghĩa là một trong các vị: Giám Mục giáo phận, cha Tổng Đại Diện, cha Đại Diện Giám mục, có thể miễn chuẩn những ngăn trở: tuổi, khác đạo, khấn dòng thuộc luật giáo phận, bắt cóc, họ máu, hôn thuộc, công hạnh, pháp tộc.
§2. Bản Quyền địa phương không được miễn chuẩn những ngăn trở dành riêng cho Tòa Thánh: tội ác, chức thánh, khấn dòng thuộc luật giáo hoàng.
§3. Không bao giờ được chuẩn họ máu hàng dọc hoặc hàng ngang bậc thứ hai (anh em ruột, đ. 1078§3).
Số 20
§1. Quyền miễn chuẩn hay cho phép cử hành hôn phối đối với những trường hợp đòi có phép hay cấm hôn thuộc về Bản Quyền địa phương. Cha sở phải thực hiện theo đường hướng mục vụ của các Đấng Bản Quyền ấy, không được tùy tiện ngăn cản hay buông lỏng việc miễn chuẩn hay cho phép.
§2. Trong những trường hợp nói trên nếu cha sở thấy khó xử, cần phải tham khảo và theo quyết định của Đấng Bản Quyền địa phương.
Số 21.
Cha sở, không được phép cản trở hay ra lệnh cấm kết hôn cho một người, dù trong một thời gian, càng không được phép ban hành một luật về cấm hay hạn chế kết hôn trong giáo xứ mình (đ. 1077).
Số 22.
Trong trường hợp nguy tử khẩn cấp:
§1. Đấng Bản Quyền địa phương có thể miễn chuẩn khỏi phải giữ thể thức cử hành hôn nhân, và khỏi mọi ngăn trở, cũng như từng ngăn trở công (public, chứng minh được ở tòa ngoài) hay ngăn trở tiềm ẩn (occult, không chứng minh được ở tòa ngoài) thuộc luật Giáo Hội, trừ ngăn trở do thánh chức Linh Mục (đ. 1079§1).
§2. Cha giải tội có quyền miễn chuẩn những ngăn trở tiềm ẩn, ở toà trong, vào lúc hoặc ngoài lúc ban bí tích Sám Hối (đ. 1079§3). Nếu ban những miễn chuẩn này ngoài bí tích Sám Hối, phải ghi vào sổ để lưu ở văn khố mật Tòa Giám Mục (đ. 1082)
IV- NĂNG QUYỀN CHỨNG HÔN
Số 23.
Để việc chứng hôn được hữu hiệu, vị chứng hôn phải có năng quyền chứng hôn hoặc được ủy nhiệm năng quyền.
Số 24.
§1. Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở, do chức vụ, có năng quyền chứng hôn trong giới hạn địa hạt của mình, chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền (đ. 1109).
§2. Theo nguyên tắc năng quyền tòng địa nói trên (đ.1109), cha sở chứng hôn thành sự trong địa hạt giáo xứ của mình cho cả những đôi bạn mà không ai trong họ thuộc giáo xứ của mình.
§3. Ngược lại, ngoài phạm vi địa hạt của mình, cha sở không có năng quyền chứng hôn cho dù là chứng hôn cho một hay cả hai đôi bạn thuộc giáo xứ của mình.
Số 25.
Đối với hôn nhân mà không ai trong đôi bạn đã cư ngụ trong địa hạt đã được một tháng, Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở, do chức vụ, vẫn có năng quyền chứng hôn hữu hiệu trong giới hạn địa hạt của mình. Tuy nhiên, để việc chứng hôn được hợp luật, cần có phép của Đấng Bản Quyền riêng hay của cha sở riêng của một trong đôi bạn (đ. 1115).
Số 26.
§1. Đấng Bản Quyền địa phương và cha sở có thể uỷ nhiệm năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát, cho các tư tế và phó tế, để chứng hôn trong giới hạn của địa hạt mình (đ. 1111§1).
§2. Sự ủy quyền vô hiệu, nếu vượt quá quyền hạn của mình (đ.133). Vì vậy, nếu ủy năng quyền để chứng hôn ra ngoài phạm vi địa hạt thuộc quyền mình, sự ủy quyền vô hiệu, ngay cả ủy để chứng hôn cho giáo dân thuộc quyền mình.
§3. Đấng Bản Quyền địa phương hoặc cha sở, vì vậy, chỉ có thể giới thiệu hoặc cộng tác giúp đở chứ không thể ủy quyền để cha sở khác chứng hôn cho gíao dân thuộc quyền mình ở ngoài phạm vi địa hạt của mình.
Số 27.
Đấng Bản Quyền địa phương hoặc cha sở khi chứng hôn ở ngoài địa hạt của mình, cũng phải được ủy nhiệm năng quyền chứng hôn bởi Đấng Bản Quyền địa phương hoặc cha sở của địa hạt nơi chứng hôn. Nếu không được ủy nhiệm năng quyền, việc chứng hôn vô hiệu.
Số 28.
Việc uỷ nhiệm năng quyền chứng hôn, để được hữu hiệu, phải được minh nhiên ban cho những người nhất định; nếu là một sự uỷ quyền riêng biệt, thì có giá trị đối với một đôi hôn nhân nhất định, còn nếu là một sự uỷ quyền tổng quát, thì phải ban bằng văn bản (đ. 1111§2).
Số 29.
Việc ủy nhiệm năng quyền chứng hôn có thể được Giáo Hội bổ khuyết khi có lầm lẫn chung hoặc về sự kiện hoặc về luật, cũng như khi có hồ nghi tích cực và hợp lý hoặc về luật hoặc về sự kiện (đ. 144, 1111§1).
V- NƠI CỬ HÀNH HÔN PHỐI
Số 30.
§1. Hôn nhân được cử hành tại giáo xứ của bên nam hoặc bên nữ có cư sở (thường trú) hay bán cư sở (tạm trú) hay đã tạm trú đã được một tháng. Hôn nhân cũng có thể được cử hành tại giáo xứ mà chưa có bên nào đã cư ngụ được một tháng khi có phép của Đấng Bản Quyền riêng hay của cha sở riêng của một bên (đ. 1115).
§2. Theo quy tắc trên, tín hữu được phép chọn lựa kết hôn tại giáo xứ nào mình mong muốn. Tuy nhiên, cha sở cũng sẽ có quyền chấp nhận hay từ chối cử hành hôn phối tùy theo năng quyền và trách nhiệm được luật định.
Số 31.
Giáo Luật điều 530 quy định, trong giáo xứ, cha sở có trách nhiệm chứng hôn cho tín hữu thuộc giáo xứ của mình. Vì vậy, cha sở không được từ chối khi giáo dân xin cử hành hôn phối trong giáo xứ, trừ khi có lý do chính đáng và nghiêm trọng.
Số 32.
§1. Cha sở có thể chấp nhận hay từ chối cử hành chứng hôn trong địa hạt của mình đối với người chỉ tạm trú hay cư ngụ chưa được một tháng trong giáo xứ mà có phép Đấng Bản Quyền riêng hay của cha sở riêng của một bên.
§2. Nếu chấp nhận chứng hôn, cha sở phải thực hiện các việc cần thiết để chứng tỏ tình trạng thong dong của đôi bạn (đ. 1113), nghĩa là, cha có trách nhiệm thụ lý hồ sơ để biết chắc không có gì cản trở cho việc chứng hôn thành sự và hợp pháp (đ. 1066).
Số 33
Giáo Luật điều 102 quy định về cư sở hay bán cư sở:
§1. Cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo Phận, với ý định sẽ ở đó vĩnh viễn, nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã được kéo dài năm năm trọn.
§2. Bán cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo Phận, với ý định sẽ ở đó ít là ba tháng nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã thực sự được kéo dài suốt ba tháng.
Số 34.
§1. Cư sở hay bán cư sở bị mất do việc rời khỏi nơi ấy với ý định không trở về lại (đ. 106).
§2. Một người có thể có hai hay nhiều cư sở một lúc: nơi đã cư ngụ được 5 năm và nơi mà mình còn muốn trở về lại (đ. 102, 106).
Số 35.
§1. Phải tôn trọng quyền thủ đắc cư sở hay bán cư sở của tín hữu chiếu theo luật (đ. 102), cha sở không được chiếu theo cách hiểu riêng của mình về cư sở hoặc chiếu theo lệ riêng của giáo xứ để loại trừ tín hữu ra khỏi quyền thủ đắc cư sở hay bán cư sở khi họ không đăng ký nhập xứ.
§2. Khi tín hữu thủ đắc cư sở hay bán cư sở của tín hữu chiếu theo luật (đ. 102) họ được thụ hưởng những quyền lợi do Giáo Luật quy định, như quyền được lãnh nhận bí tích Hôn Phối…, nhưng họ không đương nhiên được thụ hưởng những công ích do giáo xứ tạo nên (Ví dụ như được an táng trong nghĩa trang miễn phí).
VI- THIẾT LẬP HỒ SƠ
Số 36.
Hồ sơ hôn phối thông thường bao gồm:
2) Giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức;
3) Bản khai trước kết hôn;
4) Giấy rao hôn phối;
5) Chứng chỉ giáo lý hôn nhân;
6) Giấy chứng nhận kết hôn dân sự;
7) Giấy miễn chuẩn ngăn trở hay giấy phép kết hôn, nếu cần thiết.
Số 37.
Cha sở của nơi cử hành hôn phối có trách nhiệm tiến hành thụ lý hồ sơ, vì theo quy tắc luật định, cha phải chu toàn tất cả những gì đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên (đ. 1113); và trước khi cử hành hôn nhân phải biết chắc không có gì cản trở cử hành bí tích thành sự và hợp pháp (đ. 1066).
Số 38.
§1. Cha sở có nhiệm vụ giúp đở giáo dân thuộc quyền mình được kết hôn. Do đó, cha sở có bổn phận phụ giúp cho cha sở nơi cử hành hôn phối chu toàn việc lập hồ sơ, bằng việc cấp giấy giới thiệu, cấp các chứng nhận bí tích, rao báo…
§2. Cha sở hay cha quản nhiệm, có thể tình nguyện giúp cha sở nơi chứng hôn chu toàn tất cả các việc để chứng minh tình trạng thong dong của các bên, nghĩa là, chu toàn tất cả việc thiết lập hồ sơ kết hôn. Khi đã chu toàn, cha phải chuyển tất cả hồ sơ đến cho cha sở nơi cử hành, với xác nhận không có gì trở ngại (nihil obstat), cho việc kết hôn thành sự và hợp luật (đ.1070).
§3. Việc cha sở hay cha quản nhiệm tình nguyện giúp chu toàn tất cả việc thiết lập hồ sơ kết hôn để giúp cha sở nơi cử hành kết hôn thì nên được thực hiện, khi đôi bạn muốn kết hôn ở một giáo xứ khác mà không ai họ có cư sở.
Số 39.
§1. Cha sở có bổn phận phải giới thiệu hôn phối và cấp các chứng chỉ bí tích cho tín hữu thuộc quyền mình khi họ kết hôn ở một giáo xứ khác.
§2. Khi giới thiệu, nếu thấy có những điều khiến ngăn cản việc cử hành hôn nhân thành sự và hợp luật hoặc thấy tín hữu đó chưa được chuẩn bị đầy đủ về giáo lý hay khả năng kết hôn thì cha sở phải thông báo cho cha sở nơi cử hành kết hôn được biết. Tuy nhiên, cha sở giới thiệu không được quyền ngăn cản kết hôn, cho dù người kết hôn đó thuộc quyền của mình.
Số 40.
§1. Chính cha sở nơi cử hành kết hôn phải chịu trách nhiệm chu toàn tất cả những gì đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên (đ. 1113); và trước khi cử hành hôn nhân cha sở hoặc vị được ủy quyền chứng hôn phải biết chắc không có gì cản trở cử hành bí tích thành sự và hợp thức (đ. 1066).
§2. Vì chính cha sở nơi cử hành kết hôn là vị có năng quyền và chịu trách nhiệm về sự kết hôn hữu hiệu và hợp luật, nên có quyền quyết định, cha có thể tiến hành chứng hôn ngay cả khi không có giấy giới thiệu hoặc có sự cản trở của cha sở riêng của đôi bạn.
VII- THỂ THỨC KẾT HÔN
Số 41.
§1. Hôn nhân chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản Quyền địa phương hay cha sở, hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên ủy quyền, và trước mặt hai nhân chứng (đ.1108§1).
§2. Kết hôn sẽ vô hiệu nếu thiếu sự hiện diện của một trong các người nói trên.
Số 42.
§1. Hai người làm chứng có mặt để chính thức làm chứng cho sự kết hôn. Họ không là người phải chịu trách nhiệm để bảo đảm cho sự thong dong kết hôn.
§2. Người làm chứng phải biết sử dụng trí khôn, hiểu biết được việc mình làm, đủ 14 tuổi (đ. 1550§1), không nhất thiết phải là người công giáo hoặc phải là người có thanh danh và đạo đức.
Số 43.
§1. Hôn nhân phải được cử hành trong nhà thờ giáo xứ nếu hôn nhân của hai người Công Giáo hoặc một người Công Giáo và một người được Rửa tội ngoài Công Giáo (hôn nhân hỗn hợp). Nếu cử hành ở một nhà thờ khác hay nhà nguyện thì phải có phép của Đấng Bản Quyền địa phương hay của cha sở (đ. 1118§1).
§2. Nếu cử hành hôn nhân tại một nơi khác ngoài nhà thờ, nhà nguyện (nhà tư, khách sạn, điểm du lịch) phải xin phép Đấng Bản Quyền địa phương (đ. 1118§2).
§3. Đối với hôn nhân khác đạo, nghĩa là hôn nhân giữa một người Công Giáo và một người không được Rửa tội, cha sở có thể cử hành trong nhà thờ hay một nơi thích hợp khác (đ. 1118§3) mà không phải xin phép Đấng Bản Quyền địa phương.
Số 44.
Nếu không thể có hay không thể đến với một vị chứng hôn có thẩm quyền chiếu theo quy tắc của luật, mà không gặp bất tiện nặng, thì những người nào muốn kết hôn thật sự, có thể kết hôn cách thành sự và hợp pháp trước mặt các nhân chứng mà thôi (đ. 1116§1):
20 Ngoài trường hợp nguy tử, miễn là dự đoán theo sự khôn ngoan rằng tình trạng ấy sẽ kéo dài suốt tháng (đ. 1116§1).
Số 45.
§1. Sau khi hoàn thành việc cử hành hôn phối, cha sở chứng hôn lo liệu gởi giấy báo để việc cử hành được ghi vào sổ Hôn Phối và Rửa Tội.
§2. Cũng phải gởi giấy thông báo hôn phối cho cha sở nơi Rửa Tội của mỗi bên, dù nơi Rửa Tội là một nơi khác mà các bên không còn cư ngụ, để cha ấy ghi chú vào sổ Rửa Tội (đ. 1123).
§3. Khi gởi giấy thông báo hay cấp chứng chỉ hôn phối, cha sở phải làm theo mẫu có ghi nơi và ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức.
VIII- HÔN NHÂN NGOÀI CÔNG GIÁO
Số 46.
§1. Hôn nhân dù chỉ có một bên là người công giáo bị chi phối bởi luật Thiên Chúa và luật Giáo Hội (đ. 1059). Vì vậy, hôn nhân giữa người công giáo và một người không công giáo (lương, Tin Lành… ), nếu không được cử hành theo thể thức giáo luật (forma canonica) thì không thành sự.
§2. Hôn nhân nói trên, sau khi được xác minh hoặc bởi tòa án giáo phận hoặc bởi cha sở vì thấy rõ cách hợp thức và chắc chắn rằng là đã không được cử hành theo thể thức giáo luật hay bất thành (đ. 1085§2), thì không gây cản trở tiêu hôn cho hôn nhân công giáo sau đó.
§3. Trước khi cử hành chứng hôn cho hôn nhân nói trên, cũng phải tôn trọng những hiệu quả pháp lý thuần túy theo luật dân sự (đ. 1059) của của cuộc hôn nhân trước và buộc đương sự phải chu toàn những nghĩa vụ tự nhiên đối với bên kia hay con cái (đ. 1071§1,30).
Số 47.
§1. Hôn nhân mà không có bên nào là người công giáo thì hữu hiệu nếu sự ưng thuận kết hôn của đôi bạn đã được cử hành theo thể thức của luật dân sự, hoặc luật tôn giáo (Tin Lành, Anh Giáo, Hồi Giáo…) hay tục lệ địa phương.
§2. Hôn nhân theo luật lệ nói trên được Giáo Hội nhìn nhận là đã tạo nên dây hôn phối vĩnh viễn, gây ngăn trở tiêu hôn. Do đó, một người đã cử hành hôn nhân này, dù hiện nay đã ly dị, vẫn không thể tiến tới kết hôn hữu hiệu với người công giáo, trừ trường hợp họ được hưởng đặc ân thánh Phaolo hoặc đặc ân Đức Tin.
Số 48.
Khi có một người hay cả hai người trong đôi vợ chồng không công giáo gia nhập đạo Công Giáo sau khi họ đã kết hôn theo luật hay lệ ngoài công giáo như số 47 đã nêu trên thì không được cử hành kết hôn lần nữa theo thể thức giáo luật.
IX- ĐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ
Số 49.
§1. Đặc ân Thánh Phaolô tháo gỡ hôn nhân giữa hai người không chịu phép Rửa Tội vì lợi ích đức tin của người đã được Rửa tội do chính sự kiện người ấy tái hôn, miễn là người không được Rửa Tội chia tay người ấy (đ. 1143§1).
§2. Không được áp dụng đặc ân Thánh Phaolô khi:
– Người lương khi quen biết bên Công Giáo đã gây ra cớ chia tay cho người lương kia, cho dù vào lúc chưa Rửa Tội.
Số 50.
§1. Để người được Rửa tội tái hôn thành sự theo đặc ân Thánh Phaolô, luôn luôn phải chất vấn người không chịu phép Rửa tội để biết:
– ít là người này có muốn sống chung hòa thuận với người đã được Rửa tội mà xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa hay không (đ. 1144§1).
§2. Nếu bỏ qua việc chất vấn mà không xin miễn chuẩn việc chất vấn, hôn nhân cử hành vô hiệu, cho dù có giấy ly dị dân sự chứng minh rằng hai người lương đã chia tay.
Số 51.
§1. Đặc ân Thánh Phaolô được áp dụng theo những nguyên tắc luật định (đ. 1143- 1147), không đòi phải xin phép Đấng Bản Quyền địa phương, trừ khi luật địa phương có quy định cách khác.
§2. Đặc ân Thánh Phaolô được ban cho người thành tâm theo đạo và có đức tin. Vì vậy thời gian huấn luyện dự tòng phải được thực hiện đầy đủ (6 tháng), không được rút ngắn xuống vài tuần lễ; hoặc theo sự nhận xét khôn ngoan của cha sở, thấy rõ là đương sự không thành tâm theo đạo.
X- THÀNH SỰ HÓA HÔN PHỐI
Số 52.
§1. Đối với những đôi hôn nhân đang sống trong tình trạng hôn nhân không thành sự, thường được gọi là rối hôn phối, cha sở tìm cách để thành sự hoá hay hợp thức hóa hôn nhân của họ để họ có thể được sống hiệp thông các bí tích như các tín hữu bình thường.
§2. Để thành sự hoá hợp hoặc thức hóa một hôn nhân bị vô hiệu do có ngăn trở tiêu hôn hoặc việc cử hành theo thể thức giáo luật đã không được tuân giữ (đã làm nhưng bị khiếm khuyết hoặc chưa được làm) thì có thể được thành sự hóa một cách đơn thuần (đ. 1156-1160) hoặc được điều trị tại căn (đ. 1161-1165).
Số 53.
Theo nguyên tắc luật định, thành sự hóa đơn thuần một hôn nhân bất thành do một ngăn trở tiêu hôn, thì buộc ngăn trở phải chấm dứt hoặc được miễn chuẩn, và ít là bên biết có ngăn trở phải lặp lại sự ưng thuận (đ. 1156§1).
Số 54.
Đối với đôi hôn phối khác đạo mà chưa có kết hôn theo luật đạo, cha sở xin Đấng bản Quyền địa phương miễn chuẩn ngăn trở khác đạo và sau đó cha sở chứng hôn cho họ, tức là cử hành sự ưng thuận kết hôn theo thể thức giáo luật (còn gọi là phép giao), tại nhà thờ hoặc hoặc tại nhà riêng của họ (đ. 1118§3).
Số 55.
Khi cử hành thành sự hóa hôn phối tại nhà riêng của đôi bạn, được phép giản lược các nghi thức nhưng phải giữ thể thức chính yếu để được thành sự:
– Hai bên tỏ bày sự ưng thuận kết hôn và vị chứng hôn tiếp nhận sự ưng thuận, theo sách Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân, ấn bản 1991, từ số 159 đến số 163.
Số 56.
§1. Điều trị tại căn một hôn nhân bất thành là việc thành sự hóa hôn nhân ấy mà không buộc lập lại sự cử hành ưng thuận kết hôn, do nhà chức trách có thẩm quyền ban, bao hàm việc miễn chuẩn một ngăn trở, nếu có, và thể thức giáo luật, nếu đã không được tuân giữ, cũng như sự hồi tố của những hiệu quả giáo luật (đ.1161§1).
§2. Thẩm quyền ban ơn điều trị tại căn, tùy theo trường hợp, thuộc về Giám Mục giáo phận hoặc Tông Tòa.
Số 57.
§1. Trong tình trạng rối hôn phối khác đạo hay hổn hợp, nếu bên công giáo muốn hợp thức hóa hôn phối nhưng bên không công giáo kia lại không chịu đến nhà thờ hay gặp cha sở để cử hành kết hôn, cha sở hãy giúp họ xin Đức Giám Mục ban ơn điều trị tại căn, để thành sự hóa hôn nhân của họ mà không cần cử hành nghi thức kết hôn.
§2. Việc điều trị tại căn hôn phối khác đạo hay hổn hợp nói trên bao hàm việc chuẩn thể thức kết hôn theo điều 1127§2. Vì vậy điều kiện để được điều trị hữu hiệu là họ đã có cử hành ưng thuận kết hôn theo luật dân sự, hoặc theo phong tục địa phương, hoặc tôn giáo.
§3. Những đôi bạn chỉ có đang sống chung mà đã không có kết hôn một cách công nào cả theo luật dân sự, hoặc theo phong tục địa phương, hoặc tôn giáo thì không được điều trị tại căn. Họ chỉ có thể được thành sự hóa cách đơn thuần, nghĩa là, phải cử hành ưng thuận theo thể thức giaó luật.
Số 58.
§1. Thủ tục xin được điều trị tại căn một hôn phối bị vô hiệu được thực hiện đơn giản bằng một đơn xin do cha sở và đôi bạn. Khi Toà Thánh hoặc Giám Mục giáo phận ký chấp thuận, hôn nhân được thành sự hóa, bao hàm sự miễn chuẩn ngăn trở nếu có hoặc thể thức kết hôn nếu đã không được tuân giữ (đ. 1161§1).
§2. Khi được điều trị tại căn, hôn nhân được hồi tố giá trị, được hữu hiệu kể từ ngày họ cử hành kết hôn trước đây (đ.1161§2).
Số 59.
§1. Thành sự hóa hôn phối bằng điều trị tại căn không phải vì hôn nhân có ngăn trở nghiêm trọng nhưng vì điểm thuận lợi là không cần thực hiện việc cử hành ưng thuận kết hôn nữa, như trong thành sự hóa đơn thuần.
§2. Chỉ được thành sự hóa hôn phối, hoặc bằng cách đơn thuần, hoặc bằng điều trị tại căn, khi đôi bạn không rút lại sự ưng thuận (đ. 1156§2) và biết chắc họ vẫn tiếp tục duy trì sự chung thủy với nhau (đ. 1161§3).
XI- LY THÂN MÀ DÂY HÔN NHÂN VẪN CÒN
Số 60.
§1. Một bên có được lý do hợp pháp để ly thân khi bị nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác cho mình hoặc cho con cái, hay đời sống chung trở nên nặng nề do người phối ngẫu kia gây nên (đ. 1153§1).[1]
§2. Khi có lý do hợp pháp ly thân, Bản Quyền địa phương có thể cho phép ly thân bằng một văn bản hay sắc lệnh. Tuy nhiên, nếu có nguy cơ khi phải chờ đợi bên nạn nhân cũng có quyền được ly thân trước khi được ban sắc lệnh (đ.1153§1).
§3. Trong tất cả mọi trường hợp, khi hết lý do ly thân thì phải lập lại cuộc sống chung vợ chồng, trừ khi nhà chức trách Giáo Hội đã ấn định cách khác (đ. 1153§2).
Số 61.
§1. Khi người phối ngẫu bên kia gây nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác cho bên này hoặc cho con cái (đ. 1153§1), Giám Mục Giáo Phận có thể cho phép bên này đưa vụ ly thân ra tòa án dân sự, bằng một sắc lệnh (đ. 1692§2).[2]
§2. Đức Giám Mục cũng có thể trao vụ án ly thân cho tòa án giáo phận xét xử và được giải quyết bằng một bản án (đ. 1692) và tòa án giáo phận có thể quyết định cho phép họ đưa vụ ly thân ra tòa án dân sự nếu thấy cần thiết.
Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng, Đại Diện Tư Pháp
Ghi chú:
– Bản nguyên tắc hướng dẫn này có thể sẽ được cập nhật hay bổ túc cho được đầy đủ và đúng đắn hơn.
– Góp ý, thắc mắc xin gởi về jbdung@yahoo.com hoặc Đt 0988214072.
– Tham khảo LÊ NGỌC DŨNG, Cẩm nang mục vụ giáo luật bí tích hôn nhân, Nha Trang 2017.